Cũng vậy, người Phật tử xuất gia và tại gia không nên chỉ nghĩ cho mình, nghĩa là hóa độ những người hữu duyên một cách thành công, mà cũng phải gieo duyên Phật pháp vào những người chưa hữu duyên, để họ trong kiếp tái sinh sau sẽ trở thành người được người khác hóa độ.
Vậy nên chúng ta phải mang Phật pháp đến cho cả 2 hạng người: Hữu duyên và chưa hữu duyên, và như thế có nghĩa là, cho tất cả chúng sinh. Có như thế thì mạch nguồn Phật pháp mới không bao giờ ngưng chảy trên thế gian này.
Có ý kiến sẽ cho rằng “hữu duyên” không chỉ là đúng người, mà còn phải đúng thời điểm, nếu như vậy thì việc hóa độ mới thành công. Vậy chúng ta thử nhìn ra các tôn giáo bạn xem họ vẫn hăng say truyền giáo hàng ngày mà chẳng hề biết đến triết lý “hữu duyên” là cái gì. Gặp ai họ cũng cố gắng tìm kiếm một cơ hội tiếp cận, rồi sau đó thuyết phục.
Nếu chưa thuyết phục được ngay thì dùng các phương tiện khác để thu hút. Khi thu hút được rồi thì sẽ xây dựng thiện cảm, khi xây dựng được thiện cảm rồi thì việc “hóa độ” của họ cũng đã hoàn tất được chừng 60%, phần còn lại là thuyết giảng giáo lý và khiến “kẻ ngoài cuộc” trước đây trở thành tín đồ của họ.
Trong khi chúng ta có một kho triết lý đồ sộ để ngây ngất mà suy ngẫm, họ chẳng cần nhiều đến thế, mà hiệu quả thực hiện thì lại cao hơn chúng ta. Đứng trước sự so sánh này, liệu những người Phật tử chúng ta đã thấy tư tưởng “độ cho người hữu duyên” đã bộc lộ yếu điểm hay chưa?
Thứ 4, bản thân ngay cái khái niệm “hữu duyên” cũng rất mơ hồ. Thế nào là một người hữu duyên với Phật pháp? Chúng ta hãy cùng nhau khảo sát các tiêu chí sau đây:
1. Những người xuất gia là hữu duyên.
2. Những người có công phu tu tập là hữu duyên.
3. Những người hiểu sâu giáo lý là người hữu duyên
4. Những người đã quy y là hữu duyên
5. Những người bắt đầu quan tâm tìm hiểu giáo lý là người hữu duyên
6. Những người được sinh ra trong gia đình Phật tử cư sĩ là hữu duyên
7. Những người đã từng đi chùa là người hữu duyên
8. Những người sinh ra tại những đất nước có Phật pháp đều là hữu duyên.
9. Loài người là sinh vật có trí tuệ và đủ khả năng lãnh nhận giáo pháp, cho nên tất cả con người trên thế gian này là hữu duyên.
10. Mọi chúng sinh đều có Phật tính, vậy nên mọi chúng sinh đều hữu duyên.
Thử hỏi chúng ta xác định thế nào là người hữu duyên đây, khi tiêu chí nào cũng hợp lý? Ngay cả cái khái niệm “hữu duyên” còn quá mơ hồ, thì cái tư tưởng “độ người hữu duyên” là không có cơ sở.
Xét lại mỗi bản thân chúng ta mà xem, chúng ta trước khi biết đến Phật pháp thì là người “hữu duyên” hay “vô duyên”? Có phải trước khi biết thì là “vô duyên”, biết rồi thì là “hữu duyên”? Trước khi biết Phật pháp thì ai cũng thuộc vào dạng “CHÚNG SINH CƯƠNG CƯỜNG” cả. Nếu chờ cho người ta hết cương cường thì mới độ thì việc hóa độ còn có ý nghĩa gì?
Chúng ta nghĩ sao khi cho con của mình đi học. Đứa bé bản thân nó có muốn đi học không? Có ai hỏi ý của con rằng: “Con có thích đi học không? Nếu con thích thì bố mẹ cho con đi. Nếu con không thích thì bố mẹ cho con ở nhà.” Nếu hỏi thì hơn 50% các em bé sẽ đòi ở nhà.
Vì chư Tăng thấy rõ sự đau khổ của người không hiểu đạo lý nên phải bằng mọi giá hóa độ họ, cũng giống như người làm cha làm mẹ thấy rõ sự đau khổ của những người thất học nên phải bằng mọi cách cho con cái đi học.
Người làm cha làm mẹ không đợi đến khi đứa con của mình khởi lòng thích đi học rồi mới đưa nó đến trường, cũng giống như người tu sẽ không chờ cho đến khi chúng sinh “hữu duyên” rồi mới độ. Người cha mẹ không cương quyết đưa con tới trường là người cha mẹ vô trách nhiệm và không thương con. Nếu người tu sĩ nếu chỉ đợi người hữu duyên đến với mình rồi mới hóa độ thì chẳng khác nào những bậc cha mẹ đáng trách đó sao?
Trên thực tế có nhiều người được sinh ra trong gia đình Phật tử, nhưng khi lớn lên vì yêu người Công giáo, nên để cưới được, người đó phải cải đạo. Vì chẳng thấy đạo Phật là quan trọng,mà thấy cô vợ tương lai quan trọng hơn, người đó đồng ý.
Người đó nếu so sánh với bao nhiêu người khác thì “rất hữu duyên” với nhà Phật, nhưng suốt một thời gian dài chẳng được học hỏi giáo lý nhà Phật, không hiểu được giá trị của đạo lý ấy, nên một tiếng sét ái tình đủ làm tan hết cái sự hữu duyên. Nếu người đó hữu duyên và đáng độ như thế, tại sao không thấy vị thầy nào đến độ cả?
Có quan điểm cho rằng với người hữu duyên thì thế nào cuộc sống cũng sẽ đưa họ đến với giáo lý của Đức Phật, mình chẳng cần phải mất nhiều công sức làm gì. Giả sử cho cái lý thuyết đó đúng thì ai dám chắc phải mất bao lâu cái người hữu duyên đó mới tìm đến được đạo Phật một cách tình cờ?
Và dẫu cho tìm được đến nơi thì cả quãng đời trước đó do chưa biết đến Phật pháp, người đó theo thói thường tình đã gây tạo bao nhiêu ác nghiệp. Những ác nghiệp đó nếu lớn quá chắc chắn sẽ cản bước tiến của người đó trên con đường tu tập, và biết đâu cũng đủ mạnh để người đó thối chí, rồi lại rơi vào ác đạo.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Ai cũng nhìn nhận thấy một điều rằng chúng sinh vạn loài mỗi cá nhân đều có một căn cơ riêng, kẻ cao người thấp. Việc độ cho mỗi người khác nhau thì sẽ phải có một phương pháp khác nhau, và thích hợp với những thời điểm khác nhau.
Người mang Phật pháp tới độ cho chúng sinh cần phải giống như một người thầy thuốc giỏi, phải biết “bắt mạch” tâm của con người, hiểu được chính xác bệnh của họ, rồi mới “kê đơn thuốc” giáo lý thích hợp.
Cái phương pháp này được Phật nói là “Tùy duyên”, chứ không phải là tư tưởng “độ cho người hữu duyên” đầy thụ động như nhiều người lâu nay vẫn hiểu lầm.
Đức Phật đã dạy rất kỹ quy trình thực hiện pháp “Chủ động Tùy duyên Hóa độ” trong giáo lý về “Tứ Nhiếp Pháp”. Để đưa được con người đến với giáo pháp, ai cũng phải nắm rõ hành trình: “Bố thí -> Ái ngữ -> Lợi hành -> Đồng sự” rồi sau đó mới đem đạo lý trao truyền. Tuy Phật đã dạy rất rõ rồi mà dường như những người theo Phật ít ai làm theo được.
Trong khi các tôn giáo khác, nhất là Thiên Chúa giáo, họ chẳng được dạy gì về phương pháp này nhưng nhờ sự trăn trở với cuộc đời và nhân loại, con đường họ đi cũng tương tự như thế. Chúng ta được dạy kỹ càng lý thuyết như vậy mà chẳng làm được, còn họ thì nhờ lăn lộn với thực tế mà tự ngộ ra rồi làm tốt hơn chúng ta. Điều này không biết có làm cho quý Tăng Ni, quý Phật tử phải băn khoăn suy nghĩ không?
Nói như thế nhưng không phải người viết đồng ý và cổ súy cho sự truyền đạo bất chấp mọi thủ đoạn như các tôn giáo khác làm. Chúng ta nhìn nhận họ và học họ những điều đáng học, và đồng thời gạn lọc bỏ đi những gì không phù hợp và đi ngược lại các giá trị của Phật giáo.
Đạo Phật dù thế nào, dù bằng phương tiện nào cuối cùng cũng hướng chúng sinh đến con đường tự nguyện, tự giác. Nhưng rõ ràng nếu xét kỹ trong tâm chúng sinh, ý thức tự nguyện tự giác này thường bị hướng vào phía bóng tối của dục vọng, của tham lam, sân hận.
Vì vậy muốn để phát khới sự tự giác hướng thiện, chúng ta phải phổ biến giáo lý rộng rãi để mọi con người đều nhận ra lợi ích của chính pháp mà phát tâm tự nguyện bước theo.
Phật giáo chúng ta không chấp nhận sự cưỡng ép chúng sinh theo kiểu “dí súng vào đầu” của Hồi giáo, hay hình thức ép uổng bằng hôn nhân của Thiên Chúa giáo; mà lại kêu gọi Phật tử nếu cần thì sẵn sàng hy sinh quyền lợi và thậm chí thân mạng của mình để cảm hóa con người.
Không những vậy, trong cuộc đời hoằng hóa của mình, Đức Phật cũng chỉ rõ những hạng người không nên nói pháp để tránh cho chúng ta tốn công vô ích. Như vậy Đức Từ Phụ là một người chu đáo đến hoàn hảo, chỉ dẫn con đường đến nơi đến chốn.
Ngài không cho phép chúng ta bỏ mặc chúng sinh, nhưng cũng không cho phép chúng ta lao đầu vào những sự tốn công vô ích khi chưa đúng thời điểm và đối tượng. Những hạng người mà Người chỉ ra trong kinh tạng Nikaya là những hạng người đang bị thiêu đốt bởi dục vọng, bởi thù hận, bởi kiêu mạn...
Tuy mỗi con người khác nhau ở sở thích, tính tình, quan điểm, ăn uống, nhưng ai cũng có một điểm chung là … phải hít khí trời, uống nước và ăn ngũ cốc để sống. Đó là những điều cơ bản để duy trì và nuôi dưỡng sự sống.
Nếu ai đó lo lắng là mình không biết phải chữa trị căn bệnh cho chúng sinh muôn vạn căn cơ sai biệt thì đã có một bài thuốc bách bệnh và nuôi dưỡng huệ mạng cho chúng sinh, đó là những giáo lý cơ bản về: Luật Nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, Tứ Thánh Đế, Bát Chính Đạo.
Nếu những chân lý này được phổ biến rộng rãi thì ai ai cũng sẽ được chuyển hóa. Giống như một cơn mưa lớn đổ xuống, cây cỏ vạn loài tuy cao thấp lớn nhỏ khác nhau nhưng sẽ tự tiếp nhận lượng nước phù hợp để trỗi dậy mạnh mẽ. Nếu một cơn mưa pháp như vậy đổ xuống, khắp nơi nơi trên đất nước này những chân lý trên được tuyên nói, thì điều thiện cùng với trí tuệ sẽ nảy nở và đơm hoa kết trái.
Điều này có nghĩa là ngoài việc mỗi cá nhân trong đạo Phật, cả xuất gia và tại gia cùng truyền bá chính pháp bằng tinh thần “Chủ động Tùy duyên Hóa độ”, thì Phật giáo Việt Nam cũng cần một tổ chức chặt chẽ hơn để tạo nên một cơn mưa pháp lớn trong toàn cõi nước này.
Xét đến đây, chúng ta cần tỉnh táo mà nhận ra rằng: Tư tưởng “Độ cho người hữu duyên” là không có cơ sở, là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự thụ động và yếu ớt của Phật giáo. Tư tưởng này cần phải được thay thế bằng tư tưởng tích cực “Chủ động Tùy duyên Hóa độ”.
Ngày 02/10 năm 2008
Cư sĩ: Nghiêm Minh Kiên
(
http://www.phattuvietnam.net/)