Mùa xuân là mùa đâm chồi nảy lộc của thiên nhiên. Cách đây hơn 25 thế kỷ, nhân loại cũng đã chứng kiến một hiện tượng "đâm chồi nảy lộc" khác vĩ đại và tuyệt vời hơn nhiều. Không phải của thiên nhiên mà của trí tuệ, không phải làm đẹp cảnh vật mà làm sáng lên một con đường giải phóng chúng sinh thoát khổ. Hiện tượng khai hoa nở nhụy đó là sự thành hình của Tăng đoàn Phật giáo (Tăng già, Sangha) do chính Đức Phật khai sinh, nuôi dưỡng và uốn nắn để từ đó lớn lên, lan rộng, vượt thời gian, tồn tại cho đến ngày nay dưới những chiếc tăng bào nhiều màu sắc trên khắp mặt địa cầu.
Lịch sử cho biết rằng năm 528 đến năm 484 trước Tây lịch là khoảng thời gian 45 năm mà Đức Phật đã đi hết miền Tây bắc nước Ấn Độ, qua các vương quốc Kosala và Magadha cùng nhiều tiểu quốc khác dọc sông Ganges và sông Gandak để tuyên giảng giáo pháp của mình. Đó cũng chính là giai đoạn Ngài khai sinh và xây dựng Tăng đoàn, từng người một, từng ngày một, để đặt nền móng nhưng đồng thời cũng thiết kế và hoàn thiện một công cụ thiện xảo với chức năng, thay Ngài sau này, duy trì bánh xe Chánh pháp được quay đều, và quay bền vững, trong không gian vô tận và thời gian vô cùng.
Trong một xã hội Ấn Độ với thượng tầng văn minh và hạ tầng tổ chức cách đây hơn 25 thế kỷ, trình độ khoa học chưa cao, cơ sở vật chất còn sơ khai, các trường phái học thuật và tôn giáo còn mông muội thần quyền, Đức Phật đã bắt đầu như thế nào với Tăng đoàn sơ khai để sau này, với nội lực khởi động đó, trở thành một trong Tam bảo. Ngài đã bắt đầu như thế nào để kết nạp, huấn luyện và chuyển giao công tác hoằng dương Chánh pháp cho các đệ tử của mình? Ngài đã xây dựng cấu trúc, đặt ra nguyên tắc vận hành, và giải quyết các vấn đề tồn sinh của tổ chức Tăng đoàn như thế nào? Và Ngài đã vạch chiến lược phát triển cũng như giải quyết các khủng hoảng nội bộ như thế nào?…
Những câu hỏi có tính sử học và khoa học quản lý đó đã được Đức Phật đối diện và giải quyết không phải bằng phép thần thông mà bằng tri giác đời thường dưới ánh sáng của tuệ giác Phật giáo. Một số kinh tạng Pàli (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và Tạp A Hàm) cùng những phát hiện sử học, khảo cổ học hiện đại đã hé lộ một số chi tiết, tuy mong manh và vẫn còn sơ phác, nhưng cũng đủ cho các nhà sử Phật học tái dựng lại được vài khía cạnh về vóc dáng và hành xử của một Đức Phật lịch sử trong một khung cảnh xã hội Ấn Độ hiện thực cách đây hơn 25 thế kỷ. Thật vậy, bốn bộ kinh đó là các tài liệu cổ nhất có ghi lại cuộc đời của Đức Phật và hoạt động của Tăng đoàn, đánh dấu bước đầu hình thành Kinh tạng và Luật tạng.
Bài viết này xin nhằm giới thiệu một tò mò xã hội học rất nhỏ về một hiện tượng xảy ra trong buổi bình minh của Phật giáo: Thành phần xã hội nào đã chấp nhận Đức Phật và giáo pháp của Ngài để gia nhập Tăng đoàn trong buổi đầu sơ khai?
Chúng ta đều biết rằng lúc bấy giờ xã hội Ấn Độ được thiết lập theo cấu trúc kim tự tháp, gồm 5 tầng chồng chất lên nhau nhưng nương dựa hữu cơ vào nhau. Đó là một tập hợp những thành phần phức tạp về bản chất và đa dạng về khả năng tiếp nhận giáo pháp của Ngài:
Trên hết là giai cấp tăng lữ mà chủ yếu là giáo sĩ Bà la môn (Brahmin) giữ độc quyền thống trị tư tưởng và tế tự, với một trình độ học thuật cao, dễ thẩm thấu các phạm trù trừu tượng (như Vô ngã, Vô thường, lý Nhân duyên), nhưng lại cao ngạo trong vai trò lãnh đạo tinh thần quốc gia, nhiều sở tri chướng và muốn duy trì đặc quyền đặc lợi của hệ thống giai cấp hiện hành.
Tiếp theo là giai cấp hoàng tộc và tướng lãnh (Sát đế ly, Khattiyas). Họ là thành phần lãnh đạo chính trị, quốc phòng và kinh tế của xã hội, nắm vững quyền sở hữu các nguồn lợi vật chất quốc gia, đề cao giá trị vật dục và triển khai khuynh hướng hưởng thụ trong đời sống thế tục (thân phụ Đức Phật, vua Tịnh Phạn, là một mẫu hình tiêu biểu).
Rồi đến giai cấp kinh doanh và ngân hàng (Phệ xá, Vessas), chủ nhân các phương tiện tích tụ và phân phối các sinh hoạt trồng trọt ngũ cốc, nông nghiệp, vải vóc và thương mãi, tạo vốn tư bản để trao đổi nô lệ và hàng hóa. Họ vừa là cái miệng háu ăn rất lớn vừa là cái bụng phì nộn rất to của xã hội, nhưng trái tim thì khô héo và bộ óc thì cằn cỗi.
Sau đó là giai cấp nô lệ (Thủ đà la, Suddas), tin chắc rằng mình sinh ra từ gót chân của Phạm Thiên, nên thủ phận làm tôi đòi cho các giai cấp trên. Là bắp thịt, là nguồn năng lượng cơ bắp của xã hội, họ thiếu học, nghèo khổ và an phận nhưng đôn hậu, hiền lành và nhiều tình cảm, họ là mảnh đất màu mỡ cho các hình thức mê tín thần quyền phát triển.
Và cuối cùng là một tập hợp đông đảo nhất của một lớp người bần tiện (Pa ri a, Pariahs), không được có giai cấp (casteless) sống bần cùng ngoài lề xã hội, bị các giai cấp ở trên xem như thú vật, không ai muốn liên hệ với (untouchable).
Với 5 loại "đối tượng" như thế, và với một nội dung giáo pháp độc đáo, tân kỳ, phức tạp, cách mạng triệt để, vừa trừu tượng vừa thực tiễn, vừa thần bí vừa khoa học… nhưng tất cả lại đan bện với nhau thành một tổng thể chặt chẽ và nhất quán như các cặp phạm trù Tứ diệu đế/Bát Chánh đạo, Luân hồi/Tái sanh, Duyên sinh/Vô ngã, Niết bàn/Vô thường… làm sao Đức Phật tiếp cận, giảng dạy, thậm chí còn phải tranh luận để thuyết phục những đối tượng có tư duy tri thức và tập quán tâm lý hoàn toàn khác nhau này?
Có lẽ, với thực tế xã hội lúc bấy giờ tại Ấn Độ, bình đẳng trong một xã hội bất bình đẳng là mệnh lệnh của thời đại, và gia nhập Tăng đoàn để thủ tiêu mọi cách biệt giai cấp là tiếng gọi quyến rũ nhất, là một trong những động cơ (cá nhân) nóng bỏng nhất. Giáo pháp của Đức Phật, vốn định vị con người không phải trên giai cấp nhưng trên luật Nhân quả và Nghiệp báo do mình quyết định và tự mình tạo ra, đã san bằng mọi hố sâu thần quyền và chính trị, mọi cách biệt kinh tế và xã hội, mở cơ hội cho mọi người đều bằng nhau: Những vị Phật sẽ thành! Như các con sông mất hết tên gọi riêng biệt khi cùng đổ ra biển lớn (Trung A Hàm, 8.19).
