Một chén trà thơm trong nắng mai, một mái nhà đơn sơ giản dị, với những gì thật đơn giản nhẹ nhàng… là những gì ta có thể quan niệm về một lối sống đơn giản và an nhàn. Điều này rất dễ nhận ra. Nhưng giữa một xã hội xô bồ, đầy những tiện nghi vật chất quyến rũ, làm sao ta có thể tìm thấy được một lối sống có thể gọi là an nhàn và đơn giản. Đó là vấn đề.
Đánh giá một bức tranh với mặt hồ là một tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng, mà bảo là một cảnh trí thanh bình êm ã thì không phải là khó. Nhưng với một bức tranh có những ngọn núi đá trần trụi lởm chởm, bầu trời thì đen kịt và giận dữ, mưa trút xuống dữ dội làm nên những dòng thác hung hãn đổ ào ào nổi bọt trắng xóa. Trong đó tìm cho ra một sự bình an của con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình trong cơn giông tố thì cần phải có một con mắt tinh đời. Và khi chiêm nghiệm, định giá hai bức tranh kia, người thưởng thức nghệ thuật mới nhận ra một điều được thể hiện thầm kín vô ngôn trong đó: Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không có khó khăn cực nhọc. Bình yên là ngay trong phong ba bão táp ta vẫn tìm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó chính là ý nghĩa thực của sự bình yên. Cũng vậy, sự đơn giản thực sự chỉ có được khi phát xuất từ một tâm trạng an nhàn và vô sự, hay đúng hơn là sự đơn giản từ nội tâm.
Chúng ta đã tự mình vẽ nên bức tranh hoảng loạn của thời đại và đau khổ, buồn vui trong đó, với những trận cuồng phong, những dòng thác lũ của dục vọng. Nói khác đi, chính dục vọng đã âm thầm thúc đẩy con người đi đến xây dựng một thế giới mà trong đó nó phải chịu đựng tất cả. Dục vọng là gì? Dục vọng là những tham vọng thèm khát về tài sản, địa vị, quyền thế, về tiện nghi vật chất, về tham vọng được yêu thương chiều chuộng, và thậm chí còn ưa muốn với tới những gì trường tồn vĩnh cửu bất di bất dịch, một cái gì làm thỏa mãn tư dục lâu dài. Tất cả những thứ này đã làm xáo động tâm tư và đời sống của chúng ta. Dục vọng luôn luôn phải có một nội dung là biểu tượng và cảm giác hướng tới đối tượng của chính nó. Biểu tượng có thể là một bức tranh, một hình ảnh, một người, một lời nói… Tóm lại là toàn thể những đối tượng thuộc về lục trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tất cả những thứ này có thể mang lại một khoái cảm, một cảm giác nào đó và chúng ta nảy sinh một cảm giác yêu ghét (xúc thì sinh ái). Nếu cảm giác có thể dễ chịu, nhẹ nhàng, thì ta muốn được nó, có nó và nắm giữ đối tượng ấy và tiếp tục truy cầu những gì thỏa mãn với những tình cảm của mình. Tâm tư luôn biến động thay đổi, muốn tìm cầu cái mới để tiếp tục thỏa mãn và vì vậy, nó bắt đầu thấy đầy ứ, chán chường mệt mỏi với những hình thức tiếp thọ cũ mà tìm kiếm một cái gì đó mới lạ hơn nhằm thay thế và khỏa lấp sự chán chường ấy. Cứ như vậy tâm cứ rong ruỗi theo những đối tượng của dục vọng. Hiển nhiên khi bị lệ thuộc bởi những đối tượng của lòng tham vọng thì nỗi sợ hãi bất như ý luôn quấy động tâm tư. Bởi 'thân người thì hữu hạn mà ước muốn lại vô cùng' nên ước muốn là mầm móng của những nỗi bất an.
Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm kiếp phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm đường
Tất cả những sự kiếm tìm, theo đuổi của tham vọng trên đều xoay quanh một trung tâm điểm duy nhất là bản ngã hẹp hòi. Chán chường mệt mỏi với một đối tượng nào đó ta lại tìm cách lấp đầy bản thân bằng một tham vọng khác. Cứ như thế, với ảo tưởng muốn đem lại sự bình an hạnh phúc cho cái 'tôi', ta lại dễ đánh mất mình trong sự truy cầu ấy. Và cuối cùng còn lại sau hậu trường là một sự trống rỗng khủng khiếp của tâm hồn, trở thành kẻ vong thân trong thế giới nội tại. Thiền sư Suzuki, trong Thiền và Tâm phân học, nói: "Ở đâu chủ nghĩa cá nhân được nhấn mạnh, ở đó cảm giác hỗ tương câu thúc hay căng thẳng ngự trị. Ở đây không có tự do, không có tự nhiên, mà có một không khí hay cấm chế sâu xa, nặng nề đàn áp và đè nén, ức chế người ta và kết quả là đủ thứ hỗn loạn tâm lý"[2]. Như khi ta nói đến cái 'triết lý quần áo' của thế giới biểu hiện thời hiện đại, mọi người ăn mặc vì tất cả mọi người. Hay nói đúng hơn là muốn thể hiện mình trước con mắt phê bình và chỉ trích của mọi người theo quy cách của thời đại. Sự kiện đó chỉ là sự thể hiện mình thành cái gì khác hơn là mình. Điều ấy thú vị, nhưng khi nó đi quá xa, ta đã mất đi cái đặc tính của mình mà trở thành xa lạ.
Quả vậy với phương cách này, càng ngày ta càng trở nên xa lạ với chính mình, 'ngày hết quê xa vạn dặm đường', xa với thực tế sự liên hệ giữa mình với người khác, với nhiên giới trong tiến trình khổ đau cũng như hạnh phúc. Ta quên rằng sự truy cầu cho chỉ riêng cá nhân theo tư dục bản năng chỉ đưa tới khổ đau. Con người hiện đại vong bản đến mức chỉ còn thấy mình tồn tại để hưởng thụ và rồi chán chường tuyệt vọng trong một cuộc sống vô nghĩa lý như một nhà xã hội học, ông Erich Fromm, đã nói về con người hiện đại: " Tôi không cần biết bản thân mình là ai vì luôn luôn tôi bận hưởng thụ" Và "Nó sẽ trở thành những con quỷ, nó sẽ tiêu diệt thế giới của bản thân nó, vì không thể chịu đựng hơn nữa sự buồn chán của một cuộc sống vô nghĩa."[3] Sự đơn giản chỉ có thể xảy ra trong nội tâm. Và sự đơn giản ấy chỉ có thể có được khi nào ta hiểu được những trở ngại, những cố chấp, sợ hãi mà chúng ta đang vướng kẹt. Tất cả chúng ta nói chung, đang 'thích' vướng mắc, thích bị ràng buộc trong nhân thế, trong những vật sở hữu càng nhiều càng tốt, thích là kẻ tù tội lao lung. Trong tâm tư chúng ta đang là kẻ bị trói buộc, dẫn dắt bởi những tham vọng, những thèm khát, những ham muốn và dao động bởi những tâm lý tương tự. Sự đơn giản bình an chỉ có được khi những tác động ấy được chấm dứt, hay là được tự do. Sự phát hiện bên ngoài chỉ là dấu hiệu của trạng huống bên trong tâm thức, và muốn hiểu được trạng huống bên trong tất nhiên phải đi bằng con đường ngoại giới. Như soi gương, hình ảnh trong gương chỉ là những biểu hiện của sự kiện thật bên ngoài. Muốn thấy được mình thì phải nhìn trong ảnh tượng ấy, nhưng để sửa đổi lại không thể thọc tay qua tấm gương được. Chính sự quan sát thâm sâu thế giới ngoại tại như sự hiện thể của nội tâm mình, chúng ta thấy rằng cần thiết phải có một lối sống ít ham muốn, biết vừa đủ, hay là đơn giản để đem lại bình an cho mình, và cho thế giới bên ngoài. Ai dắm chắc rằng điều xảy ra đối với người kia hôm nay không liên hệ tới mình và ngày kia sẽ không xảy ra đối với mình.
Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: "Càng lắm ham muốn lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó, người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân và tâm mình được nhẹ nhàng và thư thái."[4] Trong tâm còn có một đối tượng nào để tìm cầu, dù là danh tiếng lương thiện, ly dục, thì sự đơn giản hay tri túc chưa thể nói tới một cách trọn vẹn. Sự đơn giản thực sự phải là tinh thần vô nguyện, không mong cầu, tức là không đặt bất cứ một đối tượng nào để chạy theo nó. Còn chạy có nghĩa là tâm vẫn chưa được an trú. Lòng khao khát có nhiều hơn nữa, sự theo đuổi những biểu tượng, những tiếng, những lời, những hình ảnh, với những cảm giác do chúng tạo ra, tất cả những điều này phải được nhận diện và chuyển hóa, có thế tâm trí mới mong trở nên sáng tạo, nơi trạng thái sáng tạo này, sự mới lạ luôn luôn xuất hiện. Sự sáng tạo ấy là sự thức tỉnh của tâm trí để đón nhận những gì mới mẻ xảy ra trong thế giới chuyển biến vô thường.