Trong kinh Phật thường dạy pháp của Phật là thuốc trị lành tâm bệnh của chúng sanh. Nếu chúng sanh có bệnh gì thì Phật dùng thuốc ấy để trị.

Giảng tại Thiền viện Quảng Ðức (Văn phòng II) - 2000.
Cùng tất cả Tăng Ni giảng sư, hôm nay tôi được Ban Hoằng Pháp mời giảng giải cho quý vị một buổi. Ðối với tôi giảng giải là trách nhiệm của người tu sĩ, chứ không phải việc bên ngoài. Lúc nào đủ duyên, tôi rất sẵn lòng, trừ trường hợp đặc biệt không thể đến được thì thôi.
Hôm nay tôi nói chuyện với tất cả Tăng Ni đề tài: Phật pháp là thuốc trị tâm bệnh cho chúng sanh. Ðề tài này thật ra rất rộng, bởi vì nó bao gồm toàn bộ giáo lý Ðại thừa cũng như Tiểu thừa của Phật giáo. Nhưng có thể tùy theo hoàn cảnh, thời gian tôi nói được bao nhiêu hay bấy nhiêu, quý vị theo đó lãnh hội được chừng nào tốt chừng ấy.
Trong kinh Phật thường dạy pháp của Phật là thuốc trị lành tâm bệnh của chúng sanh. Nếu chúng sanh có bệnh gì thì Phật dùng thuốc ấy để trị. Như vậy chúng sanh có bao nhiêu bệnh, Phật có bấy nhiêu thứ thuốc. Chúng sanh có tám muôn bốn ngàn phiền não trần lao thì Phật cũng có tám muôn bốn ngàn pháp môn.
Bởi vì để đối trị bệnh của chúng sanh nên Phật mới nói ra tất cả pháp, với mục đích dạy chúng ta học và tu. Khi tu học xong chúng ta đem pháp ấy tiếp tục chỉ dạy cho những người khác, đó là con đường hoằng pháp lợi sinh. Nói hoằng pháp lợi sinh, nhưng thực nghĩa của nó là dạy phương pháp cho chúng sanh trị lành tất cả tâm bệnh của họ thôi.
Thuốc của Phật trị cho chúng sanh hết bệnh và sống hoài không chết. Vì vậy nhập Niết-bàn gọi là vô sanh, mà không sanh thì làm gì có tử? Như vậy tu theo Phật để đi đến chỗ cứu kính là giải thoát sanh tử, vượt lên trên dòng sanh tử. Uống thuốc của đức Phật, chúng ta sống được bao nhiêu tuổi? Vô lượng tuổi, không thể tính đếm được. Nên nói đức Phật là Vua thầy thuốc (Vô thượng y vương). Ðó là nghĩa thứ nhất.
Nghĩa thứ hai, thầy thuốc thế gian trị bệnh cho người nhưng tới khi mình bệnh thì trị không được, phải nhờ bác sĩ khác trị. Ðức Phật thì ngược lại, Ngài tu để trị lành tất cả bệnh của mình rồi, sau đó mới trị bệnh cho người khác. Ðó là Ngài dạy pháp tu để chúng ta biết trị những tâm bệnh cho chúng ta. Nhờ trị tâm bệnh được lành nên chúng ta mới khỏi dòng luân hồi sanh tử.
Chúng ta thấy Phật dạy mình làm, dạy mình tu những gì Ngài đã đạt được. Ngài đã thoát khỏi sanh tử, nên mới dạy chúng ta tu để ra khỏi sanh tử. Rõ ràng Ngài đã tự cứu và cứu chúng sanh, còn thầy thuốc ở thế gian đã tự cứu không được, mà cứu người thì có giới hạn nào thôi. Như vậy khả năng của Phật xứng đáng là vua thầy thuốc rồi.
Phật là vua thầy thuốc, bây giờ quý vị là giảng sư thì quý vị sẽ là gì đây? Là một người quảng cáo thuốc của đức Phật hay là con vua thầy thuốc, cháu vua thầy thuốc? Là con cháu ông Vua thầy thuốc, chớ không phải thầy thuốc thường đâu. Như vậy quý vị mới thấy tầm vóc quan trọng của một người tu.
Tôi trước kia cũng từng làm giảng sư, giảng nơi này, nơi kia. Thời từ năm 1954 cho tới 1963 là những năm chúng tôi nằm trong Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo miền Nam. Thật ra khoảng thời gian đó, chúng tôi đang học tại Ấn Quang, nhưng Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng Pháp là Thầy của chúng tôi, bắt chúng tôi đi giảng khi còn học Trung học năm thứ hai, thứ ba. Một năm học có ba đợt nghỉ, đợt tết nghỉ một tháng, đợt đầu hạ nghỉ một tháng, đợt cuối hạ nghỉ một tháng. Mỗi tháng nghỉ đi giảng hết ba tuần, thành ra còn có mười ngày thôi. Tùy theo sự phân bổ của Ban Hoằng Pháp, chỗ nào cần thì chúng tôi đi. Nhớ lúc đó bốn huynh đệ chúng tôi trong Ban Hoằng Pháp, tôi là một, thầy Huyền Vi là hai, thầy Thiền Ðịnh là ba, thầy Từ Thông là bốn, thường được mời đi giảng nhất.
Khi đi hoằng pháp, mỗi người có một sở trường, không ai giống ai cả. Nên bây giờ giảng cho lớp giảng sư, tôi thấy rằng không thể nào đem một khả năng riêng, một nghệ thuật riêng của từng cá nhân, truyền đạt cho quý vị mà gọi là đủ được. Thời chúng tôi, thầy Huyền Vi giảng là ăn khách nhất, Vì sao? Vì thầy có những ưu điểm:
1- Thầy khéo chọc cười. Khi giảng mà thấy người ta hơi thiu thiu thì thầy kiếm chuyện nói cho người ta cười rộ lên, nhờ thế mà hết buồn ngủ, nên rất nhiều người thích. Ðó là ưu điểm thứ nhứt.
2- Thầy có tài viết chữ Hán bằng tay trái. Khi nào cần dẫn danh từ chữ Hán, thầy bước xuống bảng cầm phấn viết bằng tay trái, lúc đó người ta chú ý theo dõi và rất thích thú. Ðó là ưu điểm thứ hai.
3- Thầy chịu khó học ngoại ngữ, nhất là tiếng Phạn. Ví dụ nói Bồ-đề thì thầy thuộc chữ Bồ-đề, tiếng Phạn viết như thế nào. Thầy còn học cả chữ Anh, chữ Pháp nữa. Khi giảng tới từ đó, thầy nói chữ Phạn, rồi nói chữ Anh, chữ Pháp; người ta nghe say mê. Ðó là ưu điểm thứ ba.
Ba sở trường của thầy Huyền Vi, tôi không được cái nào hết. Tôi không có tài chọc cười, tôi không biết viết tay trái và tôi cũng không học tiếng Anh, tiếng Pháp nữa. Nên tôi thua thầy những điểm đó.
Thầy Từ Thông thì có sở trường vẽ. Thầy nói con cò, liền quẹt quẹt vài cái là nhìn thấy con cò, nên người ta cũng chú ý. Riêng tôi, tôi không có sở trường nào cả. Tôi chỉ đào sâu vào đề tài mình giảng, cố gắng hết lòng cho người nghe lãnh hội vậy thôi. Nên so với quý thầy, tôi thuộc hạng trung bình.
Khi đi giảng, Giáo hội lại thường phân công đi chung hai, ba người. Người nào giảng ăn khách thì được mời hoài, còn người giảng dở thì có mặt mình cũng coi như bị quên. Vì vậy đi chung với người giảng giỏi buồn lắm. Nhưng tôi với thầy Huyền Vi có cái duyên đặc biệt, thầy giảng ăn khách nhưng có ai hỏi thì thầy để tôi trả lời. Thành ra hai chúng tôi hỗ tương nhau cũng được.