III. Những Trở Ngại Khi Hành Thiền
Viết để diễn tả những vật hay những sự việc cụ thể cho bạn hiểu, đối với tôi đã là khó rồi, mà lại viết về vấn đề tâm linh thì lại càng khó hơn. Dù vậy, tôi cũng sẽ cố gắng tận dụng khả năng của mình và mong bạn cũng cố gắng hiểu được nhiều chừng nào hay chừng nấy. Vì để bạn có thể dễ hiểu hơn, tôi sẽ mượn một số ví dụ xen kẻ vào giữa các mạch ý, xin bạn thông cảm cho.
Trong các phần trước, tôi đã nói thế nào gọi là Thiền và Thiền đem đến cho ta một sự yên tĩnh vô cùng, để ta có thể tìm thấy được vô thức, và vối vô thức đó ta mới hiểu được chân lý về con người và vũ trụ.
Thiền có nhiều cách thức, trên tư thế ngồi, nằm, đứng, người ta còn nói đến "đi" nữa - nhưng "đi" là một trạng thái "động". Nếu thân thể ta động thì tâm, ý ta cũng phải động, nên - theo thiển ý của tôi - thì ta không thể Thiền ở trạng thái đi, mà "nếu được" thì cũng rất khó tập trung hoặc dễ xảy ra tai nạn lắm.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, tôi xin nói qua về một số khái niệm tổng quát của vấn đề Thiền. Các bạn đã biết Thiền không biết có từ lúc nào, chứ không đợi đến lúc Phật Thích Ca xuất gia rồi mới có. Do đó, Thiền không phải là độc quyền của Đạo Phật, vì Đạo Phật khởi nguồn từ sự Thiền của Phật Thích Ca và muốn trở về chân thể Phật (Phật tính) thì phải qua nguồn Thiền. Đến đây có lẽ bạn sẽ hỏi tôi. Tu theo Phật đâu chỉ riêng phái Thiền Tông mà còn có Tịnh Độ và Mật Tông nữa chứ? Tôi xin thưa "Dạ, đúng vậy". Phật Thích Ca sau khi đã ngộ đạo, Ngài đã rao giảng thuyết pháp hơn 40 năm cho nên Ngài nói đến nhiều vị Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Ngài nói đến sự khổ, và tu bằng cách nào để lìa xa sự khổ, sự luân hồi và thành bậc Giác Ngộ. Do đó, về sau có nhiều bộ Kinh. Trong Kinh A Di Đà, Ngài nói: "Phật xưa có nguyện, nếu có chúng sanh, muốn sanh về nước Cực Lạc của ta, thì nên phát tâm mà trì niệm danh hiệu Ta không xao lãng" thì khi lâm chung được Ngài với chư Thánh, chư Bồ Tát hiện thân đến tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc (Thông Bạch Lễ Vía Đức Phật A-Di-Đà- chùa Pháp Hoa - Nam Úc Tuần Báo 31/12/1999). Chính vì thế mà về sau người tu Phật vịn vào Đại Nguyện này tu tắt và sinh ra phái Tịnh Độ. Còn Mật Tông thì sao? Cũng là một phương thức tu tắt nữa, chỉ chuyên trì chú (tức là những câu chú của các vị Phật đã được ghi ra trong kinh điển), vì trong Kinh có nói đến sức mạnh và công đức của câu chú như về chú Đại Bi: Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật rằng: "Lạy Đức Thế Tôn, nếu các chúng sinh tụng chú Đại Bi, mà còn sa vào ba ngã ác (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh) con thề không thành chánh giác, tụng chú Đại Bi nếu không được sinh sang cõi Phật, con thề không thành chánh giác, tụng chú Đại Bi nếu không được tam muội hùng biện, con thề không thành chánh giác, tụng chú Đại Bi trong đời này cầu gì chẳng được nấy, thì không thể gọi là chú Đại Bi được." Các bạn đã thấy được thần lực của bài chú Đại Bi qua lời Đại Nguyện của vị Bồ Tát rồi chứ gì? Chính vì vậy mà trong Phật giáo các bài chú không được dịch ra tiếng khác ngoài tiếng Phạn, vì sợ rằng dịch sang tiếng khác thì thần lực, hiệu năng của câu chú không còn nữa. Do đó các Phật tử thường đọc các câu chú trong các buổi lễ, buổi sám hối, nhưng lại không hiểu nghĩa bài chú, đó cũng là một điều đáng tiếc, khi mình muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Phật Pháp. Theo tôi nghĩ, ta có thể đọc bài chú theo tiếng Phạn, nhưng ít ra các Thầy, các vị Trí giả của Phật giáo có thể giúp Phật tử hiểu được nghĩa của những điều mình đang đọc thì hay hơn. Phật giáo ở Việt Nam gắn liền với đại đa số dân tộc, tuy nhiên sự hiểu biết của Phật tử về Phật giáo hãy còn giới hạn vì thời xưa thì sử dụng Hán văn, và một số như các bài chú, các danh từ thì sử dụng âm theo tiếng Phạn, cho nên phần lớn Phật tử chỉ theo mà không biết gì về giáo lý, mãi về sau nhờ các nhà sư, các trí giả dịch các sách kinh ra chữ Quốc ngữ thì giáo lý Phật giáo mới được phổ biến rộng ra.
Đó là 2 phái tu tắt, còn phái tu Thiền thì cố nương theo con đường của Phật Thích Ca đi mà tiến tới, nhưng rất tiếc là Phật Thích Ca không chỉ rõ Thiền như thế nào để đạt được kết quả. Vì thế mà đệ tử cũng phải lần mò theo hướng nào mà họ hiểu được rải rác trong các kinh, họ vận dụng cách riêng như thế nào để tạo được sự yên lặng của tâm và ý để họ đạt đến sự giác ngộ, tức là nhìn thấy sâu vào tận đáy hồ vô thức (để chứng minh điều này mời các bạn đọc bài "Đời tu của tôi" của Thầy Thích Thanh Từ trong "Xuân trong cửa Thiền" Tập 4, trang 167 -207).
Chính vì vậy mà con đường tu của Tu sĩ Phật giáo trở thành gian nan. Họ hiểu được nhân quả, về luân hồi, về lục đạo, về Tứ diệu đế,về thập nhị nhân duyên, về địa ngục, về Niết bàn..., nhưng họ lướng vướng ở chỗ 'Thiền Thế Nào?'. Đó là lý do cho ta giải thích và để hiểu tại sao người này lại quán về bạch cốt, quán hơi thở, người lại kềm tư tưởng vọng lên, quán ánh sáng, quán âm thanh... và người thì đặt tâm ở chỗ này, người thì đặt tâm ở chỗ kia... Vị tu sĩ nào tu có kết quả, ngộ đạo được ít nhiều thì hướng dẫn đệ tử rồi trở thành phái riêng, lấy địa danh hoặc Phật hiệu của Thầy làm tên phái như phái Thần Tú, Tào Động, Lâm Tế, Vĩ Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn, Tòng Lâm, phái của Thanh Hải, Phái Thầy Thích Thanh Từ, phái Thầy Thích Nhất Hạnh, phái Thầy Tám Lương Sĩ Hằng, nhân điện Lương Minh Đáng...v..v...
Thưa bạn, tôi phải lòng vòng đưa bạn đi, chắc có lẽ bạn cũng không thích thú mấy, nhưng nếu Thiền để tĩnh tâm trong trạng thái yên nghỉ thì rất dễ, bạn chỉ nằm ịch xuống, hay ngồi yên không suy nghĩ, thế là xong. Thiền mà để khám phá tâm linh thì phức tạp hơn, nó có những trở ngại của nó, bài nầy tôi đang viết cho bạn về những trở ngại đó.
Theo ước đoán của tôi, chắc bạn cũng có lần xem phim kiếm hiệp của Tàu và bạn hiểu ít nhiều "Tẩu Hỏa Nhập Ma". Họ cũng Thiền đấy, trong lúc Thiền họ xuất thần để tâm đeo đuổi, tập trung vào các thế võ, các lối đánh, các huyệt đạo, chỗ nhược ác hiểm để sáng tạo ra lối đánh mới "thần sầu quỉ khốc" hơn. Nhưng nếu trong lúc đó, thình lình có tiếng động lớn hoặc biến cố mạnh bạo làm họ giật mình và tâm thức họ trở về không kịp thì họ sẽ khùng khùng "mad mad". Trong phim thì họ trở nên dở khùng, dỡ điên và ói máu ra, bạn sợ không? Tình trạng nầy rất nguy hiểm cho người Thiền để xuất hồn hoặc quán ánh sáng.
Còn quán âm thanh thì sao? Khi bạn đã phát hiện hoặc bắt được "âm thanh vi diệu" bạn cứ ngỡ bạn là Bồ Tát hay Phật, hay là với âm thanh đó, địa vị tu hành của mình thuộc về cấp cao, rồi bạn sẽ ham Thiền, lúc nào cũng có vẻ lim dim như muốn ngồi Thiền, rồi bạn sẽ thấy cuộc sống hiện tại là "vô thường", là sẽ không có là gì cả bạn sẽ chẳng màng đến vợ, con, đến nhu cầu của gia đình và rồi dần đưa đến sự tan vỡ. Ngay bản thân mình nửa mơ nửa thực, tỉnh chẳng ra tỉnh mà mê cũng chẳng ra mê. Sống chẳng ra sống mà chết không ra chết. Đó là ý ngay đoạn đầu tiên tôi đã viết: "Và ngược lại, cũng có bao chuyện buồn vui cười ra nước mắt, hay trở thành bi thảm cũng vì Thiền".
Do đó, vì hoàn cảnh mưu sinh ta đã chọn nghề làm rẫy khổ nhọc này, đầu óc căng thẳng, làm việc liên miên, công việc tới tấp, nắng đổ lửa lên đầu, lên thân thể, tôi cũng muốn bạn chia sẻ "sự quên đi" nỗi cực đó cùng với tôi qua sự tĩnh tâm, sự Thiền và hầu giúp bạn có một quan niệm, một cái nhìn về cuộc đời khác vui vẻ và thoải mái hơn lên. Đúng ra tôi chỉ viết trong khuôn khổ ngần ấy thôi, nhưng đôi khi vì căn duyên của bạn có thể tiến xa hơn nữa mà nếu tôi không lượng trước sẽ vô tình đưa bạn vào cõi chới với thì thật là "tội lỗi". Do đó tôi phải viết luôn ra, rồi ai thích làm thế nào thì tùy thích. Ai thích "rest" thì "rest", ai thích khám phá thì khám phá. Vui vẻ cả mọi đàng, có lẽ bạn thắc mắc tại sao tôi hay nói về thuyết của Phật giáo? Bạn thử nghĩ "Phật giáo là gì?" có phải là giáo lý đó được phát sinh từ sự Thiền của một người: "Phật Thích Ca" không? khi Sít-đạt-ta chưa Thiền, chưa ngộ đạo thì chưa có giáo lý Phật giáo. Và chỉ có giáo lý Phật giáo sau khi Thích Ca đã ngộ Thiền, vậy thì Thiền gắn liền với giáo lý Phật giáo và nếu nói xa hơn nữa thì giáo lý Phật giáo cũng chẳng mới mẻ gì trong vũ trụ cả dù có hơn 2000 năm nay. Tại sao? Nếu không thì Phật Thích Ca đã chẳng giảng rất nhiều về các vị Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai - vô số chư Phật, Phật ở tới Mười phương chứ không phải bốn phương, tám hướng. Con đường đó là con đường tất nhiên của người hành Thiền sẽ đến. Thích Ca hành Thiền và đã đến, nếu ta hành Thiền đúng hướng ta cũng sẽ đến. "Thích Ca là Phật đã thành, nhất định ta sẽ là Phật sẽ thành". Còn các tôn giáo có khác nhau hay không? Bạn sẽ tìm được câu trả lời chính thức của nó. Khi bạn đã ngộ được Thiền. Bây giờ bạn cho phép tôi miễn bàn đến việc ấy. Đoạn trên tôi có đề cập đến ý thức, tiềm thức và vô thức sẵn đây tôi chứng minh bằng sự kiện khoa học cho bạn hiểu cụ thể hơn: Điều ta biết về con người, về trái đất giống như là tầng ý thức vậy, ta biết rất nhiều nhưng đôi khi còn những điều ta vẫn chưa biết - tầng tiềm thức giống như điều ta biết hay chưa biết về Thái Dương Hệ tức là biết mập mờ, không rõ ràng và Tầng vô thức giống như là các thiên hà và tổng thể vũ trụ vậy.
Bạn có hiểu thế nào là "phiền não thị Bồ Đề" hoặc "Hồi Đầu Thị Ngạn" không? Các bạn có hiểu khi Tâm thức (Phật tánh) vì u mê, ham vui thích chơi đưa chân bước xuống bến mê (Mê Tân) để nhập vào cuộc vui của trần gian, chơi, đánh đập, đâm chém, bệnh hoạn, chết chóc, đau khổ, vui buồn lẫn lộn, chìm đắm trong bể khổ (Khổ Hải) người thì lờ đờ trên mặt nước (Thiên) người thì chơi ở lưng chừng (A-Tu-La, Nhân), dưới nữa (Ngạ Quỷ, Súc Sanh) và dưới đáy (Địa Ngục). Ở đó chơi hết vai trò này đổi sang vai trò khác (hết kiếp - chuyển kiếp hay là luân hồi) đến một lúc nào đó, bạn thấy cuộc chơi đó không còn vui nữa, chỉ là một điều đau khổ, phiền não bạn suy nghĩ lại (Phiền Não Thị Bồ Đề) và bạn bắt đầu từ bỏ cuộc chơi để lội vào bờ (Hồi Đầu Thị Ngạn). Khi tới bờ bây giờ không còn là Mê Tân nữa mà là bờ giác (Giác Ngạn). Bạn chỉ cần bước lên bờ, lập tức bạn đã thành Phật (là bậc giác ngộ) bạn có thể hiểu được đại khái không?