Nhập thế gian (Vũ trụ quan trong đạo Phật)
Đầu tiên chúng ta cũng cần nên có "Một cái nhìn" mới về Đạo Phật trong thời đại hiện tại, khi khoa học đã có nhiều tiến bộ với những bước dài về không gian, điện tử, vi tính, tin học, y khoa, vật lý, hóa học, vũ trụ... Để từ đó chúng ta có thể thấy "Đạo Giác Ngộ" (Đạo Phật) là thành tựu do phát triển tột cùng của Tâm thức con người, chúng sanh;
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật có thuyết:
"Chơn tâm này, cũng tức tất cả pháp; tức là tâm; tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhận thức giới cho đến ý thức giới; tức Tứ đế; tức Thập nhị nhân duyên; tức là Lục độ; tức là Phật và bốn đức Niết bàn. Nói tóm lại, Chơn tâm tức là tất cả Pháp thế gian và Xuất thế gian". (Phật Học Phổ Thông VI-VII, Thích Thiện Hoa, trang 138-139).
Như vậy "Chơn tâm" là đầu nguồn của mọi vấn để, cũng là cái cuối cùng của vòng đi và đến trong toàn bộ triết thuyết Đạo Phật gồm cả Nhân sinh quan và Vũ trụ quan.
"Chơn Tâm tức là tất cả Pháp Thế gian và Xuất Thế gian".
Trước khi bàn đến Xuất Thế gian: Tức là bàn đến các vấn để gút mắt giải thoát hay các cách, các pháp hướng về Niết bàn, thiết tưởng chúng ta cũng cần tìm hiểu về cách nào mà chúng sinh đã "Nhập" vào thế gian để phải chịu nhiều khổ đau hệ lụy, chìm đắm trong "bể khổ mênh mông".
Nhưng, đầu tiên chúng ta cũng cần nên có "Một cái nhìn" mới về Đạo Phật trong thời đại hiện tại, khi khoa học đã có nhiều tiến bộ với những bước dài về không gian, điện tử, vi tính, tin học, y khoa, vật lý, hóa học, vũ trụ... Để từ đó chúng ta có thể thấy "Đạo Giác Ngộ" (Đạo Phật) là thành tựu do phát triển tột cùng của Tâm thức con người, chúng sanh; Tâm thức ấy đã đạt được đến Chân lý, và từ Chân lý đó người ta có thể giải thích vũ vũ trụ, con người, chúng sanh và những hiện tượng huyền bí, kỳ diệu của cuộc sống trong thế gian nầy; chứ không như người ta đã có những khái niệm một cách bi quan về Đạo Phật như trước kia.
Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày một số điểm sau đây để chúng ta cùng lược qua:
I- Thay đổi "một cái nhìn" về Phật giáo:
- Từ xưa, người ta thường hay nhìn vào Phật giáo như là một Tôn giáo bi quan, đó là đứng trên một quan điểm thiển cận và khiếm khuyết, tự tạo cho mình cái khuyết tật về một cái nhìn, vì Đức Phật không phải nêu lên những cái khổ để rồi chúng sinh phải biết hoặc cảm nhận là mình khổ. Đức Phật nói đến các sự khổ mà chúng sinh loài người đã nhận lãnh, rồi sau đó Ngài cũng phân tích đến "nguyên nhân" của sự khổ cùng đưa ra cách "diệt khổ" và phương thức để thoát khỏi vòng khổ bằng con đường đạo: "Đạo đế". Thì như vậy, Đạo Phật không phải là "một Đạo bi quan" mà là "rất tích cực" đưa con người, chúng sinh đến "con đường vui, thoát khổ".
- Quan niệm sai lầm thứ hai: Đạo Phật không phải là Đạo riêng của những người Phật tử, mà Đạo Phật phải nói là Đạo của loài người, của mọi loài chúng sinh; là một "Đạo Giác Ngộ" của tất cả các loài có sự sống trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), sáu nẻo Luân hồi (Thiên, A-Tu-La, Nhân, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh), nhằm đưa Tâm thức của các loài rời cơn "mê muội" mà trở về "Cội nguồn" bằng sự giác ngộ hầu thoát khỏi "bể khổ mênh mông".
- Đạo Phật không phải là Đạo do lòng tham ái, vinh danh của Giáo chủ sáng lập, nhằm tập hợp những con người theo đạo phải sùng bái Giáo chủ như là Thần, Thánh thay thế cho Đấng Tối Cao thần thoại nào đó; Hoặc được sản sinh do lòng tự ái của dân tộc; hay "rắp tâm" đưa dân tộc mình thực hiện mộng bá quyền bằng quyền lực Tôn giáo. Mà Đạo Phật phát sinh từ một sự từ tâm, thương yêu tất cả mọi chúng sinh và hướng dẫn đưa chúng sinh thoát khỏi các sự khổ, tìm đến được bến bờ yên vui.
Không có một chủ thuyết "Đại Đồng" nào bằng sự "đại đồng" trong Phật giáo.
- Đạo Phật sản sinh từ sự thực nghiệm, chứng thực của một con người; Con người siêu nhân đó đã dám từ bỏ sự giàu sang, phú quý để sống đời đạo hạnh, gian khổ, tìm con đường giải thoát nhằm hướng dẫn mọi loài đến con đường giác ngộ và giải thoát mà chỉ tự xưng là Đạo sư.
- Đạo Phật phát triển bằng con đường hòa bình, nhân ái , không hề dọa dẫm, dụ dổ, mua chuộc hay dùng quyền lực hoặc theo một chủ nghĩa thực dân, đế quốc nào để bành trướng trên 2,500 năm: Nhân từ để giác ngộ muôn loài.
- Đạo Phật không đưa tín đồ vào sự mê muội, tin theo. Tín đồ không phải "nhắm mắt, đờ đẩn" làm theo điều chỉ dạy và chịu những trói buộc do Giáo hội đặt ra. Đạo Phật cũng không đào tạo những con người học thức, khoa bảng mà đầu óc lại u mê, thao túng giáo hội và đầy quyền lực với tín đồ; mà những người tu hành trong đạo Phật tự mình tinh tấn trên đường tu, vừa giác ngộ cho mình (tự giác), đồng thời giúp người khác giác ngộ (giác tha).
- Giáo lý Đức Phật nói ra là những điều chứng thực trong thiền định, tĩnh tâm của Ngài, là một con đường đã được kiểm chứng. Nếu ai cũng làm như Ngài thì sẽ đạt đến mức độ như vậy, thế cho nên Ngài mới nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành". Đó là một sự bình đẳng "tuyệt đối" giữa Ngài và chúng sinh!
- Đức Phật thể hiện cho "một con người Thánh thiện hoàn toàn", không phải là con người có những điểm ác độc đại diện cho một "Đấng" độc ác nào đó từ thần thoại sinh ra.
- Giáo lý Đức Phật mang đầy đủ tính Triết lý nhân sinh với tính nhân bản, khai phóng; đầy đủ tính cách Tôn giáo bằng sự cứu rỗi cho mình, cho người; giải thoát khỏi sự khổ đau, tìm về cõi thanh tịnh an vui; đầy Thiện tâm với Tứ vô lượng tâm; và mang tính luận lý, khoa học, biện chứng qua các dẫn chứng, ví dụ trong kinh điển, những điều khoa học đó mà đến ngày nay khoa học tiến bộ phải công nhận là đúng.
- Các kinh điển của Phật giáo có hai công dụng: Một là tìm trong đó để hiểu, tìm thấy phương cách thực hành vì đạo Phật là đạo thực hiện con đường giải thoát. Hai là lấy những điều trong kinh điển để kiểm nghiệm lại điều mình đã chứng được trong khi thực hiện để "đi đúng con đường".
- Kinh điển của Đạo Phật do Đức Phật thuyết về những cảnh giới, những hiểu biết và những đạt được để thực hành chứ không phải là những câu chuyện suông đầy tính chất hoang đường, thần thoại như "các chuyện mơ mộng, thần tiên, huyễn ảo, thiếu thực tế để mê hoặc những "đầu óc trẻ con".
- Qua đó, Đức Phật cũng trình bày lại những chứng nghiệm, nhận thức chính mình đã đạt được, giải thích và chỉ cho chúng sinh bằng cách nào để đạt được đến mục tiêu ấy. Bởi thế, Ngài chỉ là một Đạo sư, chứ không nhân danh cho "Một Đấng Tối Cao" nào cả để vinh danh cho chính mình như người thế gian thường hay làm. Nhân cách khiêm tốn ấy khó tìm được ở bất cứ một giáo chủ hay ở một tôn giáo nào khác. Tính cách "độc tôn thần quyền" là một sự độc tài trong tâm thức, bắt buộc các tín đồ chìm đắm vào u mê, mê muội phải cúi đầu vâng theo, dù giáo chủ đang đưa đám tín đồ ấy đi vào địa ngục. Và những "thừa hành trí thức" như những tay sai mang đầy tội lỗi và ác tính, nhưng cũng không kém "bản chất mê muội" của thế gian nầy.
Đạo Phật có nhiều đặc điểm khác với các Tôn giáo khác. Vì thế, ta không thể lấy mô hình chung của các tôn giáo ấy mà nhìn, hay nhận xét về Đạo Phật. Nếu vậy, ta sẽ sa vào sự "mê lầm", điều mà Đức Phật không muốn người nào, hay chúng sinh nào phải bị như thế cả. Vì Phật là giác ngộ, "Đạo Phật" là "Đạo Giác Ngộ", đạo giúp chúng sinh xa lìa u mê để tìm về con đường giải thoát thoát khỏi sự khổ và đến cõi "an vui thường hằng".
II- Chơn Tâm và Vũ Trụ:
Trên tinh thần tìm hiểu và trao đổi, trong bài nầy chúng tôi sẽ đóng góp những điều hiểu được qua các lời giảng của Đức Phật nói về Vũ trụ và Chơn tâm.
Thành thật mà nói, chúng tôi rất thích thú về chữ Phật với cái nghĩa là "Giác Ngộ" của nó; cho nên đôi khi chúng tôi hay dùng Đạo "Giác Ngộ" thay thế cho tiếng Đạo "Phật". Vì "giác ngộ" mới nhắc nhỡ cho mình nhớ đến con đường thoát khỏi u mê, trở về với bản giác để tìm được Chơn tâm. Ai cũng có tâm thức, ai cũng có linh hồn thì tìm lại được linh hồn, tâm thức chơn thực, sáng suốt của chính mình lại chẳng là nhờ vào sự tĩnh thức, giác ngộ ấy ư?
Rồi chúng tôi nhớ lại Đức Phật Thích Ca cũng là một con người bằng da bằng thịt như thân thể của chúng tôi, của tất cả mọi người, Ngài không khác với ai cả. Ngài cao thượng hơn vì dám bỏ cung vàng điện ngọc, giàu sang phú quí, vợ đẹp con ngoan để sống đời đạo hạnh; tìm đường giải thoát mà người khác không dám làm. Ngài cũng phải vất vả tìm thầy học đạo trong thời gian sáu năm dài. Cuối cùng, Ngài tuyệt vọng trở về núi Koda "ngồi dưới gốc cây Bồ Đề mà thề rằng: "Nếu ta không thành đạo, thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này". Với chí hùng dũng cương quyết ấy, sau 49 ngày tư duy, Ngài thấu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh và chứng đạo Bồ Đề" (Phật học Phổ thông khóa I, Thích Thiện Hoa, trang 19).
Đức Phật từ con người đơn thuần như chúng ta đã chứng ngộ được phần sáng suốt của tâm linh, thấu đáo toàn vũ trụ thì chúng ta chắc chắn "phải" không khác, nếu chúng ta cũng thực hành và quyết tâm như vậy. Đó là điều mà chỉ trong đạo Phật mới có mà thôi! Qua biết bao nhiêu kinh điển, phương pháp; Đức Phật cũng chỉ nhằm hướng dẫn chúng sanh, con người thấy được con đường giải thoát cho chính mình. Ngài đẫ chịu khó đi nhiều nơi giảng giải cái phương pháp giải thoát, rời khỏi khổ đau ấy. Ngài khẳng định mọi người đều có khả năng "thành Phật", chỉ là trước sau do nơi ngộ trước hoặc sau mà thôi!
Thế qua sự thành đạo, Đức Phật đã nói thế nào về chơn tâm, vũ trụ và thế giới? Mời quý vị lược qua những đoạn kinh mà chúng tôi trích dẫn từ bộ Phật Học Phổ Thông (PHPT) của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa.