Lần theo sử liệu
Theo hướng dẫn của võ sư Hoàng Bá, chúng tôi tìm đến Học Lãnh Sơn để gặp một đạo sỹ chỉ có cái tên duy nhất là ông Ba. Ông Ba cất một cái am u tịch giữa lưng chừng ngọn Học Lãnh Sơn để luyện đạo. Ông Ba đã 99 tuổi. Thuở thiếu niên ông Ba làm tiểu đồng cho ông Đạo Ngựa để học đạo. Sau vài câu giao đãi, ông Ba trầm ngâm lần tràng hạt, suy tưởng về quá khứ.
Ông cho biết, ông không học võ thuật mà chỉ học đạo. Ông xác nhận vào thời gian theo ông Đạo Ngựa học đạo có một người tên Sơn được ông Đạo Ngựa truyền thụ “võ thần”. Tuy không học võ nhưng ông Ba được sư phụ kể cho nghe về xuất xứ môn võ này.
Ông Ba khẳng định, những tổ sư môn võ thần này không đặt tên gọi nhưng do có xuất xứ từ vùng 7 núi linh thiêng nên người đời gọi là Thất Sơn Thần Quyền. Môn võ này có 4 phần luyện là tam đạo nhất thần: Tu tâm dưỡng tính gọi là tâm đạo, định thần dưỡng khí gọi là thể đạo, luyện thân tráng kiện gọi là quyền đạo. Phần luyện thứ tư gọi là luyện thần.
Ông cho biết thêm, tổ sư của môn phái võ này chính là Chàng Lía, một lãnh tụ kháng chiến chống triều đình trước thời kháng Pháp. Chàng Lía chỉ huấn luyện cho nghĩa binh phần tam đạo chứ chưa có phần nhất thần.
Khi phong trào kháng chiến của Chàng Lía bị triều đình đàn áp, giải tán, một đại đệ tử là Hải Đề Long dẫn một số đệ tử chạy trốn từ phía Bắc vào Nam trú ở vùng núi Tô Châu lánh trần tu tịnh. Trong số đệ tử có một người tên Nguyễn Văn Đa rất giỏi.
Thời Thiệu Trị cuối cùng, Nguyễn Văn Đa thi đậu võ cử nên được gọi là Cử Đa.

Ông Đạo Ba ẩn cư ở Học Lãnh Sơn, nhân chứng cuối cùng của Thất Sơn Thần Quyền.
Ngày 20 tháng 6 năm 1867, quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Sau đó, tiến lên huy hiếp thành Châu Đốc, buộc Tổng đốc Phan Khắc Thận phải đầu hàng. Tỉnh An Giang mất vào tay Pháp vào ngày 22 tháng 6 năm 1867. Trần Văn Thành không hàng Pháp mà mang quân qua Rạch Giá, hỗ trợ kháng chiến quân của Nguyễn Trung Trực.
Trần Văn Thành sinh năm 1920 ở ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Năm 1840, ông gia nhập quân đội nhà Nguyễn được cử làm suất đội trong chiến dịch giải giáp Nặc Ông Đôn (em vua Cao Miên, khởi quân chống lại Việt Nam). Năm 1845, ông được thăng làm Chánh quản cơ, coi 500 quân, đóng quân ở Châu Đốc để giữ gìn biên giới phía Tây Nam.
Tháng 6 năm 1968, Nguyễn Trung Trực đánh chiếm được đồn Kiên Giang mấy ngày, thì bị quân Pháp tổ chức phản công. Do địch được trang bị vũ khí vượt trội nên Nguyễn Trung Trực rút lui ra Hòn Chông, còn Trần Văn Thành thì dẫn lực lượng của mình vào Láng Linh - Bảy Thưa dựng trại, khai hoang, luyện quân và rèn đúc vũ khí chờ thời cơ. Đó là khoảng thời gian hình thành môn phái võ Thất Sơn Thần Quyền.
Khi triều đình nhu nhược trước quân Pháp, ông Cử Đa thất vọng từ quan về vùng Thất Sơn đứng dưới cờ kháng chiến của nghĩa quân Trần Văn Thành (quản cơ Trần Văn Thành) vào năm 1862. Lúc ấy nghĩa quân Trần Văn Thành trú đóng dưới chân núi Liên Hoa Sơn (căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa) lập căn cứ kháng chiến lâu dài.

Võ sỹ Chhit Sarim Thất Sơn Võ Đạo người Kh’mer .
Láng Linh - Bãi Thưa là hai cánh đồng rộng nằm liền kề, có nhiều đầm lầy, lau sậy và vô số cây thưa um tùm tăm tối. Căn cứ chính của Trần Văn Thành có tên là Hưng Trung doanh, đặt tại trung tâm rừng Bãi Thưa (nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang).
Ông Cử Đa trở thành người huấn luyện võ thuật cho quân kháng chiến. Trong khi quân Pháp sử dụng vũ khí hiện đại, quân kháng chiến chỉ có các loại đao, thương và súng tự chế. Để trấn an tinh thần nghĩa quân, thủ lĩnh nghĩa quân Trần Văn Thành giao cho Ngô Lợi huấn luyện phép thuật.
Nhằm tạo niềm tin, thu hút nhiều quần chúng tham gia kháng chiến, Ngô Lợi đem nền tảng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lập một tôn giáo mới có tên gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Những tín đồ được Ngô Lợi phát bùa đeo nhằm… chống đạn. Ông Ngô Lợi còn dùng sấm truyền để tín đồ tin rằng sắp đến ngày tận thế (đồng khởi), ma quỷ (quân Pháp) đã hiện ra đầy đường và núi Cấm sắp mở hội “Long Hoa”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân khắp đồng bằng bồng bế gia đình kéo về vùng kháng chiến Láng Linh nườm nượp. Ngô Lợi phải chia đất cho tín đồ cất nhà, lập làng và tổ chức khai hoang lập ruộng sản xuất lấy lương thực nuôi quân. Theo lệnh của Quản cơ Trần Văn Thành, ông Ngô Lợi còn bày cách cho tín đồ đóng ghe nhiều chèo phục vụ cho chiến đấu.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, năm 1872, Trần Văn Thành chính thức phất cờ chống Pháp, lấy hiệu là Binh Gia Nghị. Nghe tin, Pháp cử chủ tỉnh người Việt tên Trần Bá Lộc đưa mật thám xâm nhập căn cứ.
Năm 1873, sau khi nắm rõ tình hình nghĩa quân, Trần Bá Lộc dẫn quân Pháp đánh vào Bảy Thưa. Ông Trần Văn Thành tử trận. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Quân Pháp tàn sát, giết hại, đốt làng của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ông Ngô Lợi thoát nạn, sau này quay trở về Láng Linh tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân dưới danh nghĩa tôn giáo chờ thời cơ. Khi quân Pháp càn quét vào vùng căn cứ, một trong những đệ tử của Bổn sư Ngô Lợi đã dùng một chiếc ghe nhiều mái chèo theo sông Cái ra biển đào thoát về tận vùng núi Long Sơn ở Bà Rịa lập nên đạo Ông Trần.
Riêng ông Cử Đa cải trang thành một vị sư lấy tên là Sư Bảy, giả điên khùng, lưu lạc nhiều nơi để tránh sự truy lùng của quân Pháp. Có lúc ông phái lánh sang Campot,
Campongtrach, đến núi Tà Lơn tức Bokor (Campuchia).
Đến năm 1896, ông Cử Đa mới dám trở về vùng núi Cấm lập am ẩn danh. Năm 1896, khi rời Campuchia về nước, ông Cử Đa tìm gặp Đức Bổn sư Ngô Lợi để bàn chuyện tiếp tục đánh Pháp. Nhưng vị tu sỹ này từ chối do chưa đến thời cơ. Thất chí Cử Đa về vùng rừng Tri Tôn lập chùa Năm Căn qui ẩn.
Riêng làng An Định, nơi được xem là thủ phủ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với ngôi chùa Tam Bửu và Phi Lai do chính Ngô Lợi tạo dựng, quân Pháp bố ráp xóa làng 5 lần nhưng không xóa được lực lượng nghĩa quân này.
Sau khi Ngô Lợi bị bệnh qua đời, những kháng chiến quân trong đội ngũ tín đồ vẫn tiếp tục rèn luyện võ nghệ chờ thời cơ đánh Pháp. Nhưng do không còn người lãnh đạo, lực lượng này mai một dần.
Một thời vang bóng
Khi nhập môn, võ sinh của Thất Sơn Thần Quyền học bài vỡ lòng là bài khấn tổ: Nam mô tổ sư tam giáo đầu sư Dương Gia, Chàng Lía, cha Hồ, chúa Nhẫn, tổ sư Hải Đề Long núi Tô về cảm ứng nhậm lễ chứng miên cho đệ tử…”.
Sau đó, người võ sỹ được học những bài chú kêu gọi các đấng siêu nhiên nhập xác (như lên đồng) ứng chiến gọi là chú “thỉnh tổ”: “Nam mô thập hương chư phật, chư vị đại thần đại thánh đại hải, chư vị bồ tát…thập bát la hán, bát quái tổ sư… Án Lỗ ban tiên sư phù, Lỗ Ban đại sát, dụng hưng yên bất dụng hương đăng hoa quả vật thực chơn hình trợ kỳ đệ tử thần tự…hội Tà Lơn Thất Sơn, 5 non, 7 núi, rừng rú, tổ lục, tổ lèo, tổ xiêm, tổ mọi, tổ chà đồng lai đáo hạ hộ giá quang minh, chấp kinh trì chú cứu thế trợ dân cấp cấp như luật lịnh sắc”.

Hình ảnh và bài tường thuật trên một tờ báo thể thao năm 1973 về trận võ sỹ Trần Mạnh Hiền đấu với võ sỹ Hồng Kông là Châu Đạt Vinh Hồng Kông, môn đệ của Vịnh Xuân Quyền.
Điều này cho thấy các nghĩa quân kháng chiến ngày xưa đã áp dụng bùa Lỗ Ban có xuất xứ từ Trung Quốc vào hệ thống “âm công” của Thất Sơn Thần Quyền.
Về quyền thế, Thất Sơn Thần Quyền có nhiều bài hay như: Linh miêu đoạt thạch, Tam sơn trấn ải, Mãnh hổ tọa sơn… Vào thập niên 1960, Thất Sơn Thần Quyền kể như không tồn tại nữa mà chuyển thể thành Thất Sơn Võ Đạo. Thất Sơn Võ Đạo là những quyền thế dương công của Thất Sơn Thần Quyền. Tuy không còn yếu tố huyền linh nữa nhưng Thất Sơn Võ Đạo cũng tạo được tiếng vang trong làng võ Nam Bộ thời ấy.
Thời điểm này, phong trào võ thuật vùng Nam Bộ rất sôi động, nơi nào cũng có võ đường Thần Quyền: Sa Đéc có lò võ Sáu Cường; Lý Suol ở Châu Đốc; Bảy Biển ở Kiên Giang; Ba Hoằng ở Long Xuyên. Nhiều võ sư tạo được tiếng vang nhờ đào tạo được những võ sỹ vô địch trong các trận đấu võ đài. Đến tận ngày nay, những võ sư ấy vẫn còn được nhiều người nhắc như: Hai Diệp, Mười Nho, Nguyễn Mách, Út Dài, Thiên Đường.
Họ thường tổ chức thi đấu tại Chợ Lớn (quận 5) mang tính giao hữu với các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Hồng Kông. Trong những cuộc đấu giao lưu ấy, nhiều võ sỹ Việt Nam đã tạo được sự thán phục của các võ sư, võ sỹ nước ngoài.
Báo chí thể thao dạo ấy đã bình luận từng tuyệt chiêu của các võ sỹ Thần Quyền như: Võ sỹ Minh Sang có đường quyền vũ bão; Võ sỹ Minh Sơn có cú đấm nhanh như chớp và cú húc chỏ “hồi mã thương”, võ sỹ Chhit Sarim (người Campuchia theo học Thần Quyền).
Trong một trận thư hùng giữa võ sỹ Trần Mạnh Hiền Việt Nam đấu với võ sỹ Hồng Kông là Châu Đạt Vinh Hồng Kông, môn đệ của Vịnh Xuân Quyền xảy ra năm 1973 khiến báo chí thể thao miền Nam lúc đó tốn khá nhiều công sức bình luận. Trong đợt thi đấu này võ sỹ Trần Mạnh Hiền đã thắng tuyệt đối bằng một cú đá thần sầu ở hiệp ba khiến khán giả hâm mộ võ thuật sôi sục. Ngày nay, những võ sỹ thuở ấy đã trở thành đại võ sư.
Ngày nay, Thất Sơn Thần Quyền chỉ còn là ký ức của những võ sư miệt đồng bằng sông Cửu Long. Dù không ai chứng minh được sự mầu nhiệm của môn phái này nhưng xuất xứ của Thất Sơn Thần Quyền gắn liền với một trang sử hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt. Đó là điều cần ghi nhận.
Nông Huyền Sơn