Giê-su Thánh Chúa đã từ lâu,
Rửa tội nhơn sanh đổ máu đào,
Dựng thế bằng Lời, thương tất cả,
Ngàn xưa cho đến những ngàn sau.
Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, Đức Chúa Giê-su vẫn tồn tại trong dòng lịch sử tôn giáo con người vì Ngài chính là một trong những bậc lãnh đạo tôn giáo đã làm nên lịch sử - lịch sử cứu độ con người.

Mừng Lễ Giáng Sinh năm 2010, chúng ta cùng hướng về Ngài để học tập lời Ngài dạy. Trước khi học tập lời Ngài dạy, kính mời quí vị cùng đạo muội tìm hiểu sơ lược về về tiểu sử và cuộc đời hành đạo của Chúa Giê-su
I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ và cuộc đời hành đạo của Chúa Giê-su:
Vào một đêm đông giá lạnh, khi vạn vật lặng chìm trong màn đêm tĩnh mịch, mọi người đang say sưa trong giấc nồng, Chúa hài nhi đã ra đời trong máng cỏ tại Bê-lem, thuộc xứ Giu-đê thành Đa-vít bên cạnh Mẹ Ma-ri-a, dưỡng phụ Giu-se và các con chiên hiền lành.
Phúc Âm Lu-ca 2.1.14 ghi:
“.... Trong vùng ấy có những mục tử sống ngoài đồng và ban đêm canh gác đàn vật. Một Thiên thần của Thiên Chúa xuất hiện trước mặt chúng, vinh quang của Thiên Chúa tỏa ánh sáng bao phủ chúng và chúng kinh khiếp sợ hãi. Thiên Thần bảo chúng: “Đừng sợ, vì này đây tôi đến báo cho anh em một tin mừng, nó sẽ là niềm vui lớn cho toàn dân: hôm nay đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đa-vít, một Đấng cứu độ, Ngài là Đức Ki-tô, “một hài nhi bọc trong tả và nằm trong một cái máng cỏ”. Bỗng nhiên cùng với các Thiên thần, có đạo binh Thiên quốc đông đảo hát bài tán dương Thiên Chúa rằng:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa yêu thương.
Khi các Thiên thần từ giã các mục tử về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta đến Bê-lem và xem điều đã xảy ra, xem điều mà Thiên Chúa đã cho chúng ta biết.” Họ hối hả đi tới và gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và hài nhi nằm trong máng cỏ. Sau khi xem, họ cho biết điều họ đã nghe nói về Hài nhi này. Tất cả những người được nghe kể lại đều ngạc nhiên về điều mà các mục tử nói với họ. Về phần bà Ma-ri-a, bà giữ lại mọi điều ấy và suy gẫm trong lòng. Rồi các mục tử trở về, tôn vinh và tán dương Thiên Chúa về mọi sự họ đã nghe và thấy, đúng như các Thiên thần đã loan báo cho họ.
Sau thời gian đó ít lâu, có ba nhà thông thái từ phương Đông tới, họ đến Giê-ru-sa-lem và hỏi: “Vua dân Do Thái vừa mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài ở bên Đông và chúng tôi đến thờ lạy.” Nghe tin này, Vua Hê-rô-đê xao xuyến, và tất cả thành Giê-ru-sa-lem xao xuyến với ông. Ông triệu tập tất cả các thầy thượng tế và luật sĩ của dân, và hỏi họ có biết Đức Giê-su sinh ra ở đâu. Họ trả lời là ở Bê-lem, thuộc xứ Giu-đê bởi vì nhà tiên tri đã viết rằng: "Là ngươi, hỡi Bê-lem, đất thuộc dòng họ Giu-đê, ngươi không hề là nhỏ nhất trong các thành của dòng họ Giu-đê, vì từ ngươi sẽ xuất hiện một vị thủ lãnh, Ngài sẽ là mục tử chăn dắt Ít-ra-en dân của Ta."
Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các đạo sĩ tới, hỏi kỹ về thời gian ngôi sao xuất hiện, và sai họ đi Bê-lem và dặn: “Các ông đi dò hỏi tường tận về hài nhi, và khi đã tìm thấy thì hãy báo cho trẫm để trẫm cùng đi thờ lạy Ngài.” Nghe nhà vua nói thế, họ lên đường, và này đây ngôi sao họ đã thấy ở bên Đông đi trước họ cho đến khi dừng lại trên nơi có hài nhi. Họ thấy ngôi sao thì lấy làm vui mừng lắm. Họ vào nhà, trông thấy hài nhi cùng với Đức Ma-ri-a là Mẹ Ngài, và họ phủ phục thờ lạy Ngài, họ mở hộp ra lấy lễ vật dâng Ngài: vàng, nhũ hương và mộc dược. Sau đó, họ được Thiên Chúa báo mộng, đừng trở lại gặp Hê-rô-đê, nên họ đã đi đường khác mà về quê quán. (Phúc Âm Mt 2,1-12)
Khi ba nhà thông thái trở về quê quán, tại Giê-ru-sa-lem, vua Hê-rô-đê thất vọng vì không được gặp lại họ trong vai trò người thông tin mà ông trông chờ nơi họ. Và Phúc âm cho biết: chính vì dựa vào tin tức của ba nhà thông thái về thời gian họ thấy ngôi sao lạ xuất hiện mà vua Hê-rô-đê đã ra lệnh giết tất cả các trẻ em dưới hai tuổi, tức cỡ tuổi mà, theo ông, Chúa hài nhi chưa vượt qua. Vì ông lo sợ Chúa sẽ là một người cạnh tranh, một đối thủ cực kỳ nguy hiểm sẽ dành ngôi vị ông trong tương lai.
Thế nên, từ thuở hài nhi, Chúa đã sống cuộc sống gian nan lưu lạc. Cha mẹ Chúa đã phải bồng Ngài đi trốn tránh sang Ai Cập, vì nhà cầm quyền muốn tìm giết Chúa. Sau khi vua Hê-rô-đê mất, gia đình Ngài trở về xứ Ga-li-lê và cư ngụ tại thung lũng Na-da-rét. Và khi trưởng thành, đi truyền rao chơn lý, Ngài cũng phải chịu nhiều gian lao thử thách. Nhưng Ngài vẫn vững một lòng thiết thạch trọn tin nơi sứ mạng mà Chúa Cha giao phó. Ngài đã làm phép lạ để cứu giúp biết bao người khốn khổ: "kẻ mù được sáng, què được đi, phong hủi được sạch, điếc được nghe, kẻ chết sống lại và nghèo khó được nghe báo tin mừng". (Luca 7, 22)
Đời sống của Chúa là yêu thương, là gần gũi với những trẻ thơ yếu đuối, những người nghèo hèn, những người tội lỗi, kể cả những con người ở tận cùng đáy của xã hội bị xã hội rẻ khinh như những cô gái lầu xanh, cũng đều được Ngài quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt, trước “Lễ Vượt Qua”, tức là trước ngày Chúa tử nạn, Chúa đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ của Ngài để nhắc nhở các môn đệ thực hiện đức khiêm tốn trong việc phục vụ tha nhân, tức là tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và thương yêu lẫn nhau bằng cách “rửa chân cho nhau”.
Ngài không chấp nhận việc sử dụng Đền Thánh là nhà của Cha làm nơi buôn bán, làm hang trộm cướp.
Đối với các thủ lãnh tôn giáo đương thời, những hành động trên của Đức Giê-su bị kết án là phạm thượng và sự đối kháng giữa Ngài với họ càng lúc càng gia tăng đến cực điểm và cuối cùng họ đã mượn tay của đế quốc La Mã lên án tử hình Ngài. (Ga 19,12-16)
Điều xót xa nhất là họ đã xử tội một Đấng Cứu Thế đã hy sinh mạng sống cứu con người bằng một hình phạt tủi nhục nhất chỉ dành cho những tù nhân, tội đồ, trộm cướp, là đóng đinh Ngài trên thập tự giá.
Chúa Giê-su thọ nạn, chịu chúng hành hạ cơ thể mà Ngài không oán than, không thù nghịch loài người bạc bẽo, cũng như tha thứ những môn đồ đã phản bội, đã bỏ rơi Ngài. Những giây phút cuối cùng trên thập tự giá, Ngài vẫn cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. (Lc 23,34).
Thật cao cả thay đức hy sinh cùng tột, thật vinh quang hiển hách thay Đức Giê-su. Cái chết của Ngài đã làm sáng danh Thiên Chúa đời đời.
Chúa Giê-su với thân xác con người hữu hình thì phải hữu hoại đã ra đi. Nhưng Chúa Thần Khí vẫn hiện diện cùng con người để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, thông qua huyền linh cơ bút của Đạo Cao Đài Ngài đã giáng cơ dạy như sau:
“Ta nói với chư hiền: chính sự giày vò của tâm tư, sự nhọc nhằn của thể xác, sự gò ép, sự chết chóc sẽ điểm đạo cho hàng Thiên mạng. Xem gương ta đi trước mà mạnh bước vượt qua rừng sâu bể khổ. Ta đã đến với nhơn sanh trong đau khổ lạnh lùng, đem thân mình hòa đồng trong băng tuyết, trong gió rét đêm đông.
Có người bảo chư hiền: Không vào tận hang cọp làm sao bắt được hùm con. Ta lại nói: Chỉ có đem mình vào bể khổ mới cứu vớt sự đắm chìm của nhơn loại.”
Vì thương nhân loại Chúa Cha công bình,
Dụng con một hy sinh xuống thế,
Chuộc tội chung toàn thể nhân loài,
Thân ta bao quản đắng cay,
Máu hồng chuộc tội cứu rày nhơn sanh.
Thập tự giá thân đành chịu đóng,
Ta chết vì sự sống loài người,
Chết vì công nghĩa trên đời,
Chết vì sứ mạng Cha Trời phó giao.
Ta chịu đổ máu đào chuộc tội,
Cho nhân loài tự hối ăn năn,
Hồi tâm hướng thiện qui căn,
Trở về Đạo Chánh hóa hoằng nhơn tâm.
Nước mắt chúng sanh tuôn rơi trên dòng bể khổ, ngày nào nước mắt chúng sanh còn rơi là ngày ấy Đấng Cha Trời- Thiên Chúa vẫn không yên lòng ngự nơi cõi Thiên đàng, hay Bạch Ngọc Kinh. Nhân loại ngày nay hãy còn nhiều đau thương nên Cha Trời vẫn đến với chúng ta.
Điều cần nói là mỗi chúng ta có nhận dạng được Cha Trời trong những lớp cải trang không? Chúng ta có nhìn nhận Cha không, hay quay lưng với Cha.
Thi hào Ta-go có viết một bài thơ nhan đề “Hạt lúa vàng” diễn tả nội dung như sau: Một người hành khất ngồi bên vệ đường. Nghe tin hôm đó Đức vua sẽ ngự giá đi qua, anh ta cố gắng lết đến cổng làng, lòng nhủ thầm: Đây là dịp may duy nhất đời tôi! Từ đàng xa, khi vừa thấy xa giá vua xuất hiện, anh đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người, Đức vua đã cho dừng xe lại và chính ông là người đưa tay ra để xin người hành khất bố thí.
Người hành khất bèn đưa tay vào trong cái bao dơ bẩn của mình để lấy ra một hạt lúa nhỏ nhất. Anh trịnh trọng đặt hạt lúa vào tay đức vua. Đức vua tiếp nhận món quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù. Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra, lạ lùng thay, giữa muôn hạt lúa, anh nhận ra một hạt lúa vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành khất mới khóc nức nở hối tiếc: Phải chi ta cho Đức Vua tất cả những gì ta có!
Điểm nghịch lý của câu chuyện trên là người đi xin biến thành người cho và người cho biến thành người đi xin. Hình ảnh nhà vua đối với vị hành khất cũng giống như Thiên Chúa đối với con người. Hằng ngày, con người đã cầu xin Ngài cho đủ thứ: cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, hạnh phúc, bình an. Là người Cha nhân từ, Thiên Chúa muốn ban trao tất cả những gì Ngài có cho con của mình. Và cũng vì thương con, Ngài muốn con giống y như Ngài là biết yêu thương nhau.
"Con Thầy thì phải giống Thầy,
Giống Thầy ở chỗ đủ đầy tình thương"
Ngài vẫn muốn đến với từng người như người hành khất để xin con người mở rộng tấm lòng, biết yêu thương, hòa hiệp, chia sẻ, và tha thứ cho nhau.
Cuộc đời Đức Chúa Giê-su là hình ảnh sống động thể hiện tình yêu thương Thiên Chúa đối với con người. Những lời dạy trong Kinh Thánh ngày xưa và Thánh giáo đạo Cao Đài ngày nay đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học về Thế đạo là đạo làm người, và Thiên đạo là đạo giải thoát.