Phú-lâu-na - gương hoằng pháp bi tráng
Đọc đoạn đối thoại ngắn giữa đức Phật và Phú-lâu-na khi Phú-lâu-na phát nguyện đi giáo hóa ở xứ Du-lô-na, chúng ta ai cũng cảm khái tinh thần dõng mãnh, vô úy của Ngài:
- Bạch Thế Tôn! Xin Ngài từ bi cho phép con đến nước Du-lô-na bố giáo!
Đức Phật nghe nói, rất hoan hỷ, nhưng đức Phật là một nhà truyền giáo vĩ đại, Ngài biết chuyện ấy không phải dễ. Thế Tôn nói:
- Phú-lâu-na! Việc giáo hóa chúng sinh, lợi mình lợi người, ta rất vui về chí nguyện của ông, ông đi giáo hóa các nơi ta đều yên lòng. Không nhất thiết phải đến Du-lô-na. Tốt nhất ông nên chọn nơi nào khác.
- Bạch Thế Tôn! Ngài thường dạy, hễ nơi nào có chúng sinh đáng độ phải đến đó dạy dỗ cho họ.
“Hãy lên đường, này các Tỳ-kheo, vì ích lợi cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì thương tưởng thế gian, vì lợi ích và an lạc của chư thiên và nhân loại."
Đức Phật giải thích:
- Phú-lâu-na! Du-lô-na là một nước nhỏ hẻo lánh, không có đường giao thông thuận tiện, giáo hóa chẳng được như ý, dân chúng tánh tình hung bạo, quen thói hung bạo đánh chửi. Người nước ngoài đến nước đó, sẽ gặp nhiều trở ngại. Ông không sợ nguy hiểm sao?
Nghe Phật nói như vậy, Phú-lâu-na chỉ mỉm cười, biểu lộ chí nguyện cương quyết của mình.
Theo kinh Tạp A-hàm quyển 13 và luật Ma-ha Tăng-kì quyển 23, người Du-lô-na[1] ở miền Tây Ấn Độ hung ác, thô bạo, thích chửi mắng. Phú-lâu-na đã kiên quyết dõng mãnh xin đức Phật đến giáo hóa dân tình xứ đó. Ngài đã thuyết pháp độ được 500 Ưu-bà-tắc, xây dựng 500 tăng-già-lam, khiến cho việc An cư mùa Hạ được đầy đủ. Sau, Ngài nhập Vô dư niết-bàn ở xứ này.
Câu chuyện lên đến cao trào khi Thế Tôn đặt ra những vấn đề thiết thực có thể xảy ra và để thăm dò cách ứng xử ở người đệ tử nhiệt tâm:
- Phú-lâu-na! Ông nói đúng, làm đệ tử Như Lai, đi giáo hóa chúng sinh là việc trọng yếu nhất. Nay Như Lai hỏi ông. Ông đến Du-lô-na, nếu như họ không chấp nhận ông, mà lớn tiếng chửi mắng, ông sẽ làm sao?
- Bạch Thế Tôn! Họ mắng chửi đệ tử, đệ tử vẫn thấy họ còn tốt vì họ cũng chưa lỗ mãng đến nỗi dùng roi gậy đánh đập đệ tử.
- Nếu như họ dùng nắm tay, gạch ngói, roi gậy đánh ông?
- Đệ tử vẫn thấy họ còn tốt, chưa đến nỗi đâm chém đệ tử.
- Nếu như họ dùng dao búa như thế?
- Đệ tử cũng cho họ rất tốt, họ cũng còn tình người chưa đến nỗi giết đệ tử.
- Nếu như họ giết ông chết?
- Nếu thế đệ tử cám ơn họ, đã giết sắc thân của đệ tử, hỗ trợ cho đạo nghiệp của đệ tử, giúp đệ tử đem sinh mạng báo đáp ân đức của Thế Tôn, điều ấy với đệ tử tuy không có trở ngại, chỉ sợ di hại ảnh hưởng không tốt cho họ thôi.
Đức Phật rất hoan hỷ, khen ngợi Tôn giả:
- Phú-lâu-na! Ông không hổ danh là đệ tử Như Lai, biết giáo hóa, nhẫn nhục. Tâm cảnh của ông rất bình an, Như Lai sẽ đưa ông lên đường![2]
Nước Du-lô-na đất xấu dân nghèo, chỗ nào không núi cao thì cũng nước sâu, toàn quốc đã không có đô thị phồn hoa, lại rất ít có xóm làng đông đúc, dân chỉ sinh sống bằng nghề săn bắn, ăn lông ở lỗ.
Khi tôn giả mới đến, chẳng vội giáo hóa thuyết pháp ngay, trước đó tôn giả học xong ngôn ngữ địa phương Du-lô-na để tiện vào trong công tác truyền giáo, ngoài ngôn ngữ ra còn phải chuẩn bị nhiều điều kiện.
Dân Du-lô-na đối với tiếng nói không mấy cách biệt, nhưng mọi người thấy Ngài đắp y mang bát đều nhìn với cặp mắt kỳ quái. Tôn giả biết rằng tại địa phương văn hóa lạc hậu như thế, nếu không dùng phương tiện thì khó mà khai phát lòng tin cho họ. Ngài cũng biết lúc này mà nói chân lý đàm huyền luận diệu thì chẳng ai thèm nghe, chủ yếu trước tiên là phải cải thiện nếp sống của dân chúng. Hoằng pháp không ra ngoài sinh hoạt của thế gian. Do đó, tạm thời Ngài không cho biết thân phận sa-môn của mình, chỉ như một ông thầy thuốc, mỗi ngày lo thăm bịnh và khám hộ người bệnh.
Phú-lâu-na có nhiều phương thuốc trị bệnh rất đơn giản, không kể xóm làng xa xôi, cho đến phải trèo đèo vượt suối, hễ nghe tiếng bệnh rên rỉ, ngài liền lập tức đến nơi, không kể ngày đêm, không kể đầu non, cuối bể. Người bệnh thấy Ngài như thấy vị cứu tinh, bệnh nặng đến đâu cũng tiêu nhiên qua khỏi.
Phú-lâu-na lại có tư cách một nhà giáo dục, dạy học hành chữ nghĩa rành rẽ. Ban ngày dạy cho cách trồng trọt kịp thời tiết, những phương pháp trị gia, chiều đến nhóm họp mọi người lại, giảng dạy về nhân quả báo ứng của Ngũ giới, Thập thiện. Chẳng bao lâu, dân nước Du-lô-na đều quy y Phật, và tại đây, tôn giả thâu phục 500 đệ tử, thành lập 500 ngôi tinh xá.[5]
Nhờ những công hạnh như vậy, ngài đã thành công trong việc khiến cho những người dân nghèo ở xứ xa xôi ấy quy y Tam bảo. Vì vậy, ngài đã không bị xua đuổi, đánh đập, bỏ thân nơi xứ lạ ấy như dự kiến ban đầu.
Một hôm nọ, Thế Tôn trên pháp tòa nhìn xuống thấy Phú-lâu-na đang cùng chúng đảnh lễ, đức Phật cười hỏi:
- Phú-lâu-na! Ông về đấy ư! Đại chúng đều lo lắng cho ông! Ông hóa độ chúng sinh tại nước Du-lô-na thành công chăng? Ông giúp ta tuyên dương chân lý, tinh thần bố giáo, thể chất thanh khiết đều hoàn toàn. Về phương diện tinh thần, ông đã xác định lòng tin vững chắc nơi Tam bảo, ông đã tu dưỡng đầy đủ từ bi, trầm tĩnh, tài trí, dũng cảm, về mặt thể chất ông đã tu luyện thân thể khỏe mạnh, phẩm hạnh, phong độ, âm thanh, biện tài đều hoàn bị. Phú-lâu-na, ta rất an lòng khi ông đến Du-lô-na bố giáo.
Đức Phật ngưng một chút, lại bảo đại chúng:
- Các Tỳ-kheo! Trong hàng đệ tử ta được như Phú-lâu-na mới xứng đáng với danh xưng thuyết pháp đệ nhất, các ông nên noi gương Phú-lâu-na.[6]
Từ đó, trong việc truyền bá giáo pháp Như Lai, ngài đã giúp cho hàng Tỳ-kheo trẻ có một ý chí dõng mãnh, một tinh thần vô úy qua việc thực hành theo lời dạy của đức Phật về mười đức bố giáo. Đó là:
1. Khéo biết pháp nghĩa
2. Có thể giảng thuyết
3. Không sợ sệt trước đám đông
4. Biện tài vô ngại
5. Nhiều phương tiện khéo
6. Tùy theo pháp mà ban bố
7. Đầy đủ oai nghi
8. Dũng mãnh tinh tấn
9. Thân tâm không mệt mỏi
10. Thành tựu oai lực.
Ngài có biện tài vô ngại, khéo phân biệt nghĩa lý, nên ngài thành tựu công hạnh thuyết pháp giáo hóa. Số người nhờ nghe ngài thuyết pháp mà được giải thoát có tới 9 vạn 9 nghìn, thế nên Ngài được tôn là “Thuyết Pháp Đệ Nhất”.
TU TẬP TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA CÁC BẬC ĐẠI NHÂN:
Tôn giả A Na Luật, một mặt cần cù trong việc hoằng pháp lợi sinh, một mặt vẫn tinh tấn trong công phu tu học. Một hôm, trong lúc thiền tọa tại một làng nọ thuộc nước Chi Đề (Cedi), tôn giả quán niệm rằng: “Không phải do tham dục mà đạt được Đạo, mà chính là do tâm biết đủ (tri túc); không phải ờ nơi ồn ào náo nhiệt mà tìm được Đạo, mà chính là ở nơi vắng lặng tịch mịch; muốn thấy được Đạo cần phải siêng năng, thường xuyên có chánh niệm, lại còn phải đa văn và rèn luyện trí tuệ”.
Bấy giờ Phật đang ngự tại một khu vườn ở nước Bà Kì Dũ. Trong lúc A Na Luật quán niệm những điều như trên thì Phật thấy rõ được tâm ý ấy của tôn giả, bèn đến tận nơi để khen ngợi và khích lệ. Lại được Phật quang lâm thăm hỏi, tôn giả xúc động vô cùng. Nhân đó tôn giả đem tư tưởng của mình trình bày lên, xin Phật ấn chứng, và thưa hỏi thêm:
- Bạch Thế Tôn! Theo tinh thần “Sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp” (Lục hòa), mỗi cá nhân trong tăng đoàn phải quên đi những gì riêng tư, phải quên đi cái bản ngã nhỏ mọn của mình; đối với chúng sinh thì phải tuyệt đối dùng đức từ bi và lòng nhân ái để đối xử; những điều đó chúng con phải hiểu biết và phải thực hành trọn vẹn. Nhưng, bạch Thế Tôn các tín đồ tại gia thì rất đông, và các vị đệ tử xuất gia của Thế Tôn thường xuyên gần gũi với xã hội để hoằng pháp lợi sinh cũng rất đông; đối với những vị này, muốn cầu được giác ngộ và chứng nhập niết bàn thì làm thế nào, xin Thế Tôn từ bi khai thị.
- Thầy A Na Luật! Câu hỏi của thầy thật hữu ích! Những điều thầy đề cập tới đúng là những điều cần thiết của những người muốn tu học theo hạnh nguyện bồ tát. Thầy A Na Luật! Có tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân mà bất cứ là đệ tử của Như Lai, bất luận ngày đêm, đều phải tinh tấn hành trì:
- Điều thứ nhất: Phải thường xuyên quán chiếu để thấy được những tính cách vô thường, giả tạm, đau khổ, không thanh tịnh, không có tự ngã của thế gian. Phải quyết chí xa lìa sinh tử thì được giác ngộ.
- Điều thứ hai: Phải thường xuyên quán chiếu để thấy được tâm tham dục và bám chặt thế gian chính là nguồn gốc của mọi khổ đau. Phải sống một cuộc sống thiểu dục, vô vi, thì thân tâm sẽ được tự tại.
- Điều thứ ba: Phải thường xuyên quán chiếu tâm mình để thấy rằng, suốt ngày nó chỉ một mực lo tham cầu và tạo tội lỗi, không biết nhàm chán. Phải biết an vui trong nếp sống đạm bạc, biết đủ, để có thể hoàn thành sự nghiệp trí tuệ.
- Điều thứ tư: Phải siêng năng làm các việc lành, không từ chối bất cứ việc gì làm lợi ích cho người, diệt trừ phiền não, hàng phục các ma chướng; có thế thì mới mong vượt thoát được ngục tù của năm ấm và ba cõi.
- Điều thứ năm: Phải biết rõ rằng, sự ngu si thật là đáng sợ. Cho nên, đối với tất cả mọi ngành học thuật đều phải để tâm nghiên cứu và học hỏi; rồi lại phải phát tâm đem những điều đã học hỏi mà giáo hóa chúng sinh, khiến cho mọi loài đều được an vui.
- Điều thứ sáu: Phải thấy rõ rằng, vì nghèo khổ mà người ta sinh nhiều oán hận. Người tu học theo hạnh bồ tát phải biết giúp đỡ họ về mặt vật chất cũng như an ủi họ về mặt tinh thần, dù ai xử tệ với mình cũng không nên khởi niệm oán hận.
- Điều thứ bảy: Dù phải sống ở trong thế gian cũng không bao giờ để cho năm thứ dục vọng của thế gian làm chủ mình. Dù là người xuất gia hay tại gia, không bao giờ để bị nhiễm ô bởi các thứ dục lạc của thế gian. Nhất mực phải sống cuộc đời cao thượng.
- Điều thứ tám: Không nên cầu sự an lạc cho riêng bản thân mình. Phải phát tâm đại thừa, cứu độ tất cả chúng sinh xa lìa đau khổ, cùng được an lạc.
Nhân lời thưa hỏi của tôn giả A Na Luật mà Phật khai thị tám điều tu tập của hạnh bồ tát. Rất nhiều người đã nương theo đó mà tu tập, cải thiện được đời sống, làm cho thân tâm được tự tại an lạc.