B. Những điểm dị biệt giữa Khoa học và Phật giáo
Tuy có một số điểm tương đồng, nhưng giữa KH và PG cũng có nhiều dị biệt. Dị biệt là do KH đang trong quá trình mò mẫm để hiểu thế giới, còn kinh điển PG liễu nghĩa được thuyết giảng bởi những người đã tự mình chứng được cái chân lý tột cùng mà kinh gọi là trí tuệ Bát nhã, Chánh biến tri, hay phiên âm từ Phạn ngữ là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề 阿耨多羅三藐三菩提 dịch nghĩa là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ( sanskrit : Anuttara-samyak-sambodhi, tánh biết chân thật, bình đẳng không có gì cao hơn). Dưới đây xin liệt kê một số điểm dị biệt quan trọng.
1.Đối tượng : Đối tượng của khoa học tự nhiên là thế giới vật chất, khách quan, ở ngoài ý thức ; từ vũ trụ mênh mông sau Big Bang đến thế giới vi mô hạ nguyên tử ; từ thế giới không có sự sống đến thế giới sinh vật. Đối tượng của khoa học xã hội là là những gì quan hệ tới con người như Xã hội học, Chính trị, Luật học, Văn học, Triết học, Nghệ thuật, Âm nhạc… KH muốn tìm ra các chân lý tương đối như định luật (tự nhiên), qui luật (xã hội), các hằng số tự nhiên nhi số pi, vận tốc ánh sáng, hằng số Planck…để phục vụ cho sự tiện ích của con người và để xã hội phát triển.
Đối tượng của Phật giáo là chúng sinh đang chịu khổ trong sinh tử luân hồi, đang sống mê muội, vô minh. PG muốn cứu độ tất cả chúng sinh muôn loài thoát khỏi đau khổ, mặc dù biết rằng đau khổ đó chỉ là ảo tưởng chứ không phải thật, nhưng vì chúng sinh chấp là thật nên phải chịu đau khổ. Chẳng hạn con người chấp cái ta là có thật (chấp ngã) do đó cũng chấp cái của ta (ngã sở ) là có thật, ví dụ thân bệnh cũng khổ, cái gì của ta như tài sản, tài nguyên bị đe dọa mất mát thì sinh lòng lo âu, quyết tâm đem cả thân mạng ra bảo vệ, dẫn đến chiến tranh đau khổ. Tóm lại PG chỉ quan tâm đến cái tâm lý chủ quan của chúng sinh, mà thuật ngữ PG gọi là chấp trước tưởng. PG muốn chúng sinh, chủ yếu là con người, buông bỏ chấp trước tưởng mà kiến tánh, tức ngộ được bản chất chân thật của mình. Bản chất đó là bản lai diện mục của chúng sinh, còn gọi Phật tánh, hay Trời (Nho giáo) hoặc Thượng đế (Thiên Chúa giáo).
PG biết là thế giới khách quan không có thực, chỉ có thế giới chủ quan do tâm tạo, do đó PG không có kiến lập chân lý. Đức Phật trước khi nhập diệt đã nói rõ : « Trong 49 năm qua, ta chưa có nói một chữ » 84.000 pháp môn chỉ là phương tiện giả lập để đối trị với các loại căn tánh khác nhau của chúng sinh, đó chỉ là thuốc giả để trị bệnh giả. Kinh Hoa Nghiêm nói : « Chúng sinh là Phật đã thành » Nghĩa là tất cả chúng sinh đều là Phật, hiện tại cũng là Phật, chỉ vì ham vui, mê chấp những cảnh giới ảo tưởng, lâu ngày tạo thành thói quen, quên mất mình là Phật, tưởng mình là chúng sinh khác với Phật. Đó là bệnh giả, Phật phải dùng thuốc giả để trị. Hết bệnh rồi, thuốc giả phải bỏ.
Tóm lại KH tìm kiếm chân lý tương đối trong thế giới mà khoa học gia cho là khách quan. PG phủ nhận thế giới khách quan, không kiến lập chân lý (thực chất là không có chân lý) chỉ muốn chúng sinh thoát khỏi mê lầm và khổ vì sinh tử luân hồi.
2.Phương pháp. KH sử dụng tư duy của bộ não, suy luận lô gích, dùng phương pháp so sánh để nhận biết. Càng ngày KH càng phát triển các thiết bị đo lường, các phương pháp tính toán chính xác, các phương trình toán học để từ những cái đã biết, suy luận ra cái chưa biết. KH rất chú trọng về định lượng, do đó phương trình toán học không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học. Cho đến ngày nay, KH đã có những bước tiến khổng lồ, chế tạo được vô số công cụ, thiết bị để phục vụ tiện nghi cho mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
PG chỉ chú trọng phương pháp quán tưởng để phá bỏ tri kiến vô minh, đạt tới sự thấu hiểu cực kỳ sâu xa mà suy luận của bộ não không thể đạt tới. Phương pháp đó gọi là thiền định, hành giả có thể đạt tới những cảnh giới như Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, hoặc Không vô biên sứ, Thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hay cao nhất là Diệt lậu tận. Đến cảnh giới này thì mọi chấp trước về không gian, thời gian, số lượng đều bị phá bỏ, tâm thức vô trụ, tư duy ngừng nghỉ.
Ngoài quán tưởng, PG Thiền tông còn dùng phương pháp khác là tham công án và về sau là tham thoại đầu. Đây là phương pháp tối thượng thừa của Thiền. Công án là một tình huống bất chợt mà người đã ngộ, tạo ra cho người chưa ngộ để có thể phát khởi nghi tình. Nghi tình là tâm thức hoài nghi, ở đây không dùng tới tri kiến và suy luận, mà chỉ duy trì sự hoài nghi kéo dài, miên mật cho đến một lúc nào đó thì bùng nổ, tức là kiến tánh. Thoại đầu không phải là câu thoại mà là cảnh giới trước khi có câu thoại, gọi là vô thủy vô minh. Để tới cảnh giới đó, dùng một câu thoại đề khởi liên tục để phát sinh nghi tình và duy trì nghi tình cho miên mật càng lâu càng tốt. Câu thoại là một câu nào đó rất khó hiểu làm cho hành giả sinh nghi, nhưng không tìm cách giải đáp mà chỉ kéo dài nghi tình mà thôi. Chẳng hạn câu thoại « Bản lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sinh là gì ? »
Tóm lại, KH phát triển tư duy, hướng ra thế giới vật chất bên ngoài, chú trọng định lượng. Còn PG tìm cách chấm dứt tư duy, chấm dứt tận ngọn nguồn sâu thẳm của nó là 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức) bởi vì tư duy là sở tri chướng che khuất Phật tánh, khi đã dừng được tư duy thì Phật tánh tự hiện.
3.Cứu cánh. Cứu cánh của KH là tri thức, càng nhiều tri thức càng tốt, tri thức càng rộng lớn, chuẩn xác thì càng tốt. Tri thức đó được ứng dụng để sản xuất lương thực thực phẩm, chế tạo quần áo, vật dụng sinh hoạt như nhà cửa, đường sá, xe cộ, máy bay, tàu thủy, máy vi tính, điện thoại di động…khiến cho đời sống con người ngày càng tiện nghi, đầy đủ.
Cứu cánh của PG là giác ngộ, thoát khỏi mọi lo âu sợ hãi, thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt tới sinh tử tự do, làm chủ tâm lực, điều này cũng có nghĩa là làm chủ cả tam giới vì tam giới là do tâm tạo. Hành giả đạo Phật không còn thiết tha mê lầm với cái ta giả nữa, mà trở về với cái bản tâm chân thật, đó là Tâm như hư không vô sở hữu. Tất cả mọi chúng sinh đều cùng chung một Tâm ấy cả, nó chẳng phải một mà cũng chẳng phải nhiều nên PG gọi bằng thuật ngữ Tâm bất nhị.
4. Sự Hạn chế. KH mặc dù làm được sự nghiệp vĩ đại nhưng vẫn còn nhiều hạn chế :
- KH không thể làm chủ được thiên tai, KH không đủ khả năng chế ngự động đất, sóng thần, bão lụt, núi lửa. Lý giải của KH về thiên tai như động đất, núi lửa, dông bão…là không tới nơi tới chốn, nên không bao giờ chế ngự được chúng. Lúc Huệ Năng tới chùa Pháp Tánh vào năm 676 (nay là chùa Quang Hiếu 光孝 ở Quảng Châu) gặp hai ông tăng tranh luận không dứt về việc gió động hay phướn động, ngài nói rằng “chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm của các ông tự động” KH thì giải thích là gió làm phướn động, quá hợp lý phải không, nhưng từ đâu có gió ? không khí nhiệt độ ư, nếu cứ tiếp tục hỏi tới mãi, vật chất từ đâu mà có ? KH sẽ bế tắc không giải thích được nữa, lúc bấy giờ chúng ta mới có thể hiểu ý nghĩa câu nói của Huệ Năng. Tâm lực mới đích thực là nguồn gốc chuyển động của electron. Vậy nếu làm chủ được tâm thì làm chủ được thiên tai, làm chủ được vũ trụ.
- KH không thể mang lại hòa bình cho thế giới. KH không thể giúp con người sống hòa bình thân thiện hơn trên thế giới. Tại sao ? Bởi vì khoa học dựa trên một cơ sở sai lầm về nhận thức cơ bản, khoa học vẫn cho rằng thế giới ngoại cảnh là có thật, con người là có thật, mỗi người có cái ta (bản ngã) và nhiều thứ khác thuộc về ta (sở hữu của ta, gọi tắt là ngã sở). Có những cái thuộc lãnh vực vật chất như giang sơn lãnh thổ, lãnh hải, tài nguyên. Có những cái thuộc lãnh vực tinh thần như lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Những cái ngã sở đó là đầu mối tranh chấp, xung đột như : tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, xung khắc về văn hóa, tôn giáo, xung đột về quyền lợi, từ đó dẫn tới chiến tranh. Những tranh chấp về lãnh thổ không thể giải quyết một cách hòa bình được, vì ai cũng cho lãnh thổ là thiêng liêng, quyết không thể nhượng bộ, nên cuối cùng chỉ có thể giải quyết bằng vũ lực. Những xung khắc về niềm tin tôn giáo cũng rất dễ dẫn tới chiến tranh, ví dụ trong lịch sử đã có ít nhất 7 lần người Công giáo La Mã tổ chức Thập tự chinh (Crusade) chống lại người Hồi giáo. Ngay trong nội bộ Ki Tô giáo, người Thiên Chúa giáo cũng có chiến tranh với người theo Tân giáo hay còn gọi là Tin Lành (Protestantism – Evangelicalism). Xung đột giữa người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo cũng rất trầm trọng. Người Hồi giáo đã tấn công tiêu diệt Phật giáo trong thế kỷ 12, 13 khiến Phật giáo bị diệt vong ngay tại quê hương của nó là Ấn Độ. Trong những cuộc chiến tranh, xung đột như thế, khoa học bất lực không thể giúp được gì, nếu không muốn nói khoa học lại càng làm cho chiến tranh tàn khốc hơn với vũ khí ngày càng tối tân, vũ khí hủy diệt hàng loạt…
- KH dù cho có tiến bộ, vẫn không thể giải quyết được những nỗi khổ cơ bản trong đời sống con người, đó là sinh, lão, bệnh, tử. KH chỉ có thể tạm thời xoa dịu được phần nào thôi. Con người hay nói tổng quát hơn là chúng sinh khi chết đi lại tái sinh trong một kiếp sống khác, sinh ra, già đi, bệnh hoạn cả tinh thần và thể chất, rồi cuối cùng chết đi, đó là vòng tròn luân hồi khép kín mà khoa học không thể nào phá vỡ được.