Có thể khẳng định rằng mọi pháp tu của Phật đều nhằm làm cho thân và tâm hành giả được thanh tịnh và phát sinh trí tuệ; không có pháp nào hơn pháp nào. Chúng ta trì tụng Diệu Pháp Liên Hoa thường nghĩ rằng đó là bộ kinh để chúng ta tu đắc đạo, nhưng quên rằng Diệu Pháp Liên Hoa phát xuất từ tâm thanh tịnh của Tỳ kheo mới có viên ngọc bên trong là trí tuệ. Vì vậy, trên bước đường tu, làm sao cho thân tinh khiết như hoa sen không nhiễm trần, không có gì trên cuộc đời này hấp dẫn chúng ta, chi phối chúng ta được. Và muốn tu cho thân tâm thanh tịnh như hoa sen, không thể rời bỏ 37 trợ đạo phẩm. Chúng ta tụng Pháp Hoa mà không thực tập 37 trợ đạo phẩm thì không thể chuyển thân ô uế thành hoa sen, không thể chuyển tâm phiền não thành viên ngọc trí tuệ.
Thực hành 37 trợ đạo phẩm, chúng ta đạt đến đỉnh cao là Bát chánh đạo và Bát chánh đạo chính là sự thể hiện của thân và tâm thanh tịnh; nói cách khác, thân khẩu ý thanh tịnh là Bát chánh đạo. Thân chúng ta có chánh nghiệp và chánh mạng. Vì vậy, nếu không có nghề nghiệp chân chánh và cuộc sống chân chánh sẽ bị người đời đánh giá thấp, thì người này không thể là Thánh.
Thân thanh tịnh trước nhất chỉ cho thân tứ đại ngũ uẩn do xã hội đánh giá chúng ta thanh tịnh hay không, đánh giá chúng ta là người tốt hay không. Còn chúng ta tốt ở trên mây, mà ở đây không tốt thì cũng coi như không tốt. Trước kia, tôi cũng lầm tưởng rằng trên bước đường tu, mình bất chấp dư luận xã hội; nhưng thật ra dư luận xã hội cũng quan trọng. Đầu tiên, chúng ta phải thanh tịnh trong xã hội chúng ta sống thì mới được an ổn. Nếu bị người coi không tốt, coi là tệ nạn, làm sao yên được. Người đánh giá chúng ta tốt, thì họ mới bảo vệ chúng ta, từ đó đời sống vật chất yên ổn mới tiến đến đời sống tâm linh thanh tịnh là định và huệ.
Vì vậy, thân thanh tịnh sẽ phát được huệ và huệ phát thì lời nói của chúng ta luôn khế lý và khế cơ. Khế lý và khế cơ rất khó đi đôi với nhau, vì hai điều này luôn mâu thuẫn nhau. Thật vậy, khế cơ là phù hợp với căn cơ, trình độ của chúng sinh, nhưng căn cơ chúng sinh thì không đồng mà chúng ta đi theo căn cơ chúng sinh thì làm sao phù hợp được với chân lý.
Chính vì vậy mà chúng ta chỉ khế lý khi chúng ta tu giới định tuệ và tuệ sanh, Đại thừa gọi là Bát nhã ba la mật; nghĩa là chúng ta tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, nhưng phải sanh được Bát nhã, hay có trí tuệ, chúng ta mới thấy được chân lý và chân lý này là chân lý phổ biến, thì tất cả muôn sự muôn vật chúng ta thấy nó muôn màu muôn vẻ. Khi Đức Phật tu ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài chứng Bát nhã ba la mật trước, từ đó Ngài quan sát trình độ căn cơ của chúng sinh hoàn toàn sai khác, cho nên nếu nói cho người này nghe được thì người kia không bằng lòng. Vì vậy, Phật nhận thấy pháp của Ngài chứng là chân lý quá cao siêu mà trình độ của mọi người đang bị nghiệp chướng ngăn che, không thể thấy, không thể nghe được. Bấy giờ, Phật mới nghĩ đến độ thứ bảy là phương tiện (Kinh Hoa Nghiêm nói thập độ là muốn nói ý này), nghĩa là có trí tuệ nhưng thiếu phương tiện huệ thì không thể làm được.
Hiểu biết của Phật và hiểu biết của chúng ta cách nhau quá xa. Ta không thể hiểu Phật thì làm sao Ngài truyền cho chúng ta và chúng ta không được Phật truyền thì làm sao tu. Nghĩ đến sự khó khăn vô cùng như vậy, Đức Phật muốn vào Niết bàn. Bấy giờ, Phật mới nghe lời khuyên của chư Phật mười phương và lời thỉnh cầu của Phạm Thiên, Ngài mới trở lại thế giới hiện thực ở Ta bà và dùng trí phương tiện để giáo hóa độ sanh. Đức Phật có vô số phương tiện, mà theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm là “Đại dụng tại tiền, quyền tại thủ”. Trí Bát nhã nhìn thấu suốt Pháp giới là đại dụng; cho nên mở trí này ra thì bao la cả thái hư. Nhưng “Quyền tại thủ” là mặc dù có trí tuệ, nhưng nếu thiếu phương tiện huệ thì cũng bó tay. Vì vậy, người tu phải có trí Bát nhã trước, rồi mới có phương tiện huệ. Có phương tiện huệ thì nhìn thấy sự thật, thấy ta đang ở Niết bàn hay đang ở địa ngục, ở Ta bà hay ở Tịnh độ. Phật tu chứng Niết bàn, hưởng được quả của Niết bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, hoàn toàn an ổn. Nhưng Phật chứng Niết bàn đồng với chư Phật mà Ngài còn có thân tứ đại của Phật Thích Ca.
Chúng ta cũng có hai phần là phần chân linh phát triển, nhưng vẫn tồn tại thân vật chất này, nói rõ là thân vật chất này đang ở trong xã hội loài người. Mỗi người tu chúng ta đều có sở đắc riêng, nếu theo Nguyên thủy, chúng ta có sơ quả đến tứ quả; theo Bồ tát đạo thì có sơ địa đến thập địa, cho đến Đẳng giác. Nghĩa là mỗi người đều có một pháp để an trụ và sống an lạc trong đó. Có thể nói ban ngày chúng ta sống ở Ta bà trong thân tứ đại ngũ ấm, nhưng ban đêm chúng ta Thiền định thì đó là thế giới riêng của chúng ta. Gần như tất cả người tu đều có tâm đắc này. Sống ở Ta bà có đủ thứ, ta tùy thuận theo đó mà sống, thì đó chỉ là phương tiện; còn tâm linh chúng ta thì ai biết, ai hiểu được.
Vua Trần Thái Tông đã nói lên ý này rằng:
Phong đã tùng quang nguyệt chiếu đình
Tâm đầu cảnh sắc cộng thê thanh
Cá trung tư vị vô nhơn thức
Đương dữ sơn Tăng lạc cộng minh.
“Tư vị” trong tâm giải thoát của ngài thì ai biết được, chắc chắn chỉ có nhà vua, hay người tu chứng hưởng thụ được mà thôi; vì vua Trần Thái Tông đã thức suốt đêm với Đại Đăng quốc sư mà ngài không hề mệt mỏi, chán nản. Ngày nay chúng ta tu, cố tập một đêm không ngủ, nhưng lại phải tìm chuyện để nói. Một đêm thức trắng là sống trong Thiền định mới không mệt và tâm hoàn toàn sáng, nên họ hiểu nhau được. Tâm Trần Thái Tông muốn ở lại núi để tu với Đại Đăng quốc sư, nhưng Trần Thủ Độ nói nếu bệ hạ ở trên núi thì triều đình cũng dọn lên núi. Đại Đăng mới khuyên vua rằng “Tâm bệ hạ thanh tịnh thì ngồi trên ngai vàng cũng thanh tịnh, như vậy ngài và ta đã tương giao với nhau rồi”.
Thông thường muốn tâm thanh tịnh phải ở trong núi sâu, nhưng Đại Đăng dạy rằng tâm thanh tịnh là ngọc ma ni thì để vào chỗ nào cũng có công năng lắng được nước trong, tức làm cho tâm người khác thanh tịnh. Nghe lời dạy của Đại Đăng, tâm thanh tịnh của nhà vua đã tương thông với Đại Đăng, cho nên từ đó, vua đã chuyển đổi ngai vàng thành Niết bàn, nghĩa là tất cả mọi chống đối, phiền hà trong triều đình tự động hóa giải.
Tâm thanh tịnh tác động cho người buồn phiền gặp ta, họ cũng thanh tịnh theo. Tác động của pháp hành này đã có từ buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Xá Lợi Phất và Mã Thắng vào thời Phật còn tại thế và pháp hành đó cũng đã được thể hiện ở nước ta từ thời vua Trần Thái Tông gặp Đại Đăng quốc sư. Đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.
Từ tâm thanh tịnh, huệ phát sinh, thấy được mình đang ở đâu và sử dụng trí phương tiện để xác định ta đang đối diện với Tỳ kheo, hay với ngoại đạo. Nếu đang ở Niết bàn, Cực lạc thì không có gì để nói; nhưng chúng ta đang ở trong xã hội của Ta bà; nghĩa là ở Nhà lửa thì phải giải quyết bằng trí tuệ phương tiện, không thể ở chùa Bửu Thiền mà nói chuyện chùa Phổ Quang.
Vì vậy, khi tôi sang Ý dự hội nghị trong nhà thờ, tôi tự xác định mình đang ở trong Tòa thánh La Mã và đang đối diện với Hồng y; đừng mơ màng mà tưởng rằng mình đang đối diện với tín đồ Phật giáo. Và từ sự nhận biết chính xác như vậy mà dùng phương tiện huệ để lý giải Phật pháp sao cho người nghe hiểu và chấp nhận được. Tôi trao đổi với những vị này rằng chúng ta ở thế kỷ XX, các tôn giáo nên hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ cho nhau, không phải đối lập nhau; vì mỗi tôn giáo đều có nét hay riêng. Bấy giờ, các Hồng y rất hoan hỷ đáp rằng chúng tôi cũng tập Thiền. Và gặp Hồng y Phạm Minh Mẫn ở TP.HCM cho biết ông cũng học Thiền. Thiết nghĩ pháp Phật có vô số điều hay có thể giúp người ta thăng hoa cuộc sống thì họ cũng phải tìm học và chúng ta sử dụng pháp thích hợp với họ để chia sẻ.
Với trí phương tiện, chúng ta biết mình đang ở đâu và ở thời đại nào. Nếu ở thời kỳ thần quyền mà chúng ta bác bỏ vấn đề cúng bái, thì dễ chuốc họa vào thân. Thực tế cho thấy xưa kia, chư vị Tổ sư của chúng ta hoằng pháp đến những vùng mà dân địa phương thờ bà Hỏa, bà Thủy, các Ngài cũng đốt nhang thăm họ, chứ không bài bác. Nhưng sau khi có sự hiện diện của các vị Tổ sư, dân chúng nhận thấy rõ rằng bà Hỏa hay bà Thủy không thể trả lời những thắc mắc của họ, trong khi các nhà sư giải đáp được tâm trạng của họ. Vì vậy, nhà sư hay con người đóng vai trò quyết định; cho nên kinh Pháp Hoa khẳng định rằng Phật pháp tồn tại trong con người, khi nào con người còn tin Phật pháp thì Phật pháp tồn tại, gọi là thế gian tướng thường trụ. Nếu con người không tin Phật pháp nữa thì Phật pháp sẽ bị hoại diệt.