CẢM NHẬN VÀO NGÀY ĐỒNG TÂM ĐẦU NĂM (MÙNG 5 TẾT)
Sau mùng 3 Tết, hôm nay là ngày tiếp theo gia đình Totha gặp nhau để chia sẽ pháp và đặc biệt là sẽ tham gia buổi đồng tâm đầu tiên của năm, trước là để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, sau là cầu nguyện cho tổ tiên gia đình và những người thân xung quanh.
Vẫn điểm hẹn cũ tại Dinh Độc Lập, cả nhóm cùng nhau trao đổi lại những kiến thức đã học một cách cởi mở và chân tình nhất. Một lần nữa nhóm được nghe chị Liên chia sẽ về 7 bước thanh tịnh với những dẫn chứng và ví dụ thực tế, sinh động, dễ nhớ.
Giới thanh tịnh: những nghề nghiệp tượng trưng cho mỗi giới, đức tính ứng với mỗi giới và sự đối lập
Thấy rõ được rõ ràng những tính chất trong sạch và không trong sạch trên,
đó chính là “kiến thanh tịnh”
Những đức tính này có thật, chính bởi thấy được nên không còn nghi ngờ, phân vân gì về bản chất của sự thanh tịnh hằng có trong mỗi nghề,
đó chính là “đoạn nghi thanh tịnh”, ví dụ như không còn nghi ngờ bản chất của 1 bác sĩ thực thụ là cứu người mọi lúc mọi nơi không ngần ngại.
Đã thấy được sự thanh sạch và muốn đạt được sự trong sạch thanh tịnh đó (ví dụ như muốn trở thành bác sĩ) thì đòi hỏi phải thi, học để được làm bác sĩ. Việc đầu tiên là phải ôn và thi đậu vào trường. Khó khăn của việc này là bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố bên trong (nội pháp) và bên ngoài (ngoại pháp):
• Yếu tố bên trong con người mình: sự ham muốn của chính bản thân và thói quen cũ của mình (muốn được đi chơi hơn học, với người thường say sỉn muốn dứt bia rượu thì không có bia rượu vào người lại thấy thiếu vắng không chịu nổi).
• Yếu tố bên ngoài: sự tác động của bạn bè, gia đình, người thân (ví như kẻ cắp muốn hoàn lương nhưng bị bạn bè cũ rủ rê, đồng đản lôi kéo vì có những “mối hời”).
Vượt qua được những khó khăn, sự trỗi dậy của bản tính bên trong, sự cám dỗ từ bên ngoài, để ôn luyện và thi đậu,
đó chính là đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh.
Tiếp sau khi vào được trường là khoảng thời gian 7 năm học, vừa học vừa chứng nghiệm và nhận ra được sự thanh tịnh trong sạch, bản chất của nghề bác sĩ,
đó chính là đạo tri kiến thanh tịnh, tức con đường để thấu quán được sự trong sạch thanh tịnh.
Sau khi hoàn thành khóa học, người học sẽ hoàn toàn thấu quán một cách rõ ràng được tường tận kỹ năng của một bác sĩ, phương pháp chữa bệnh cho từng bệnh nhân, thấy được bản chất và những đức tính cần có của một bác sĩ thực thụ,
đó chính là tri kiến thanh tịnh.
Nhưng không vì thế mà một bác sĩ lại chấp và cái danh là bác sĩ mà đòi hỏi được cung phụng vật chất, được tôn sùng, dâng tiền của thì mới cứu người cho xứng với địa vị của mình, mà trái lại mang cái tâm của một từ mẫu để cứu người vô điều kiện,
đó chính là vô thủ trước niết bàn thì mới trở thành một lương y đích thực,
đó chính là Niết Bàn.
Ngoài 7 bước thanh tịnh, cả nhóm còn trao đổi thêm một số pháp khác đã được học, lại vừa được chị Liên “chiêu đãi” đặc sản ngày Tết trong không khí đầu năm.
Trong lúc chờ đến giờ đồng tâm, nhóm đã đón thêm 2 thành viên mới là cô Sánh và Kiên ngay công viên gần Dinh Độc Lập. Niềm vui gặp mặt của mấy cô cháu xen lẫn chút lo lắng của mọi người khi nghe Cô kể lại về hành trình đi Lễ Chùa vào ngày hôm qua (mùng 4 Tết) ở những nơi xa Thành Phố. Theo lời cô kể thì do có rất nhiều người tham gia cùng đến 1 nơi, nên đã xảy ra những việc không hay như chen lấn xô đẩy, kẻ xấu cướp giật tiền, bị phát hiện lại kêu đồng bọn đến dùng vũ khí giải vây gây cảnh hỗn loạn, thương tích…
Một điều vô tình là nhóm đang thảo luận đến phần 8 điều giác ngộ của các bậc đại nhân mà đức Phật dạy ngài A Na Luật, nên chị Ngọc Anh đã phân tích thêm về cái si và mê muội của con người. Cái si là cái đáng sợ nhất vì ta không dễ mà nhận biết được như tham và sân, khi ta khởi tham hay khởi sân lên ta có thể thấy được nó và tìm cách chế ngự, còn với cái "si" thì nó cứ như tàng ẩn trong người một cách vô hình nhưng nó lại chính là nguyên nhân gây ra những việc không hay, gây ra cái tham, cái sân, gây những điều phiền não.
“Phải biết rõ rằng, sự ngu si thật là đáng sợ. Cho nên, đối với tất cả mọi ngành học thuật đều phải để tâm nghiên cứu và học hỏi, rồi lại phải phát tâm đem những điều đã học hỏi mà giáo hóa chúng sanh, sao cho moi loài đều được an vui.”
Cô Sánh cũng chia sẽ là cô không thấy thoải mái mà trái lại cô cảm thấy mệt mỏi sau khi đi về, vì đường xa, lại còn thấy những cảnh không vui. Nhưng cô không thoát được lời rủ rê của bạn bè một phần vì nể bạn. Nếu như Cô không đi thì với kinh phí đi lại đó, chúng ta sẽ có thêm nhiều bao lì xì cho các bệnh nhi ở Trung tâm ung bứu mà ngày mùng 4 nhóm đã đi, đồng nghĩa việc chúng ta sẽ trao thêm nhiều niềm vui hơn, chia sẽ bớt nổi đau cho họ. Đều là lòng từ tâm, lòng hướng thiện, nên sẽ không phân biệt địa điểm hay đối tượng, cái cần là phù hợp và có lợi ích thiết thực nhất. Muốn thấy và biết được điều đó chắc chắn cũng phải có tri kiến và tư duy để thoát dần cái si trong mỗi người.
Có lần trong bài giảng Thầy đã trích dẫn lời của ngài Lục Tổ Huệ Năng:
Chư thiện tri thức. Chúng sinh trong tâm mình là lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là chúng sanh (PBĐK tr.81). Khi ta chuyển hóa một tư tưởng, làm cho nó hết phiền não, trở nên thanh tịnh, đó là nghĩa của “cúng dường một vị Phật”,
vì đã đưa một chúng sanh đang từ phiền não, đau khổ, đến bờ giải thoát. Mỗi kiếp sống, mỗi người chúng ta đều có vô lượng phiền não, cần phải “độ” cho hết, nên gọi là “cúng dường vô số ức Phật” để cuối cùng “người cúng dường đó cũng thành Phật”.
Bởi thế giờ mình hiểu sự cúng dường không hẳn phải đi đến nhiều nơi, phải đến những nơi xa xôi mới thể hiện được tâm thành, việc này đôi khi lại rơi vào cảnh tượng thấy những điều xấu xung quanh (kiến trược) từ sự vô minh sai lầm của con người tạo ra (chúng sanh trược) khi mình chưa vững thì dễ bị cuốn theo đám đông, thọ nhận những điều không hay rồi cứ bị nó đeo bám vào người mà nhớ lại, nhắc lại rồi lại tự mình nghe lại sẽ làm mình ngày càng rối hơn và càng khó thoát ra được (phiền não trược).
Trước đây mình cũng như Cô, cũng thích đi Lễ ở nhiều nơi vào đầu năm, giờ thì đã hiểu ra cái ý mà Thầy thường nhắc nhở "tìm Phật thà tìm tâm". Rồi nhận ra rằng nếu cứ mãi bị cuốn theo những hình thức bên ngoài mà không lo chỉnh sửa chính mình thì dù có đến đâu để tìm an lạc, tịnh tâm...chẳng qua là cách tự trấn an mình, tự đánh lừa cảm giác của mình thôi. Đó là lý do vì sao mình cứ đi "miệt mài và chăm chỉ" nhưng sau đó về lại với cuộc sống đời thường vẫn luôn cảm thấy bất an và không vui.
Hướng về Phật, hướng về sự giải thoát là tốt nhưng nếu không tri kiến và tư duy đúng sẽ không nhận ra việc chấp vào hình tướng, vào hình thức bên ngoài, vào âm thanh để tìm Phật là không đúng phương pháp (Pháp) mà đức Phật từng dạy.
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
(trích kinh Kim Cang)
Nghe chị Liên tâm sự với Cô Sánh về những cái lo lắng của Chị dành cho Cô mà trong đó cũng chính là cái mình đang lo lắng cho Mẹ và các Dì: Cô đi về Cô không thấy an lạc hơn, mà trái lại có thêm những điều làm Cô phiền não, rồi chỗ đông đúc có chuyện như vậy người lớn tuổi sẽ không nhanh chân bằng người trẻ, sẽ bị chen lấn xô đẩy rồi ảnh hưởng thân thể, đau đớn có khi nguy hiểm, người thân sẽ lo cho Cô biết mấy, rồi thành viên trong gia đình Totha mọi người ai cũng lo cho Cô cả… Với tấm lòng và sự chia sẽ của chị Liên, mình rất mừng vì Cô Sánh đã nhận ra điều gì nên làm để cô tìm được sự an vui, hạnh phúc cho Cô.
Mẹ và các Dì mình ở quê vẫn còn đang tất bật đi rất nhiều nơi trong tháng 1 này. Thế nên, đến giờ đồng tâm ngoài những mục đích chính trên, mình sẽ cầu nguyện cho Mẹ, các Dì đồng tu với Mẹ và nhiều người xung quanh nữa sẽ sớm nhận ra phải làm sao để việc cúng dường thêm ý nghĩa, để việc làm thiện có ích hơn và để việc tu học được trọn vẹn hơn. Cầu mong với sự đồng tâm của đoàn thể sẽ giúp ích được cho mọi người trong việc giác ngộ này.