- Về Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật suối khoáng Biển Xanh: với ngành nghề đầu tư, quản trị và tư vấn liệu có đủ tư cách và chức năng ký quyết định thành lập và bổ nhiệm ông Dư Quang Châu làm giám đốc một trung tâm khoa học mang tên Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng dưỡng sinh năng lượng?
- Về Đại học Hồng Bàng: Năm 2003, TS Nguyễn Mạnh Hùng ký quyết định bổ nhiệm ông Dư Quang Châu làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng cảm xạ địa sinh học. Nhưng trên trang web Thập chỉ liên tâm của Dư Quang Châu lại chạy cái tít như thế này:
Thứ sáu, 16-1-2015 | 10:21
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ Địa sinh thái (1-9-2003).
Xin nhớ rằng Sinh học (Biology) và Sinh thái học (Ecology) là hai ngành học rất rộng lớn và khác biệt.Vậy không hiểu cái mà TS Nguyễn Mạnh Hùng phong cho ông Châu chức giám đốc là cái nào - sinh học hay sinh thái học? Hay các ông cho rằng hai cái ấy cùng một thứ, muốn xưng cái nào cũng được?
- Về ông Dư Quang Châu:
Ông ấy xưng mình được học bổng tu nghiệp ở Monaco, lại đi đây đi đó, liên lạc trực tiếp với các nhà nghiên cứu phương Tây… Vậy hẳn ông ấy phải rất giỏi ngoại ngữ.
Nhưng trên trang web Cảm xạ học Việt Nam, từ cảm xạ được ông phiên dịch thành từ: RADIESTHESIE ENERGETIQUE. Từ énergétique có nghĩa là phát sinh năng lượng. Radiesthésie énergétique có nghĩa là Cảm xạ phát sinh năng lượng. Nghĩa này khác xa với Cảm xạ học Việt Nam và càng khác xa với cái tên Cảm xạ địa sinh học mà ông được phép sử dụng theo quyết định của Đại học Hồng Bàng. Làm “Viện trưởng” mà đến cái tên của viện cũng dịch không chuẩn!?
Cũng trên trang web này còn những cái sai rất đáng hãi hùng:
+ Mấy chữ Liệu pháp Y mao mạch được ông Châu dịch ra tiếng Anh là: Medecine of Capillaites. Trong cụm từ này chỉ có of đúng là tiếng Anh. Còn từ Medecine phải viết đúng là Medicine. Mao mạch tiếng Anh là Capillary. Cả tiếng Anh, tiếng Pháp đều không có các từ Medecine và Capillaites, ngoại trừ trong cái trang web Thập chỉ liên tâm của ông Dư Quang Châu!
Ôi! Trình độ ngoại ngữ như vậy mà ông Châu khoe là “đã liên lạc trực tiếp với nhiều nhà nghiên cứu phương Tây trên nhiều lãnh vực…”. Chẳng hiểu nổi ông liên lạc với họ bằng cách nào và trên những lãnh vực nào. Ông Châu có lẽ thuộc dạng điếc không sợ súng. Nhưng có câu: “Cha nó lú, còn chú nó khôn”. Ông chú ở đây là Đại học Quốc tế Hồng Bàng - chẳng lẽ không ai biết ông Châu viết tiếng Anh sai ở chỗ nào mà chữa giùm? Thế mà cũng xưng là đại học “quốc tế” ư?
+ Khi dùng cụm từ Liệu pháp y mao mạch thì có nghĩa rằng đây là phương pháp dùng mao mạch làm thuốc chữa bệnh. (Cũng như khi dùng từ huyết thanh liệu pháp, niệu liệu pháp… thì có nghĩa là dùng huyết thanh, nước tiểu làm thuốc chữa bệnh). Nhưng theo bài giảng của ông Châu hóa ra không phải dùng mao mạch để làm thuốc chữa mà mao mạch lại chính là nơi có bệnh cần phải chữa. Ý đã sai mà dịch cũng sai.
+ Trong bài giảng về môn Y mao mạch, ông Châu có câu nói được ông nêu thành tiêu ngữ: “Có thể nói, mọi sự tồn tại cũng như sự hủy diệt của cơ thể của chúng ta đều bắt nguồn từ MAO MẠCH”. Lại sai! Mao mạch dù quan trọng đến mấy cũng không phải là cái nguồn (gốc) mà chỉ là cái ngọn. Mao mạch là điểm tận cùng của hệ tuần hoàn. Ở những điểm tận cùng này ngoài mao mạch còn có hệ thần kinh và hệ kinh lạc. Khi ông Châu dùng các ngón Thập chỉ liên tâm gì đó để trị liệu thì không chỉ tác động riêng vào mao mạch mà còn tác động luôn cả vào hệ thần kinh và hệ kinh lạc. Vậy hệ nào là cái nguồn gốc của bệnh lý, của sự tồn tại và sự hủy diệt để ông Châu trị liệu?
Không phải mao mạch mà là tế bào mới có thể tạm gọi là nơi khởi đầu của sự sống và kết thúc bằng sự hủy diệt của cơ thể con người. Và đương nhiên không thể nói: mao mạch trở về với mao mạch.
Với những cái lỗi kiến thức nghiêm trọng về ngoại ngữ và về y học như trên mà ông Châu xưng là “bác sĩ” thì quả thật đáng nghi ngờ. Không biết ông Châu học ở trường Y nào và đại học nào cấp bằng bác sĩ cho ông?
+ Tôi cũng đã dành nhiều thì giờ nghe hết mấy cái clip tuyên truyền các bài giảng của ông trên mạng về Cảm xạ, Mao mạch, Thập chỉ, Thập thủ, múa vờn, rung lắc… Xin tóm tắt vài nhận xét như sau:
- Nội dung phần lý thuyết của ông Châu không có gì lạ. Phần lớn là loại kiến thức phổ thông.
- Hầu hết các bài thực hành của ông cũng chẳng có gì mới. Nó nằm rải rác trong hàng loạt các bộ môn thường thấy như vật lý trị liệu, yoga, aérobic, massage, spa, day ấn huyệt, cạo gió, giác hơi... Những môn này đều có mặt bổ ích cho sức khỏe (kiểu không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc) nhưng không thể coi là phương pháp chữa bệnh không cần dùng thuốc. Hiểu như thế là sai lầm chết người đấy bác sĩ Châu ạ. Riêng những phép rung động thư giãn và cặp đá diệu kỳ của ông thì trong nghề massage lâu nay người ta đã dùng nhiều lắm rồi. Cái gọi là cặp đá diệu kỳ của ông kèm với tem phiếu xét nghiệm của Viện Khảo cổ học thì trong các phòng tắm hơi, massage có đến hàng thúng. Đá nào đưa đến viện khảo cổ chắc cũng sẽ nhận được những phiếu xét nghiệm tương tự như cặp đá của ông. Các cô em trong hang động massage còn có những thủ pháp song thủ hổ bác, tiểu cầm nã, nhất dương chỉ… cùng các loại sex toy làm khách hàng rung động đến mát trời ông địa luôn. Họ đâu cần vào ngồi ở giảng đường của Đại học Hồng Bàng để học với ông?
+ Tuy ông đã được cơ quan này tổ chức nọ vinh danh tận mây xanh nhưng khoan vội mừng vì điều đó không hẳn đã có ý nghĩa lắm đâu. Bởi vì trong giới trí thức khoa học đã có những đánh giá ngược chiều. Ví dụ sau đây là ý kiến của TS Đỗ Kiên Cường:
“Ở nước ta, trên danh nghĩa có ba cơ sở nghiên cứu ngoại cảm là Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người và Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA). Điều đáng nói là các cơ quan này tổ chức nghiên cứu ngoại cảm mà chưa thực sự hiểu ngoại cảm và thiếu thông tin về các nghiên cứu trên thế giới.
Chính vì vậy mà tôi phải viết từ năm 2007 rằng, cần bác bỏ mọi nghiên cứu của UIA. Đó là do ông tiến sĩ, tổng giám đốc UIA hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì (ông cho rằng ngoại cảm là cảm nhận thế giới bên ngoài (!)), mới đây lại nói lập mộ giả không phải là lừa gạt, vì “liệt sĩ bảo thế”(!)). Còn với Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, GS Ngô Bảo Châu từng viết trên Facebook cá nhân ngày 28-10-2013 rằng, đó là cơ sở đi ngược với ý chí phủ nhận mê tín của khoa học. Tôi cũng từng viết trên Người đưa tin năm 2013 rằng, đó là một cơ sở phản khoa học hơn là khoa học.
Cần lưu ý rằng, mê tín và phản khoa học là những lời kết án không thể nặng nề hơn đối với một cơ sở khoa học. Vậy mà gần hai năm đã qua, ba cơ sở nghiên cứu ngoại cảm nước ta không hề đưa ra bất cứ một lời phản bác chính thức nào. Điều đó cũng cho thấy thực chất khoa học của các cơ sở đó là như thế nào”.
+ Tôi (người viết bài này) hoàn toàn nhất trí với TS Đỗ Kiên Cường và xin bổ sung một ý: Cần bác bỏ mọi thứ bảng vàng vinh danh mà các tổ chức vừa qua đã khinh suất nhân danh nhà nước trao tặng ông Dư Quang Châu. Ngay lúc này đây, nếu vào Google, YouTube… truy cập các từ khóa Dư Quang Châu, Đại học Hồng Bàng thì không chỉ có lời khen của “phe ta” mà còn đọc được, nghe được và thấy được rất nhiều những phát biểu, những clip hình ảnh - đặc biệt là của chính những sinh viên Đại học Hồng Bàng - lên án ông Châu và nhà trường bằng những lời nặng nề gay gắt như bịp bợm, lừa đảo… Lâu nay thỉnh thoảng ở đâu đó vẫn xuất hiện những cô đồng, bà cốt, thần y nước lã, những ông Đạo Rờ, Đạo Bóp… Họ cũng lừa bịp được không ít người nhẹ dạ. Một số trường hợp đã bị chính quyền địa phương xử lý hành chánh. Nếu ông Dư Quang Châu chỉ hoạt động theo kiểu phi chính phủ như những người ấy thì thực ra cũng chỉ là chuyện nhỏ, không đáng bàn đến.
Nhưng điều khiến tôi bức xúc phải lên tiếng là việc Đại học Hồng Bàng dám đưa những thứ nhảm nhí như thế vào nhà trường bắt con em chúng ta học tập. Sách có câu: Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân. Cái mà ông Dư Quang Châu đang dạy ở Đại học Hồng Bàng không phải là tân dân mà chính là ngu dân. Sau cùng tôi có một câu hỏi xin gửi đến Đại học Hồng Bàng và Bộ Giáo dục & Đào tạo: “Học trò chúng nó tội gì thế?”.
Nguyễn Thị Hồng Nụ, HVQHO, 21-12-2017
Nguồn:
https://www.dokiencuong.com/cam-xa-dia-sinh-hoc-va-y-mao-mach-phap-du-quang-chau-la-tro-bip-3085.html