A-ti-sô (tên khoa học: Cynara scolymus) có nguồn gốc từ miền nam châu Âu, được người Pháp mang sang Việt Nam trồng thử nghiệm ở nhiều vùng, miền vào đầu thế kỷ thứ 19, nhưng chúng chỉ phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu mát lạnh của Đà Lạt, Sa Pa và Tam Đảo.

Theo GS-TS Đỗ Tất Lợi, a-ti-sô có công dụng làm thuốc thông tiểu, thông mật, chữa các bệnh về gan, thận, viêm thận cấp tính và kinh niên, sưng khớp xương. A-ti-sô chứa vitamin C, muối hữu cơ..., rất tốt cho tim mạch. Lá, bông và rễ a-ti-sô tươi (hoặc phơi khô) có thể sắc nước uống thay nước trà sau mỗi bữa ăn; có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, giúp ngủ ngon. A-ti-sô cũng được chế biến thành hàng chục loại dược phẩm khác nhau.

Không chỉ làm thức uống và thuốc, thân non và cây con a-ti-sô nấu với xương heo, xương gà cũng là món ăn thông dụng của người dân Đà Lạt. Riêng bông a-ti-sô hầm với giò heo là món ăn “cao cấp” trong thực đơn của các nhà hàng và được nhiều người ưa chuộng. Những món ăn này kích thích gan tăng bài tiết mật, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt.