Võ thuật Thiếu Lâm là kho tàng văn hóa truyền thống quý giá của Trung Quốc, là hạng mục võ thuật có nội hàm hết sức phong phú, có hệ thống độc lập và chức năng xã hội đa dạng. Võ thuật Thiếu Lâm có mối quan hệ mật thiết với triết học cổ đại Trung Hoa, luân lý chính trị, tư tưởng quân sự, văn hóa nghệ thuật, lý luận y học cũng như mọi tập tục xã hội, tạo nên một chỉnh thể văn hóa văn hóa Trung Hoa đa biên. Hiện nay võ thuật Thiếu Lâm đang được truyền bá rộng rãi trên quy mô toàn cầu.

Do võ thuật Thiếu Lâm được hình thành và phát triển trong môi trường tổ đình của Phật giáo Thiền Tông TrungHoa – Thiếu Lâm Tự, cho nên Thiếu Lâm quyền mang đậm màu sắc tôn giáo, chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học Thiền Tông. Chính sự ảnh hưởng của tôn giáo đã làm cho võ thuật Thiếu Lâm phát triển mạnh mẽ không ngừng, đời đời sản sinh ra biết bao bậc đại võ tăng.


I. ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO NGHĨA THIỀN TÔNG ĐỐI VỚI VÕ THUẬT THIẾU LÂM

Tư tưởng Thiền Tông chủ yếu có một số điểm như sau:

1) Phật tại Tâm:


Trong thuyết “ Đàn Kinh” có nói: “ Tự tính hàm vạn pháp” . Nghĩa là trong bản thân con người đã bao hàm vạn vật. Lại nói đến “ Tam thế chi Phật, thất thập nhị bộ kinh” cũng nói đến nhân tính : “ Tất cả vạn pháp, tận tại thân tâm”. Chỉ cần phà bỏ mọi u mê, làm cho nội ngoại trong sáng thì có thể thấy được vạn pháp trong chính bản thân mình, thậm chí đến Phật tính cũng nằm chính ngay trong bản thân con người.

Võ thuật Thiếu Lâm cũng đồng nghĩa với việc chú trọng tu luyện tâm tính. Trong “ Thiếu Lâm Quyền Bí Quyết” ghi chép vào cuối đời nhà Thanh thì nhà võ thuật Lý Cảnh Nguyên ở miền Nam từng cầu giáo một vị cao tăng ở chùa Tam Nguyên – Thiểm Tây, vị cao tăng này chỉ đưa ra 3 điều tâm yếu: (1) Muốn học kỹ kích (chiến đấu) thì trước tiên phải học không được để tâm động, (2) Muốn học kỹ kích thì trước tiên phải học điều tức, đó là cách để tâm không động, (3) Muốn học kỹ kích thì tất phải bỏ suy nghĩ sống chết, chính ngộ tại tâm, đó là pháp môn vô thượng của Thiền Tông.

Sự luyện tập tâm ý quán xuyến toàn bộ các động tác trong mỗi bài quyền Thiếu Lâm, trong tính công La Hán Quyền của sư trụ trì Thiếu Lâm Tự thời kỳ cận đại Diệu Hưng có viết: “ xuất vu tâm linh, phát vu tính năng, tựa cương phi cương, tựa thực nhi hư, cửu luyện tự hóa, thục cấp tự thần” (Đại ý: khởi nguồn từ tâm linh, phát ra tính năng, giống cương mà không phải là cương, giống như thực nhưng đó lại là hư, luyện lâu ngày thì sẽ tự biến hóa, thuần thục rồi thì tựa như thần). Trong Thiếu Lâm Quyền Nhị Thập Tứ tự quyết có nói đến câu “ Hô hấp động tĩnh”, đó là nhấn mạnh đến khi luyện quyền, lúc lâm trận thì phải tâm tức (khí) hỗ trợ, trương liên với nhau, tâm khí hợp nhất, lấy tâm làm chủ, vận khí đến toàn thân, đạt mức tâm động thì khí tùy. Phương pháp điều tức, hợp tâm khí của Thiền định ở đây có tác dụng tương đối tốt.

2) Đốn Ngộ thành Phật pháp:

Thiền Tông cho rằng nhân tính vốn là thanh tĩnh, do vong niệm phủ lấp bản tính nên trở thành ngu xuẩn. Vậy thì làm thế nào để có thể trở nên thông minh? Đó chính là sự “đốn hiện” trong bản tính tạo tâm của từng Phật tử, giác ngộ thì sẽ thông minh.

Thiếu Lâm Quyền chịu sự chỉ đạo của triết lý này, mọi chiêu thức, quyền lộ đều thống nhất bỏ đi mà chỉ tập trung vào tu luyện công pháp.

3) Chúng sinh là Phật:


Không giống với những tông phái khác của Phật giáo, Thiền Tông cho rằng người có thể thành Phật, cái gọi là “ Nhân tuy hữu Nam Bắc, Phật tính bản vô Nam Bắc” (Nghĩa là: Người tuy có sự phân chia ở Nam ở Bắc còn Phật tính thì không có sự phân chia Nam Bắc như vậy), đó là mở rộng Phật môn, người đã đến thì không từ chối. Trong khi đó phương pháp thành Phật thì cũng cực kỳ giản đơn, chẳng cần bất cứ thứ gì mà chỉ cần đến giác ngộ mà thôi, “ nhất ngộ tức đáo Phật địa” (Giác ngộ rồi thì tức là đã đến được đất Phật), “ Tự giác ngộ, chúng sinh tức Phật” (Tự giác ngộ được thì tất cả chúng sinh đều là Phật). Cũng chính vì lý do này mà Thiền Tông không ngừng phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều người tín ngưỡng nó, trở thành Tông phái có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.

Thiếu Lâm Quyền do chịu ảnh hưởng của làn gió Thiền cho nên cũng thu nhận môn đồ trên quy mô rộng, truyền bá võ công. Võ thuật Thiếu Lâm trở thành một phương pháp hiệu quả để truyền bá, phổ cập Phật pháp, vậy thì sao lại không thu nhận nhiều người học tập cơ chứ? Về mặt tư tưởng phía trên thì không có sự bảo thủ, về mặt quan niệm thì hoàn toàn có thể cải cách, đó cũng là nguyên nhân lý giải tại sao võ thuật Thiếu Lâm lại phát triển nhanh như vậy.

Trong lịch sử, Thiếu Lâm Tự đã phải trải qua nhiều lần bị hỏa thiêu, thế nhưng khách quan mà nói điều này lại giúp cho võ tăng Thiếu Lâm đi khắp thiên hạ, phân tán tứ phương, võ thuật Thiếu Lâm cũng vì lẽ đó mà truyền thụ rộng rãi trong dân chúng, chẳng phải như chúng ta vẫn thường nói “ Thiên hạ kungfu xuất Thiếu Lâm” đó thôi.

Sự phát triển của võ thuật Thiếu Lâm hiện nay được khởi đầu bằng bộ phim “ Thiếu Lâm Tự” năm 1982, bộ phim có thể được coi là có hiệu quả quảng cáo to lớn đối với những người quan tâm, yêu thích võ thuật Thiếu Lâm, giành được nhiều sự khen ngợi và đánh giá cao từ khán giả. Từ thời điểm đó Thiếu Lâm Tự bước vào thời kỳ truyền bá rộng khắp, lớn nhất từ trước đến nay. Thiếu Lâm Tự thuộc huyện Đăng Phong, được chính quyền Tỉnh Hà Nam nắm bắt cơ hội, nhiều lần tổ chức Festival võ thuật, thi đấu, mở lớp huấn luyện, phái võ đoàn đến nhiều nước trên thế giới biểu diễn, cắt cử những huấn luyện viên ưu tú ra nước ngoài để tổ chức huấn luyện, sử dụng sách báo, phát thanh, truyền hình, phim…để quảng cáo. Đoàn võ tăng Thiếu Lâm Tự trong suốt hơn 20 năm qua liên tục ra nước ngoài biểu diễn, mở rộng thêm phạm vi tuyên truyền cho võ thuật Thiếu Lâm, làm cho nó không những chỉ có sức thu hút trong Trung Quốc mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới. Theo như thống kê, kể từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX khi Thiếu Lâm Tự bắt đầu mở cửa, đến nay đã có hơn 30 quốc gia và khu có mối liên hệ mật thiết với Thiếu Lâm Tự, đồng thời thành lập tổ chức võ thuật Thiếu Lâm, đệ tử Thiếu Lâm đã có hơn 2 triệu người khắp thế giới, trong nước thì lại càng nhiều hơn, không sao kể xiết.

III. QUYỀN THIỀN HỢP NHẤT

Giáo nghĩa Thiền Tông được sử dụng để chỉ đạo quyền lý, Thiền lý và Quyền lý tương hỗ nhau. Thông qua tuân thủ giới luật tham thiền mà có thể hiểu hết tự tính. Võ công cũng qua đó mà đạt được mức siêu quần. Tất nhiên, thành tựu về mặt này xét trên góc độ Phật giáo thì cho dù võ công có cao siêu đến mấy trong khi không hiểu đạo lý thì cũng coi như là vô nghĩa.

Ngoài ra hành vi luyện võ của các sư tăng Thiếu Lâm Tự về ý nào đó thì cũng ảnh hưởng đến diện mạo vốn có của Phật giáo. Nhưng hơn 1500 năm qua, nó vẫn tiếp diễn không ngừng, đồng thời cũng có những chỗ hợp lý của nó, hoặc là võ tăng qua việc tập võ mà tìm được con đường giác ngộ Phật pháp.

(Gate)