Ngôi mộ đơn sơ với dòng chữ Hán “Nguyễn Tế Công chi linh mộ” nằm khuất giữa vô vàn nấm mộ trong nghĩa trang người Hoa Quảng Đông ở Lái Thiêu, Bình Dương. Ít ai biết người nằm dưới mộ kia lúc sinh thời là nhân vật truyền kỳ lừng danh trong chốn võ lâm, người đầu tiên gieo hạt giống Vịnh Xuân quyền trên đất Việt.


Niêm thủ-kỹ thuật đặc thù của Vịnh Xuân

Nguyễn Tế Công cùng với “Vịnh Xuân tam hùng” là người em ruột Nguyễn Kỳ Sơn, sư đệ Diệp Vấn (Diệp Vấn là thầy của Lý Tiểu Long) và đệ tử Diêu Tài đã có công lớn truyền bá Vịnh Xuân quyền hiện diện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Gia thế hiển hách


Môn đồ gọi ông là Tế Công, Nguyễn Tế Công… nhưng tên thật của ông là Nguyễn Tế Vân (còn gọi Đậu Bì Tế, Nguyễn Lão Tứ), sinh năm 1877 tại Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc. Theo một tài liệu tiếng Hoa thì do cái tên “Tế Vân” đọc theo giọng Quảng Đông đồng âm với từ “trệ vận” (vận xấu, vận đen), nên ông thường tự xưng là Nguyễn Tế mà bỏ chữ “vân” đi.

Thân phụ Nguyễn Tế Vân là Nguyễn Sủng Minh, đỗ cử nhân triều Mãn Thanh, là thương nhân giàu có nổi tiếng ở Phật Sơn, được triều đình ban hàm tứ phẩm Trực phụng đại phu, tham dự coi quản về giáo dục, văn hóa, tôn giáo và bưu chính ở hai tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh. Hai anh em Nguyễn Tế Vân và Nguyễn Kỳ Sơn từ nhỏ ham mê võ thuật, Nguyễn Sủng Minh từng bỏ ra đến 400 lạng bạc trắng để mời cao thủ Vịnh Xuân xà hình quyền là Hoắc Bảo Toàn về nhà dạy võ cho con. Cả hai tiến bộ rất nhanh, nhưng võ công thực sự thành tựu khi gặp cơ duyên được sự chỉ giáo của đại sư Phùng Thiếu Thanh.

Phùng Thiếu Thanh vừa là võ quan trấn áp tội phạm, vừa là cao thủ danh trấn giang hồ được đương thời xưng là “Đệ nhất danh bộ”. Ông được chân truyền tuyệt kỹ Vịnh Xuân quyền từ Đại Hoa Diện Cẩm (Lục Cẩm), Đại Hoa Diện Cẩm cùng Hoàng Hoa Bảo được truyền từ Lương Bác Trù, Lương Bác Trù được truyền từ Nghiêm Vịnh Xuân, Nghiêm Vịnh Xuân được truyền từ Nghiêm Nhị, Nghiêm Nhị được truyền từ Miêu Thuận, Miêu Thuận được truyền từ Ngũ Mai sư thái. Đó là đồ biểu của Vịnh Xuân quyền chính tông.


Võ sư Nguyễn Tế Công và các cao đồ - Ảnh: Tư liệu

Ngũ Mai sáng chế quyền pháp này biểu hiện đặc trưng thể năng nữ tính, nếu muốn trong thời gian ngắn nhất khắc chế được thế công mạnh bạo tất phải kết hợp lực điểm (điểm phát lực)-lực giác (góc phát lực)-lực cự (cự ly phát lực) cùng với xúc giác (độ nhạy bén), biến thế mã bộ và góc độ công thủ khéo léo. Môn quyền này hình thức bên ngoài tựa hồ uyển chuyển nhẹ nhàng nhưng thực chất là loại quyền pháp chú trọng đến hiệu năng tấn công, sức đả thương rất lớn. Do đó về lý luận và kỹ thuật Vịnh Xuân quyền đều có khác biệt so với quyền khác.

Phùng Thiếu Thanh là tay phải của đại thần Lạc Bỉnh Chương (đồng liêu của Tăng Quốc Phiên) từ năm Hàm Phong thứ 8 (1858), khi ông này làm tuần phủ Hồ Nam rồi án sát Hồ Bắc, bố chính Quý Châu, tổng đốc Tứ Xuyên. Phùng Thiếu Thanh từng là Tổng bộ đầu Ty án sát đề hình, phụ trách trị an, hình ngục; từng vào sinh ra tử, dùng võ công Vịnh Xuân trấn áp và truy bắt tội phạm, lục lâm, để lại nhiều giai thoại. Có thể nói từ năm 1858 đến năm 1867, Phùng Thiếu Thanh đã viết vào lịch sử Vịnh Xuân quyền những trang hào hùng nhất.

Nguyễn Sủng Minh với Lạc Bỉnh Chương vốn là thông gia (chị cùng cha khác mẹ của Nguyễn Tế Vân là Nguyễn Sính Như lấy con trai của Lạc Bỉnh Chương là Lạc Thiên Trị) nên có quen biết Phùng Thiếu Thanh. Sau khi Lạc Bỉnh Chương qua đời, Phùng Thiếu Thanh mất chỗ dựa ở quan trường, chỉ một năm sau phải từ quan, lưu lạc sang tận Miến Điện sinh sống, đến năm 70 tuổi mới về quê. Khi Thiếu Thanh đến Phật Sơn bái mộ họ Lạc, Nguyễn Sủng Minh biết tin đến bái kiến, thỉnh về phủ dạy võ cho con mình. Phùng Thiếu Thanh một đời rong ruổi, không vợ không con, nên đem hết tâm huyết truyền thụ Vịnh Xuân cho Nguyễn Tế Vân, Nguyễn Kỳ Sơn và mấy người nữa đều là con cháu danh gia vọng tộc ở Phật Sơn.

Hành Phương Nam

Khoảng những năm 1930, nhận lời mời của “Nam Phiên Thuận Đồng phân hội” - một tổ chức công nhân người Hoa ở vùng mỏ than Quảng Ninh, Tế Công sang Việt Nam. Giã từ cuộc sống sang giàu, từ đây ông dấn thân vào mục tiêu cao cả là bảo vệ những người lao động cô thế và phát triển Vịnh Xuân ở phương Nam. Thời ấy, công nhân ở vùng mỏ thường bị các nhóm xã hội đen bức hiếp, nhiệm vụ của Tế Công là dàn xếp, phá giải các cuộc đụng độ, đồng thời truyền dạy Vịnh Xuân cho công nhân người Hoa. Có lần nhóm công nhân và băng xã hội đen đụng độ dữ dội, cảnh sát chính quyền Pháp phải dùng vũ lực trấn áp tại hiện trường, Tế Công dù hai tay bị còng vẫn đánh trọng thương nhiều tên côn đồ, khiến danh tiếng nổi như cồn. Sau đó, bên cảnh sát thả ông ra với điều kiện là về Hà Nội truyền thụ Vịnh Xuân công phu cho một số sĩ quan cao cấp. Theo võ sư Nguyễn Ngọc Nội, chủ nhiệm võ đường Vịnh Xuân Nội gia quyền thì từ năm 1939-1954, Tế Công ở tại Hàng Buồm, Hà Nội dạy Vịnh Xuân cho người Việt và người Hoa. Tiêu biểu cho những cao đồ đầu tiên của Tế Công ở Hà Nội là võ sư Trần Thúc Tiễn, Hồ Hải Long, Vũ Bá Quý, Trần Văn Phùng, Ngô Sĩ Quý, Cam Thúc Cường…Nhiều người đã thành môn lập phái như Phật gia Vịnh Xuân quyền của Trần Thúc Tiễn, Vịnh Xuân Vũ gia thân pháp của Vũ Bá Quý, Vịnh Xuân Phạm gia của Phan Dương Bình, Vịnh Xuân Ngô gia hoàng pháp của Ngô Sĩ Quý…

Sau năm 1954, Tế Công đưa gia đình và một số môn đồ vào Nam, hành nghề đông y và dạy võ ở Đồng Khánh, Chợ Lớn. Tại đây, những đệ tử nổi tiếng của Tế Công có Lục Viễn Khai, BS Nguyễn Bá Khả - Bộ trưởng Bộ Y tế chính quyền Sài Gòn, Đỗ Bá Vinh - giáo sư kiến trúc…Ngày 23-6-1959, Tế Công qua đời, thọ 83 tuổi. Ông có người con trai là Nguyễn Chí Thành, nhưng không truyền võ công cho con. Ông có để lại bộ ảnh do chính ông thực hiện bài Đả mộc nhân (đánh người gỗ) 108 thế, là bài quyền cao cấp trong hệ thống quyền thuật Vịnh Xuân.

Theo võ sư, PGS, TS Nguyễn Mạnh Nhâm, chủ nhiệm Câu lạc bộ Vịnh Xuân Hà Nội thì hiện có khoảng 20 chi phái Vịnh Xuân quyền. Võ sư Nhâm đã từng hành hương về Phật Sơn viếng cố hương của Sư tổ Tế Công, thắp hương tại võ đường Vịnh Xuân Diêu Kỳ do đệ tử của Tế Công lúc chưa sang Việt Nam là Diêu Tài sáng lập. Trong khi Tế Công phát triển Vịnh Xuân quyền ở Việt Nam và Quảng Tây, thì em ông là Nguyễn Kỳ Sơn (1887-1956), sư đệ Diệp Vấn (1893-1972) và đệ tử Diêu Tài (1890-1956) đã bành trướng môn quyền này tại nhiều quốc gia, nhất là từ khi đệ tử Diệp Vấn là Lý Tiểu Long thành danh trên phim trường với những bộ phim kungfu thuộc hàng kinh điển thế giới.

Nội công thâm hậu

Ngoài những bài bản trấn sơn của bản môn như Tiểu niệm đầu, Tiêu chỉ, Tầm kiều, Ngũ hình quyền, Đả mộc nhân thung, Lục điểm bán côn, Bát trảm đao… thì luyện nội công là phần rất quan trọng trong Vịnh Xuân quyền của Tế Công truyền dạy. Ông đã để lại nhiều giai thoại về khả năng vận khí chịu đòn gần như huyền thoại. Tương truyền khi đã đến tuổi 80, khi dạy Tế Công vẫn để cho môn sinh ra đòn hết sức vào người. Đại sư Nam Anh kể rằng thầy dạy Vịnh Xuân quyền cho ông là quyền sư Hồ Hải Long (tên thật là Nguyễn Duy Hải, 1917-1988), người Ninh Bình. Trước khi thụ giáo Tế Công, Hồ Hải Long đã là một lực sĩ đồng thời là một cao thủ võ thuật phái Hàn Bái, được mệnh danh là Hải Nhật. Vào năm 1941 Tế Công được gia đình mời về dạy võ, Hải Nhật thấy vị thầy Tàu già yếu nên ngạo nghễ ưỡn ngực thách thức: “Ông có chịu nổi quả thôi sơn này hay không?”. Chỉ tay vào lồng ngực gầy gò của mình, Tế Công ra dấu sẵn sàng chịu ba quả đấm. Hải Nhật tung ngay một cú đấm sấm sét vào người ông nhưng lập tức bị chận đứng như va vào tường đồng vách sắt. Điên tiết, anh ta lao vào và kết quả là bị bắn văng vào gụ thờ, nằm sõng soài dưới đống đồ đạc đổ lỏng chỏng mà vẫn chưa hết bàng hoàng. Từ đó Hải Nhật mới tâm phục khẩu phục, theo Tế Công luyện võ. Vào năm 1947, Hải Nhật đã oanh liệt đoạt giải Vô địch kiếm thuật mười tỉnh đất Bắc (tại chợ Me, Vĩnh Yên) và biệt danh “Hồ Hải Long” đã xuất hiện từ đấy.

(Thanhnien)