Cố lão võ sư Chín Hóa – người truyền bá Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn vào Việt Nam. Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn – môn phái có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc, được hình thành trên cơ sở kết hợp hai trường phái võ thuật lớn: Thiếu Lâm và Võ Đang.

Võ sư Bùi Văn Hóa (Chín Hóa), người gốc Bình Định, vốn có năng khiếu và rất ham mê võ thuật. Năm 10 tuổi, bị cuốn hút bởi những câu chuyện, những truyền thuyết về các nhân vật võ lâm, ông xin phép gia đình sang Trung Quốc học võ và được một cao đồ của phái Thiếu Lâm Nội Quyền – thu nhận làm đệ tử. Sau nhiều năm chuyên cần luyện tập, ông trở về nước (khoảng 1930) với ước vọng truyền bá rộng rãi môn Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn. Nhưng do bị chính quyền thực dân Pháp bấy giờ nghi kỵ, cản trở, ông đành phải đóng cửa dạy riêng cho một số thân hữu và các lực lượng kháng chiến võ trang tại địa phương. Chính cái khởi đầu đầy trắc trở đó mà sự xuất hiện của môn Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn ít ai biết đến. Sau ngày cách mạng tháng 8/1945 thành công, cái tên Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn mới bắt đầu được giới yêu thích võ thuật chú ý. khi thầy Chín Hóa vào Sài Gòn lập nghiệp (sau năm 1946). Môn phái Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn mới thực sự bước vào giai đoạn phát triển và cũng đã đào tạo nhiều thế hệ võ sư tài danh như Ba Liễn, Ba Vè, Ba Sửu, Ba Lai, Ba Tốc, Mười Mách (Nguyễn văn Mách), Còmy Tòng, Tám Nhịn (Tống văn Nhịn), ba Cử, Quốc Vũ, Nam Tào, Đặng văn Anh, Phong, Chánh… Về sau còn có Lý Phi Sơn Hổ, ông Miêu, Sáu Trừ, ông Tính, ông Thắng, ông Minh(Lê đức Minh), ông Ngọc (Châu văn Ngọc), ông sáu Vĩnh. . . Trong số môn đồ sau của Thầy chín Hóa được nhiều người mến mộ gọi là "Nhất Hổ, nhì Miêu, tam Trừ, tứ Tính"…

Khi thầy Chín Hóa qua đời - năm 1958. Võ sư Lưu Văn Liễn (Ba Liễn) được hội đồng võ sư TÂY SƠN NHẠN bầu làm chưởng môn - đời thứ 1.

Năm 1960 ông họp hội đồng TÂY SƠN NHẠN và giao chức Chưởng Môn đời thứ 2 cho võ sư Nguyễn Văn Mách (Mười Mách).

Với tư chất thông minh và cá tính mạnh mẽ, võ sư Nguyễn Văn Mách đã tỏ ra là người lãnh đạo môn phái xuất sắc. Ông liên tục gặt hái nhiều thành công, khẳng định được tên tuổi, đưa môn phái phát triển với quy mô ngày càng rộng lớn. Hàng loạt những "tay đấm khó chịu" của thập niên 60 – 70 như: Hồng Nhạn, Đông Nhạn, Tây Nhạn, Nam Nhạn, Bắc Nhạn, Hùng Nhạn, Trung sơn Nhạn, Cường Nhạn, Thanh Nhạn (Xuyên Sơn Nhạn), Hồng Ẩn Nhạn, Danh Nhạn, Cẩm Nhạn, Hà quang Nhạn, Hồng liệt Nhạn, Hồng phong Nhạn, Hồng thuỷ Nhạn... Nữ có Hồng vân Nhạn, Hồng Yến Nhạn, Hồng ưng Nhạn, Hồng Huệ Nhạn... Đều do chính tay ông đào tạo. Ngoài ra, võ sư Nguyễn Văn Mách còn là hạt nhân của nhiều hoạt động võ thuật, rất được anh em trong làng võ trước đây nể trọng.Ông được bầu là Phó chủ Tịch Tổng Hội Võ Học MNVN.


Võ sư TÔ ĐÌNH THANH Chưởng môn đời thứ 3 Môn phái Thiếu Lâm - Nội Quyền - Tây Sơn Nhạn

Tại Việt Nam,từ năm 1994, nhiệm vụ chưởng môn đời thứ 3 được Hội đồng môn phái quyết định giao cho võ sư Tô Đình Thanh (tức Xuyên Sơn Nhạn), một đệ tử chân truyền của võ sư Nguyễn Văn Mách, hiện đang phụ trách huấn luyện võ thuật tại CLB đường Cửu Long, thuộc phường 22, quận Bình Thạnh, tp.Sài gòn.

Võ sư Tô Đình Thanh tuy thuộc thế hệ những võ sư trẻ ở thành phố, nhưng cũng đã lăn lóc khá lâu trong nghề võ, từng huấn luyện cho đội SBC của Sở công an tp.Sài gòn. Dưới sự lãnh đạo của võ sư, Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.