+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 5 của 5

Chủ đề: Danh giới mê tín dị đoan và tâm linh

  1. #1
    suthat
    Guest

    Danh giới mê tín dị đoan và tâm linh

    Càng ngày càng rõ rệt sự tồn tại một thế giới vô hình bên cạnh chúng ta, tác động vào chúng ta. Sự tác động của thế giới vô hình là bao nhiêu % ? Câu trả lời còn tùy nhận thức mỗi người. Sự thật vẫn tồn tại khách quan, không do người đó biết hay không biết. Thế giới chúng ta sống chịu ảnh hưởng tác động của thế giới vô hình không dưới 50%, tạo nên số phận con người. Cái còn lại là sự nỗ lực của chúng ta cải tạo số phận tốt đẹp hơn. Như vậy thế giới vô hình đóng một vai trò quan trọng không kém gì thế giới văn minh hiện đại, nếu không hiểu biết về thế giới vô hình, cũng giống như người mù ý thức.

    Thế giới vô hình, thường được gọi nôm na bằng danh từ “ tâm linh”. Danh từ tâm linh còn gắn liền với Thần thánh, Phật, Chúa, cõi âm, đền chùa thiêng liêng, quỷ thần, vong ma…do đó dễ dàng đi tới một trạng thái ngộ nhận trắng đen như nhau. Thấy nói Tâm linh là chuẩn, là nghe liền, hoặc nói đến Tâm linh là khiếp sợ vì đã gặp tai nạn. Khi thích một sự việc cõi âm, được gọi là tâm linh. Nếu ghét thì phê phán kịch liệt là mê tín dị đoan. Đó là thái độ chưa đúng đắn. Vậy mê tín dị đoan có được gọi là tâm linh không ? Hoàn toàn là không, giống như sự đối lập của phải và trái, Phật và ma, Thiện và ác, Chính và tà… Hậu quả của mê tín dị đoan còn nguy hại hơn trộm cướp.Trộm cướp lấy tiền của, chúng ta có thể làm lại tiền của. Mê tín dị đoan cũng lấy tiền bạc, nhưng còn lấy đi cái quý nhất là Trí tuệ. Mất trí tuệ là cái mất lớn nhất, vì mất sự trưởng thành của nhiều kiếp sống sau này. Chúng ta đã thấy trong chuyện áp vong, các vong có thể nhập vào não bộ điều khiển người nói năng suy nghĩ. Còn vô vàn sự việc vong cư trú trong người, gây bệnh tật đau đớn, gây thói quen quái gở, gây tội ác bất thường. Có những việc tinh vi hơn, vong xâm nhập riêng một bộ phận, làm người đó chỉ biết si mê một việc, còn các lĩnh vực khác vẫn tỉnh táo như một người bình thường, nên không ai phát hiện sự điều khiển của vong. Hiện tượng này rất nhiều trong xã hội, bị mê muội nhưng nhất định không sửa chữa. Các ông thày pháp sư đã sử dụng khả năng nhập xuất của vong để làm bùa ngải, sai khiến vong nhập vào người khác, làm những việc tốt, hoặc xấu. Thêm nữa thế giới vô hình cũng ráo riết vào cuộc điều khiển con người.Trước đây sự việc lẻ tẻ không đáng lo ngại. Nhưng hiện nay đang trở thành trào lưu, nhưng ít ai phân biệt được danh giới giữa mê tín và tâm linh khác nhau thế nào. Một mớ hỗn độn được cổ xúy phát triển. Thật quá nguy hại.

    Tạo hóa đã thiết lập rào cản “Âm dương cách biệt” để bảo vệ con người, giống như Luật pháp bảo vệ nhân dân. Có một hệ thống trên cơ thể chống lại sự xâm nhập của vong ma. Một số ít người bị khiếm khuyết hệ thống này, đã mắc bệnh âm. Nếu tạp âm cõi vô hình tràn ngập, khiến họ phải nghe, phải nhìn thấy những điều quái dị, sợ hãi, gây ra hành vi khác người, hoặc điên loạn khó cứu chữa. Một thanh niên không chịu nổi tạp âm của cõi vô hình, đã gửi email cho tôi: “Cô ơi cứu cháu với, cháu đã rơi vào bước đường cùng. Cháu muốn được sống như người bình thường”. Người này đã trở lại cuộc sống bình thường, bằng phương pháp khơi dậy sức mạnh bản thể vốn có bên trong mỗi người. Sự phá vỡ rào cản bảo vệ, còn do nghiệp lực báo oán, có những vong ma cố tình xô đẩy làm người đó bị ngã chảy máu, bị sợ hãi, tạo cơ hội vong nhập. Một phần khác do quan niệm mê tín đã cố tình mời gọi để cho vong xâm nhập. Như vậy người mê tín đã vô tình chống lại Tạo hóa, chống lại sự bao bọc che chở đầy yêu thương, họ phải chịu tội nhân quả rõ ràng, như số phận người xã hội đen không biết luật pháp.

    Bên cạnh đó một thế giới tâm linh cũng phát triển, thiên về Trí tuệ, bằng nhiều cách giúp mọi người tỉnh thức thoát khỏi mê tín dị đoan. Quan trọng nhất là biết cách tu rèn cho con người trong sạch, có khả năng trực giác phát triển, có năng lực tương đối cao sẽ phân biệt được chính tà. Đáng tiếc cho nhiều người không biết học hỏi tâm linh, chủ quan tự cho mình đã có Tâm linh rất sáng suốt, không mê tí dị đoan. Nhiều người rất cảnh giác nói rằng: “Mắt thấy tai nghe mới tin”. Nhưng logic này hoàn toàn không đúng với thế giới vô hình. Ngay cả khi mắt thấy tai nghe, vẫn là sản phẩm dối trá của thế giới vô hình. Bởi vì người âm đọc được ý nghĩ, điều khiển được một vài sự việc để làm tin. Tin vào con mắt thịt, có thể bị mê tín mà không hay biết. Cái nhìn chính xác về thế giới khách quan, là nhìn bằng Trí huệ.

    Trước hết chúng ta cần biết thái độ của các nhà Tâm linh.

    Một bậc thày tâm linh nổi tiếng thế kỷ XX là Kritsnamurti tuyên ngôn: “Ai muốn bước đi trên đường Đạo phải tập tự mình tư tưởng, vì dị đoan là một trong những tai hại lớn nhất thế gian, một trong những xiềng xích tự con người phải hoàn toàn xa lánh nó” ( Dưới chân Thày).

    “Họ đâu biết rằng trong cõi âm có rất nhiều vong linh bất hảo hay tìm cách hướng dẫn sai lạc những người non nớt vừa bắt đầu khai mở quyền năng. Dĩ nhiên, với trí tuệ nông cạn, họ không biết tiêu chuẩn để xét đoán những hiện tượng có hợp chân lý hay không? Bởi thế họ dễ bị lung lạc để trở nên một tay sai đắc lực của các vong linh ma quỷ, các sinh vật vô hình. Một con người còn nhiều tham vọng, thiếu công phu trì giới, trong họ còn đầy đủ khí cụ tham, sân, si, ích kỷ, mê muội thì quá dễ dàng để các vong linh lợi dụng. Người tu mà thiếu từ bi, trí tuệ rất dễ bị sa ngã vào ma đạo lúc nào không hay” ( Hành trình về Phương Đông )

    Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài trên mười năm tiếp xúc với thế giới vô hình đã lo lắng: “Gần mười năm áp vong tôi đã thấm thía đủ những góc khuất phức tạp và nguy hiểm trong công tác này. Áp vong càng trở nên phổ biến, các khía cạnh nguy hiểm của nó càng bộc lộ rõ”. “Tôi thấy khi đến với chuyện Tâm linh, thường người ta chợt rũ bỏ hết đầu óc phản biện vốn dĩ rất cần trong mọi việc ở đời. Người ta trở nên ngây thơ, dễ tin đến lạ lùng. Họ có tâm lý tôn sùng, bảo sao cũng nghe. Họ cả tin trước mọi lời người âm. Mà quên mất rằng, người âm cũng từng là người trần vậy… Vậy mới thấy với vấn đề tâm linh, nếu không thực sự hiểu thì có lẽ ta nên đứng từ xa mà học hỏi, chiêm nghiệm, chớ nên liều lĩnh vội bước vào mà vô tình gây họa cho bản thân cùng gia đình” .( Một thế giới khác )

  2. #2
    suthat
    Guest

    Re: Danh giới mê tín dị đoan và tâm linh

    Thông thiên học từ nửa thế kỷ trước cảnh báo: “Buổi Hạ ngươn lắm chông gai, và hầm hố, nếu các người không biết thấy bằng mắt Trí huệ, là sẽ bị đến chỗ không tròng, nghĩa là mắt mù vậy. Vô phương cứu chữa những bịnh không phải bịnh, những thuốc không có thuốc, vì con người đâu có con mắt nữa, đã là xác không hồn rồi làm gì còn trí huệ để xét được cái của mình hay cái của người ta. Bần đạo muốn nói rõ, là bị mượn xác hẳn, không còn ông nầy hay ông nọ, bà kia, hay bà nọ nữa. Vì xác đã bị họ chiếm rồi. Ôi thôi! Tu như vậy, thì tu làm chi…Không khí hiện tại nghẹt bởi những vong hồn, đang chờ đợi để mượn xác thân. Nếu ai không biết sống, chính họ mượn ngay cấp kỳ” .( Thông thiên học).


    Ảnh các vòng tròn ánh sáng đặc trưng của vong trong bầu trời đêm Hà Nội.

    “Có nhiều người đi chùa nhưng họ đến để tìm một cái gì đó không liên quan đến việc tỉnh thức tâm linh.

    Có nhiều người chỉ thích đóng vai Thầy và muốn học trò hay đệ tử đóng mãi vai học trò đệ tử. Nhưng Thầy nào trò nấy, cũng có người thích đi tìm một vị Thầy, một đấng tôn sư bên ngoài để thờ phụng tôn kính. Theo tôi, một vị Thầy thật (Chân Sư) là người dạy cho đệ tử nhận ra ông Thầy của chính mình bên trong (le maître intérieur). Ðức Phật là một Chân Sư, ngài thành Phật và dạy cho chúng ta khai triển Phật tánh của mình để thành Phật như ngài. Ðức Phật đâu có muốn bị đúc tượng ngồi yên trên bàn thờ cho chúng ta hì hụp lạy ở dưới” ( Ngã tâm linh .).

    Thế nào là danh giới giữa Tâm linh và mê tín dị đoan ?

    Bài viết ở hội thảo trước tôi đã khẳng định : Tâm linh là trí tuệ hiểu rõ sự thật trong thế giới vô hình và hữu hình. Như vậy tâm linh là trí tuệ sáng suốt của các bậc thánh nhân thông thái, có đạo đức cao cả, luôn phản ánh sự thật để giúp đỡ chúng sinh sống tốt lành bớt khổ. Học hỏi tâm linh là học sự minh triết sáng suốt của loài người, minh triết Phương Đông, minh triết của thánh nhân hiền đức, của Phật, của Chúa… Các vị thày bên ngoài sẽ dẫn tới sự thức tỉnh vị thày bên trong, là bản thể mỗi người vốn có sự khôn ngoan và mạnh khỏe. Nếu học mà bị lệ thuộc vào thày ( nhờ thày cho lộc, cho quyền năng, cho những tham vọng tiền tài danh lợi, cho kiêu ngạo hơn người …), đó là sự học mê tín, bị vong ma điều khiển, bị cướp mất tự do. Không có tự do, thì không có tỉnh thức. Vì thế việc học phải có tỉnh táo, không theo giáo điều cực đoan, vì không ai đảm bảo những điều trích dẫn đúng nguồn gốc tâm linh hay không. Chỉ nên học trong đó cái gì mình cần. Nếu học kinh sách như con vẹt mà không hiểu, không thực hành được, thì đó là cách học mê tín.

    Khi Tâm tỉnh thức hiểu sự thật, gọi là có tâm linh, có trí huệ. Tâm linh thực chất là đỉnh cao trí tuệ, vươn tới sự hiểu biết thế giới năng lượng vô hình nuôi dưỡng sự sống. Để hiểu sự thật về năng lượng không đơn giản, vì rất nhiều dạng năng lượng tốt và xấu. Trí tuệ phải đứng đầu mọi việc. Sở hữu năng lượng tốt là vấn đề thách đố của trí tuệ, các bậc hiền triết đã dốc sức tìm hiểu hàng ngàn năm nay. Thế giới văn minh đã xa lầy vào năng lượng ô nhiễm, độc hại và hủy diệt. Người tâm linh biết sử dụng năng lượng tốt. Người mê tín sử dụng năng lượng xấu, rốt cục là khổ mãi. Nên thế kỷ 21 được dự báo là thế kỷ Tâm linh

    Trái ngược với tâm linh là mê tín dị đoan, là nhận thức sai lầm, không thấy sự thật, gọi rõ hơn là mê muội, tà tâm ( tâm ma ), bao gồm cả cuồng tín hoặc phản đối, ủng hộ mà không hiểu rõ sự thật.

    Con người sinh ra đã có sẵn lòng tham, có nghiệp lực đen tối, chưa tỉnh thức, nên có sẵn tà tâm, mê tín từ thửa ban đầu. Mê tín là cái nhìn sai lầm, méo mó về thế giới khách quan, chưa biết Cội nguồn thực sự của mình. Họ học hỏi cả những sai lầm truyền kiếp. Nên có người cực tả, có người cực hữu. Có người cuồng tín cúng lễ, có người cuồng tín máy móc. Họ phản đối quyết liệt hoặc si mê, mà không biết cái sai của mình. Họ làm những điều không đúng đắn gây ra nỗi khổ cho bản thân và nhiều người khác. Dĩ nhiên phải gánh chịu tai họa, nghiệp lực quả báo. Cho nên mê tín là một trong những tai hại lớn nhất thế gian, một trong những xiềng xích tự con người phải chặt bỏ. Đối với người làm khoa học, có bằng cấp cao, nhưng có thể chưa có tâm linh, có thể bị lừa dối bởi phương pháp quan sát bằng con mắt thịt, bị cuồng tín mà không biết. Các nhà ngoại cảm chân chính, có sứ mạng giúp đỡ chúng ta nhìn thấy sự thật trong cõi vô hình, để tìm mộ, chữa bệnh, phong thủy…đem lại đời sống tinh thần an lành và sức khỏe. Nhưng tà thuật có thể trá hình nhà ngoại cảm, Phật, Thánh, Thượng đế, để thâu tóm quyền lợi và quyền lực. Tương đối khó phân biệt bề ngoài nhà ngoại cảm chân chính và tà thuật .

  3. #3
    suthat
    Guest

    Re: Danh giới mê tín dị đoan và tâm linh

    Có một số biểu hiện có thể quan sát thấy :

    Tính chất của tà thuật : thích quyền lực, kiêu ngạo, tham lam, dối trá là 4 đặc điểm lớn nhất. Dù cố che đậy tinh vi đến đâu, cuối cùng vẫn bộc lộ 4 tính chất đó. Ngoài ra còn một số đặc điểm: lươn lẹo, dọa nạt, xảo quyệt, thù hận, ghét người nói thật, sợ ánh sáng, thích bóng tối, thích khoe khoang quyền năng…Người có cá tính như vậy, rất dễ bị tà thuật xâm nhập, làm tay sai cho chúng.

    Phẩm chất của Phật: Khiêm tốn, không tham lam, sáng suốt, trung thực, tế nhị dịu dàng, nhạy bén, yêu thương, không thù hận, có sức mạnh từ bi, không khoe khoang thần thông. Người có Phật tính, thì tà thuật không xâm nhập vì chẳng có lợi gì cho chúng.

    Trên thực tế khó phân biệt trò lừa tinh vi của vong ma, vì chúng đọc được ý nghĩ, và thường núp danh Từ thiện, Tu luyện, Dưỡng sinh, Thần thông, Cứu thế, Cúng lễ, Thánh nhân, Cụ tổ, Bà cô tổ, Phật, Thánh, Thượng đế… Nghĩa là các ngả đường học hỏi tâm linh đều có thể bị ma cảnh thao túng. Song không phải ai chúng cũng sai khiến được. “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, chỉ khi nào có đủ điều kiện vong ma mới nhập được. Có 7 trường hợp dễ bị vong nhập:

    - Cuồng tín, mong đợi, mời gọi vong nhập ( áp vong, bùa ngải, hoặc cuồng tín một ông thày hướng dẫn…)

    - Cúng lễ ( nếu cúng lễ bừa bãi khắp nơi )

    - Thần kinh yếu, hay sợ hãi, cơ thể có khiếm khuyết. Người này nên tránh hẳn các việc tâm linh, và phải luyện tập tu rèn để giải ô trược, tăng ánh sáng, sẽ được bình thường.

    - Nhà cửa phạm lỗi với vong, nhà có vong ám.

    - Có lòng tham lam ( dễ bị ma rượu, ma túy, ma dâm, ma tiền bạc, ma quyền lực, ma ăn uống, ma ăn trộm, xâm nhập lôi kéo ).

    - Có nghiệp oán đeo đẳng ( duyên tiền kiếp, món nợ oán thù truyền kiếp …)

    - Có tài năng nhưng kiêu ngạo. Các bậc thày tài năng mà kiêu ngạo, sẽ bị biến tướng dần dần theo ma cảnh. Thày có đông học trò dễ trở thành mục tiêu thỏa mãn thèm khát quyền lực của ma quỷ. Thày không đủ tỉnh táo sẽ trở thành tay sai cho chúng. Một người thày như vậy có thể kéo theo nhiều ngàn người mê tín. Vì thế việc học hỏi tâm linh phải lựa chọn Thày rất kỹ, và luôn tỉnh thức. Bởi vì có một số thày, lúc đầu đúng đắn, sau này biến chất. Vậy nên học cái gì phù hợp với mình, không nên nghe tất cả các thày.

    Cần hiểu rõ bản tính Kiêu ngạo đã có từ nguyên thuỷ. Và cũng vì lý do giai cấp về Đạo, cho rằng ta cao, mày thấp, ta thầy, mày trò, mà sanh ra cái tánh tự cao, tự đại. Sự kiêu ngạo sẽ cầm tù con người không còn biết học hỏi cái đẹp, trở thành bảo thủ, cực đoan, sai lầm, là nguyên nhân nhiều nỗi khổ.

    Người thày tâm linh thực tâm làm giúp đỡ người, xã hội. Việc làm cao thượng nhưng không cần thấy, không cần phải những chuyện cho người ta khen ngợi, không phô trương, không lợi dụng mê tín để lôi kéo đông học trò. Họ xua tan bóng đêm mê tín dị đoan, khơi nguồn ánh sáng từ Cội nguồn yêu thương. Đó là sự khác biệt giữa hai thế giới Thiện và ác. Nếu phân biệt được mới có Tâm linh.

    Danh giới mê tín dị đoan và Tâm linh rất mong manh, bí hiểm, người bình thường khó phân biệt. Để có tâm linh, người ta phải vượt qua quãng đời mê muội, phải tích cực học hỏi hướng về Cội nguồn, nơi bắt đầu của Trí tuệ sáng tạo và tình yêu chan hòa khắp vũ trụ. Người chưa rõ cội nguồn, là chưa có tâm linh. Học phải đi đôi với thực hành tu rèn. Tu rèn để có đạo đức và trực giác phát triển. Trực giác sẽ mở đường cho tâm linh phát triển. Vì vậy một người chỉ đọc sách mà không chịu khó rèn luyện tu tâm, tự cho mình giỏi, biết hết, thì không thoát khỏi mê tín dị đoan. Nếu một người hiền đức, có ánh sáng rạng rỡ, thì tà thuật không xâm nhập vì không còn chỗ ẩn náu. Phương pháp luyện tập Vô thức tại website: sucmanhvothuc.com là một trong những giải pháp hiệu quả, tự lực loại trừ các vong tà, chữa bệnh, tăng sức khỏe, tinh thần an lạc và điều quan trọng giúp người đó thoát khỏi mê tín dị đoan.

    Với cái Năng lượng chiếu ra bởi thân thanh tịnh, con người sẽ giúp cho muôn loài của quả địa cầu, toàn thế giới cùng một nhịp, không còn nhiều mối đạo như ngày hôm nay nữa. Cái gọi là Đạo, là để cho con người bớt sự nóng giận giết lẫn nhau, mà không phương nào, dù là luật pháp thế gian cũng không trị được họ, cho nên cần phải có cái Đạo để giải cho họ bớt mê. Nhưng đến giai đoạn quá khó khăn không dựa được cái tha lực bên ngoài, con người bắt đầu tự tu, tự giải thoát lấy nghiệp lực của mình. Vì họ đã hiểu rằng Đạo không do bên ngoài, mà bên trong là cái không thấy được, mới là đạo mầu. Đạo mà không thấy đạo là phi thường đạo.

    Tâm linh đem lại sự hiểu biết đúng đắn về thế giới vô hình, tránh được mê tín, giúp cho chúng ta sống an lành, hạnh phúc. Người có tâm linh được cả Trời và Đất che chở, Thiên và Nhân nể trọng, luôn được an toàn và đem công đức giúp đỡ mọi người. Thành tựu đó rộng lớn vững chắc hơn tiền bạc, đúng như đúc kết trong kinh Phật, ( Kinh Đại Phúc Đức ):

    “Ai sống được như thế.

    Đi đâu cũng an toàn.

    Tới đâu cũng vững mạnh.

    Phúc đức của tự thân.”

    Đoàn Thanh Hương.
    http://sucmanhvothuc.com/?p=1357

  4. #4
    khanang
    Guest

    Sơn móng đỏ tượng La Hán

    Sơn móng đỏ tượng La Hán

    Trong khi Thượng điện chùa Đậu (Hà Nội) được dựng lại bài bản, thì tượng La Hán lại được sơn móng chân tay đỏ, “nhá” lông mày không giống ai.

    Chùa Đậu đã trở thành di tích quốc gia từ năm 1968, trước cả khi những pho tượng táng hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường khiến chùa mỗi lúc một nổi tiếng hơn. “Đôi rồng đá trước cửa Tiền đường đẹp đến mức Bảo tàng Lịch sử đã đổ một mẫu để mang về trưng bày. Còn tam quan chùa Đậu với gác chuông có lẽ là một trong những gác chuông đẹp nhất của chùa phía bắc”, một nhà nghiên cứu cho biết.

    Ngói xô, ngói vỡ, toang hoác...

    Giờ đây, tam quan chùa Đậu hằng ngày là nơi để một gia đình dọn hàng bán nước cho khách thập phương. Quả chuông vẫn còn đó. Nhưng từ dưới nhìn lên, từ gác chuông nhìn ra mái của tam quan lại thấy thương. Ngói xô, ngói vỡ, ngói thủng nát nhừ, toang hoác.


    Tượng La Hán được vẽ lông mày, râu, sơn móng tay đỏ rất buồn cười - Ảnh: Ngọc Thắng


    Một góc chùa Đậu - Ảnh: Ngọc Thắng

    Bản thân các cột gỗ lớn của tam quan cũng ẩm mục. Người dân địa phương cho biết những cột này bị ảnh hưởng rất nặng từ sau trận lụt lịch sử của Hà Nội cách đây vài năm. “Cũng như nhiều ngôi chùa khác tại Hà Nội, các cấu kiện của tam quan làm bằng gỗ rất nhiều. Mưa, dột càng khiến chúng dễ mục nát hơn. Tôi cũng không tưởng tượng được tại sao người ta lại để một tam quan đẹp nổi tiếng rơi vào tình trạng xuống cấp đến như thế”, một chuyên gia trùng tu di tích khi được xem ảnh chụp nói giọng xót xa.

    Trước đó, vào năm 2005, chùa Đậu đã có một đợt tiến hành tu bổ. Công việc của đợt tu bổ đó rất lớn, bởi nó đã dựng lại tòa Thượng điện nổi tiếng đẹp của chùa đã bị mất hẳn trong chiến tranh, chỉ còn lại dấu tích nền móng. Dự án khi đó được PGS-KTS Hà Tất Ngạn, ĐH Kiến trúc Hà Nội thực hiện. Thiết kế dựa trên tư liệu ảnh tìm được tại thư viện Viện Khoa học xã hội, cũng như đóng góp ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu. Có thể nói, phần dựng lại Thượng điện đã được thực hiện theo đúng các thủ tục quy định.

    Việc sơn móng tay móng chân đỏ cho tượng như vậy không thể chấp nhận được. Đấy là xu hướng đĩ thõa hóa tượng (GS Trần Lâm Biền)

    Chắp vá
    Chính vì thế, Thượng điện trở thành đối trọng với hai dãy hành lang La Hán ở sát hai bên. Những bức tượng La Hán hiện đều đang trong tình trạng mang móng chân móng tay đỏ chót và nước sơn bóng loáng. Các chuyên gia khi được cung cấp những bức ảnh này đều cho rằng tượng đã bị sơn lại. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn, theo GS Trần Lâm Biền, việc sơn móng tay móng chân đỏ cho tượng như vậy không thể chấp nhận được. “Đấy là xu hướng đĩ thõa hóa tượng”, ông nói giọng giận dữ.

    Việc sơn móng tay móng chân đỏ cho tượng La Hán này không chỉ sai nguyên lý văn hóa, theo ông Trần Thành (Cục Di sản văn hóa), mà còn không hề nằm trong thỏa thuận tu bổ mà Cục đã đồng ý. Chưa kể, tại một trong hai dãy hành lang La Hán, một tấm bia vỡ làm nhiều mảnh, những mảnh vỡ được gác tạm ở chân tường.

    Chỉ trong một di tích cấp quốc gia như chùa Đậu đã có thể thấy nhiều biểu hiện khác nhau về bảo tồn, tu bổ. Cái đúng, cái sai. Cái cho thấy sự chậm trễ. Cái thể hiện sự cẩu thả, thiếu tìm hiểu văn hóa gốc. Có lẽ nhà quản lý nên mau chóng rà soát lại, để giải quyết tận gốc tình trạng chắp vá ở chùa Đậu. Điều khẩn cấp nhất trong đó là cùng tìm cách cứu tam quan chùa đang trong tình trạng báo động.

    Bệ tượng kỳ lạ
    Chùa Đậu còn một pho tượng mới khác cũng không đúng với nguyên tắc đặt hệ thống tượng. Tượng mới này bằng gỗ, thể hiện một vị bồ tát đang cưỡi voi, từ đó có thể tạm suy ra là Phổ Hiền bồ tát. Theo GS Chu Quang Trứ, tượng Phổ Hiền bồ tát cưỡi voi thường được đặt tại nhà Thượng điện.

    Tuy nhiên, tại chùa Đậu, bức tượng này không hề được đặt tại Thượng điện. Bệ tượng cũng rất kỳ lạ, gồm những khối đá to nhỏ xếp lên nhau. Trong khi, cũng theo GS Chu Quang Trứ: “Trong một ngôi chùa dù có vài chục hay vài trăm pho tượng thì phần cơ bản vẫn được tôn trọng”.
    http://www.thanhnien.com.vn/pages/20...ng-la-han.aspx

  5. #5
    khanang
    Guest

    Mê tín dị đoan “leo” đỉnh Tà Cú

    Mê tín dị đoan “leo” đỉnh Tà Cú

    Tọa lạc tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), núi Tà Cú cao 649 mét so với mặt biển, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch đến với “vương quốc” resort. Nhân mùa lễ hội dinh Thầy Thím tại thị xã Lagi vừa qua, nhiều người từ khắp mọi miền hành hương lên đỉnh Tà Cú để cầu bình an, hạnh phúc. Trong dòng người ấy có những kẻ mang theo cả hy vọng hão huyền.

    “ÔNG VỀ ĐÓ”!

    Trên đỉnh núi là tượng Phật Thích Ca nằm lớn nhất Đông Nam Á (lớn hơn tượng Phật dài 45m trong chùa Wat Po ở Bangkok, Thái Lan), làm bằng bê tông, quét vôi trắng, dài 49 m, cao 7m, do ông Trương Định Ý xây dựng vào năm 1963. Từ 12 giờ trưa, người ở khu vực này mỗi lúc một đông. Bỗng một người đàn bà dáng người phốp pháp hét lên: “Giờ đắc đạo nên ông về rồi”. Nhiều cụ ông, cụ bà lò dò chống gậy đi về phía phát ra âm thanh. Các nhóm thanh niên cũng chạy ào tới. Hết thảy đều chăm chú nhìn về phía nhành cây cổ thụ có một con rắn dài hơn 1 mét.

    “Giờ này linh lắm, chắc ông thương mình làm ăn thất bát nên hiện hình về” - một bà cụ quê miền Tây nói giọng nghiêm trọng. Lập tức, nhiều người quỳ lạy, khấn vái... con rắn! Hai người bán vé số, một già, một trẻ nhanh chóng có mặt.

    Với vẻ mặt thất thần, bà Thu - khách hành hương đến từ tỉnh Khánh Hòa khấn: “Nếu ông thương con, phù hộ cho con đánh thắng số 32”. Nói xong, bà Thu vẫy hai người bán vé số đến để mua những tờ có số cuối 32. Chẳng mấy chốc, sấp vé số được bán sạch. Hai người bán vé số nở nụ cười bí hiểm.

    Vuốt vội những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt do leo núi, Thành - một du khách từ Đà Nẵng phao tin: “Linh thật, tối qua tôi đi dinh Thầy Thím cầu nguyện, sáng nay thấy thần hiện về. Tôi sẽ gọi về nhà tập trung anh em đánh con 32 mãng xà, đảm bảo ngày mai trúng đậm”. Nói xong, Thành bấm số gọi hết người này đến người khác.

    Tin đồn lan nhanh, du khách ở chân núi thi nhau dùng cáp treo (25.000 đồng/lượt) lên tới đỉnh để tận mắt thấy “thần”, bất chấp trời nắng như thiêu đốt.

    Đem chuyện hỏi một cư dân trên đỉnh núi, anh này cười: “Làm gì có chuyện đó. Ở đây là đỉnh núi nên rắn rít bò là chuyện bình thường”.

    THẦN MAY MẮN?

    “Người ta bảo lên đất Phật hên lắm, cầu được ước thấy nên tụi tôi thuê xe từ Đồng Tháp ra tận đây” - bà Thảo, chủ một tiệm buôn ở chợ Cao Lãnh nói. Bà cùng bạn bè khệ nệ vác theo đồ cúng leo từng bước khổ ải lên đỉnh. Tới tượng Phật nằm, bà cùng mọi người kính cẩn quỳ lạy. Dù có biển cấm leo trèo nhưng để linh thiêng ứng nghiệm, bà cố leo lên rờ vào vạt áo của tượng nhưng chẳng may trượt ngã làm bong gân chân. Kết quả là hai bà trong đoàn phải dìu người đàn bà tội nghiệp hạ sơn với từng bước khập khiễng.

    Chen nhau sờ vào quần áo của tượng

    Cách pho tượng Phật nằm khoảng 50m về phía dưới là nhóm tượng Di Đà xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: tượng A Di Đà ở giữa cao 7m, hai bên là tượng Quán Thế Âm và tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5m. Giữa cái nắng gay gắt, chúng tôi nghe một người phụ nữ phấn son lòe lẹt vừa lạy vừa khấn như than thở: “Chồng con mắc bệnh ung thư bị bệnh viện trả về, cầu mong thần linh thiêng phù hộ cho nhà con”.

    Đứng bên cạnh, trong bộ váy ngắn áo hai dây sực nức mùi nước hoa, một cô gái trẻ nói rõ to: “Mong Phật phù hộ cho con lấy được chồng ngoại giàu có. Nếu được điều đó, con sẽ bỏ tiền xây lối lên đây thật khang trang”.

    Trên đường xuống núi, thấy nơi nào có đặt tượng là nhiều người mê tín lại lao vào đụng chạm bộ vải che quanh để cầu may. Chưa hết, thấy một dòng suối chảy róc rách, ai nấy chạy tới thật nhanh để uống “nước thánh”.

    Nhiều đỉnh núi có thờ tượng Phật hiện nay như núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Chứa Chan ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), núi Ba Thê ở huyện Thoại Sơn (An Giang)... luôn bị những người mê tín dị đoan nhũng nhiễu, phao tin đồn thất thiệt. Bằng chứng là ngày hôm sau, chúng tôi kiểm tra kết quả của các công ty xổ số kiến thiết các tỉnh thành không nơi nào có kết quả mãng xà (32). Tôi gọi điện cho Thành, anh ta ngán ngẩm: “Nghe người ta đồn gặp rắn là thấy thần, tôi gọi mọi người tập trung đánh số 32, nhưng trật lất”.
    http://www.baomoi.com/Me-tin-di-doan...37/3474369.epi

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình