Con người – tuy cũng như mọi loài động, thực vật khác – mang tính độc lập, có thể tự phát sinh, phát triển và tồn tại. Nhưng trong tiến trình đó luôn luôn bị môi trường chung quanh, hoặc những xếp đặt trong tự nhiên chi phối. Những sự chi phối này có thể là hữu hình hoặc vô hình, có lúc cảm nhận được, nhưng có lúc không thể cảm nhận được bằng giác quan trực tiếp. Nếu có những phương pháp hay dụng cụ để nhận biết được chúng, con người sẽ có thể chọn cho mình một môi trường sống thích hợp và tốt đẹp. Còn ngược lại thì có thể sẽ tự đưa mình vào một môi trường độc hại, nguy hiểm mà vẫn không hề hay biết. Một trong những phương pháp đó chính là bộ môn Phong Thủy.


Phong thủy là một môn khoa học tìm hiểu và khám phá những ảnh hưởng vô hình của môi trường chung quanh đối với con người. Vì những ảnh hưởng này là “vô hình”, nên từ xưa đến nay, Phong thủy đã từng bị bài bác như một thứ “mê tín dị đoan”. Nhưng đó thường chỉ là do những quan điểm nông cạn, hoặc kém hiểu biết. Trên thực tế, Phong thủy đã ra đời và được ứng dụng ở Việt Nam và Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay. Kết quả ứng dụng của nó đã làm thay đổi bộ mặt cuộc sống của con người trong mọi thời đại, từ việc xây dựng hoàng cung, thiết lập các khu dân cư, cho đến việc thiết kế và chỉnh trang các gia cư.

Nói một cách cụ thể, Phong thủy được dùng để nghiên cứu những ảnh hưởng của sự xếp đặt trong tự nhiên, như những dãy núi, những con sông, những ao hồ, xa lộ hoặc đường xá... để thiết kế hay chỉnh trang những khu vực sinh hoạt của con người như gia cư, chung cư, thương xá, công xưởng, đô thị, nhằm tạo được một hoàn cảnh sinh hoạt tốt đẹp trong môi trường đang sống.

Có hiểu được những ảnh hưởng của môi trường chung quanh, con người mới có thể tìm được những biện pháp đối phó thích hợp, thông qua việc thiết kế và xây dựng nhà cửa. Ví dụ như đường xá có xe cộ tấp nập, sẽ phát ra nhiều chấn động do tiếng ồn và sự di chuyển của xe cộ. Hoặc nơi có ao hồ sẽ gây cảm giác yên tĩnh và bầu không khí mát mẻ... Sự hiện diện của chúng sẽ tạo ra những ảnh hưởng tuy vô hình, nhưng có thể đem đến những hậu quả tốt hoặc xấu cho con người sống gần nó. Từ sự nhận biết những ảnh hưởng "tốt", "xấu" này, nên khi làm nhà, người ta mới cần phải chọn hướng và cửa, sao cho chúng nhìn về những phương vị “tốt”, hầu đón nhận được “cát khí” (hay khí tốt) của môi trường. Còn những phương vị “xấu” thì xây tường bít kín, không trổ cửa ra vào hay cửa sổ, để cho “khí xấu” (hoặc hung khí) không thể vào nhà mà gây ra những hậu quả tai hại.

Cho nên, từ những hiểu biết về Phong thủy, người ta mới có thể thực hiện những thiết kế phù hợp cho một căn nhà, cũng như tìm ra khuyết điểm của chúng mà tu sửa hoặc “hóa giải”. Hai yếu tố trên tuy thật đơn giản, nhưng đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm chuyên môn về Phong thủy, mới có thể khảo sát, nghiên cứu, cũng như đưa ra những giải pháp thích hợp và tốt đẹp nhất.

(Phong thủy không huyền học)