THIỀN SƯ MUJU

GÓP NHẶT CÁT ĐÁ

TỰA

Những lúc viết lách căng thẳng, tôi thường tìm đến D.S Tự. Đó là một ngôi chùa nhỏ, khép nép nằm sâu trong một ngõ tối, vùng Chợ Lớn. Trong trầm trầm khói hương nơi cửa Phật, những tục lụy được trút bỏ, hồn tôi sống lại những phút thăng hoa.

Một lần, tôi mượn được ở đó một cuốn sách nhỏ, in xấu, giấy đã ố vàng nhàu nát của vị chân tu trụ trì chùa, đem đến gốc bồ đề ngồi đọc. Dưới bóng rợp của từ bi, càng đọc, tôi như bị nhập Thiền dẫu suốt đời tôi chẳng theo một tôn giáo nào cả. Tôi đem về cho vợ và các con tôi đọc. Thật kỳ diệu, những phản ứng tương tự đã xẩy ra.

Đây là những giai thoại Thiền rút từ tập SHASEKI-SHU (THẠCH SA TẬP) của Thiền Sư Nhật MUJU viết vào cuối thế kỷ thứ XIII, và những hài thoại của các đồ đệ dòng Thiền trích từ nhiều quyển sách khác nhau đã được xuất bản rộng rãi ở Nhật Bản trong vòng thế kỷ XX này.

Chuyện Phật đã thành chuyện Đời!

Các bạn có thể tìm thấy trong những đoản thiên triết học Thiền này những mảnh vụn máu thịt của đời thường mà người có lương tri không thể thờ ơ được: Sự phát hiện ra con người chứa cả một kho tàng! Truyện số 27; hậu quả của ghen ghét đố kỵ sẽ đi đến đâu; chân lý bao giờ cũng sáng tỏ, cần gì phải thanh minh (truyện số 3); chuyện về sự kiên trì- như người Nhật nói- xuyên cả hòn đá (truyện 20); hiếm có những người không biết nghe nịnh (truyện 69); chuyện về thiên sứ của người nghệ sĩ, những hy sinh cao cả mà người đời làm sao hiểu nổi (truyện 45); chuyện về sự giày vò đau đớn trong sáng tạo nghệ thuật (truyện 76); lý luận về thi ca( truyện 85); chuyện hy sinh cao thựong cho một đức tin (truyện 37); chuyện tà không khử được chánh (truyện 53); chuyện công lý tha thứ mạnh hơn công lý trừng phạt (truyện 43); sự phục thiện của con người (truyện 58)… quyển sách là sự thức tỉnh nhận thức, dạy người ta sống Người hơn, nhân ái hơn. Sách tuyên truyển cho giáo lý nhà Phật hay giáo lý cuộc đời? Sức mạnh của nó là ở tứ truyện đẹp, thoáng, gọn, hóm, lão thực về triết lý, thi hứng về văn chương.

Trên lịch trình tiến hóa, con người đã phải luôn luôn trăn trở tìm đường đi cho chính mình. Ra đời từ thế kỷ III Tr CN, đạo Phật là một chứng nghiệm tìm đường, nó là một tôn giáo truyền bá sự giải thoát khỏi mọi đau khổ không phải trong cuộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù hai chân và bốn chân mà là trong việc hoàn thiện đạo đức, bằng cách khước từ mọi cám dỗ ham muốn để đạt tới cõi sáng suốt- Niết bàn. Việc cứu vớt con người không phải tùy thuộc vào ơn trời mà còn ở sự tu tâm của họ. Vì vậy, điều cốt yếu của một con người muốn khám phá mình là người biết khai mở tâm thức của chính mình như đức Phật đã làm. Mỗi một truyện của cuốn sách này chứa ẩn một triết lý thâm thúy, cao siêu sẽ kể lại với bạn những cuộc khai phá như thế. Và bạn thấy chưa: hạnh phúc là đấu tranh cũng như tu tâm là cõi phúc đều là những giải pháp có giá trị như nhau. Ai có thể phủ nhận được diều đó khi trê khắp hành tinh này có khoảng 500 triệu Phật tử đang tự cứu rỗi linh hồn mình bằng phép màu của đạo Phật.

Trên đời này không có gì nhân đức bằng con người, nhưng lắm lúc con người cấu xé lẫn nhau! dã thú không bao giờ ăn thịt đồng lọai, thế mà con người lại dấn quá sâu vào địa hạt của tội ác.

Khi bị lạc lối dưới mặt đất, con người tìm đường lên Trời. Hình như ông già Plekhanou đã nói thế. Tôi cũng xin nhắc lại như thế và nhấn mạnh thêm rằng đó là con đường tự nhiên đến với tôn giáo của con người. Tôi không khuyên con người trở thành Phật tử gia nhập vào cái tử số nửa tỉ đệ tử đã quá cồng kềnh của Thích Ca Mâu Ni tôi chỉ caầu mong con người trở thành Phật tử của điều Thiện. Tôn giáo chân chính của mọi người là làm điều Phải, diều Thiện. Quyển sách này dạy chúng ta làm điều phải, điều Thiện đó.
Với các ý tưởng này, tôi đem GÓP NHẶT CÁT ĐÁ giới thiệu cùng Nhà Xuất bản Đồng Nai.

Sau bảy tháng nghiên cứu…

Được Bộ Thông tin cho phép, Nhà Xuất bản Đồng Nai xuất bản cuốn sách này là làm cái công việc đẹp đẽ hòa đồng giữa Đạo với Đời. Bởi, Đạo không có Đời không có đất sống , Đời không có Đạo sống không ra Người.

Nào, các bạn ta Thiền! Thiền là lấy tâm truyền tâm. Tôi đã đọc – đến lần thứ ba rồi – dĩ nhiên hiểu cho hết giáo lí của nó không phải dễ, nhưng càng đọc đầu óc hoang dã của tôi cứ như được phát quang.

Viết tại D.S TỰ 10/03/1990
XẠ THỤY