+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 7 của 7

Chủ đề: Văn hóa phong bì trong giáo hội phật giáo việt nam

  1. #1
    Thuc te
    Guest

    Văn hóa phong bì trong giáo hội phật giáo việt nam

    Là những người Phật tử xuất gia hay tại gia, dù là người có thiện căn trí thức hoặc là độn căn thì cũng đã phần nào hiểu về Tam Tạng Thánh Điển của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


    Thông qua các đại giới đàn Tam quy – Ngũ giới, Sadi giới, Tỷ kheo giới đến Bồ Tát giới, chư tôn đức đóng vai là giới sư truyền thụ ít nhiều cũng đã từng tuyên giới và giảng giải những nội dung liên quan đến giới “không được cất giữ vàng, bạc, của báu; ngoại trừ giữ gìn của Tam Bảo và theo quốc độ để có thể làm phương tiện lộ phí khi đi đường, song phải coi như là lấy vật đổi vật mà không được sinh vọng tâm tham đắm”. (Giới thứ 10 trong Sadi - hành giả để tiến lên hàng Thanh văn, Bồ Tát,…). Hoặc trong Luận Trí độ có nói tới “Tam thí: tài thí, pháp thí và vô úy thí”; tài thí tức là nói tới vật thí như là (quần áo, thức ăn, ruộng nương, nhà cửa, châu báu); pháp thí tức là thuyết pháp khiến cho người tin nghe, hiểu và thực hành có lợi lạc trong đời sống; vô úy thí tức là đem cái vô úy bố thí cho người.

    Như vậy, rõ ràng trong giáo pháp và giáo luât của Đức Bổn Sư không có đề cập đến tiền bạc, song tài thí (vật thí) hiện nay ngoài quần áo, thức ăn, ruộng vườn, châu báu thì còn bao hàm cả tiền bạc, nhưng một điều bất biến của giáo lý Đức Phật là tất cả tài thí là để giữ gìn của Tam Bảo, là phương tiện để làm lộ phí khi đi đường, song phải coi đây như là lấy vật đổi vật mà không được sinh vọng tâm tham đắm trên tinh thần thực hành kế tri túc, không bận vào đường danh lợi.

    Ngài Tô Đông Pha một văn hào của Trung Quốc đã từng nói: “Biết an thời vinh hiển, biết đủ thời giàu sang”. Lịch sử Phật giáo nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, nhiều vị Quốc sư, Thiền Sư, Pháp sư có công lao to lớn với đất nước ngay từ những ngày đầu đất nước mới khởi dựng, họ được coi là những bậc “khai quốc công thần”, những các ngài không màng đến danh lợi, hoàn thành sứ mệnh với đất nước, các ngài lại trở về nơi am tranh rừng vắng tu tập, cuộc sống thanh đạo, hướng dẫn tín đồ Phật tử nhất tâm hộ trì đất nước, để giữ gìn non sông gấm vóng của quốc gia.

    Lịch sử là vậy, ngày nay với cuộc sống công nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, đại bộ phận Tăng ni Việt Nam vẫn tiếp tục kế tiếp lịch sử để nhất tâm tu tập, hướng dẫn Phật tử hành trì lễ niệm, giữ gìn bản sắc văn hóa Phật giáo, cầu nguyện quốc thái dân an, đạo pháp được xương minh, chúng sinh an lạc, như giáo lý của Đức Bổn Sư đã từng dạy. Song cũng có một bộ phận Tăng ni hiện nay cũng đã và đang có những biểu hiện lệch lạc trong đời sống tu tập, có những việc làm thái quá, trái với tư tưởng giáo lý và tổn hại đến đạo pháp, làm cho hình ảnh của những Thích tử xa lạ với đời sống xã hội, tạo nên sự xa hoa trong lối sống thiền gia.

    1. Thành tâm cúng dường xuất phát từ giáo lý của Đức Phật như trên đã đề cập tới (Tam Thí), và đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp trong đời sống Phật giáo. Vì tất cả Tăng ni đều là những người “xả phú cầu bần, xả thân vì đạo”, cho nên họ là những người đáng kính trọng và đáng được cúng dường. Ví như trong văn hiến cúng ngọ, Tăng ni vẫn thường đọc tụng văn cúng và hiểu rằng: không có canh tác mà lại có lương thực để ăn, không dệt vải mà lại có áo để mặc,… tất cả đều do đàn việt thập phương tín thí, nên mọi người phải nỗ lực mà tu tập, thực hành giáo lý cho thật tốt, để hồi hướng công đức đến những người đã một sương hai nắng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có sản phẩm thành tâm dâng cúng hành giả của Đức Như Lai.

    Vì vậy, trong sinh hoạt của chư Tăng Phật giáo Nam truyền, chư Tăng thường đi khất thực bình bát theo gương của Đức Phật vào mỗi sáng và trưa, thông qua việc thực hành này mà gieo hạt Bồ Đề cho tín đồ Phật tử để liễu nghĩa được giáo lý Phật Đà trong cuộc sống nhân gian, đồng thời với chư Tăng diệt trừ được tam độc (tham, sân, si), từ đó tăng trưởng đạo lực, sống cuộc sống thanh đạm, không tích trữ tài vật, vì như ngài Hòa thượng Minh Giáo (Thiền sư Trung Quốc) đã nói “lợi là cái mầm mống của loạn”.

    Đối với Phật giáo Bắc truyền, chư Tăng phải chuyên tâm tu tập và thực hành lao động sản xuất để tự nuôi sống bản thân với một tinh thần “ngày không làm thời cũng không ăn”, “tự tiêu tự sản”, không lạm dụng của thập phương tín thí. Nhiều chùa chiền ở vùng quê thì có ruộng vườn để lao động, tạo ra lương thực, thực phẩm, với các chùa ở phố xá thì làm nhiều việc phù hợp với việc Phật sự như tổ chức sản xuất hương, tương, làm đậu phụ, in ấn kinh sách và các văn hóa phẩm khác.

    Cả Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền hàng năm vẫn tổ chức các khóa an cư kết hạ nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ, cầu nguyện quốc thái dân an. Trong thời gian này, Phật tử thập phương hành hương về các điểm an cư tập trung phát tâm cúng dường đầy đủ “tứ sự cúng dường”.(y phục, ẩm thực, ngọa cụ và thuốc thang), nhằm giúp chư Tăng ổn định cuộc sống tu tập, đồng thời là để hồi hướng công đức cho cửu huyền thất tổ và là điều kiện để thực hành phép “tứ ân” của giáo lý Đức Phật.

    2. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang vận hành theo nền kinh tế thị trường, nhiều vấn đề thế tục đã đan xen vào trong chốn thiền môn, làm cho giá trị văn hóa Phật giáo như trên đã trình bày bị “méo mó”, làm thay đổi những giá trị đích thực mà giáo lý Phật Đà.

    + “Phong bao cúng dường trong nghi lễ” đang là một vấn nạn trong đời sống Tăng ni và Phật tử. Trước hết là ở mỗi vị Tăng Ni hiện đang sinh hoạt trong các cơ sở tự viện, đặc biệt là Phật giáo Bắc truyền. Mỗi khi chùa có Phật sự như khởi công động thổ, khánh thành, Tăng ni sa bà báo mãn, phụ mẫu của Tăng ni mất,… việc thỉnh chư tôn đức Tăng ni ở nơi khác đến tham dự cho buổi lễ được long trọng thì phải lo phong bì, lễ nghi để thỉnh và coi đây là là kinh phí để thuê phương tiện đón rước, gần thi đi xe máy, xe ô tô, xa thì đi máy bay, tàu hỏa,… Tăng ni nào muốn đông Tăng ni đến dự nhiều cho hoành tráng và muốn chư tôn đức lãnh đạo các cấp giáo hội cho long trọng thì kinh phí “tiền thỉnh” lại phải càng nhiều và sự nhận lời, hứa khả của chư tôn lại càng cao. Lo thỉnh xong, chư Tăng ni đến dự lại phải có lễ hậu tạ cũng tương đương như lúc thỉnh và đôi khi còn lớn hơn lúc thỉnh.

    Người này làm được, người kia làm được và nay đã trở thành như là một trào lưu “trăm hoa đua nở, trăm chùa đua tiếng”. Có những vị Tăng ni có điều kiện thì dễ dàng, song cũng có những vị Tăng ni không có điều kiện đành phải vay mượn để cốt lo công lo việc của chùa mình cho bằng chúng bằng bạn.

    Phật sự của Tăng ni ở các chùa là vậy, gia đình Phật tử mỗi khi có công việc muốn trông cậy vào nhờ quý thầy thì cũng phải như thế, tùy theo khả năng của mỗi gia đình. Có những gia đình Phật tử muốn làm lễ cầu siêu, cầu an cũng phải chi phí từ vài triệu, chục triệu, trăm triệu, thậm chí là lên hàng tỷ đồng (tùy theo thời gian, nội dung làm lễ và số lượng Tăng ni đến dự đông, hay vắng), đặc biệt trong giai đoạn “phú quý sinh lễ nghĩa” này.

  2. #2
    Thuc te
    Guest

    Re: Văn hóa phong bì trong giáo hội phật giáo việt nam

    Hiện nay nghi lễ không chỉ dừng lại ở góc độ gia đình Phật tử với trụ trì Tăng ni ở các chùa dưới góc độ cá nhân, mà nay đã lan tỏa sang nhiều cơ quan, tổ chức với góc độ tập thể và cũng không chỉ dừng lại ở những ngày kỷ niệm chính mà bất cứ lúc nào khi họ cảm thấy gọi là “cần thiết”, cho nên có khóa lễ tổ chức lên đến hàng vài tỷ đồng cũng không phải là hiếm thấy, và không chỉ tổ chức ở nơi thờ tự mà nay còn tổ chức những nơi của người mất, ở nghĩa trang liệt sỹ hay ở những rừng cây, sông suối,…

    + “Phong bao cúng dường trong hành chính đạo”. Hiện tượng này ngày nay đang rất phổ biến ở một số vị quý vị lãnh đạo các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

    Hiện tương phong bì phong bao để xin giấy tờ, chủ trương, dự án, cơ cấu nhân sự, nâng lên đặt xuống là mặt trái của đời sống xã hội hiện nay, song hiện tượng này cũng đã phát tác đến một số quý vị được gọi là lãnh đạo các cấp giáo hội hiện nay: Tăng ni muốn độ đệ tử xin giáo hội cấp trên để được nhập tu cũng phải có lễ, phong bao để tác bạch lãnh đạo chứng minh cho việc độ đệ tử; muốn thọ giới cho đệ tử cũng phải đến bạch chư tôn đức lãnh đạo kèm theo đầy đủ lễ nghi; Tăng ni muốn được đi học các trường Phật học, thế học, cần phải xin giấy tờ xác nhận của lãnh đạo cũng phải có lễ nghi; Tăng ni muốn trụ trì, thuyên chuyển sinh hoạt cũng phải có lễ nghi đến tác bạch lãnh đạo giáo hội; Tăng ni muốn được an cư kết hạ cũng phải có lễ để tác bạch,…

    Đây là những việc thông thường và thuận theo lý và sự, mọi đương sự đến xin giấy tờ đều đúng quy định của giáo hội đề ra thì còn dễ dang giải quyết; còn những ai trái tuyến, thiếu một vài thủ tục gì đó thì “lễ nghi” phải khác mới có thể nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo.

    Mỗi dịp các cấp giáo hội có sự thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo, đặc biệt vào các dịp tổ chức đại hội, cơ cấu sắp xếp nhân sự, thì sự lân mẫn và lễ nghi của một vị nào đó mà tạo sự cảm tình của bề trên thì ắt rất thuận lợi cho việc đề cử và ủng hộ cao của chư tôn đức lãnh đạo, thậm chí còn có những mặc cả hoán vị bằng tiền thành tâm cúng dường để có một vị trí trong ban lãnh đạo. Thậm chí, nhiều vị Tăng ni ở các chùa là nơi thánh tích, có nhiều điều kiện hào phòng về sự phát tâm cung dường, sẵn sàng đem phong bì đó để cúng dường các bề trên từ A-Z, tạo sự quan hệ khăng khít có đi lại để tạo bè tạo phái, thuận cho thao túng tổ chức, tạo nên những lợi ích nhóm trong tổ chức giáo hội.

    Có những vị có nhiều của cải vật chất đã hoang tâm sử dụng hoang phí, sống phóng túng buông thả, không tự mình sống phạm hạnh. Có những vị Tăng ni xâm nhập vào đời sống kinh tế thị trường như mua đất, biệt thự, căn hộ, chứng khoán, xe hơi xịn, thậm chí là có cả những quan hệ bất chính trái với luật đạo, tạo nên dư luận không tốt trong xã hội.

    Rõ ràng, những mặt trái của thế tục đã và đang lan tỏa sâu rộng trong tổ chức giáo hội, đã làm băng hoại nếp sống Phật gia của một bộ phận Tăng ni, biến sự cao quý cúng dường của giáo lý Phật Đà thành sự tham nhũng của thế tục đang sinh sôi nảy nở trong cõi thiền môn.

    Kết thúc bài viết này xin được trích lời của Hòa thượng Viên Thông Nột (Thiền sư Trung Quốc): “Phàm người ở chốn tùng lâm, tự mình không duy trì lấy đạo đức ở nội tâm, lại nương cậy vào quyền thế ở bên ngoài, nhất đán cái thế đó mất đi, không thể tránh khỏi cái họa khuynh đảo”.

    (Nguồn: Chuyển Luân)

  3. #3
    binhminh
    Guest

    Lập đàn, góp lễ chạy sô cúng bái tháng giêng

    Lập đàn, góp lễ chạy sô cúng bái tháng giêng

    Hết mời thầy về trụ sở công ty, nhà riêng cúng lễ, các chủ DN lại rủ nhau lập đoàn, hội đi lễ sau một năm mất ăn mất ngủ vì kinh doanh sa sút, thậm chí thua lỗ, nợ nần.

    “Công nghệ” góp lễ

    4h sáng ngày 16 tết, sáu chiếc xe hơi đã đậu thành đoàn trước trụ sở DN chế biến thực phẩm Anh Đức trên phố Yên Phụ - Hà Nội. Từng thùng hoa quả, bia, lễ lạt vàng mã được bê ra chất đầy lên hai chiếc xe bẩy chỗ. Vài phút sau, đoàn xe xuất pháthành trình dâng lễ về đền Củi thờ vọng ông Hoàng Mười (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Anh

    Nguyễn Xuân Đức, giám đốc Công ty Anh Đức thành tâm chia sẻ: “Năm qua không riêng Anh Đức mà các DN chế biến thực phẩm xuất khẩu đều làm ăn khó khăn. Đơn hàng của chúng tôi giảm mà khách hàng cũng khó tính hơn nên chủ yếu làm ăn cầm chừng, giữ khách”.

    Vốn làm ăn với nhau nhiều năm nên anh Đức và các bạn hàng từ cả Hải Phòng, Quảng Ninh rủ nhau làm chuyến xuất hành đi lễ đầu năm.


    Anh Đức chia sẻ thêm: “Kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vốn đã không dễ dàng bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe nên bạn hàng ở châu Âu rất khó tính. Năm qua, kinh tế châu Âu cũng nhiều khủng hoảng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh của chúng tôi. Mấy anh em bạn hàng quyết định dâng lễ lớn mong một năm làm ăn dễ thở hơn”.

    Lễ lớn mà anh Đức nhắc đến là gần 30 thùng, két các loại hoa quả, bánh kẹo, bia rượu và vàng mã được đặt riêng theo “chỉ đạo” của thầy có uy tín.

    Để lễ thật sự có “hiệu quả”, đồ lễ được đặt mua, làm và sắp xếp theo quy trình chặt chẽ: lễ dâng ban nào, đền nào, phủ nào đều có công thức riêng, đầy đủ và đúng món. Anh Đức bật mí, số tiền chung lễ và tiền đặt lễ, nhờ thầy theo cúng lên đến gần 200 triệu, chia đều cho 5 doanh nghiệp.

    Ngày 10 tết, các đệ tử của thầy An ( Hoàn Kiếm, Hà Nội) hẹn nhau cùng tập trung đi một vòng các đền, phủ từ Ninh Bình vào tới Hà Tĩnh. Chị Hà Thị Oanh, chủ thương hiệu thời trang Oanh Kin (Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những người tổ chức chính.

    “Năm nào thầy cũng tổ chức cho các đệ tử là dân kinh doanh đi riêng. Năm nay, thầy đặc biệt chú trọng bởi chúng tôi làm ăn đều bê bết. Chuẩn bị từ mùng 4, chúng tôi có một nhóm làm công tác tổ chức từ xe cộ đến đồ lễ.

    Chị Oanh cũng tâm sự, mặc dù tiền nong eo hẹp do làm ăn khó khăn song mọi người đều bảo nhau cố gắng “theo” cho chu tất. “Chúng tôi thường khoảng gần 30 người. Ước mỗi người cũng độ trên dưới 10 triệu góp chung, còn lễ riêng thì tùy tâm”, chị Oanh không dấu diếm.

    Méo mặt vì… theo lễ

    Đầu năm, người kinh doanh tấp nập đi lễ theo thầy, theo đoàn là chuyện không hiếm. Có khi đi cả đoàn trăm ô tô. Riêng lễ sắm cũng đã lên đến vài trăm triệu, chưa kể tiền công đức, bố thí.

    Tò mò hỏi thăm mấy DN đi cầu cúng, được biết để theo đoàn hành hương đi lễ của thầy có điều kiện rõ ràng, góp lễ bao nhiêu, đóng góp ăn uống, xe cộ thế nào. Với những đệ tử không có xe riêng, thầy tổ chức thuê xe cho đi theo đoàn.

    Một DN khẽ kể: “Nhiều người cũng đang đuối lắm, vay mượn tùm lum nhưng thầy bảo rồi nên phải nghe, không có cũng cố mà góp để cả năm thầy còn lo liệu phần lễ lạt tâm linh cho. Đã tham gia thì mọi người như nhau, tiền sắm lễ, tiền dâng giọt dầu đến tiền chi phí chuyến đi khoảng gần 20 triệu một người”.


    Anh Trần Văn Hải, chủ doanh nghiệp xây dựng Hải Tiến (Đông Anh. Hà Nội) năm 2012 đã tạm ngưng hoạt động, theo thầy đã nhiều năm, thầy nói năm nay anh phải sắm lễ riêng, dâng nguyên một bàn trong ba ngày ở đền Mẫu (Yên Bái).

    Tuy đi cùng đoàn nhưng những người cần dâng lễ riêng như anh Hải theo lời khuyên của thầy không ít, chủ yếu là những doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khó gỡ. Để được dâng lễ và hầu một giá tại đền Mẫu vào ngày 12 tết, anh Hải chi phí ngót ngét 100 triệu mà tiền theo anh Hải phân trần là “chủ yếu lấy của anh em, bạn bè rồi tính sau”.

    Chị Lê Lan Hương (Trương Định, Hà Nội) kể: “Hôm mùng 6 tôi đi lễ chùa Bái Đính có cảnh mà ai đi lễ cũng phải đứng lại xem. Nguyên một dàn lễ gần 20 mâm lễ đầy ngút, sang trọng của đoàn Phật tử nghe nói là doanh nghiệp ở Nam Định, cúng lễ suốt từ khi chúng tôi đến rồi về gần 2 tiếng vẫn chưa song”.

    Chị Hương nhận thấy lễ lạt sang trọng, có tới hai thầy cúng thay nhau làm lễ song trên gương mặt chủ nhân các mâm lễ, ai nấy đều lo lắng, căng thẳng. Có lẽ, đây là cách duy nhất trong những ngày đầu năm mà các doanh nhân muốn làm để bắt đầu một năm vẫn báo hiệu đầy khó khăn bươn chải trên thương trường
    Theo Vef.vn

  4. #4
    suthat
    Guest

    Re: Văn hóa phong bì trong giáo hội phật giáo việt nam

    Đừng làm Phật khóc

    Việc xào xáo vì đồng tiền diễn ra hằng ngày ngoài xã hội là sự thường, nhưng ở đây đồng tiền đã chen vào chốn đền chùa thiêng liêng, vào các di tích của đất nước.

    Đó là “tiền công đức” do thập phương bá tánh đến tiến cúng với mục đích cầu phước và nhằm để đóng góp xây dựng, trùng tu, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh như đền Hùng, chùa Hương chẳng hạn. Thế nhưng, những đồng tiền này có nhiều trường hợp bị thất thoát hoặc bị đánh cắp, bị sử dụng không đúng mục đích.

    Đứng về mặt “đời”, “tiền công đức” là một loại công quỹ cần được công khai số thu và cách chi dùng rõ ràng. Nếu công quỹ này bị lạm dụng, mất mát, những vị có chức sắc trong công tác quản lý phải gánh trách nhiệm.

    Đứng về mặt “đạo”, “tiền công đức” cúng dường vào các đền chùa phải được dùng vào việc ích lợi chung cho nhà chùa và xã hội, như tu bổ, sửa chữa đền điện, tăng phòng và tham gia từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ neo đơn, bệnh tật...

    Song một số trường hợp cho thấy “tiền công đức” ấy từ hàng trăm nghìn, hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng, đã bị đánh cắp, như ở chùa Hàm Long mất tới 4 tỉ đồng, một cán bộ xã ở Hải Dương đã biển thủ tiền công đức ở khu di tích An Phụ 300 triệu đồng...

    Trong nhà chùa thường nhắc câu Phật dạy đại ý “một hạt gạo của người đem đến cúng dường nặng như núi Tu Di - ăn gạo ấy tu hành không rõ đạo thì kiếp sau phải mang lông đội sừng mà trả”. Bốn tiếng “mang lông đội sừng” có nghĩa là phải đầu thai làm súc sinh, làm các loài vật như heo, gà, ngỗng, vịt (loài có lông) hoặc làm trâu, dê (loài có sừng) để trả nợ cho những thí chủ đã cúng dường “tiền công đức”.

    Luật “đời” về việc biển thủ công quỹ tất nhiên phải bị xử lý, thậm chí bị khởi tố như trường hợp cán bộ xã ở Hải Dương nói trên. Còn về “đạo” có luật nhân quả bất biến, phải “mang lông đội sừng” vậy. Dù người đó là hòa thượng, là thượng tọa, là đại đức tu hành lâu năm mà xâm phạm “tiền công đức” vẫn rơi vào địa ngục như thường. Vì sao? Vì người tu hành vẫn phải chịu sự tác động của luật nhân quả. Và vì lẽ thập phương thí chủ đến cúng dường bằng vật thực như gạo cơm rau quả, dầu thắp thuốc men, hoặc bằng “tiền công đức” với mong muốn được sử dụng số tài vật ấy nhằm tạo chút phước báu cho mình. Nhưng khi biết tiền mình cúng dường bị rơi vào túi riêng của ai đó, hoặc bị mất mát, bị đánh cắp, bị xài phí ngoài mục đích, thì họ không buồn sao được. Nhưng nói cho cùng, họ cũng không buồn bằng đức Phật khi nghe Ma vương bảo rằng vào thời mạt pháp Ma vương sẽ cho quyến thuộc và đệ tử của mình cạo trọc đầu, mặc áo cà sa, giả dạng vào chùa tu hành để phá hoại Phật pháp, tựa như một loại trùng sống trong thân sư tử để “ăn thịt sư tử”. Nghe vậy, đức Phật từ bi im lặng và rơi nước mắt. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được biết về nguyên do đức Phật đã khóc khi ngài còn tại thế. Đến nay, những hiện tượng không tốt liên quan đến “tiền công đức” khiến nhiều người lo lắng. Nếu là người quản lý di tích hãy có giải pháp chặt chẽ hơn nữa. Nếu là các vị chức sắc ở đền chùa, mong hãy đừng để “tiền công đức” đi sai mục đích phước thiện và hơn nữa - xin đừng làm Phật khóc...(mời quý vị xem thêm)
    Tham khảo từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20...phat-khoc.aspx

  5. #5
    ngocdiep
    Guest

    Buôn thần bán thánh

    BUÔN THẦN BÁN THÁNH

    “Cướp” sẽ thành đặc trưng ở lễ hội?
    Đã là văn hóa thì không dung nạp chuyện cướp, thế nhưng hành vi này lại thường xuất hiện trong lễ hội. Linh thiêng như Ấn đền Trần cũng cướp, rồi cướp lộc, cướp hoa, cướp đồ dâng cúng…, mà xem ra ai cướp được cũng tỏ ra hỷ hả, coi như rước phúc lộc về nhà, may mắn cả năm.

    Cướp đường, cướp chợ có thể vào tù nhưng cướp ở chùa, ở đền, rồi tới cướp ở lễ hội lại trở thành nét đặc trưng không thể thiếu của một số lễ hội?.


    Hình ảnh cướp giò hoa tre ở Hội Gióng

    Tại Hội Gióng (đã được thế giới công nhận là văn hóa nhân loại cần bảo tồn) vừa qua, tinh thần cướp hoa tre đã lên tới đỉnh điểm. Thiên hạ xông vào cướp và bị người dân bản địa đánh, thế mà người ta vẫn hăm hở cướp.

    Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên vào ban đêm và đề cao tôn chỉ “bán rủi, mua may”, tiền bạc không ý nghĩa gì. Đừng vội tin những điều tưởng chừng là tâm linh nguyện không buôn thần, bán thánh. Ai đó cả tin thì sẽ bị "chém" thê thảm luôn, họ đã "mài dao" cả năm chờ một dịp này.

    Du khách hay mua cây ở đây để lấy may và giá cả phải chăng nhưng cây từ đất Mẫu mang về khó mà sống được tại khuôn viên nhà mình, đó là chưa nói đến chuyện khối người mua phải của rởm để một năm hàng giả, hàng nhái, hàng quá đát lên ngôi.

    Nói đến của rởm cần nhắc tới Phiếu ghi công đức ở Đền Hùng do Cục Thuế Phú Thọ phát hành. Cái ấn (triện) in trên phiếu đó là chữ Nôm, người ta (tất nhiên là người có chức trách tại Khu di tích đặc biệt này) cho rằng được khắc từ thời Lê Hồng Đức (tức Lê Thánh Tông, bậc minh quan, giỏi văn chương, chữ nghĩa, chủ soái Hội Tao Đàn), 4 chữ trên triện là “Hùng Vương tứ phúc”, dịch là Hùng Vương ban phúc.

    Một Tiến sĩ Hán Nôm đã chỉ ra cái triện này viết “sai chính tả” thừa thiếu nét lung tung, đã thế còn dịch liều, thực ra là Tổ vương ban phúc chứ làm gì có Hùng?. Thế có nghĩa là bao nhiêu người được ghi công đức bằng của rởm và ra sức thờ phụng nó?.

    Đưa ra mấy sự việc sơ sơ như vậy để các nhà văn hóa xem xét, liệu những việc cỏn con con đã xứng đáng là sự phản văn hóa trong lễ hội hay chưa?.
    http://www.phapluatvn.vn/van-hoa/201...e-hoi-2075795/


    Những lạm dụng ăn theo lễ hội
    Quan họ ngả nón quyên tiền, “lót tay” để được vào cung cấm, rồi buôn bán chộp giật, tranh giành khách, gửi xe quá giá… là những gì chướng tai gai mắt ở các lễ hội đầu năm. Khá chính xác khi người ta dành cho lễ hội các cụm từ: “Buôn thần bán thánh”, “kinh doanh công đức”…

    Dù chính quyền địa phương hay cơ quan quản lý văn hóa có đưa ra các quy định chấn chỉnh, “gạn đục khơi trong” thì thực tế, sự lạm dụng văn hóa tín ngưỡng ngày càng phổ biến. Thương mại hóa lễ hội đang làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của lễ hội, giá trị di sản vật thể, phi vật thể có nguy cơ ngày càng mai một.

    Kinh doanh lòng “công đức”

    Ngày xuân đi du lịch lễ hội, mỗi nơi du khách thu nạp cho mình thêm kiến thức về lịch sử, tâm linh, nguồn cội của tín ngưỡng dân gian… Lẽ ra, ở những nơi ấy, mọi thứ trần tục phải được gạt bỏ chỉ để lại sự thanh thản, nhẹ nhàng, con người hòa vào thiên nhiên và truyền thuyết, lịch sử. Thế nhưng, dù có mang tâm thế ấy đi lễ, người ta vẫn không thể hài lòng trước những “hạt sạn” bày ra trước mắt. Đó là sự lạm dụng lòng thiện tâm của khách du xuân hoặc có thể nói là ý thức kinh doanh lòng công đức của chính Ban tổ chức, Ban quản lý các lễ hội, di tích.

    Nhiều năm nay, cứ Tết đến là người dân đổ xô đi đổi tiền lẻ. Tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng không phải để mua rau cho tiện mà tiền để đi chùa, đi đền, đi phủ. Tiền lẻ để “hòm công đức”, để “giọt dầu”, để “đèn nhang nhà đền”, thả xuống giếng ngọc, dúi vào tay Phật, nhét vào bất kể đâu ở chốn linh thiêng.

    Nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, Tuyên Quang là nơi nổi tiếng về thờ tự tâm linh với hệ thống đền thờ Mẫu. Hàng năm lễ hội đền Hạ rước Mẫu tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng 2 âm lịch. Thế nhưng, ngay từ tháng Giêng, du khách thập phương, đặc biệt là người Hà Nội đổ về lễ đền đã rất đông. Cùng tuyến du lịch lễ hội ở Tuyên Quang còn có đền Cấm, đền Cảnh Xanh (còn gọi là đền Cây Xanh). Khách du xuân trong sự thành tâm, cung kính. Và ai ai cũng mang theo xấp tiền lẻ đặt lễ.

    Đền Cấm tọa lạc trên ngọn núi Cấm ở xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang có địa thế đẹp, linh thiêng. Bước qua những bậc đá lên đền, là khoảng không gian khá rộng với hai bên đặt tượng ngựa, trâu… Khách vừa bước vào sân đền đã nhìn thấy rõ trên lưng trâu, dưới vó ngựa.. đặt chiếc đĩa nhựa đựng tiền lẻ. Trong khi đó, bên trong đền có đầy đủ hòm công đức, nơi ghi phiếu công đức như bất kỳ một di tích nào khác. Cầm xấp tiền lẻ, khách cứ nhìn thấy nơi nào đặt được tiền là để ngay vào đó. Những tờ bạc lẻ dúi ở mọi nơi.

    Ở đền Cảnh Xanh, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang có cây xanh trùm rễ xuống cả không gian rộng toàn bộ sân đền. Chỉ riêng dưới đám rễ cây đã có nhiều am thờ nhỏ. Mỗi am thờ đều có đĩa cho khách để tiền “giọt dầu”, mà không chỉ một đĩa. Ngặt nỗi, đĩa nhựa thì cáu cặn, bụi bặm, đặt la liệt. Khách lễ đền còn đặt tiền lẻ lên cả rễ cây xanh, nơi đám rễ buông chùng xuống mặt đất trông như cái võng.


    Lễ chồng lễ - lãng phí lớn ở đền Bà Chúa Kho.

    Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) còn tới hơn 1 tháng nữa mới đến lễ hội. Nhưng từ bây giờ, dòng người đã đổ về hành lễ rất đông, nhất là vào ngày cuối tuần. Chỉ cần quan sát một chút, người ta sẽ thấy ở đây đặt quá nhiều hòm công đức. Tại đền Hạ, đền Trung, đền Thượng… mỗi nơi đều đặt không dưới 4 hòm công đức. 4 hòm công đức đặt cách nhau chưa đầy vài mét. Mỗi sân đền đều xếp hai bàn có người ghi công đức. Đó là còn chưa kể đến những đĩa đặt “giọt dầu” trên các ban thờ. Mà không chỉ ở đền Hùng, ở rất nhiều di tích, Ban tổ chức lễ hội khác ngày càng xuất hiện nhiều hòm công đức, nhiều hơn nữa là những mâm đồng, đĩa đựng “giọt dầu” để khắp nơi.

    Trộm cắp “lòng thành”

    Tỉnh Bắc Ninh có hơn 500 lễ hội. Nhắc tới lễ hội ở tỉnh Bắc Ninh, người ta nói ngay đến hát quan họ hội Lim, hay đi lễ Bà Chúa Kho. Thế nên, điểm khảo sát của chúng tôi không thể bỏ qua hai nơi này.

    Chúng tôi đến đền Bà Chúa Kho đúng vào ngày rằm tháng Giêng. Người chen người, đồ lễ chen đồ lễ, tro tiền vàng bay tơi tới khắp nơi, khách thập phương vội vã cầu cạnh, xin xỏ… là hình ảnh chủ đạo ở đây. 16h30, trời xầm xập tối, người cúng, người lễ càng trở nên vội vã hơn. Những phụ nữ khấn thuê mồm năm miệng mười, người thuê khấn cũng rì rầm chắp tay lia lịa: “Con có lễ mỏng lòng dày, xin bà cho con tiền xanh tiền đỏ, đi tươi về tốt…”. “Lễ mỏng” ở đây có thể lên tới vài triệu đồng, có cả xôi gà, cành vàng lá bạc. Hàng chục dàn sắt đặt lễ trong đền đều kín. Thậm chí người ta còn tranh nhau chỗ đặt lễ. Rồi đông quá, nhiều người bị mất lễ. Đúng lúc chúng tôi có mặt, một phụ nữ hớt hải chạy ra sân đền tìm người thân thông báo giọng tiếc nuối: “Mất lễ rồi. Mất cả tiền đặt lễ rồi”. Vậy là, ở chốn linh thiêng, đến cái lễ lòng thành cũng bị lấy cắp.

    Trước Cung bà Chúa, có cả chục người khấn thuê bám sát cửa. Khách đứng ngoài lễ rồi thả tiền bay vèo vèo vào Cung. Dưới nền đất của Cung, tiền đủ các mệnh giá chất đống. Thế rồi, đột ngột một người cầm chìa khóa mở cửa Cung cho mấy vị khách vào bên trong hành lễ. Chị phụ nữ luôn miệng: “Con để lại toàn bộ lễ”. Họ vừa vào, cửa Cung khép lại. Nhiều người thắc mắc: “Muốn vào trong thì làm thế nào?”, “Phải chuẩn bị lễ trước, đăng ký với Ban Tổ chức. Thế lễ đâu? Lễ phải chuẩn bị trước chứ!” – một người ngồi gần đó trả lời. Hóa ra, dù đông khách đến mấy, khách đăng ký là được vào (ai cũng ngầm hiểu là phải có cái gì đó thì mới được vào trong Cung chứ không chỉ đăng ký theo hình thức đơn thuần).

    Hội Lim năm 2013 hứa hẹn một mùa hội văn minh, mang đậm truyền thống. Ngay từ trước Tết âm lịch, các ban ngành của tỉnh Bắc Ninh đã có các quy định nhằm quản lý lễ hội, trong đó có một quy định cụ thể là anh Hai chị Hai quan họ không được ngả nón nhận tiền. Thế nhưng, thực tế thì sao? Chiếc thuyền rồng trôi nhẹ trên hồ đình Lim. Trên bờ, người xem hát đứng quây kín vòng hồ. Thuyền đến sát bờ, một liền chị mặc áo tứ thân đưa cơi trầu têm cánh phượng mời khách. Khách đứng trên bờ đã cầm sẵn tiền nhiều mệnh giá khác nhau, chờ cơi trầu đến nơi là thả tiền vào đó. Khi tiền đã phủ lên khá nhiều miếng trầu, liền chị hạ cơi trầu xuống, cùng liền anh vội vã gom tiền cất xuống bên dưới. Hình ảnh đó khiến người yêu văn hóa quan họ không khỏi thất vọng.

    Lý giải hiện tượng trên, ông Nguyễn Đức Trọng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cơ quan chức năng không thể xử lý được bởi họ không ngả nón xin tiền mà chỉ là mời trầu. Lỗi là do người dân tự ý thả tiền xuống đó.

    Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể kể hết được những hạt sạn lẫn trong các lễ hội đầu năm. Không chỉ là hình ảnh phản cảm thả tiền cho quan họ, chen lấn cướp ấn, trộm lễ, tiêu cực để được làm lễ… mà còn rất nhiều những điều chướng tai gai mắt khác ở những nơi linh thiêng như: người ăn xin ngồi la liệt (lối lên đền Bà Chúa Kho), trông giữ xe quá giá, treo bán thịt động vật hoang dã (Chùa Hương), bắt chẹt khách mua lễ, mê tín dị đoan…

    Trước thực tế trên, người dân có quyền đặt câu hỏi: Vậy thì chính quyền, ngành Văn hóa đã làm gì? Mục đích đặt ra của lễ hội là phát huy giá trị di sản, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Thế nhưng, thực tế số lượng lễ hội đang có quá nhiều, tổ chức lễ hội thì dài ngày, rình rang, tốn kém quá nhiều tiền của, công sức của toàn xã hội

  6. #6
    ngocdiep
    Guest

    Buôn thần bán thánh

    Sùng bái quá mức và tâm lý đám đông
    Một đồn mười, mười đồn trăm nên mới có chuyện đua nhau đi xin ấn đền Trần; chen vai, thích cánh vào cho được cung cấm ở đền Bà Chúa Kho để vay ngân khố, xin lộc rơi, lộc vãi...; thi nhau sắm vàng mã, thuê người khấn để cầu lộc, cầu tài, cầu danh... khiến cho thắng cảnh, di tích trở thành chỗ “buôn thần, bán thánh” một cách công nhiên. Với không ít người, đi lễ đầu năm không còn là du xuân, là tìm đến thế giới tâm linh để được thơi thảnh trong tâm hồn mà là cuộc mặc cả với thần thánh để mưu cầu lợi lộc...
    Khởi thủy lễ hội, nét đẹp văn hóa

    Lễ khai ấn đền Trần là một tập tục khởi thủy vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. Trải qua nhiều cuộc binh đao trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông, lễ này bị gián đoạn. Năm 1262, lễ khai ấn được mở lại. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, có những lúc lễ khai ấn bị gián đoạn nhưng đây vẫn là tập tục lâu đời, thể hiện lòng thành kính với bậc tổ tiên, non sông đất nước, cầu mùa màng tốt tươi, đất nước thái bình thịnh trị. Người dân làng Tức Mặc hiện vẫn duy trì lễ khai ấn tại đền Thiên Trường theo truyền thống.

    Có mặt trong lễ khai ấn đền Trần năm nay khá sớm, tôi chứng kiến các cụ bô lão, đám thanh niên nam nữ, các chị, các bà tất bật chuẩn bị đồ lễ, thực hiện các nghi thức một cách thành tâm, chuẩn chỉ. Điều đó cho thấy, tính thiêng liêng trong lễ khai ấn được dân làng Tức Mặc gìn giữ và trân trọng như thế nào. Nó không chỉ cho thấy bề dày văn hóa truyền thống mà còn là cách để giáo dục cháu con trong việc giữ trọn đạo nghĩa và sự tôn kính với tổ tiên.

    Đoàn rước kiệu có 27 nam thanh nữ tú được chính những người dân trong làng Tức Mặc lựa chọn. Cậu thanh niên Trần Đức Hậu được các cụ trong làng chọn cầm cờ vua từ năm 14 tuổi. Từ cậu thiếu niên, đến nay Hậu đã trở thành một thanh niên 21 tuổi và vẫn giữ vị trí đi đầu trong đoàn rước kiệu. Các thiếu nữ trong đoàn dâng hoa mặc áo tứ thân, tóc đuôi gà thật trong trẻo... Giờ Tý đêm 14 tháng Giêng điểm cũng là lúc tiếng cụ bô lão trầm ấm vang lên... với những lời cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đất nước thái bình... Khởi nguyên tục khai ấn đền Trần là thế. Vậy mà hiện nay, có nhiều người suy diễn, cho rằng có được cái ấn đền Trần để thăng quan tiến chức, để có nhiều bổng lộc... nên khiến cho cuộc đua tranh để có cái ấn trở nên khốc liệt, vì vậy không ít người có hành động phi văn hóa, phi tín ngưỡng.


    Rước kiệu trong lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định).

    Đền Bà Chúa Kho cũng bị người ta hiểu sai. Tích về đền Bà Chúa Kho được truyền tụng bao đời nay rằng, bà là quan coi kho lương. Bà có tài quản lý để kho lương lúc nào cũng đầy ăm ắp. Mà kho lương đã đầy thì tướng sỹ, binh lính luôn đủ nhu yếu phẩm để chi dùng và dốc hết lòng để phụng sự quốc gia. Thế mà, chỉ vì người ta muốn có vốn để làm ăn nên đến đền Bà vay. Để được bà đồng ý, người ta phải sắm những mâm lễ nặng trĩu. Rồi người ta áp đặt cái luật “có vay, có trả” ở đời nên cuối năm, đem hàng đống vàng mã đến để hóa... Một điểm tín ngưỡng dân gian xuất phát từ lòng biết ơn Bà Chúa Kho bị biến thành nơi đổi chác với thần thánh.

    Biến tướng đáng sợ

    Vấn đề đang “nóng” liên quan đến lễ hội gần đây xoay quanh cái ấn đền Trần. Lễ dâng hương và khai ấn năm nay lúc đầu diễn ra khá quy củ nhờ hàng rào an ninh được thắt chặt. Tuy nhiên, khi lễ khai ấn được các bậc cao niên thực hiện xong, khu vực sân đền Thiên Trường được mở thì diễn ra cảnh chen lấn giành ấn. Đây là hành động rất phản cảm, rất phi tín ngưỡng...

    Sáng Rằm tháng Giêng, có 3 điểm phát ấn tại Khu di tích Lịch sử và Văn hóa Trần. Dẫu không “kinh hoàng” như trước đây nhưng vẫn có cảnh chen lấn, trèo leo để cố “mua” một cái ấn. Rồi người ta còn làm cả ấn giả để bán cho khách phương xa. Ai đến đền Trần mà chưa có được chiếc ấn mang về xem như chưa hoàn thành sứ mệnh. Ai có ấn mang về thì mặt mũi hớn hở...


    Hội thi bắn nỏ trong lễ hội Cổ Loa (Hà Nội) gợi nhớ tinh thần đấu tranh giữ nước.

    Ngày 16 tháng Giêng, tôi được một người ghé tai rủ đi lấy ấn đền Trần xịn tại Hà Nội. Để biết, ở Hà Nội người ta làm thế nào để “mua” ấn đền Trần nên tôi đồng ý đi cùng. Đến nơi, tôi tận mắt chứng kiến cảnh người ta hâm mộ ấn đền Trần như thế nào, người ta coi nó như “cứu tinh” cho đường công danh, tài lộc của mình ra sao... Và tôi cũng hiểu được vì sao, có nhiều người đi cả trăm cây số, thức trắng cả đêm, vật vờ suốt cả ngày chỉ để xin được cái ấn ở đền Trần mang về. Và tôi thấy thật buồn khi thấy nhiều người coi ấn đền Trần là vật thiêng mà dùng tiền, dùng sự khổ lụy để có được nó.

    Hai năm nay, lễ khai ấn đền Trần được thay đổi về cách thức tổ chức và luôn có sự chỉ đạo, giám sát của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Chính quyền tỉnh Nam Định cũng nỗ lực để việc tổ chức lễ hội này được trang nghiêm, trật tự và giữ nguyên giá trị truyền thống. Tuy nhiên, những nỗ lực này mới có hiệu quả phần nào. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sùng bái quá mức và tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết làm ảnh hưởng đến sự uy nghi cũng như việc trả lại nguyên nghĩa của tập tục khai ấn chưa được như mong đợi.

    Cũng tại tỉnh Nam Định, lễ hội chợ Viềng đêm 7 tháng Giêng là lễ hội dân gian đúng nghĩa. Khách đi chợ Viềng được sống, được hít thở, được hưởng cái không gian rất dân gian ở cái chợ chỉ họp một lần trong năm. Không cầu cạnh thăng quan, tiến chức; không cầu lộc lớn, tài nhiều, khách đến chợ Viềng “thuận mua, vừa bán”. Người bán vui vì bán được củ khoai, cái cuốc, cân thịt bò...; người mua vui vì mua được cây cảnh, cái nơm, cái giỏ “made in chợ Viềng”. Đi chợ Viềng cầu may cũng là một tín ngưỡng, thuần túy xuất phát từ tâm tưởng chứ không phải là cuộc ganh đua nên chất truyền thống của lễ hội chợ Viềng vẫn còn giữ được nguyên nghĩa...

    Tham gia lễ hội mà không hiểu đúng về lễ hội rất dễ trở thành cuồng tín và bị lôi kéo vào những suy nghĩ lệch lạc, vô hình trung sẽ làm cho lễ hội trở nên méo mó.

    Các địa phương có lễ hội lớn như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Phủ Giày, đền Trần (Nam Định), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang) và các lễ hội diễn ra tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… phải xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, phương án tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối, đảm bảo an ninh trật tự, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông cho khách… không gây ảnh hưởng làm sai lệch giá trị của di tích, danh thắng. Thực hiện quy hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí hợp lý; đảm bảo vệ sinh môi trường và chú trọng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ở các lễ hội. (Chỉ thị số 251/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội).

    http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2013/3/193439.cand

  7. #7
    Thuc te
    Guest

    Re: Văn hóa phong bì trong giáo hội phật giáo việt nam

    VIỆT NAM
    CHÙA CHIỀN VÀ TIỀN BẠC



    Chuyên gia cảnh báo vụ lợi làm cho tôn giáo, tín ngưỡng trở nên tha hóa
    Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam có nguy cơ bị tha hóa và lũng đoạn mạnh vì tính vụ lợi trong số người giàu, quan chức, được tiếp tay bởi một số tu sỹ và cơ sở tôn giáo tín ngưỡng.
    Đó là nhận định của một số nhà nghiên cứu tôn giáo và xã hội học nhân sự kiện một số 'đại gia' tài trợ cho các cơ sở tôn giáo, thậm chí xây chùa đứng tên mình gây ồn ào.
    Các bài liên quan
    'Vừa thích tu vừa thích hưởng thụ'Nghe07:57
    Sư bị phạt sau nụ hôn của Mr. Đàm
    ‘Giáo hội nghèo vì người nghèo’
    Chủ đề liên quan
    Xã hội Việt Nam, Tôn giáo
    Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 15/4/2013 từ Hà Nội giữa lúc báo chí nêu nhiều về chuyện 'chùa Trầm Bê', Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng các hiện tượng này đang gây xáo trộn, làm rối loạn đời sống, tín ngưỡng truyền thống của người dân Việt Nam.
    Ông bày tỏ sự quan ngại khi phải ghi nhận một bộ phận mà ông cho là "không nhỏ" các quan chức, trong đó có cả các nhà quản lý, cũng tham gia vào việc tiếp tay cho một số cá nhân, tổ chức buôn thần, bán thánh qua việc cầu lộc, cầu tài và lạm dụng kinh tài qua trao nhận cúng dường, công đức.
    Đặc biệt nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng dân gian này khẳng định cũng có một bộ phận không nhỏ các tổ chức, cá nhân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có các nhà đền, nhà chùa, một số tăng ni, sư sãi cũng vụ lợi.
    "Có những cơ sở tôn giáo tín ngưỡng kiếm đến hàng bốn, năm chục tỷ đồng mỗi năm," ông nói.
    "Và vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước không thể biết nổi họ kiếm được bao nhiêu, chứ chưa nói tới đánh thuế."
    Giáo sư Thịnh cũng phản ánh hiện tượng nhiều đảng viên, quan chức chính quyền công khai tới các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo để cầu lộc cầu tài, một số còn để cho tên tuổi của họ được một số đền chùa loan báo danh tính, mà theo ông là để tăng uy danh cho các cơ sở cung cấp dịch vụ cầu an, giải hạn đó.
    Ông nhắc tới một số ngôi chùa như Chùa Phúc Khánh ở ngay thủ đô Hà Nội, hay Lễ hội đền Trần ở Nam Định là những địa điểm mà nhiều quan chức tới cầu chức, cầu tài và địa vị.
    "Đền Trần trở thành nơi cầu lộc cầu tài của quan chức, chứ không phải là nơi dành cho dân thường nữa," ông nói.
    "Có những cơ sở tôn giáo tín ngưỡng kiếm đến hàng bốn, năm chục tỷ đồng mỗi năm. Và vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước không thể biết nổi họ kiếm được bao nhiêu, chứ chưa nói tới đánh thuế"


    Giáo sư Ngô Đức Thịnh
    "Những việc làm này của quan chức chỉ gây tác động xấu cho cộng đồng và cho người dân..."
    "Thăng quan tiến chức phải do chính từ năng lực bản thân chứ không phải là do việc cầu tài, cầu lộc, xin âm phù, dương trợ như vậy..."
    Ông cho rằng những hành vi cầu xin này chỉ phản anh sự thiếu tự tin vào bản thân, cũng như vào chính chế độ mà các đảng viên, quan chức này đang làm việc, chấp chính.
    'Xa lạ'
    Cũng về chủ đề này, hôm thứ Hai, Tiến sỹ xã hội học Bấm Nguyễn Đức Truyến khẳng định các đại gia, quan chức ở Việt Nam hiện nay đang có nhu cầu mạnh về cầu tài, cầu lộc, cầu an, cũng như cầu quyền lực ở góc độ nhu cầu và tâm linh nhằm vụ lợi cá nhân, một hiện tượng mà ông cho là phổ biến.
    Ngược lại, nhiều cơ sở tôn giáo, gồm không ít chùa chiền và sư sãi cũng đang rời xa nguồn gốc của tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống lâu nay của dân tộc để đi tới lựa chọn vừa thích tu vừa thích hưởng thụ.
    Ông Truyến cho rằng khi tôn giáo trở thành một thứ dịch vụ xã hội, thì tính chất tôn giáo của nó đã biến đổi và không còn thuần khiết nữa.
    Ngay cả cách thức tu hành và hưởng thụ của nhiều bậc tu sỹ, trong đó có nhiều sư sãi, thầy đền, thầy chùa cũng đang đặt ra vấn đề.
    "Chùa ngày là để cứu với sinh linh, cho nên đem cái khổ của mình ra để xoa dịu cái khổ của nhân loại, cho nên họ muối một vại dưa, vại cà ăn hàng một hai năm, nhà chùa toàn mặc áo thô, đi chân đất thôi, chứ không diện, sang trọng hay sa hoa như bây giờ," ông nói.
    Nhưng nay theo ông nhiều vị tu sỹ vừa được hưởng thanh bình sau không gian chùa, chiền, đền, đài, miếu mạo, vừa có vẻ hài lòng, tỏ ra có nhu cầu rõ ràng và thích nhận các khoản cúng dường không nhỏ của các giới tín đồ, phật tử, trong đó có những quan chức, đại gia.

    Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
    Ông cũng nói nhiều bậc tu hành hiện nay không còn đạm bạc trong sinh hoạt ăn uống như xưa, mà họ ăn uống, dinh dưỡng, dù là chay, nhưng phong phú, chất lượng, dinh dưỡng tốt hơn rất nhiều, lại có phương tiện sinh hoạt ăn ở, đi lại rất thuận lợi.
    "Bây giờ các sư sãi sống cũng tốt hơn ngày xưa, điều kiện đi lại cũng dễ hơn, ngay cả trong chùa cũng có điều hòa nhiệt độ.
    "Ăn uống tiêu chuẩn cũng cao hơn. Mặc dù ăn chay những cũng rất là sang trọng, rất là đảm bảo về mặt dinh dưỡng, về mặt an toàn thực phẩm,
    "Cách sống rất là thanh cảnh như vậy mà lại vẫn đầy đủ như vậy."
    Nhà xã hội học cho rằng do có những thay đổi theo hướng này, mà một số tín đồ, phật tử cảm thấy có thể "xa lạ với" với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
    Ông nói: "Vì thế nên tôi nghĩ người nghèo nói chung bây giờ cũng cảm thấy xa lạ với nhà chùa, có thể những chùa gần gũi thì người ta đến, còn những chùa sang trọng quá, người ta cũng không dám đến."
    Tiến sỹ Truyến cũng so sánh sự khác biệt của tôn giáo xưa và nay được thể hiện ra ngoài hình thức kiến trúc, bài trí của các cơ sở, tôn giáo. Ông nói:
    "Chùa ngày là để cứu với sinh linh, cho nên đem cái khổ của mình ra để xoa dịu cái khổ của nhân loại, cho nên họ muối một vại dưa, vại cà ăn hàng một hai năm, nhà chùa toàn mặc áo thô, đi chân đất thôi, chứ không diện, sang trọng hay sa hoa như bây giờ"



    Tiến sỹ Nguyễn Đức Truyến

    "Các ngôi chùa Việt Nam ngày xưa gắn với kiến trúc, khung cảnh Việt Nam, nó ẩn khuất, nó chan hòa không chỉ với cộng đồng mà với cả thiên nhiên nữa.
    "Các ngôi đình, hay ngôi chùa nó cũng thấp thôi, nó không cao như bây giờ, hay nó cũng không phải là chót vót trên đỉnh đồi, để lôi kéo mọi người thập phương đến như kiểu nhà thờ thời Trung Cổ, nó gần gũi với con người.
    "Nhưng bây giờ tôi thấy nó như một cái gì đó đồ sộ như là thành quách, như cung đình, nó mang tính chất biểu trương sức mạnh của tiền bạc nhiều quá...
    Ông nói thêm: "Tôi thấy nó không gần gũi với tâm hồn đạo Phật, chùa chiền thời nguyên thủy, thí dụ ai cũng có thể đến được, nhất là người nghèo càng có thể đến được, chứ bây giờ đến chùa trông khang trang quá, người ta cũng sợ..."
    Tiến sỹ Truyến, người có nhiều công trình nghiên cứu với Viện xã hội học về tôn giáo cho rằng khi tôn giáo, tín ngưỡng xuất hiện từ góc độ cá nhân là chính, đặc biệt là đề cao tiền bạc, vụ lợi thì chúng đã mất đi rất nhiều ý nghĩa của mình.
    "Tôn giáo nguyên thủy lành mạnh hơn," ông nói với BBC.
    Được biết ở một số quốc gia, ngoài việc có luật pháp quy định rõ ràng, các nguồn thu nhập cá nhân hay tổ chức của các cơ sở hoạt động tôn giáo bị đặt dưới sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của chính quyền.
    Một số nơi còn coi hành nghề tôn giáo tạo thu nhập là một nghề nghiệp và là đối tượng điều chỉnh của các luật thuế, một trong các lý do được biết là để tạo đảm bảo công bằng trong xã hội, đặc biệt giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh từ hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, so với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ thông thường khác.
    Luật pháp các nước này thậm chí cũng coi các hoạt động quảng cáo, PR vụ lợi thông qua các hoạt động, kinh doanh tôn giáo tín ngưỡng là đối tượng chịu các loại thuế hay lệ phí nhất định.
    Bấm

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình