Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng giáo pháp của Ngài sẽ rực rỡ an trú ở thế gian này trong một thời gian thôi, tiếp theo đó nhân loại đi vào thời tượng pháp. Tượng có nghĩa là na ná, là giống như; tượng pháp có nghĩa là giáo pháp giống như chánh pháp, nhưng không hẳn là chánh pháp. Tiếp theo thời tượng pháp, là thời mạt pháp, thời giáo pháp suy đồi và ẩn một. Khi đó, một đức Phật khác sẽ ra đời để khai mở cho nhân loại một kỷ nguyên chính pháp mới: đó là đức Phật Di Lặc...


Phật tử khi gặp những bước khó khăn và những cảnh tượng bất như ý trên con đường hành đạo, thường hay thở than “đời mạt pháp mà” với một ý thức cam chịu tiêu cực, đôi khi chán nản nữa. Đời mạt pháp có nghĩa là giai đoạn Chánh pháp đã suy vong, suy vong từ nội dung đến hình thức, suy vong từ nhận thức đến hành trì. Mạt pháp có nghĩa là giáo pháp đã đến lúc cùng mạt. Ý thức rằng giáo pháp đã đến thời cùng mạt, ai mà chẳng buồn, ai mà chẳng nản? Nhưng chúng ta không đau xót mấy vì ý thức ấy, bởi vì chúng ta còn mang một niềm hy vọng chan chứa trong tâm hồn: đó là niềm hy vọng ở Đức Phật tương lai, Đức Phật Di Lặc. Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời và Chánh pháp lại sẽ được tỏ rạng. Mỗi khi nghĩ đến Đức Di Lặc, tôi cứ tưởng tượng đó là một vị Phật có hào quang sáng ngời bao quanh thân thể phương phi đẹp đẽ, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đang phóng quang thuyết pháp cho đại chúng nhân thiên nghe. Ngài ngự trên pháp tòa cao rộng, và tôi, tôi đang được quỳ dưới chân Ngài, tai nghe lời Ngài, mắt thấy thân Ngài và mũi ngửi hương áo cà sa của Ngài. Tôi thích quá. Và tôi đã chờ đợi (...).
Trên đây là những điều tôi mong ước, suy nghĩ, tưởng tượng và dự đoán trong thời gian tôi còn ấu thơ.
Các bạn định hỏi tôi rằng hiện giờ tôi còn có tin như vậy nữa thôi, có phải không? Vâng, tôi còn tin như vậy, nhưng mà dưới một nhận thức khác hơn, và tôi nghĩ, gần với đạo Phật hơn. Tôi thấy hình dung đức Phật Di Lặc mà tôi phác họa trong trí tôi dạo ấy có vẻ công thức quá, và ngây thơ nữa. Hình dung ấy, tôi đã cấu tạo nên bằng những đoạn tả đức Phật thuyết pháp trong các kinh điển, bằng những bức họa về Phật của người Trung Hoa và bằng những tưởng tượng quy ngưỡng của riêng tôi. Tôi nghĩ rằng không lý đức Phật lại xuất hiện ở thế kỷ chúng ta với một hình thức cổ điển và có tính cách hình thức như vậy. Đức Phật của thế kỷ chúng ta sẽ là bậc Chánh biến tri, thông hiểu văn hóa sử nhân loại trên trái đất chúng ta, thấu đạt mọi ý thức hệ hiện hữu soi rõ mọi tình tiết và tâm niệm của chúng ta. Ngài sẽ tạo nên nền văn hóa tổng hợp của nhân loại, vạch con đường giải thoát cho nhân loại. Chúng ta đang bị tắc lối, chúng ta đang bị ràng buộc bởi bao sợi dây khổ đau, vô minh, phiền não, những thập triền thập sử mà thế kỷ đã tạo nên và chúng ta đã dùng để tự buộc chúng ta. Trong kinh điển mới, sẽ có những danh từ mới. Trong công cuộc hoằng pháp mới sẽ có những phương thức mới. Trong sự tu tập giải phóng con người - ta và kẻ khác - sẽ có những phương pháp mới. Làm sao những cái hết sức hiện đại như vậy có thể biểu dương trong một hình thức cổ điển và ngây ngô như tôi đã tưởng tượng mười mấy năm về trước?

Có một hôm, tôi đọc kinh Kim Cương đến các câu “bất khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai” (không thể nhận thức Đức Như Lai qua một sắc thân có ba mươi hai tướng đẹp) và “nhược dĩ sắc kiến ngã dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo bất năng kiến Như Lai” (kẻ nào muốn thấy Ta qua hình sắc và âm thanh, kẻ ấy hành tà đạo, chẳng bao giờ thấy được Ta), bất giác chợt hiểu rằng Đức Phật của thế kỷ chúng ta sẽ không dễ mà nhận biết được đâu. Ngài có thể không mang tên Từ Thị Di Lặc; Ngài có thể không mang sắc thân tam thập nhị tướng; Ngài có thể không tự xưng là Phật đà gia (Buddhaya); Ngài có thể không cần hai vị đứng hầu hai bên; Ngài có thể không khoác y màu vàng; Ngài có thể... ôi tôi biết nói làm sao cho hết, chỉ biết nói rằng Ngài có thể xuất hiện trong bất cứ một hình thức nào, miễn Ngài là Bậc Chánh biến tri, miễn Ngài là Bậc giải nguy cho nhân loại trong thế kỷ đấu tranh kiên cố, miễn Ngài là Bậc tạo nên văn hóa tổng hợp và dẫn đạo cho loài người về hòa bình, hạnh phúc, giác ngộ và Niết Bàn. Nói một cách khác, Ngài là Bậc đại nhân có một nội dung tràn đầy Phật chất.