Con đường lửa dài khoảng 10m hoặc hơn được đốt lên, nhiệt độ cao tới hơn 600oC. Với bàn chân trần, thậm chí cả cơ thể để trần, họ thản nhiên, chậm rãi bước đi hoặc lăn mình trên con đường đó. Điều kỳ diệu là họ không hề bị bỏng hay cảm thấy đau đớn. Chỉ có sự phấn khích trên nét mặt...

Các màn trình diễn trên than lửa như vậy không phải là trò ảo thuật kiếm tiền trên đường phố mà là một giáo lễ nghiêm túc của không ít dân tộc trên thế giới. Màn trình diễn đầy màu sắc thần bí này đã xuất hiện trong nhiều nghi lễ tôn giáo từ hàng nghìn năm trước. Sớm nhất tại Ấn Độ, người ta đã tìm thấy bằng cớ về màn trình diễn này cách đây khoảng 1.200 năm trước Công nguyên.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, nếu có dịp tham gia lễ tế thần Khatalaza của đạo Hindu ở Sri Lanka, bạn sẽ được chứng kiến nghi lễ đi trên lửa cực kỳ ngoạn mục. Dân “chịu lửa” ở đây được chia làm ba hạng tùy theo mức độ chịu lửa của bản thân. Hạng 1 là những người có thể dùng tay trần bê một chậu sành nóng 300oC để trao tay cho một vị sư già, nếu tay không bị bỏng thì người đó được coi là người tốt. Hạng thứ 2 là người có thể vừa chạy vừa nhảy hoặc dùng cả tứ chi bò trên con đường lửa dài 9m, rộng 3m.


Nếu thân thể không bị chút thương tích nào thì sẽ trở thành thánh nhân và được mọi người tôn kính. Cuối cùng, hạng 3 là những người đã được phong thánh nhân của năm trước. Họ không những có thể đi chân đất trên 12 miếng sắt nung đỏ mà còn có thể nuốt và thổi được lửa... Tương tự như vậy, người dân làng Landagas (Hy Lạp) trong những ngày thánh lễ Elena và Constain cũng có tục lệ ôm tượng thánh quay cuồng nhảy múa trên đống than hồng đỏ rực mà không hề bị bỏng. Người dân tộc Lô lô ở Trung Quốc cũng rất thích để chân trần lê trên đống da thú đỏ lửa trong ngày hội lễ...

Không chỉ có thể “đùa chơi” với thần lửa, một số người còn có khả năng chế ngự ngọn lửa. Cuốn biên niên sử ghi được trường hợp của đức thánh Polikar Smirxki. Năm 155 trước Công nguyên, Smirxki bị kết tội đưa lên giàn hỏa thiêu nhưng lạ thay, lửa đã sợ và không hề bén vào đức thánh. Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Klari tại Pháp vào thế kỷ 18. Nhiều người tận mắt chứng kiến cuộc hành quyết kể lại cả thân hình và thậm chí quần áo của Klari còn nguyên vẹn cho tới cuối cùng khi ngọn lửa rụi tắt.

Điều gì đã mang lại cho những người chịu lửa khả năng tưởng như là siêu nhân đó? Hay là họ đã có được sự bảo vệ của thần linh, tiên phật?

Vũ điệu chân trần trên lửa giữa Thủ đô Hà nội

Tối 11/2 (mùng 5 Tết), khán giả quây kín vòng trong vòng ngoài quanh một đống lửa lớn ở sân Bảo tàng dân tộc học (Hà Nội) để chứng kiến một cảnh tượng hiếm có: 8 vũ công nhảy lửa người Pà Thẻn biểu diễn điệu nhảy chân trần trên than hồng.


Nhảy trên đống lửa. Ảnh: Việt Hưng

Thầy mo Lìu Láo Lở, 69 tuổi, trong trang phục tế màu đỏ ngồi gõ đàn sắt đọc văn cúng trước một hương án bày lễ khá đơn giản: đĩa xôi nếp nương, con gà luộc, mười chén rượu, ngọn nến và ít vàng mã. Gần đó là 8 thanh niên (người nhiều nhất 39 tuổi) trong trang phục Pà Thẻn ngồi đợi “con ma nhập” vào mình để nhảy.

Họ lắc lư, rồi gật gù. Trong ánh chập chờn của đống lửa lớn đốt bằng củi, cảnh tượng trông thật thần bí. Càng về sau, tốc độ và biên độ gật gù càng lớn.

Rồi những vũ công “nhập đồng” bắt đầu nhảy chồm chồm ra phía đống lửa. Những bàn chân trần xục nhanh, nhưng thẳng vào than hồng, hất tung ra xung quanh thành một bãi than đỏ. Và những bàn chân trần quay cuồng trên bãi than đó.

Chốc chốc lại có người lao thẳng vào đống lửa. Chừng độ 5 phút, các vũ công lửa dường như ra khỏi trạng thái “lên đồng”, bước nhảy chậm dần lại rồi họ lần lượt về chỗ ngồi.

Quy trình mới lại bắt đầu. Mỗi lần như thế không phải tất cả các vũ công đều nhập đồng và lao vào đống lửa. Một số người “con ma không nhập” vẫn ngồi nguyên tại chỗ.

Lần thứ 3 là cao trào với cả 8 người cùng múa cộng thêm thầy mo Lìu Láo Lở cũng rời ghế tế nhảy vào than hồng. Vũ điệu lần cuối này dữ dội hơn, có người lăn tròn cả qua đống than.

Sau cuộc nhảy, tôi đã “bắt” anh Tẩn Văn Thân – người nói tiếng Việt sõi nhất trong cả đoàn giơ bàn chân lên để nắn thử xem có “bửu bối” gì không, nhưng đó chỉ là một bàn chân có phần to của người miền núi nhưng hoàn toàn bình thường, mềm mại và lạnh giá vì đi trần giữa một ngày rét buốt.