+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 10 của 15

Chủ đề: Định tâm.

Hybrid View

  1. #1
    Totha_Huy
    Guest

    Định tâm.

    Định tâm.
    Tác giả: Minh Niệm.


    Nhìn rõ thực tại



    Tâm ta cũng giống như con khỉ, hết chuyền cành này đến cành khác mà không bao giờ chịu đứng yên. Dù biết rằng tâm là để nhận biết, cảm nhận, suy tưởng, thể hiện tình cảm hay quyết định nhưng nó không phải là một cỗ máy để cho ra số lượng sản phẩm càng nhiều càng tốt. Sự hạn chế tất yếu của con người là thường không biết nên để tâm lên đối tượng hay vấn đề kia ở mức độ nào là vừa đủ. Đủ không hẳn là phải giải quyết được vấn đề, mà nó hợp lý với nguồn năng lượng dự trữ đang có trong ta bởi vì ta còn phải chi tiêu cho những vấn đề quan trọng khác nữa. Không suy nghĩ là một trạng thái rất quan trọng để giúp cho tâm quân bình và sâu sắc, nhiều khi suy nghĩ chỉ đốt cháy năng lượng và làm cho ta thêm căng thẳng hay nhận thức lệch lạc chứ không giải quyết được vấn đề gì cả.



    Triết gia Descartes đã có lần phát biểu “Tôi suy nghĩ, vì thế tôi đang tồn tại” (I think, therefore I am). Nhiều người cũng đồng quan điểm này, họ căn cứ vào dòng suy nghĩ để thấy được sự tồn tại của mình, nghĩa là con người phải luôn suy nghĩ vì nếu không suy nghĩ thì đó không còn là một thực tại sống động nữa. Cũng như những người già hay kiếm việc gì đó làm để thấy mình đang tồn tại, mình không phải là thứ bất tài vô dụng trong mắt con cháu. Thực ra họ chỉ cần ngồi yên đó, cứ mỉm cười vui vẻ với con cháu, hoặc luôn thể hiện năng lượng bình yên thì đủ chứng tỏ họ đang tồn tại rồi, và đó mới chính là sự tồn tại đích thực. Cũng vậy, khi nhìn một đóa hoa ta đâu cần suy tư thì ta mới cảm nhận được sự có mặt mầu nhiệm của nó. Đôi khi chính những dòng suy tưởng mông lung đã kéo ta ra khỏi thực tại, làm cho ta biến mất và thực tại cũng biến mất. Ta chỉ có xác mà không có hồn thì đâu thể nào gọi đó là sự tồn tại.



    Khi nhìn đóa hoa mà không suy tưởng, không bị tương lai hay quá khứ kéo đi, chỉ thấy rõ đây là một đóa hoa đang nở trong buổi sớm thì đó là trạng thái định tâm (concentration). Định tâm tức là tâm đang đứng yên trong thực tại để nhận biết rất rõ những gì đang xảy ta trong ta và chung quanh ta. Nếu ta duy trì khả năng chuyên chú trên một đối tượng đã chọn lựa trong thực tại với một thời gian đủ lâu mà không có bất cứ ý niệm nào kéo đi thì ta sẽ có được định lực, tức là sức mạnh của tâm chuyên chú. Lỗi thường mắc của hầu hết chúng ta là có thói quen hay nhìn mọi thứ chỉ thoáng qua mà lại tưởng là mình đã thấy hay đã biết hết rồi, trong khi mỗi đối tượng đều luôn không ngừng vận động. Tâm chuyên chú mạnh mẽ sẽ có khả năng phát ra năng lượng chiếu sáng lên đối tượng, nên càng nhìn ta sẽ càng nhận rõ được bản chất thật hay cấu trúc hoạt động của nó.



    Đời sống luôn có hấp dẫn lực nên rất dễ kéo tâm ta chạy lang thang suốt ngày ở bên ngoài, đến khi lên bàn ăn hay giường ngủ ta vẫn tiếp tục để nó chìm nổi trong những dự án kế hoạch. Theo thời gian ta dần đánh mất thói quen nghỉ ngơi hay để tâm chuyên chú vào một đối tượng, trái lại ta còn cho rằng càng nghĩ ra được nhiều ý tưởng mang lại lợi nhuận thì càng tốt. Làm như thể con người sinh ra chỉ để làm việc và kiếm tiền. Thế nên chậu kiểng trước nhà khô héo đã lâu ta cũng không thấy, chiếc áo đã sứt nút mà ta cũng không hay, trong nhà có bao nhiêu người đang có mặt chung ta cũng không biết, ta đã ăn cơm chưa hay có hẹn với ai hôm nay ta cũng không nhớ. Thật tệ! Ta cũng hay tự trách mỗi khi phát hiện ra mình bị đãng trí, nhưng rồi ta cũng tự bào chữa bằng lý do bận rộn rồi dễ dàng cho qua để tiếp tục thả tâm rong ruỗi đi tìm nơi trú ẩn hấp dẫn.



    Nhưng nếu nhìn chăm chú vào ánh nắng thì nắng ấm hơn, ta lắng lòng nghe tiếng chim hót thì tiếng chim sẽ hay hơn, ta hết lòng bưng tách trà uống thì trà sẽ thơm nồng hơn. Sự có mặt đích thực của thân lẫn tâm sẽ giúp cho chính đối tượng kia có giá trị hơn và chính ta cũng sẽ được thừa hưởng nhiều hơn. Một sự thật rất sâu sắc đó là khi tâm an định, chấp nhận có mặt 100% trong giây phút hiện tại thì nó sẽ kết nối được với những năng lượng an lành có sẵn trong vũ trụ, sẽ giúp những năng lượng độc hại trong ta lắng dịu xuống, đồng thời sẽ mời lên những phẩm chất quý giá trong chiều sâu tâm hồn. Đó là lý do khi tâm an định ta thường dễ tháo gỡ những vấn đề tưởng chừng rất khó khăn. Cho nên định tâm chính là thách đố lớn nhất cho những ai muốn tiến xa trên con đường đạo đức, vì chỉ có định tâm mới cho ta sức mạnh để kiên trì chiến đấu với phiền não.



    Nghệ thuật định tâm



    Để rèn luyện cho mình thói quen định tâm, điều kiện đầu tiên là ta phải bớt bận rộn, phải cho mình một cơ hội lớn tìm về chính mình. Ta không thể ra lệnh cho tâm mình dừng lại và ép nó không được suy nghĩ trong khi ta vẫn còn muốn nắm bắt cái này cái nọ. Một không gian nhẹ nhàng và tĩnh lặng sẽ rất giúp ta dễ dàng thu tâm mình trở về kết thành một mối với thân. Thân ở đâu thì tâm ở đó. Cũng như khi dùng chiếc kính lúp đón nhận những tia nắng song song thì nó sẽ hội tụ lại thành một điểm, sau đó ta lấy miếng rơm khô để phía dưới kính lúp thì chùm ánh sáng hội tụ ấy sẽ đốt cháy miếng rơm khô ngay tức khắc. Khả năng tập trung của tâm ý cũng có khả năng đốt cháy phần nào phiền não thô lậu trong ta, làm cho ta trở nên nhẹ nhàng, trầm tĩnh và sáng suốt hơn.



    Ta cần cố gắng tập luyện sống chậm hơn bình thường càng nhiều càng tốt, nhưng cũng đừng quá chậm để mất đi vẻ tự nhiên. Mỗi khi mở vòi nước, đóng cánh cửa hay đặt tách trà xuống ta đều quan sát kỹ những đối tượng đó và ghi nhận rõ ràng ta đang làm gì. Ta có thể cắt từng hành động của mình ra thành từng mẫu nhỏ để thực nghiệm việc định tâm cho dễ dàng. Thí dụ khi bưng tách trà lên ta có thể chia làm 3 giai đoạn để chú tâm: bưng lên, đưa tới và uống. Trong khi uống ta cũng chia làm 3 giai đoạn để chú tâm: vừa uống, đang uống và uống xong. Mục đích cho sự thực tập chậm rãi giúp tâm ta không dễ dàng bay nhảy nơi khác vì nó phải tinh tế mới chuyên chú được trên những đối tượng nhỏ nhặt.



    Bất kỳ cứ việc gì hay nơi đâu ta cũng có thể áp dụng bài thực tập chia nhỏ từng thao tác hành động để quan sát, trừ khi đó là những việc có tính chất nguy hiểm hay quá khẩn thiết. Tập quan sát bước chân của mình trong khi đi trong phòng thì sự định tâm cũng dễ dàng xảy ra. Chỉ cần thả lỏng hai tay theo chiều cơ thể và bắt đầu chú ý vào bước chân đi trong 3 giai đoạn: dở lên, đưa tới, đặt xuống. Ta cũng có thể chia mỗi động tác như vậy thành 3 lần nhỏ hơn nữa để sự chú ý của ta càng thêm mạnh mẽ: phần đầu - phần giữa và phần cuối của sự dở lên, phần đầu - phần giữa và phần cuối của sự đưa tới, phần - phần giữa và phần cuối của sự đặt xuống. Nên nhớ ta chỉ dùng tâm để cảm nhận chứ không cần phải nhìn xuống bước chân mình. Bài tập này tuy hơi khô khan, nhưng nếu kiên trì trong nửa giờ ta sẽ gặt hái kết quả rất bất ngờ. Và đây chính là bài tập căn bản của thiền.

  2. #2
    Totha_Huy
    Guest
    Hơi thở mầu nhiệm



    Những bậc tu thiền thành công từ nhiều thế hệ qua luôn xem hơi thở là sự lựa chọn hàng đầu để định tâm, vì hơi thở không chỉ là một tiến trình vật lý mà nó còn là nhịp cầu nối với các tiến trình tâm lý nữa, nghĩa là thông qua hơi thở mà ta có thể biết được những trạng thái biến đổi của tâm lý. Điều thú vị là ta có thể cảm nhận hơi thở một cách trực tiếp mà không cần đến sự can thiệp của tư tưởng hay kinh nghiệm có sẵn. Nên nhớ hơi thở là một tiến trình tự nhiên, ta không dùng ý chí can thiệp thì hơi thở vẫn vào và ra theo nhịp độ riêng của nó. Do vậy khi chọn hơi thở làm đối tượng chú tâm thì ta vẫn tôn trọng tính tự nhiên của nó, chỉ cần nhận biết và hiểu biết nó chứ không ép buộc nó phải như thế này hay như thế kia. Trên thực tế ta cũng hay vấp váp trong khi thở, vẫn muốn áp đặt hơi thở theo ý mình, muốn nó dài hơn hoặc ngắn hơn, muốn nó êm dịu hay nhẹ nhàng. Đó là một thái độ sai lầm cần phải tránh. Ranh giới giữa hơi thở tự nhiên và hơi thở có nhồi nặn rất mong manh, ta phải cẩn thận. Ta chỉ đơn thuần quan sát nó, đừng đọc lầm bầm trong tâm bằng một câu kệ nào đó hay tưởng tượng thêm cái gì hết.



    Nhưng muốn quan sát được ta phải nhận diện ra hơi thở của mình như thế nào trước đã. Ta có thể chú tâm vào sự phình xẹp của bụng, khi hơi thở đi vào thì bụng sẽ tự động phình lên và khi hơi thở đi ra thì bụng sẽ tự động xẹp xuống. Song cách thở này chỉ phù hợp với một số ít người thôi, bởi nó sẽ làm cho ta dễ hồi hộp vì phải rượt đuổi theo hơi thở, vả lại, cách theo dõi này sẽ không làm cho ta cảm nhận hơi thở một cách trực tiếp. Cách mà nhiều vị hành thiền thường sử dụng đó là chú tâm vào chỗ phần chóp mũi, có thể là ngay vành trong của mũi hay ngay phía môi trên, điều này còn tùy thuộc vào chiếc mũi của mỗi người. Đầu tiên, ta hãy hít vào một hơi cho thật dài và sâu rồi ghi nhận không khí bên ngoài đi vào, nó sẽ chạm vào phần nào đó của chiếc mũi rõ ràng nhất, và đó chính là điểm mà ta cần ghi nhớ để quan sát hơi thở trong những lần thực tập sau này mà không nên để tâm chạy kiếm hơi thở lung tung. Đuổi theo hơi thở sẽ rất mệt mỏi nhưng không bao giờ đuổi kịp vì hơi thở nó cứ trôi chảy mãi.



    Hãy tập quan sát mối liên hệ rất tinh tế giữa hơi thở và ý muốn điều khiển hơi thở và cả thái độ muốn ngưng sự điều khiển nữa. Ban đầu sẽ hơi khó chịu, nhưng dần dần ta sẽ cảm nhận được giá trị của hơi thở tự nhiên hoàn toàn khác biệt với hơi thở bị điều khiển, và ta sẽ học hỏi được rất nhiều về thái độ hay mong muốn của mình. Với thái độ quan sát hơi thở tinh vi như vậy thì chỉ trong một thời gian ngắn ta sẽ không còn muốn điều khiển nó nữa. Thời gian đầu việc quan sát hơi thở sẽ làm cho ta rất dễ chán nản vì cảm thấy nó thật là vô vị, nhưng nếu kiên trì một thời gian ngắn và thở đúng cách ta sẽ thấy nó rất đa dạng và kỳ diệu vô cùng. Thực ta, không có hơi thở nào giống với hơi thở nào, chúng biến hóa rất tinh xảo mà với tâm hời hợt hay có thành kiến rằng nó vốn là như vậy thì ta không thể nào khám phá và thấu hiểu được. Cho nên quan sát hơi thở không chỉ là quan sát đường nét của nó, mà ta còn quan sát đến cả nội dung của nó, nó là một bản nhạc hòa tấu giữa những trạng thái hổn hển rồi lắng dịu, sâu rồi cạn, gấp gáp rồi nhẹ nhàng.



    Nhiều lúc ta có cảm giác như không nhận ra được hơi thở của mình. Đừng quá lo lắng. Hãy chú tâm trở lại ngay điểm mà ta đã chọn chỗ phần đầu chóp mũi hay sự phồng xẹp của bụng bằng một hơi thở mạnh thì ta sẽ nắm bắt được ngay. Nên nhớ, ta đừng bao giờ tự trách móc tâm mình trong khi thiền tập, điều đó chẳng lợi ích gì vì nó chỉ là kết quả của quá trình sống trong lãng quên của ta. Chỉ cần nhắc nhở nó thường xuyên là được. Trong khi quan sát hơi thở thì trong tâm ta cũng sẽ hiện lên hình ảnh, âm thanh, tình cảm, nhận xét, hay những tâm lý lo lắng, tiếc nuối, buồn tủi, hoang man…Khi ấy, ta tạm thời rời hơi thở để chú tâm lên những đối tượng mới. Nếu thấy mình không có chút định lực nào thì không nên, hãy tạm thời ngó lơ những biến động bất chợt của tâm lý mà giành hết ưu tiên cho mỗi hơi thở thôi. Nhưng nếu ta đã sẵn sàng quan sát thì chỉ nên quan sát từng hiện tượng tâm lý một, chứ đừng gom hết chúng lại.



    Khi những đối tượng ấy phai mờ đi thì ta lại đem tâm trở về với hơi thở, hơi thở bấy giờ là đối tượng chính, là điểm tựa an toàn nhất của ta sau mỗi chuyến đi thăm những lĩnh vực khác dù đó là những phản ứng trên thân hay là những phản ứng trên tâm. Ta đừng nóng vội trong khi thực hành, đừng quá nôn nóng giải quyết những phiền não. Nhưng với chút định lực tích góp từ hơi thở, trong mỗi chuyến đi quan sát những biến động mạnh nơi thân hay nơi tâm như vậy thì tâm ta lại mang thêm một kinh nghiệm mới về bản chất vô thường và vô ngã của mọi sự vật và hiện tượng mà không chỉ riêng gì hơi thở. Thái độ quan sát bằng tâm không mong cầu hay chống đối, thuần túy bằng cái tâm tìm hiểu và khám phá thì sẽ cho ta nhiều cái thấy rất tuyệt vời mà từ trước giờ với cái tâm đầy xáo động và đặt sệt phiền não ta không tài nào biết nổi.



    Một điều cần lưu ý là những lúc ta kinh nghiệm được hơi thở của mình một cách sâu sắc, thì ta bỗng nghe trong tâm hình như có rất nhiều gào thét hay những mớ âm thanh hỗn loạn, ta thấy mình như đang chới với như chiếc xe đang đầu xuống vực thẳm mà ta không thể điều khiển được. Không có gì lạ cả, thực ra lúc nào trong tâm ta cũng hỗn loạn như vậy, cũng đầy dẫy những cuộc xung đột hay những khoảng trống chơi vơi như vậy, chỉ vì trước giờ ta chưa bao giờ nhìn kỹ vào thôi. Tâm thức ta rối rắm và đầy phiền toái như vậy đó mà ta còn chưa chịu thu dọn hay giải quyết chúng, vẫn cứ lo đi tìm những thứ hấp dẫn bên ngoài thì đừng có trách tại sao ta vẫn thường hay bất lực với chính mình.



    Chung quanh ta còn biết bao người vẫn đang sống bằng sự may rủi của hoàn cảnh, vẫn không biết cái gì đang tàn phá bên trong họ, nhìn họ có vẻ như không có vấn đề gì nhưng thực chất là họ đang bị trói buộc và điều khiển. Còn ta, tuy phải đối diện với những phiền toái bên trong nhưng ta đang trên con đường tháo gỡ nó. Nếu ta vẫn còn nhiều lý do để không chịu giành thời gian và năng lực tinh tiến luyện tập quan sát hơi thở và những biến động tâm lý của mình; hoặc ta không biết cách quan sát hơi thở, chỉ sử dụng nó một cách thô kệch hay áp đặt nó như những phương pháp luyện tập yoga thì ta sẽ tạo nên sự chay cứng trong công phu thiền tập của mình, ta sẽ có thành kiến với vấn đề quan sát hơi thở và chẳng bao giờ thu hoạch thêm sự khám phá mới lạ nào. Cho nên chấp nhận quay về chính mình đã hay lắm rồi, nhưng chính thái độ thực tập đúng đắn mới quyết định sự thành công. Và chỉ khi nào tâm ta yên định thật sự thì hạt giống trí tuệ mới bắt đầu hé nở.



    Khi tâm tư lạc lõng

    Hãy quay lại chính mình

    Nương tựa vào hơi thở

    Chốn nghỉ ngơi an bình.

  3. #3
    Totha_Huy
    Guest

    Thiền - Vị "thuốc" đa năng

    Thiền là một phương pháp tập luyện có từ rất lâu đời ở phương Đông do Đức phật Thích ca thực hiện đầu tiên nhằm làm cho con người giải thoát được khổ đau, hài hòa được thân tâm, phát huy được trí tuệ của chính mình. Dưới góc độ khoa học, phương pháp thở của thiền có khả năng điều chỉnh lại được sự rối loạn, mất cân bằng của hệ thần kinh và não bộ.

    Hiểu đúng về thiền

    Việc thực hiện thiền từ hơn 2.500 năm nay theo Đức phật rất khó thực hiện vì những triết lý: hiểu sâu về chân tâm và vọng tưởng trong khi thiền nên nhiều người đã thực hiện theo cách hiểu của mình làm cho việc tu thiền có đến cả triệu phương pháp. Bản thân thiền sư Thích Thông Triệu (Thiền chủ Thiền viện Tánh không ở Hoa Kỳ) ngày xưa cũng đã thất bại khi áp dụng tu thiền theo truyền thống.



    Muốn dập tắt vọng tưởng, tức là những ý nghĩ miên man khởi lên trong đầu, chính vọng tưởng được coi là sự tự nói thầm, khi dừng được nói thầm trong đầu thì vọng tưởng dừng và tâm được an tịnh (tâm được yên). Năm 1982, khi thiền sư cảm nhận được sự nói thầm (vọng tưởng) trong đầu đã làm chủ được vọng tưởng. Từ kinh nghiệm đó, thiền sư đã ngộ được mối liên hệ giữa hệ thống thần kinh và quá trình thiền. Mãi đến năm 2006, nhờ 2 nhà não học người Đức là Erb và Sitaran chụp hình não bộ mới biết được cụ thể của các vùng của não bộ. Theo kết quả nghiên cứu, người ta chia não bộ thành 2 vùng: vùng phía trước và vùng phía sau. Vùng phía sau đảm nhiệm tính “giác” (giác ngộ) của thiền. Cho nên khi thực hành thiền cần chú ý tập trung vào vùng có tính “giác” và để yên phần phía trước vì phần này hay gây ra vọng tưởng.

    Từ phương pháp thở đó, do có liên quan mật thiết với hệ thần kinh (trung ương và hệ giao cảm) nên nó có khả năng điều chỉnh sự mất cân bằng của hệ thần kinh (theo y học cổ truyền, sự mất cân bằng này là sự mất cân bằng âm dương, mất cân bằng về hàn nhiệt gây ra các triệu chứng “hư thực” của các tạng phủ).

    Thiền là một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc rất được ưa chuộng hiện nay.

    Cách thực hành tu thiền

    Người ta ngồi xếp bằng (kiết già, bán kết hay ngồi bình thường cũng được, nhưng ngồi được theo 2 cách trước thì tốt hơn), toàn thân thư giãn, tâm tĩnh lặng (không nói thầm, không nói vọng tưởng) rồi thở chậm và sâu (hít vào thở ra sâu hơn bình thường) nhưng đừng cố gắng và thở càng chậm càng tốt.

    Theo quy luật tự nhiên, người ta thở trung bình mỗi ngày là 21.600 lần/24 giờ (15 lần/phút x 60 phút x 24 giờ). Người ta nhận xét sinh vật nào thở chậm - đời sống kéo dài (rùa, hạc); sinh vật nào thở nhanh - đời sống ngắn lại (chim, khỉ). Sự hô hấp chậm rãi của thiền, có người đã đạt nhịp thở 6 lần/phút, có người đạt tới 1 lần/phút, đó là công phu tập chứ không phải do gắng sức.

    Ngày nay, nhiều người, kể cả các nhà khoa học phương Tây không còn coi thiền là một phạm trù tôn giáo mà thiền là một phương pháp thực hiện một nếp sống lành mạnh, trong sáng cho mọi người. Quan trọng nhất là phải ngồi thiền thường xuyên hằng ngày, mỗi ngày 2 lần trong 30 - 45 phút (sáng sớm và trước khi đi ngủ), tốt nhất là 5 giờ sáng và sau 11 giờ đêm (giờ tý - đầu của ngày mới), nên ngồi quay mặt về hướng Nam (thuận theo từ trường của trái đất). Miệng ngậm, đầu lưỡi đặt vào chân răng hàm trên, 2 bàn tay đặt chồng lên nhau, chân bên nào để trên thì bàn tay bên đó cũng để trên, hai ngón cái chạm nhau (để khép kín mạch âm dương trong cơ thể) - đó là tư thế ngồi thiền.

    Để tránh vọng tưởng (sự nói thầm), khi thiền cần tập trung tư tưởng vào phần não phía sau hay có thể niệm 6 từ: “Nam mô a di đà phật” dịch từ tiếng phạn của Ấn Độ: “Nam mô a mi ta ba”. Sáu âm thanh này có tần số và biên độ của các sóng âm trùng hợp với biên độ và tần số của các luân xa (trung tâm tiếp nhận năng lượng vũ trụ) nên có sự cộng hưởng ở các luân xa để tiếp nhận các năng lượng này và bổ sung cho cơ thể để lập lại sự cân bằng năng lượng ở các tạng phủ làm cho con người khỏe mạnh, bệnh giảm dần và hồi phục.

    Theo bác sĩ Hasegawa ở Đại học Ossaka - Nhật Bản thì tọa thiền phát triển sự tập trung dưới vỏ não và tạm ngừng hoạt động của vỏ não. Theo viện Đại học Cologne - Đức, thiền có tác dụng điều hòa trạng thái hoạt động của các tuyến nội tiết và của hệ thần kinh giao cảm làm cho cơ thể khỏe mạnh. Thiền sư Taisen Deshimaru ở Thiền viện của Nhật đã nêu trong tài liệu “Chân thiên” của ông là: Ai cũng thấy tọa thiền giúp cho cơ thể gia tăng sự mềm dẻo, khỏe mạnh và tâm trí được an vui. Do vậy, thiền là một phương pháp chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe không cần dùng thuốc.


    Theo Sức khỏe & đời sống

  4. #4
    Totha_Huy
    Guest

    Thiền giữa đời thường

    Thiền giữa đời thường


    Một trong những bước đi yêu cầu của thiền định chính là khả năng vượt thoát khái niệm tập quán để thành tựu một trí tuệ thực nghiệm. Ðể bắt đầu một buổi thiền định, ta chỉ đơn giản dành ra chút thời gian ngồi yên lại, hai tai xếp lên nhau. Nhưng cái cảm nghiệm theo sau những thao tác đó là gì chứ?

    Có thể rằng ta sẽ lưu tâm đến sự xúc chạm nhau của các ngón tay, hoặc một ý tượng hời hợt về cái gọi là đôi bàn tay đang yên vị trên bắp chân mình, hay là một sự tỉnh thức ghi nhận những cảm giác tế nhị như hơi ấm hoặc sự tiếp xúc. Khi ta có một trực cảm tỉnh thức về các cảm giác thực tại thì liệu khái niệm định danh về tay chân kia có còn tiếp tục hiện diện nữa hay không? Hãy cố gắng thực tập bài học này với đôi mắt nhắm lại chối từ tất cả ngoại cảnh bằng một ít thời gian thẩm nghiệm, khu biệt các hình thái cảm nghiệm .

    Hãy thử khách quan kiểm tra chính mình trong đôi phút. Bạn có tỉnh thức trong mỗi bước kinh hành của mình hay không? Bạn có gọi tên và bận tâm đến hình thức vận động của đôi chân mình như là một ảo tượng? Bạn cảm nhận được cái gì trong từng bước chân? Trong mỗi phút giây lắng nghe, cảm nghiệm bạn có tự tạo một khái niệm ảnh tượng nào không? Cái gì đã đưa đến các cảm nghiệm, có phải tự chúng xuất hiện hay không?

    Từ trong giờ thiền định chính thức, cho đến mỗi mỗi sinh hoạt lớn nhỏ trong đời sống thường nhật, bạn nên tự khu biệt khách quan cái khái niệm tập quán với cái cảm nghiệm như thật về thực tại.

    Cách xử lý và tận dụng các trở lực phiền não

    Hãy đặc biệt lưu tâm đến những hình thái phiền não có vẻ trầm trọng và xuất hiện thường xuyên nhất trong cuộc sống thường nhật cũng như vào những giờ thiền định, chẳng hạn như một tâm lý ích kỷ, sợ hãi, toan tính, dục cảm nghi hoặc, hay một tình trạng phóng dật nào đó bất luận.

    Trước hết thử bỏ ra một tuần với nhiều giờ thiền tọa mỗi ngày rồi chuyên tâm ghi nhận một cách tỉnh thức sự có mặt của chúng trong mỗi giây phút. Hãy quan sát và nhìn ngắm chúng môt cách nghiêm cẩn, thận trọng. Ðồng thời ta cũng phải ghi nhận luôn cả những gì (phản ứng tâm sinh lý) vẫn xuất hiện theo sau sự có mặt của chúng.

    Cho dầu chúng có tế vi nhỏ nhiệm đến mấy, ta cũng vẫn chiêm ngắm. Còn nếu chúng quá kín đáo, nhẹ nhàng đến mức gần như không thể ghi nhận thì cứ cố gắng bới tìm cho được cái khía cạnh mạnh, rõ, nói chung là tính động.

    Nên thường xuyên ghi nhận sức tác động, ảnh hưởng của chúng với nội thân chính mình dù dưới bất cứ hình thức nào. Trong công phu xử lý các trở lực phiền não, một người thiền sinh phải luôn biết đón nhận và làm thư giãn cho đến ngay cả thái độ tâm lý đối kháng của mình trước các phiền não trở lực.

    Sau cùng rồi thì ta cũng phải luôn biết quay lại với công phu thiền tọa và tỉnh thức nhìn ngắm từng hơi thở ra vào bằng tất cả sự thư thái không can dự: Ðón chào và quan sát nó như đối với một người bạn cũ.

    Ðưa ý muốn sang hành động

    Trước hết, ta hãy chọn lấy một thế ngồi thoải mái, nhắm mắt lại và thử bỏ ra khoảng năm phút để theo dõi từng dòng tư tưởng đến đi. Trong suốt thời gian này, ta cứ bình thản nhận diện từng ý nghĩ một trong đầu mình khi chúng vừa xuất hiện.

    Từ đó ta sẽ thấy rằng các luồng tư tưởng chẳng khác gì những bức tranh những dòng chữ hoặc cả hai, và song hành với các dòng tư tưởng luôn là cảm giác tâm lý, có thể là nhẹ nhàng nhưng đôi khi lại là những bức xúc nặng nề. Nhìn ngắm tư tưởng trôi đi, dĩ nhiên ta cũng phải ghi nhận tất cả những chi tiết đó của chúng.

    Ðể việc quán tâm được như ý hay ít nhất cũng là dễ dàng hơn, ta phải học cách phơi trải nội tâm mình ra như một phông tranh sáng sủa, hay lồng lộng xuyên suốt như bầu trời trong xanh rồi lặng lẽ chờ đợi và nhận diện thật cẩn trọng từng tư tưởng lộ diện như con mèo ngồi rình chuột trong một hốc tối thích hợp. Cứ thế, từng tư tưởng đi qua, ta không bỏ sót tư tưởng nào. Cái này trôi đi, ta chờ cái khác trôi đến.

    Ðiều tối trọng là vị hành giả đừng bao giờ để mình bị cuốn hút và mê hoặc bởi bất cứ luồng tư tưởng nào hết. Chúng ra sao cũng mặc, ta chỉ tri nhận môt cách hồn nhiên thôi. Các dòng tư tưởng có thể như tự tản mạn manh mún ngay khi mới vừa xuất hiện trong sự quan sát của ta, nhưng rồi sau đó đâu sẽ vào đấy, chúng sẽ lộ dạng nguyên hình. Ðối với nhiều người, chỉ trong năm phút ngắn ngủi đó có thể từ năm đến mười luồng tư tưởng khác nhau. Dùng đến con số toán học ở đây có vẻ không hay, nhưng nói vậy có nghĩa là trong từng phút giây thời gian, nội tâm chúng ta luôn biến động và trôi chảy không ngừng để có khi chỉ trong đôi ba phút, người ta có thể bị cuốn xô bởi hàng chục suy nghĩ mà không kềm hãm được.

    Chỉ với Thiền định, người hành giả mới có thể thấy được từng hình thái tư tưởng, thấy rõ những gì vẫn thống trị nội tâm chính mình, như một bức tranh xuất thần hay những dòng chữ trêu ngươi nào đó mà chúng tôi vừa ví dụ ở trên.

    Và điều sau cùng quan trọng hơn cả là chúng ta sẽ cảm nhận được cái kinh nghiệm rằng mình đã bằng cách nào, với cách điệu nào chiêm ngắm dòng luân lưu của tư tưởng thông qua một chánh niệm để chỉ ghi nhận chúng mà không bị chúng cuốn trôi, đồng hóa, huyễn hoặc bằng một ý niệm tự ngã, ngã sở nào hết. Ðiểm kỳ diệu của Thiền định nội quán nằm ngay ở chỗ này.

    Ðời sống tỉnh thức qua Thất Giác Chi


    Theo lối trình bày của giáo lý truyền thống, pháp môn Thất giác chi có vẻ như được trau dồi theo tính cách thời đoạn thứ lớp. Nhưng ở đây, trong công phu thực tế, tự hành giả có thể sống tỉnh thức với sự có mặt của cùng lúc bảy giác chi trong phút giây thiền tọa. Chúng ta có thể dành ra một thời gian nhất định nào đó để kiểm tra chúng trong chính thâm tâm của mình. Ðiều quan trọng là hành giả phải biết khách quan và bình tĩnh để nhìn ngắm chúng thật sự đang mạnh hay yếu, ngay khi chúng vừa sanh khởi, để biết được cái nào cần bổ sung, gia giảm. Ðặc biệt là đối với ba giác chi mang tính tĩnh: Ðịnh giác chi, Tỉnh giác chi và Xả giác chi.

    Hãy chú ý lưu tâm đến những giác chi đang quá sung mãn bởi vì động lực thúc đẩy của chúng rất phức tạp. Chỉ cần vài tuần trực diện, ta sẽ hiểu được tại sao có khi chúng bất chợt trở nên thế nầy thế khác thôi. Nhất là phát hiện ra những gì ngăn trở chúng, và bên cạnh đó là sự dụng công tìm lấy một biện pháp hữu hiệu để trưởng dưỡng từng giác chi trong cuộc tu thường nhật của mình.

    Pháp môn Niệm Phật

    Phương thức này nếu được hiểu và được thực hiện đúng đắn thì vẫn là một nguồn tác động để khai sinh và trưởng dưỡng niềm tin cùng thiền dịnh. Sự suy tưởng về các pháp Ba La Mật và nhưng động lực giúp Bồ Tát làm tròn tất cả các đạo hạnh đó chắc chắn sẽ đem lại cho cuộc tu của chúng ta một niềm khích lệ.

    Và để thực hiện điều này, chúng ta nên dành ít thời gian để học về cuộc đời Ðức Phật, về những câu chuyện tiền thân của Ngài và đặc biệt là những bài thuyết giảng giáo lý của Ðức Phật mà qua đó, chúng ta sẽ nhìn thấy được tất cả những gì cần được nhìn thấy ở Ngài. Thái độ quan trọng của chúng ta khi nhớ về Ðức Phật phải là nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn đời sống của Ngài với cuộc tu của chính mình.

    Một phương thức niệm Phật khác nữa là chúng ta hãy tự cố gắng xem như Ngài luôn hiện diện thật sự ngay trước mặt mình. Nếu chúng ta thực hiện được điều đó thì có lẽ chúng ta cũng thừa hiểu mình sẽ thu hoạch được thành quả gì trong cuộc tu, ít nhất cũng là về mặt tâm lý tu hành.

    Nuôi lớn tình thương

    Trong đời sống thường nhật chúng ta có nhiều trường hợp và cấp độ để trưởng dưỡng và đánh thức tình thương vị tha. Ta có thể thực hiện điều đó ngay trong giờ tĩnh tọa, chỉ mình với mình. Những suy nghĩ hoặc các hình ảnh khả dỉ khơi gợi ở tâm hồn ta về những nổi khổ của người khác hoặc một sự liên tưởng nào đó có nội dung tương tự, ta hãy dồn hết tâm lực để tự đặt mình vào hoàn cảnh của người, thực hiện một tình thương và mối giao hòa, đồng cảm tương ứng.

    Việc lập đi lập lại lời nguyện "mong cho tất cả luôn được an lành" cũng là một phương thức tốt để chúng ta tự nuôi lớn tình thương tha nhân ngay trong chính nội tâm mình. Lời nguyện này, buổi đầu là nhắm thẳng vào những đối tượng đang đau khổ và có thể được kéo dài trong đôi ba phút hoặc kéo dài suốt cả thiền tọa. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể tự thực hiện một tình thương vô tư ngay đối với chính bản thân mình vào những giây phút nhận ra những đau khổ tâm sinh lý xảy ra trong giờ thiền định.

    Ngoài ra, ta có thể trưởng dưỡng và thể hiện tình thương với mình và thái độ sống hướng về người khác. Những khi nhìn thấy ai đó đang bị đọa đày trong bất cứ hình thức đau buồn nào, ta hãy dành chút thời gian cho họ càng lặng lẽ, càng kín đáo thì càng tốt.

    Hãy biết quan sát một cách cẩn thận tất cả những tâm lý phản ứng phức tạp luôn có thể xảy ra trong tâm hồn mình. Hãy thanh thản để mặt mọi thứ đến và đi, để giữ lại cho chính mình một thế giới nội tại yên tĩnh. Hãy nhìn thẳng vào người khác với một tình thương ấm áp và giản đơn, bất cầu báo và vô phân biệt. Nên thường xuyên có những tra vấn tự thân: Mình có hiểu được rằng mọi người đang triền miên đau khổ? Mình có tự tìm được rằng mọi người đang triền miên đau khổ? Mình có tự tìm được một chút gì giao hòa, đồng cảm với họ hay không? Giữa ta với người có một rào cản ngăn cách nào hay không? Tâm hồn của mình cũng được phơi mở hay vẫn bị khép kín?

    Nói chung, điều cần thiết là ta phải tự biết xây dựng một mối quan hệ mật thiết và chân thật đối với tha nhân bằng niềm mong mỏi cho họ được hạnh phúc. Bằng vào tất cả khả năng có được, ta hãy thường trực thực hiện công phu này cho đến khi nào giữa mình với người có một sự giao cảm và thương yêu thật sự.

  5. #5
    Totha_Huy
    Guest
    Thực hiện một tinh thần thiền định tự tại

    Thái độ tự tại dĩ nhiên là tư thái căn bản, cốt lõi của Thiền Quán nhưng bằng vào pháp môn tu tập về bốn pháp phạm trú (Từ, Bi, Hỷ, Xả), tinh thần tự tại cũng vẫn có thể được phát triển như một phương tiện thiết yếu. Tinh thần tự tại thường song hành và được vận dụng để điều động lòng từ bi. Và mặc dù chúng ta có cố gắng trưởng dưỡng, tu tập một lòng từ bi vô lượng đối với tha nhân bằng tất cả những cố gắng san sẻ hết mình những nỗi đau khổ trên toàn thế giới nhưng chắc chắn vẫn luôn có nhiều trường hợp, tình huống mà chúng ta không thể nào tìm thấy được một chút trắc ẩn, bất nhẫn.

    Thánh Francis đã có một lời nguyện rất nỗi tiếng: "Xin cho tôi có đủ sức mạnh để thay đổi mọi sự mà mình muốn thay đổi để tôi không phải bất lực trong khả năng đón nhận mọi sự, và xin cho tôi hãy có được cái trí tuệ để hiểu được những gì mà mình chưa biết đến". Một trí tuệ về nghiệp lý trong sự hiện hữu của tất cả chúng sinh luôn mang lại cho ta một tâm hồn sáng suốt cộng với một trái tim biết yêu thương không phân biệt.

    Ðể có được một tư phong lẫn tâm thái tự tại, trước hết hành giả nên chọn lấy một tư thế ngồi thật thoải mái rồi nhắm mắt lại. Sau đó, hành giả tập trung tư tưởng vào hơi thở cho đến khi nào có được một sự cảm nhận chính chắn, khách quan rằng tâm sinh lý của mình đang ở trong tình trạng thật sự ổn định.

    Tiếp theo, hành giả hãy bắt đầu chiêm ngắm trực tiếp vào nội tâm vốn đang được quân bình và tự tại của mình. Hãy tự cảm nhận như là một sự thưởng thức chính thực tại đó và nếu cần, hành giả có thể tự ám thị mình bằng những lời thầm thì mang ý nghĩa xác định thực tại: "Mong sao nội tâm tôi luôn được quân bình và an lành; mong sao tôi không bị quấy động bởi bất cứ tục sự nào,...".

    Rồi hành giả nên tự mình quán xét tổng quát bản chất vô thường của mọi thứ trên đời: Cái gì cũng tự đến rồi đi, không có chi là trường tồn bất biến. Từ niềm vui cho đến nổi buồn, nỗi bất hạnh hay điều may mắn, con người, nhà cửa, súc vật, các dân tộc và kể cả toàn bộ các nền văn minh đều chỉ là bọt nước phù du.

    Hành giả nên luôn tâm niệm rằng mong sao mình có thể điềm nhiên ngắm nhìn tất cả những đổi thay trên đời bằng một nội tâm tự tại thăng bằng, đồng tự phơi mở tâm hồn mình để thương yêu tất cả vạn loài mà vẫn bằng tâm thái đó. Ðể xác quyết trí tuệ về nghiệp lý "Mỗi người luôn chịu trách nhiệm về những sở hành thiện ác lớn nhỏ của mình", hành giả lại nên tiếp tục nuôi dưỡng ở chính tâm hồn mình cái khả năng yêu thương và tự tại trong mỗi biến cố của đời sống, dĩ nhiên vẫn với sự quân bình, điềm tỉnh và bình an của nội tâm.

    Chiêm ngắm ý hướng hành động

    Ðể hiểu được nghiệp lý, điều căn bản và cốt lõi là việc nhìn thấy phương thức vận động hoặc những khuynh hướng ý thức mang tính quy định một chủng tử tạo quả trong tương lai trong chính hành động mà mỗi người thực hiện. Từ đó suy ra, một sở hành (trong tam nghiệp) được điều động bằng thiện tâm thì kết quả tất yếu của nó sẽ là các quả lành.

    Bằng ngược lại một sở hành được điều động bởi các phiền não thì hậu quả dĩ nhiên của nó sẽ là tất cả những gì cay đắng chua chát trong tương lai. Có điều là các quả nghiệp không phải luôn luôn là nhãn tiền nên ta phải nói rằng thật không dễ dàng gì nhìn thấy được quá trình quan hệ tương thuộc giữa nhân và quả.

    Tuy nhiên trong đời sống thường nhật ta vẫn có lắm dịp để thấm thía một cách dễ dàng và trực tiếp vấn đề nghiệp lý xuyên qua trường hợp khẫu nghiệp, những ngôn ngữ đối giao với mọi người xung quanh. Chúng ta hãy làm một thử nghiệm bằng cách bỏ ra đôi ba ngày ghi nhận cẩn thận và trung thực từng động lực tâm sinh lý của mỗi lời nói mà mình phát biểu.

    Hãy cố gắng nhìn thẳng vào từng phút giây tâm não trạng gắn liền với ý muốn phát ngôn, nhìn thẳng vào những động lực, phản ứng tâm lý vào cả sự chọn lựa ngữ ngôn của mình. Hãy cố gắng tỉnh thức để nhận diện tất cả những gì thúc đẩy ta nói, bất luận đó là một thứ tâm trạng thô tế, tốt xấu ra sao. Ðại khái, càng tỉnh thức càng tốt, đối với tất cả hình thái ý thức và những gì thật sự có tác động đến khẩu nghiệp của mình.

    Ta chỉ nhìn ngắm thôi, một cách khách quan về đáy sâu thật sự của nội tâm mình, không thông qua một toan tính khuôn sáo nào cả. Hãy đơn giản ghi nhận các vận động sai biệt của ý thức cùng những ngôn ngữ mà chúng điều động.

    Sau chừng đó nỗ lực, ta hãy tiếp tục ghi nhận ảnh hưởng của mỗi lời nói mà mình phát biểu: Ta sẽ phải nhận lấy những gì từ thế giới chung quanh khi ngôn ngữ của mình được phát biểu bằng một nội tâm nhỏ nhen, vị kỷ, cao ngạo,...? Người khác sẽ có phản ứng ra sao trước những câu nói đầy tình thương?

    Qui luật nghiệp báo luôn buộc ta phải tự chịu trách nhiệm về tất cả những tác động của mình (mà mỗi người có thể chọn lựa) đối với thế giới chung quanh trong từng giây phút. Với sự khám phá tinh vi và kỳ thú về những năng lực nội tại này ở mỗi người cũng giúp ta tự qui định lấy điều kiện sinh tồn ngoại tại: Ta có thể chọn lấy cho mình một hướng đi an lành, giải thoát.

    Tấm lòng vị tha

    Hãy chọn ra một phút giây tĩnh lặngnào đó để tự hỏi lòng mình về khả năng yêu thương tha nhân. Trước hết, hãy ngồi im lặng trong đôi ba phút trong một tư thế sẵn sàng, thuận lợi cho việc trầm tư rồi tự nêu lên vấn đề đó với chính bản thân mình. Cứ sau mỗi tư tưởng tự vấn, ta hãy để lòng mình thanh thản trước khi trả lời và câu trả lời đó dĩ nhiên phải hết sức trung thực khách quan, tương ứng với trình độ của Từ tâm và Trí Tuệ bản thân.

    Hãy tự tưởng tượng rằng nếu trong vài ba năm trước đây mình là một con người có những công trình phụng sự tha nhân một cách đáng kể, những đóng góp to tát cho thế giới, thì khi đó mình sẽ ra sao? Lúc đó, cái gì sẽ làm mình hạnh phúc nhiều nhất? Những đóng góp mà mình đã thực hiện cho thế giới liệu có mang lại cho mình một sự thõa mãn nào không?... Và quan trọng nhất là câu hỏi: "Kể từ ngay bây giờ đã có thể sống đời vị tha được hay chưa? Nếu được, thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu đi?".

    Nuôi dưỡng Chánh Niệm

    1/ Lập một thời khóa tọa thiền mỗi ngày:

    Ðây là một phương cách để trưởng dưỡng công phu thiền định thường nhật, đồng thời cũng giúp ta kiểm tra những chu trình của nó một cách dễ dàng. Hãy thử bỏ ra một hoặc hai tháng với một cuốn sổ tay để bên cạnh chỗ mình tọa thiền rồi viết vào đó, một cách trung thực, thời gian tọa thiền cùng tất cả những gì xảy ra trong tâm mình. Chẳng hạn: Ngày X tháng Y, ngồi được một giờ đồng hồ, phóng tán hướng ngoại hoặc trong sáng định tĩnh, có hoặc không những chấn động cảm xúc...

    Cuối thời gian đã định, hành giả đọc lại tất cả để đánh giá chính xác được từng bước công phu của mình rồi tự đưa ra những hướng đi thích ứng. Chánh niệm sẽ qua con đường này mà được nuôi lớn.

    2/ Tìm một ấn tượng để tập trung tinh thần
    (tạo thói quen tỉnh thức để tỉnh thức trở thành thói quen):


    Hãy chú ý vào một hoạt động thường nhật nào đó mà ta thường thực hiện trong sự vô tâm rồi đưa hết chánh niệm vào đấy. Ta có thể lấy việc uống trà, tắm rửa, hoặc lái xe để làm bài thực tập bằng cách dành ra đôi ba phút trước khi bắt đầu làm việc đó. Công việc sẽ được thực hiện trong sự nhẹ nhàng, cẩn trọng và trở thành một công án thiền định tuyệt vời về thực tại, những gì đang xảy ra. Làm thế có nghĩa là hành giả đã mở ra tất cả cánh cửa lòng mình với vạn vật, với mọi sự. Ta có thể nuôi cái cảm giác rằng chính Ðức Phật đang từng bước có mặt bên cạnh cuộc tu của mình như một sự gia trì thiêng liêng.

    Ở đây, ta thử sống trầm lặng và tỉnh thức như một người Nhật Bản uống trà đúng theo nghi thức Trà Ðạo, nhưng không dừng lại ở riêng một hoạt động nào mà là mọi hoạt động, luôn khi và mọi nơi. Công phu thực tập có thể kéo dài trong một tuần hay một tháng. Vấn đề thời gian không quan trọng, miễn sao chánh niệm của ta ngày một lớn mạnh thì thôi.

    3/ Thực hiện một kiểu sống giản dị tự nguyện:


    Cố gắng bỏ ra đôi ba ngày thử nghiệm một nếp sống không bị chi phối bởi một sinh quan văn minh hay tiện nghi nào để hòa mình với thiên nhiên. Trước hết hành giả ngồi lại trong im lặng rồi cố nhớ lại tất cả những gì là mật thiết trong đời sống bản thân bằng cách đưa vào tư tưởng mọi thứ mình đã sống qua: công việc, quan hệ xã hội, gia đình, nhà cửa, các hoạt động nổi bật, các thứ mình sở hữu được, những mục tiêu để vươn tới trong nay mai hoặc đời sống tinh thần hằng ngày...

    Cứ mỗi một hình ảnh đi qua trong tư tưởng, hành giả hãy tự đặt cho mình một câu hỏi: Có phải nó chỉ khiến cho ta thêm rắc rối cuộc đời hay không?

    Hành giả lại tự trả lời, vẫn trong thinh lặng và một cách trung thực sau khi tự phản tỉnh, soi rọi. Sau đó, nên có thêm một câu tự vấn khác: Nếu mọi sự được giàn xếp đơn giản hơn thế thì có phải là ta sẽ được hạnh phúc hơn không?

    Mục tiêu của đời sống tinh thần phải là giây phút khám phá ra sự tự do, là sự hài hòa tích cực với cuộc đời chung quanh và nhận ra được bản chất thật sự trong sự hiện hữu của chính mình. Nếu cái cần thiết cho đời sống của chúng ta là việc giản dị hóa mọi sự và ta cũng đã tìm thấy được con đường để thực hiện nó thì hãy biết giữ nó lại cho mình như một hành trang để bước vào hành trình chuyển hóa, thăng hoa tâm linh.

    Thích Bửu Chánh

  6. #6
    Totha_Huy
    Guest

    Giới - Định - Huệ

    Theo lịch sử Phật giáo, khi Đức Phật thành đạo, Ngài đến Lộc Uyển giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như đắc quả vị A la hán, sau đó, Ngài tiếp tục độ 50 thanh niên dòng họ Da Xá cũng đắc La hán.

    Dưới sự hướng dẫn, thương yêu, đùm bọc của Phật, tâm các vị này liền trở nên thanh tịnh và chứng Thánh quả một cách dễ dàng. Thật vậy, chính từ thân tâm của Đức Phật đã tỏa ra lực cảm hóa một cách kỳ diệu khiến cho người thấy phải kính trọng và phát tâm tu theo Ngài, và gia đình trưởng giả Da Xá là giới tại gia đầu tiên đã tiếp nhận được năng lượng cảm hóa vi diệu của Phật, họ liền phát tâm sống đời phạm hạnh theo Phật.


    Sau đó, với trí tuệ siêu tuyệt, Đức Phật đã chỉ dạy các vị La hán đệ tử mỗi người nên đi một hướng để truyền bá Chánh pháp. Có thể khẳng định rằng chỉ có người đắc Thánh quả mới có khả năng diễn dương Chánh pháp và thay Phật độ đời. Chúng ta sinh ra đời cách Phật quá xa, nên việc đắc Thánh quả vô cùng khó khăn, nhưng nếu chúng ta không tuyên thuyết pháp Phật thì giáo pháp không tồn tại được. Vì vậy, chúng ta nỗ lực tu hành, có được những sở đắc, mới chia sẻ cho nhau để cùng thăng tiến trên con đường đạo hạnh. Thiết nghĩ giáo pháp Phật tuy có nhiều pháp môn, nhưng không ngoài ba điều chính yếu là giới, định và tuệ. Dù chúng ta tu theo tông phái nào, pháp môn nào mà rời giới, định, tuệ, chúng ta đã biến Chánh pháp của Phật trở thành tà pháp.

    Một người muốn học, muốn tu và muốn truyền bá Chánh pháp, phải tu giới và từ giới chuyển hóa thành đức hạnh, thì người này nói năng hay yên lặng vẫn là Chánh pháp. Thực tế cho thấy những vị không học nhiều, nhưng chuyên tu có đức hạnh thì dễ dàng thuyết phục người và giữ gìn Chánh pháp dài lâu. Hòa thượng khai sơn chùa Bửu Thiền này không có điều kiện học nhiều, nhưng ngài giữ giới tu hành rất nghiêm minh.

    Giới quan trọng nhất trong đời tu của chúng ta. Khi chuyển hóa được giới thành đức hạnh, sẽ có được sức cảm hóa người một cách kỳ diệu, làm cho người được an lạc. Thật vậy, xưa kia, Tỳ kheo Mã Thắng vâng lời Phật dạy đi vào thành Vương Xá trong sự yên lặng, trong sự tỉnh giác. Xá Lợi Phất, người lãnh đạo giáo phái Bà la môn thời bấy giờ trông thấy Mã Thắng, nét ung dung tự tại của ngài đã thu hút Xá Lợi Phất đi theo về tịnh xá. Mã Thắng và Xá Lợi Phất đều đi trong yên lặng, nhưng tâm của Mã Thắng và tâm của Xá Lợi Phất đã truyền thông với nhau trong sự tĩnh lặng. Về đến tịnh xá, Đức Phật thấy Xá Lợi Phất, chỉ nói đơn giản rằng “Lại đây, Tỳ kheo”. Một lời nói đơn sơ như vậy, nhưng toát ra năng lực của Chánh pháp khiến cho Xá Lợi Phất liền đắc quả A la hán. Vì vậy, Chánh pháp chúng ta khó nắm bắt, khó thực hành và khó truyền cho người khác. Chỉ hành giả nào ở cùng một tần số với người nói Chánh pháp thì mới nghe được, nhận được mà thôi.

    Ngày nay, chúng ta tu trong giáo pháp Phật không phải chỉ dùng lời nói suông, nhưng đó là giáo pháp mà chúng ta tu chứng được trong thân tâm thanh tịnh, từ đó mới phát sinh trí tuệ gọi là Thiền. Thiền có nghĩa là sự sáng suốt trong tâm yên tĩnh, trong tâm trong sạch là giới đức. Và từ Thiền, người ta mới phát hiện được Diệu Pháp Liên Hoa; nghĩa là người tu được giới đức, thân và tâm thanh tịnh như hoa sen (Liên Hoa) không bị nhiễm trần và trong thân tâm thanh tịnh đó có viên ngọc quý là Diệu Pháp.


+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình