Hạnh phúc hay đau khổ đều bắt nguồn từ những hành động trong quá khứ của ta. Vì vậy, ta có thể giải thích nghiệp một cách dễ dàng trong một câu ngắn gọn: nếu ta làm việc thiện hảo thì mọi việc sẽ tốt đẹp, nếu ta làm việc xấu thì mọi việc sẽ bất hảo.

Nghiệp có nghĩa là hành động. Về phương cách hành động thì hành động có thể thuộc về thân, ngữ hay ý. Về mặt hậu quả thì hành động có thể có đạo đức, thất đức hoặc trung hòa. Về mặt thời gian, có hai loại hành động – hành động còn trong ý định, khi ta nghĩ đến điều sắp làm, và hành động đã xảy ra, tức là biểu hiện của tâm lực qua hành động cụ thể hay lời nói.

Thí dụ, tôi đang nói chuyện với một chủ ý và vì vậy tôi đang tạo ra hành động thuộc về lời nói, hay gọi là khẩu nghiệp. Với sự khoa tay, tôi cũng đang tạo ra những thân nghiệp. Những hành động này tốt hay xấu, phần lớn là do chủ ý của tôi. Nếu tôi nói với chủ ý tốt, với sự chân thành, tôn trọng và thương mến mọi người, thì hành động của tôi tốt và có đạo đức. Nếu tôi hành động với chủ ý từ sự kiêu mạn, oán ghét, chỉ trích và vân vân, thì thân và khẩu nghiệp của tôi thiếu đạo đức.

Vì vậy, nghiệp đưọc tạo ra trong mọi lúc. Khi một người nói với chủ ý tốt thì người ấy sẽ tạo ra một bầu không khí thân thiện ngay lập tức; đồng thời, hành động này tạo ra một ấn tượng trong tâm người đó, mang đến sự sung sướng trong tương lai. Với một chủ ý xấu, một bầu không khí bất hòa sẽ xảy ra ngay lập tức và sự đau khổ sẽ đến với người nói điều này trong tương lai.

Đức Phật dạy rằng ta là chủ nhân của chính mình; tất cả mọi việc đều tùy thuộc vào chính mình. Điều này có nghĩa rằng hạnh phúc hay đau khổ bắt nguồn từ những hành động đạo đức hay thất đức, chúng không đến từ bên ngoài mà đến từ nội tâm của ta. Lý thuyết này rất hữu ích trong đời sống hằng ngày, bởi vì khi ta tin tưởng vào sự tương quan giữa hành động và kết quả, thì dù có một người cảnh sát ở bên ngoài hay không, ta cũng sẽ luôn luôn tự cảnh giác và kiểm điểm chính mình. Thí dụ, nếu có một món tiền hay một viên ngọc quý ở đây và không có ai ở chung quanh, ta có thể chiếm nó một cách dễ dàng; tuy nhiên, nếu ta tin vào nghiệp quả, thì chính ta có trách nhiệm về tương lai của mình, nên ta sẽ không lấy món tiền hay viên ngọc quý ấy.

Trong xã hội tân tiến, dù cho có những hệ thống an ninh tinh vi đầy đủ kỹ thuật tân tiến, người ta vẫn thành công trong việc khủng bố. Cho dù một bên có nhiều kỹ thuật tinh vi để theo dõi phía bên kia, thì phía bên kia lại càng trở nên tinh vi hơn để tạo khó khăn cho đối thủ. Sự chế ngự thật sự duy nhất phải đến từ nội tâm – đó là sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm cho chính tương lai của mình và lòng vị tha, quan tâm đến sự an vui của tha nhân.

Về phương diện thực hành thì phương pháp chế ngự sự phạm pháp hữu hiệu nhất là sự tự chủ. Với sự thay đổi nội tâm, tội ác có thể được chấm dứt và xã hội sẽ có hòa bình. Tự kiểm điểm là điều tối quan trọng, vì vậy, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân trong Phật pháp rất hữu ích, vì nó bao gồm sự tự vấn và tự chủ, cho lợi ích của chính mình và tha nhân.

Về phương diện hậu quả của nghiệp thì ta có thể giải thích bằng nhiều dạng khác nhau. Dạng thứ nhất được gọi là “quả của sự kết trái”. Thí dụ, nếu một người tái sinh thành một con thú vì một hành động thất đức, thì sự tái sinh này là hậu quả của sự kết trái của nghiệp từ một kiếp sống khác. Một loại hậu quả khác được gọi là “kinh nghiệm tương đương với nhân”; thí dụ như ta bị tái sinh vào một cõi giới xấu vì đã giết người, sau đó lại tái sinh làm người, nhưng bị giảm thọ – như vậy, hậu quả (giảm thọ) tương xứng với nhân đã tạo là giết người. Một dạng hậu quả khác nữa được gọi là “hành động tương đương với nhân”; thí dụ như người này sẽ có khuynh hướng tạo thêm hành vi bất hảo sau này, chẳng hạn như tiếp tục giết người.

Những thí dụ tương tự cũng có thể được áp dụng cho những hành vi đạo đức. Cũng như thế, có những hành động mà kết quả của nó được cộng hưởng - nhiều chúng sinh đã tạo nghiệp giống nhau thì sẽ cùng hưởng những hậu quả tương tự, thí dụ như họ sẽ hưởng cảnh sống trong cùng một môi trường nào đó.

Điểm quan trọng là sự trình bày của Phật pháp về nghiệp có thể cống hiến sự hữu ích cho xã hội loài người. Tôi hy vọng rằng cho dù chúng ta có tín ngưỡng hay không, chúng ta cũng sẽ học hỏi lẫn nhau để thu thập những tư tưởng và phương pháp hữu ích, hầu mang lại sự tiến triển tốt đẹp cho nhân loại.

[Ghi chú: Trên đây là bài dịch từ trang 26-28 trong quyển ’Kindness, Clarity,and Insight’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso, với sự đồng ý của Snow Lion Publications, www.snowlionpub.com. Jeffrey Hopkins dịch từ Tạng ngữ sang Anh ngữ và cùng hiệu đính với Elizabeth Napper. Nhà xuất bản Motilal Banarsidass Publishers Private Limited ấn hành tại Delhi năm 1997, và Snow Lion Publications ấn hành tại New York năm 1996, ấn bản thứ 12.]

MƯỜI THIỆN NGHIỆP VÀ NGHIỆP QUẢ

THIỆN NGHIỆP
NGHIỆP QUẢ gồm có:
Từ bỏ Sát nghiệp
Quả chín: Nếu có tâm mạnh: tái sanh vào những cõi Trời cao.

Nếu có tâm trung bình: tái sanh vào những cõi Trời thấp hơn.

Nếu có tâm yếu hơn, tái sanh vào cõi người.

Quả tương đương nhân: Trường thọ và không đau yếu, bệnh tật v.v…

Quả về thói quen: Tái sanh với trực giác từ bi và biết tôn quý sự sống từ khi còn nhỏ tuổi.

Quả trong môi trường: Thực phẩm, nước, dược phẩm và mùa màng sung túc, cao dinh dưỡng và hiệu năng, đa số chúng sinh quanh bạn đều sống lâu.

Từ bỏ Trộm cắp
Quả chín: Tái sanh vào cõi giới cao hơn.

Quả tương đương nhân: Sự giàu có về vật chất đến rất dễ dàng.

Quả về thói quen: Tái sanh với lòng thành thật và tôn trọng tài sản của người khác từ tuổi nhỏ.

Quả trong môi trường: Mùa màng sung túc, kinh doanh thành công.

Từ bỏ Tà dâm
Quả chín: Tái sanh vào cõi giới cao hơn.

Quả tương đương nhân: Quan hệ hòa thuận và lâu dài với người bạn đời, quan hệ hòa thuận với người thân và bạn bè chung quanh.

Quả về thói quen: Trung thành trong những quan hệ với người bạn đời.

Quả trong môi trường: Bạn sống trong môi trường sạch sẽ và thoải mái.

Từ bỏ Lời dối trá
Quả chín: Tái sanh vào cõi giới cao hơn.

Quả tương đương nhân: Người khác tin tưởng bạn một cách đương nhiên.

Quả về thói quen: Lời nói thẳng thắn và thành thật từ tuổi nhỏ.

Quả qua môi trường: Sự hợp tác với người khác sẽ thành công, đúng đắn, thành thật và hòa thuận, bạn được an tâm

Từ bỏ Lời chia rẽ
Quả chín: Tái sanh vào cõi giới cao hơn.

Quả tương đương nhân: Không bao giờ thiếu bạn. Tính tình dễ mến, dễ lôi cuốn mọi người.

Quả về thói quen: Lời nói hòa hoãn, từ bi và thành thật từ tuổi nhỏ.

Quả trong môi trường: Vùng đất bạn sống bằng phẳng, đi lại được dễ dàng, bạn được an tâm.

Từ bỏ Lời nói nặng
Quả chín: Tái sanh vào cõi giới cao hơn.

Quả tương đương nhân: Người khác luôn nói tốt về bạn và bạn có uy tín cao.

Quả về thói quen: Lời nói nhẹ nhàng, ân cần từ tuổi nhỏ.

Quả trong môi trường: Vùng đất bạn sống không có những chướng ngại, cây cỏ xanh tươi, có giòng nước, hồ và suối nước.

Từ bỏ Lời phù phiếm
Quả chín: Tái sanh vào cõi giới cao hơn.

Quả tương đương nhân: Bạn phát triển lời nói hùng mạnh, người khác sẽ nghe lời bạn nói và tôn trọng lời bạn.

Quả về thói quen: Lời nói có chủ đích từ tuổi nhỏ.

Quả trong môi trường: Mùa màng mọc đúng lúc, có những nơi giải trí như công viên, hồ nước mát, bạn cảm thấy an toàn.

Từ bỏ Tâm ham muốn
Quả chín: Tái sanh vào cõi giới cao hơn.

Quả tương đương nhân: Bạn sẽ dễ dàng đạt được những gì mong muốn.

Quả về thói quen: Hoan hỷ về thành quả của người khác từ tuổi nhỏ.

Quả trong môi trường: Mùa màng tốt, tài nguyên vật chất phong phú, bạn đạt được mục tiêu của mình dễ dàng.

Từ bỏ Ác tâm
Quả chín: Tái sanh vào cõi giới cao hơn.

Quả tương đương nhân: Bạn sẽ tái sinh với lòng can đảm và nhiều tự tin.

Quả về thói quen: Có lòng từ bi từ tuổi nhỏ.

Quả trong môi trường: Bạn sống trong môi trường hòa bình và an lành.

MƯỜI NGHIỆP BẤT THIỆN VÀ NGHIỆP QUẢ

Nghiệp quả: Quả chín (trên năm uẩn), * Quả tương đương với nhân, + Nghiệp quả qua hoàn cảnh

NHỮNG NGHIỆP CỦA THÂN
1. Giết hại:

* Kiếp sống của bạn ngắn ngủi.

* Bạn dễ bị bệnh và có ít sinh lực.

+ Thực phẩm, nước, dược phẩm và mùa màng khan hiếm, lúc nào cũng kém phẩm chất, ít dinh dưỡng và hiệu năng; khó tiêu hóa và gây bệnh tật; số đông những người chung quanh bạn chết trước tuổi thọ bình thường.

2. Trộm cắp:

* Bạn không đủ sống, hay phải vất vả kiếm sống.

* Những gì bạn có chỉ là tài sản chung với những người khác.

+ Mùa màng ít và thưa thớt, không đủ để cứu đói, bị hư hại hay không mọc lên; hạn hán kéo dài quá lâu; mưa quá nhiều: cây trồng héo khô hoặc chết.

3. Tà dâm:

* Những người làm việc với bạn hay đổi ý (không đáng tin cậy).

* Bạn phải cạnh tranh nhiều với người khác về người bạn đời.

+ Bạn sống gần nơi có phân và nước tiểu, bùn, đất, dơ bẩn, mọi thứ đều tanh hôi, mọi nơi đều khó ở và không vừa ý.

NHỮNG NGHIỆP CỦA NGỮ
4. Nói dối:

* Không ai tin lời bạn, ngay cả khi bạn nói sự thật.

* Người khác lúc nào cũng lừa gạt bạn.

+ Những việc bạn hợp tác với những người khác không phát đạt và mọi người không làm việc hòa hợp với nhau; mọi người đang lừa đảo nhau và sợ hãi, có nhiều điều để lo lắng.

5. Nói lời chia rẽ:

* Bạn dễ mất bạn.

* Những người chung quanh bạn lúc nào cũng gây với nhau.

* Những người chung quanh bạn có tính tình bất lương.

+ Vùng đất bạn sống bị nứt nẻ, không bằng phẳng, đầy ghềnh đá và thung lũng, chỗ cao chỗ thấp, vì vậy đi lại khó khăn và bạn luôn sợ hãi và có nhiều điều lo lắng.

6. Nói nặng lời:

* Bạn nghe những điều khó chịu; bạn nghe mọi việc như những tiếng động không tốt.

* Khi người ta nói chuyện với bạn, lúc nào họ cũng có vẻ như sắp gây chuyện với bạn.

+ Vùng đất bạn sống có nhiều trở ngại như thân cây ngã trên đường, gai, đá, miểng chai; đường gập ghềnh, tiêu điều, không có dòng nước, hồ hay suối nước, đất khô cằn và bị ô nhiễm, cháy nóng, vô dụng, đe dọa; một nơi đầy sự sợ hãi.