A Di Đà Phật

Yếu chỉ của bài thiền hôm nay là khả năng nhận biết của người tu tập.

Tại sao phải nói vấn đề này?

Bởi vì Phật thừa là trí huệ tối thượng. Tu có nghĩa là sửa, sửa thì phải biết mới sửa được.

Phải biết cái gì nên làm cái gì không nên làm.
Việc hành thiền thì yếu chỉ chỗ nào?
Cái gì không được hành động?



Mất khả năng nhận biết giống như người mù đi thì thế nào cũng va chạm. Người tu hành dù có điển lực nhưng hành động không bằng trí huệ, mất làm chủ bản thân, thiếu cái thân tịnh, thiếu sự nhận biết thì như vậy sẽ sai chệch đi.

Các bạn đến đây tu tập, thế nhưng ta hỏi:
- Ai là người đến đây?
- Ai là người tu tập?
- Bạn có ngồi chỗ này hay chăng?

… (Hải triều âm) …

Bạn chớ lầm tưởng thể xác là mình. Cơ thể bạn ngồi đây nhưng tâm bạn bấn loạn, nhưng bạn không nhận biết là bạn đang ngồi đây, bạn thiếu sự tĩnh giác thế thì chỉ có thể xác bạn có mặt, còn bạn thì chẳng có mặt. Vậy thì không phải bạn tu tập, bạn là người giả tu, thế thì bạn có phải là đang hành công hay chăng? Lẽ dĩ nhiên là không. Dù bạn treo bộ phận não bạn ở thiền đường suốt đời đi nữa, bạn chẳng bao giờ giác ngộ.

Cũng vậy, thể xác chỉ là quần áo bên ngoài, chỉ là cái vỏ chứa đựng linh hồn bất nhiễm bên trong. Nếu bạn để cái vỏ bạn chỗ này còn bạn ở chỗ khác, bạn đang ở thế gian, bạn đang ở chợ đời, bạn đang ở trường đấu tranh của vật dục, thế thì chẳng phải bạn có mặt ở thiền đường đâu, chỉ cái vỏ bạn ở đây đấy.

Bạn không tu thì làm sao tiến bộ? Thể xác bạn có mặt, thể xác bạn nhận điển quang nên thể xác bạn tiến bộ, đây là bạn đã lành bệnh rồi. Thế nhưng linh hồn người chẳng ở đây, linh hồn bạn ở chỗ khác, linh hồn bạn chẳng bao giờ biết tu tập thế thì làm sao Satory được?

Bạn tu tập phải có cái biết đầu tiên, đó là biết cơ thể này chẳng phải là ta, đó là biết tâm trí này chẳng phải là ta, đó là biết tình cảm này chẳng phải là mình. Mọi cái có cái sắc tướng, có hình dáng, hữu hạn đều có sự thấy biết nhìn nhận, đối tượng của nhận biết, cái ấy không phải là bạn đâu. Bạn là sự nhận biết, bạn là bản thể đứng yên, rỗng không thấy hết, biết hết, đó là Phật tánh, đó là cái đằng sau mọi hình dáng, nó ở trong, nó ở đằng sau thể xác bạn đấy. Nó ở trong, nó ở sâu, nó ở tận tâm điểm của ý nghĩ và tình cảm bạn đấy.
Ta bảo, dù bạn có học thức thế gian cao cấp đi nữa, nếu linh hồn bạn không tu tập, bạn vẫn còn là kẻ ngu dốt. Ta bảo, dù cơ thể, cơ bắp có khỏe mạnh cách mấy đi nữa, nếu linh hồn bạn không có mặt tu tập thì bạn vẫn là kẻ yếu đuối.

Thế nhưng làm sao biết mình đang có mặt để tu tập? Sự có mặt đi liền với sự nhận biết. Bạn tu tập thì bạn biết rõ ràng mọi hành động, ý nghĩ và tâm lý của bạn khi bạn đang tu tập, thế thì gọi là bạn có mặt. Nếu bạn tụng kinh như cái máy, nếu bạn lễ lạy như người máy, nếu bạn nhận điển quang như một kẻ mê tín không làm chủ cơ thể thế là bạn không có mặt. Ta bảo, cái máy kia cũng nhận điển cũng có hình ảnh, cũng có âm thanh, nhưng bạn có thể ra phố mà mua nó được. Bạn tuy là kẻ nhận điển lực, múa may, nói năng nhưng bạn là cái máy bởi linh hồn bạn không nhận biết việc này, bởi trí huệ bạn không làm chủ việc này, bởi trang nghiêm cơ thể và thanh tịnh tâm thiếu mặt khi nhận điển lực của Mẹ. Vậy nhận biết là quan trọng. Vậy thấy là quan trọng. Vậy mở con mắt Phật là quan trọng.

Bạn thấy hình tượng của Tổ sư Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát trong mỗi một bàn tay đều có một con mắt, đó là tượng trưng trong mỗi hành động của bạn từ vật lý đến tâm lý đều có sự nhận biết theo dõi và làm chủ. Bạn là hành động tu tập hoặc hành động bình thường để sinh hoạt đều phải trong sự nhận biết, nói thì biết lời mình nói, làm thì thấy rõ hành động mình làm, ý nghĩ khởi lên trong tâm thì thấy và biết rõ ràng, tình cảm khởi lên thì quán chiếu rõ ràng. Nếu mọi sự diễn ra mà con mắt thứ ba nhắm lại, đấy là bản năng, đấy là động vật làm, không phải linh hồn bạn làm.

Vậy bạn cứ hỏi với ta: sao tu lâu như vậy mà không chứng đắc? Tao bảo, cơ thể bạn tu nên nó đã lành bệnh còn bạn chưa tu thì làm sao mà tiến bộ, hãy để sự nhận biết đi liền, có mặt, hiện diện và tức thời trong mọi hành động. Bạn ngồi như vậy, bạn có thấy rõ cơ thể bạn ngồi chăng? Bạn đi như vậy, bạn có thấy rõ ràng dáng bạn đi chăng? Bạn nói câu này, bạn có nghe rõ và hiểu rõ nội dung câu nói bạn chăng? Tình cảm khởi lên trong tâm, bạn có biết hay chăng? Cơ thể bạn mà bạn còn chưa biết, sao bạn dám nói đến Trời Phật Thần Thánh vậy? Cơ thể của bạn, bạn còn chưa làm chủ được, sao bạn dám nói làm chủ điều thiêng liêng. Ý nghĩ bạn trong đầu bạn đấy mà bạn không biết, sao bạn biết đến việc thế giới bên kia. Hãy thực tế đi, đừng hoang tưởng nữa!

Trí huệ khai mở khởi sự làm chủ cơ thể và tâm lý mình nhiên hậu sẽ đến bờ giác ngộ. Vậy bạn đừng tưởng con mắt thứ ba là thần thông hoang tưởng như nhiều người nói. Con mắt thứ ba đấy là ánh sáng của huệ lực. Bạn thấy bằng sự hiểu biết, bạn biết bằng khách quan, bạn biết mà không cố gắng thì gọi là mở con mắt thứ ba. Dù bạn là người ngoại cảm, thấy được ma quỷ, thấy được mồ mả, nhưng bạn không thấy được ý nghĩ trong đầu bạn, ta bảo, bạn sẽ rơi xuống địa ngục đấy. Bạn không cần thấy ma quỷ, bạn chỉ cần thấy mọi hành động và ý nghĩ bạn thì khắc bạn sẽ Satory. Thần thông là phương tiện để hộ bạn tu tập, bạn lại biến phương tiện thành mục đích, bạn lại đeo đuổi để có vài khả năng hơn người khác. Ta bảo, dù thần thông bạn tối thượng bạn không nhận biết thì cũng vô ích. Ta bảo dù bạn chẳng có thần thông nhưng trí huệ phát sinh bạn làm chủ được thân và tâm, thế thì sẽ đi đến đích.

Trong kỹ thuật nhận biết, ta sẽ bắt đầu hướng dẫn các bạn từ các bài tập cơ bản nhất đến sự nhận biết tối thượng đấy là nhận biết mình đang nhận biết. Đầu tiên, bạn phải nhận biết toàn bộ hành động của cơ thể mình, đấy là thiền động, đấy là kỹ thuật khí công mà bạn đã học. Sau đấy bạn tập nhận biết hơi thở của mình, làm chủ hơi thở mình, vì hơi thở là cầu nối giữa linh hồn và thể xác, giữa chúng sanh và Phật. Sau khi bạn làm chủ được hơi thở, bạn bắt đầu tiến dần vào thế giới không sắc tướng, bạn tập nhận biết ý nghĩ mình, mọi ý nghĩ khởi lên, bạn dùng trí huệ thấy và biết, khắc nó tiêu tan đi, khắc bạn sử dụng ý nghĩ chứ không nô lệ ý nghĩ nữa.

Sau khi bạn làm chủ được niệm, bạn bắt đầu nhận biết tình cảm khởi lên. Khi bạn bắt đầu làm chủ được tình cảm mình bằng cái nhận biết, thì bạn tiến tới trạng thái nhận biết rỗng không của tâm thức. Sau cùng, bạn nhận biết sự nhận biết của mình thì khắc bạn lạc vào thế giới của đại định. Ta chỉ có thể hướng dẫn đến đấy, phần còn lại là do chư Phật, chư Bồ Tát và Thánh Mẫu. Ta chỉ giúp bạn chuẩn bị, tiếp cận, chuẩn bị, còn người thầy thật sự đấy là chư Phật, chư Bồ Tát và Mẹ. Thế nhưng, để cho chư vị thiêng liêng dạy được tốt, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn không được nhận điển quang khi cơ thể chưa tập luyện để chuẩn bị nhận điển, bạn không được nhận điển quang tá khẩu và làm việc khi bạn chưa làm chủ ý nghĩ và tình cảm trong tâm. Gọi là dọn mình để nhận điển quang thiêng liêng, bạn chưa dọn thân và tâm thì chưa thực sự tập được. Ta là người thầy tại thế giúp bạn quét dọn thân tâm mình để học với chư Phật, chư Bồ Tát và Thánh Mẫu. Đừng dùng cái cơ thể ốm yếu này mà nhận điển lực, bạn sẽ không làm chủ được cường độ điển, đừng dùng tâm lý rối loạn kích động này mà nhận điển lực thì bạn sẽ có những ý nghĩ hoang tưởng, đừng dùng tâm hồn ủy mị, đầy xúc động của bạn mà nhận điển lực, như vậy các biểu hiện của tình cảm sẽ kích động lên.

Nước đựng trong bình thì mang hình dáng của bình đựng, điển quang thiêng liêng là tịnh nhưng tâm hồn bạn động do vậy điển quang thiêng liêng chứa trong cái tâm hiếu động của bạn trở thành sai đi. Không phải bạn cứ nhận điển lực là đúng đâu, bởi vì điển lực là bản thể luôn luôn đúng nhưng khi ứng dụng thì qua tâm của bạn, thế mà tâm bạn chưa hề một phút rèn luyện làm sao sử dụng điển lực đúng đắn được?

Ta không phải là thầy bạn nhưng ta là A xà lê giúp bạn giữ giới luật, giúp bạn trang nghiêm cơ thể, giúp bạn tịnh tâm thì điển quang của chư vị thông qua tâm trang nghiêm và thanh tịnh này mới là hiệu lực. Ta sẽ vô cùng có lỗi với Chư Phật và Thánh Mẫu nếu để bạn nhận Điển mà thân ô trọc, tâm rối loạn.

Này nhé, bạn muốn tiếp khách ở nhà bạn, khắc bạn quét dọn nhà cửa, khắc bạn rửa mặt mũi chân tay và thay quần áo sạch. Vậy sao bạn nhận điển lực của Mẹ vào người mà bạn để thân mình phạm giới, tâm mình nghĩ bậy. Ta không phải là Thầy bạn đâu, Chư Phật, Chư Bồ tát và Mẹ mới là Thầy, nhưng ta là người thay mặt chư vị giữ giới luật cho bạn, để bạn học tốt.