Việc tập thiền khoa học đúng phương pháp mang lại nhiều tác dụng tích cực nhưng có nhiều người vì tập thiền sai phương pháp hoặc tự học thiền đã để lại nhiều tác dụng ngược lại với mong muốn của họ.

Bùng nổ các lớp tự học thiền


Bác Nguyễn Hà, thành viên của câu lạc bộ thiền T.H tại phố Đền Lừ, Hà Nội cho biết: “Từ 4h chiều hàng ngày, chúng tôi có mặt tại câu lạc bộ tập thiền. Trước chúng tôi tập dưỡng sinh cơ, sau đó thấy mọi người bảo tập thiền tĩnh tâm hơn, tốt hơn, nên chuyển sang tập thiền". Nhưng khi hỏi về tác dụng của việc thiền thì bác Hà tủm tỉm cười và... lắc đầu. Bác Hà bảo: "Bọn mình về hưu rồi, tụ tập bạn bè tập tành cho vui là chính!".

Từ những tác dụng tích cực của việc ngồi thiền như để thư giãn, giải tỏa stress của công việc, chữa bệnh, nhiều bạn trẻ đã tự thành lập ra các câu lạc bộ thiền và tự tập thiền theo một giáo trình nhất định.

Không chỉ vậy, các lớp học thiền miễn phí với tinh thần vui là chính, mở rộng quan hệ bạn bè, giảm stress, tăng niềm vui đang ngày càng thu hút khá nhiều thanh niên, thậm chí cả người cao tuổi.

Tại chùa Trung Kính Thượng, Cầu Giấy, Hà Nội vào các ngày cuối tuần, nhiều người đã tập hợp nhau lại và dạy thiền cho nhau. Người trước dạy cho người sau, người học lâu chỉ cho người mới đến.


Một lớp học thiền tại Cầu Giấy.

Một người trong câu lạc bộ giới thiệu: “Lớp không có người dạy đâu, chúng mình tự tìm và in giáo trình”. Người bạn này còn không quên quảng cáo: lớp học miễn phí hoàn toàn nên có rất nhiều người theo học”.

Bạn Trang (25 tuổi, kế toán cho một công ty xây dựng trên phố Nguyễn Chí Thanh) vừa nghe nhạc, vừa tập thiền hăm hở khoe “đi ngồi thiền này thích lắm, quên hết mệt mỏi trong công việc và có cơ hội kết bạn”.

Tập sai có thể bị tâm thần

Trong khi các lớp tự học thiền mọc lên như nấm sau mưa thì tại các trung tâm lớn, các lớp học chính quy về thiền thường xuyên tiếp nhận những môn sinh bị “tẩu hỏa nhập ma” vì học thiền không đúng cách.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt (Tâm Việt) cho biết, ông cũng đang tiếp nhận và “điều trị” cho một phụ nữ bị tẩu hỏa nhập ma vì thiền sai phương pháp. Người phụ nữ này đã học của một ông thầy giáo dưới Thanh Xuân. Sau khi học được vài tuần thì trở nên đờ đẫn, cười khóc linh tinh.


Môn sinh học thiền tại Tâm Việt

Thầy giáo Nguyễn Xuân Điều, Trưởng bộ môn Trường sinh học Dưỡng sinh, trung tâm UNESCO – văn hóa Dòng họ và gia đình Việt Nam lý giải: “Tẩu hỏa nhập ma” thường xảy ra ở những người tập luyện khí công, nó dùng để chỉ những người luyện tập khí công không đúng phương pháp gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Người ngồi thiền, luyện tĩnh công hay suy nghĩ mông lung, tâm ý tán loạn và người dùng ý điều khí lên - xuống sai phương pháp hướng dẫn nhưng vẫn cố sức và kéo dài thời gian luyện tập, khiến “hoả trược khí” bị ứ đọng tại các luân xa và bốc lên chạy khắp cơ thể làm rối loạn khí huyết, tổn hại hệ thần kinh, thân xác có nơi giảm sự nhạy cảm hoặc tê cứng chẳng còn cảm giác gì, có thể sinh ra khùng điên.

Theo TS Phan Quốc Việt, hiện tượng tẩu hỏa nhập ma vì thiền sai phương pháp rất nhiều. Ông lý giải nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu là do người thầy dạy không đúng phương pháp. Hiện nay tập thiền hay còn gọi là yoga đang rất thịnh hành, có nhiều môn sinh sau khi học được vài chiêu đã ra mở lớp để dạy lại người dẫn đến học viên bị tẩu hỏa nhập ma.

Nguyên nhân thứ hai là khi người thầy nhiệt tình chỉ dạy học trò nhưng học trò không nhập tâm làm sai phương pháp, tập theo ý của mình. Những người tự ý tập thiền mà không có thầy chỉ dẫn là quá liều lĩnh, nhiều người đã phải trả giá vì “tẩu hỏa nhập ma”. Hiện tượng tẩu hỏa nhập ma không mất đi mà có thêm biến dạng mới có tên chung là căng thẳng thần kinh hay còn gọi là stress.

Cách điều trị cho những người bị tẩu hỏa nhập ma do thiền sai phương pháp cũng rất đơn giản. TS Việt cho rằng chỉ cần tập luyện vận động cơ thể, chơi các môn thể thao thì người bị tẩu hỏa nhập ma sẽ quên được những cái xấu đang len lỏi trong đầu mình.

Ngoài ra, thầy Điều còn nhấn mạnh khi tập thiền các huyệt đạo trong cơ thể sẽ được mở, người tập cần phải tìm một nơi học khoa học để mang lại hiệu quả cao nhất của môn thiền.

Nguồn: Bee