+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 3 của 3

Chủ đề: Nnc - nguyễn ngọc hoài

  1. #1
    happy
    Guest

    Nnc - nguyễn ngọc hoài

    GIỚI THIỆU VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI CUỐN TỰ TRUYỆN CỦA NNC NGUYỄN NGỌC HOÀI



  2. #2
    happy
    Guest

    Re: Nnc - nguyễn ngọc hoài

    Có lẽ ngay câu chuyện chào đời và thời thơ ấu của tôi đã khá đặc biệt, báo hiệu một số phận khác với nhiều người.

    Bố tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông. Khi ông bà nộ tôi sinh được ba người con trai thì ông nội lâm bệnh mất sớm, bà nội ở vậy nuôi con ăn học. Anh trai bố bị bà nội và cả dòng họ Nguyễn bắt lấy vợ từ năm mười sáu tuổi vì theo phong tục ở quê, con trưởng phải có cháu đích tôn nối dõi tông đường. Bố là con thứ nên được đi học. Hết phổ thông, bố chọn học ngành Thủy lợi, năm 1960 ra trường và nhận công tác ở tỉnh Lai Châu thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam.

    Mẹ tôi là con gái đầu, dưới mẹ còn ba người em, hai trai, một gái. Mẹ không thuộc diện phải đi nghĩa vụ vì trước đó mẹ là y tá của xã, gia đình có hai em trai đều đang đi bộ đội ở chiến trường B. Dù mẹ tôi yêu say đắm chàng trai cùng làng khác ngõ, ông ngoại ngăn cấm vì muốn gả cho đám khác. Rồi người yêu mẹ đi bộ đội. Theo tiếng gọi tha thiết của tình yêu, mẹ tình nguyện đi thanh niên xung phong, nhưng khi tới Điện Biên thì đơn vị người yêu mẹ lại chuyển sang nước bạn Lào. Mẹ chờ đợi. Có điều tạo hóa khắc nghiệt, người yêu mẹ đã mãi mãi nằm lại chiến trường xa.

    Bố mẹ tôi quen nhau trong lần hai đơn vị kết nghĩa. Đám cưới thời chiến nhanh chóng gọn nhẹ. Giữa những năm chiến tranh gian khổ, nơi miền Tây Bắc xa xôi, những sinh linh bé nhỏ chào đời…

    Sự sống nảy chồi nơi hòn tên mũi đạn, tôi là người được sinh ra thời ấy. Bố kể rằng trước khi ra đời hai tiếng, mẹ theo bố đi quan trắc ngoài suối, khi quay lại, hai người nhìn thấy bao nhiêu dấu chân hổ in hằn trên bờ suối. Về đến trạm đang nửa đêm, mẹ sợ đến nỗi không dám ngủ, lấy đèn pin soi ra ngoài qua khe liếp xem hổ có theo hơi người về trạm hay không. Rồi mẹ bỗng kêu đau bụng, bố nghĩ mẹ sợ hổ quá nên lên cơn đau. Bố sợ đưa mẹ ra ngoài hổ rình, đành liều cứ để mẹ như vậy. Hơn tiếng sau, tôi cất tiếng khóc chào đời…

    Bố làm “bà đỡ” cắt rốn, chôn nhau cho tôi.

    Bố mẹ làm trong ngành Thủy văn nên gia đình tôi nay đây mai đó. Ký ức sớm nhất của tôi là khi trong nhà mới có bố mẹ, tôi và em Huyền ở trạm thủy văn Him Lam, Điện Biên, sau đó nhà chuyển đi trạm Bản Ổ, Lai Châu. Tại đây, một thành viên mới chào đời, em Hảo. Ở đó chẳng được bao lâu, chúng tôi lại rời đi trạm thủy văn Hang Tôm (Sông Đà, Lai Châu), tại đây mẹ sinh thêm một em gái tên Hằng.

    Tôi vẫn nhớ như in cảnh đêm đêm mẹ lại đánh thức tôi dậy theo mẹ ra các mó nước của người Hoa kiều múc từng gáo nước đổ đầy thùng để me lưng thì địu em, vai gánh nước. Mình tôi ở lại mó, vừa chống chọi với cơn buồn ngủ, vừa cặm cụi múc nước vào đầy hai thùng cho mẹ. Cũng như những đứa trẻ ở xóm người Hoa thời ấy, tôi luôn phải túc trực ở mó để “xí phần” trước. Mẹ con tôi về nhà rất khuya. Tôi leo ngay lên giường, còn mẹ lại tranh thủ đào hầm đề phòng giặc Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc.
    Những năm 1973-1974, bố tôi đi học ở Hà Nội, mình mẹ bận rộn với công việc nhà nước và chăm sóc bốn đứa con thơ. Mẹ phải thắt lưng buộc bụng ky cóp từng đồng lương ít ỏi, phụ cho bố tôi đi học. Một lần bố từ trường về thăm nhà, thấy mẹ vất vả quá nên bố đưa hai em tôi về quê gửi ông bà nội ngoại nuôi giúp. Khó khăn chồng chất khó khăn… Các em tôi, đứa lên bốn, đứa lên hai phải xa gia đình về xuôi, lạ nước, lạ cái, cả hai đứa đều bị ngã nước, mụn nhọt móc đầy người, xanh xao vàng vọt, rồi thi nhau lăn ra ốm liên miên.

    Những ngày được nghỉ ở trường, bố tranh thủ về hai quê thăm hai con, phải chứng kiến cảnh hai đứa con thơ dại ốm đau, nhìn con ngơ ngác tội nghiệp, không đành lòng, bố ngậm ngùi bỏ dở nghiệp học đón hai em tôi ngược lên Tây Bắc. Gia đình tôi vui mừng được đoàn tụ bên nhau, nhưng rồi vì điều kiện công tác của bố mẹ, nhà tôi lại lần nữa tay đùm tay gói rời đi.

    Từ bến xe Điện Biên, bốn chị em tôi lẽo đẽo theo bố mẹ đi bộ hai ngày đường rừng mới tới nơi làm việc mới của bố mẹ. Trạm cắm trên một địa bàn thuộc Ban chỉ đạo vùng cao. Cuộc sống gia đình dưới mái nhà tranh làm tạm cạnh con sông bìa rừng miền núi hẻo lánh, yên ả, tẻ lạnh trôi đi chẳng được bao lâu thì vào một đêm mưa to gió lớn, lũ đổ về. Mẹ giật giọng gọi chúng tôi dậy. Khi mấy chị em được mẹ kéo xuống khỏi giường thì nước đã ngập đầu vì lũ về quá nhanh.

    Mẹ tôi, tay bế đứa bé nhất, lưng cõng một đứa, hai bên là tôi và một em nữa bám chặt, cùng các chú trong trạm ra sức kêu cứu. Tiếng gào thét gần như tuyệt vọng của hai người đàn ông và mẹ hòa vào tiếng ré khiếp đảm của lũ con thơ. Dân bản xuống cứu người ở trạm. Bố tôi đang đi quan trắn ngoài sông bị nước cuốn trôi, mẹ bế em út gào khóc thảm thương trong đêm mưa, ba chị em tôi rúm vào nhau kinh hãi. Mọi người đổ đi tìm bố trong đêm mưa gió lũ giữa rừng mịt mùng. Dù còn rất bé nhưng tôi hiểu mình đã mất bố. Cà đêm mẹ ngồi bế em sụt sùi khóc…

    Mờ sáng hôm sau, bố tôi run rẩy tím tái trở về trước sự sửng sốt của mọi người. Thì ra bố may mắn trôi qua gần một cây sổ lũ ngập, trong lúc vùng vẫy bố đã quờ được cành cây sổ và cố bám bíu lấy thân cây giữa dòng nước xiết. May mưa đã giảm, lũ rút. Nếu không chúng tôi đã mất bố từ ngày đó…

    Sau trận lũ, trạm bị xóa, chị em tôi lại lếch thếch cùng bố mẹ đến nơi ở mới. Tuổi ấu thơ của chị em chúng tôi là như thế đó – một chuỗi ngày sống nơi đầu suối ngọn gió, với ruồi vàng, bọ chó, gió Lào, điển hình hai mùa mưa nắng, giữa rừng núi rậm ạp và heo hút, căn nhà lá làm trạm treo leo bên bờ suối, chằng gần dân, cũng chẳng gần ai, hàng tháng trời không một bóng người qua lại… Cả nhà tôi vốn đã nghèo, sau trận lũ lại càng nghèo khó hơn. Tài sản đáng giá nhát của gia đình tôi còn lại là sáu con người, với mỗi người một bộ quần áo duy nhất đang mặc.

    Bố mẹ dạy chúng tôi bới đất đào giun, cả nhà ra sức vỡ hoang đất rừng được mảnh vườn rộng trên một héc-ta. Ngoài thời gian đi học, chị em tôi làm vườn trồng ngô, trồng sắn tăng gia sản xuất… Thời thơ ấu nhọc nhằn, nay đây mai đó, cuộc sống giữa chốn rừng thiêng nước độc đã rèn luyện cho tôi cả về thể chất và tinh thần. Sau này nhiều khi vẩn vơ tôi tự hỏi, có phải mình đã được “mài giũa” từ thuở còn thơ để sau này dễ thích nghi với “nghề nghiệp” gian nan lặn lội chẳng giống ai?

    Bảy chị em tôi sinh ra ở các trạm thủy văn khác nhau, nhưng cùng lớn lên và cùng thoát ly từ trạm thủy văn Bản Yên. Tuổi thơ của chúng tôi gắn với nhiều kỷ niệm nơi này nhất, chính vì thế mà tôi xem đây là quê hương của mình. Trưởng thành rồi mỗi người mỗi ngả, lấy chồng, lấy vợ mỗi tỉnh, một quê rải rác khắp đất nước. Sinh ra trong gia đình đông con, chị em tôi được học hành chỉn chu dù chỉ là hệ trung, sơ cấp trong tỉnh nhà. Tôi đã tưởng cuộc đời mình sẽ bình lặng mà trôi đi rồi kết thúc ở nơi đây. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mọi chuyện dường như đều có số phận, cũng như mỗi con người sinh ra phải chăng sẽ có mệnh số riêng định đoạt cho mình?

    Năm 1998, bố tôi qua đời vì bệnh ung thư, căn nhà và khu vườn khi xưa chỉ còn mẹ và vợ chồng em trai trưởng cư ngụ. Mảnh đất mà đến nay có tới ba mươi lăm người thân trong gia đình tôi ở, mảnh đất gắn liền với tôi bao nhiêu kỷ niệm buồn vui thuở ấu thơ. Mỗi lần trở về nơi ấy tôi lại thấy lòng mình chùng xuống, cảnh vật như nhuốm màu đìu hiu.

    Một điều mà tôi không ngờ tới, rằng chính từ những canh cánh về người bố bệnh tật qua đời mà tôi đã tình cờ đến với thế giới tâm linh, để rồi số phận tôi đột ngột rẽ sang một bước ngoặt mới mà ba mươi nhăm năm cuộc đời trước đó, dù trong mơ tôi cũng không thể nào tưởng tượng được.

  3. #3
    happy
    Guest

    Re: Nnc - nguyễn ngọc hoài

    Vùng núi Tây Bắc tôi ở không có chùa chiền, cũng không có nhà thờ đạo. Chuyện khói nhang chẳng phải mối bận tâm lớn, các gia đình nào thờ cũng được, nhà nào không thờ cũng xong. Suốt thời thơ ấu nay đây mai đó cùng bố mẹ, tôi hiếm khi thấy bố mẹ tôi thờ cúng. Mỗi dịp Tết hoặc đến ngày giỗ, bố tôi lấy một ống bơ sữa bò, ra bờ suối xúc cát lên. Ông thắp vài nén hương, vái mấy vái rồi hạ cả ống cắm hương xuống bỏ đi. Vậy nên trong tâm thức non nớt của tôi ngày ấy, hoàn toàn không có chút ý niệm gì về tâm linh hay thế giới của những người đã khuất.

    Khi đã trưởng thành và có gia đình riêng, tôi cũng không để tâm mấy đến việc thờ cúng. Mỗi khi Tết đến xuân về, tôi lại theo cách ngày xưa của bố, lấy ông bơ sữa bò, đổ cát vào mà làm chỗ cắm hương. Mãi sau này, thấy ngoài chợ người ta bán rất nhiều bát hương, tôi mua một bát về đặt lên ban thờ, nhưng mỗi khi thắp hương đều đóng chặt cửa vì sợ nếu lỡ ai nhìn thấy thì thật xấu hổ, như thể mình đang làm việc gì khuất tất lắm. Những năm 1990 là tôi sống trong khu đất phân cho giáo viên và đi dạy học ở vùng cao cách nhà cả trăm cây số. Quanh nhà tôi cũng toàn các gia đình nhà giáo, cuộc sống sinh hoạt khá chuẩn mực.

    Bối cảnh hơn chục năm trước ở thị xã Điện Biên nhỏ bé tơi tôi sống là vậy. Cho tới thời điểm thế giới tâm linh đột ngột khai mở rõ ràng trước mắt tôi và cuốn phăng tôi đi như một con sóng lớn, với chuyện tâm linh, tôi chỉ là người khách lạ thờ ơ.

    Khi ấy, tôi đã từng nghe vô vàn chuyện từ âm ty, ma tà, quỷ quái, cho tới thánh thần, Phật tiên… nhưng tôi cho rằng những câu chuyện ấy chỉ để răn đời, giáo dục con người sống tốt, hướng đến cái thiện, cái tốt đẹp, đạo lý làm người. Trên đường đời thăm thẳm này, chúng ta, những kẻ lữ hành mỗi người chọn cho mình một cách đi riêng. Tôi chọn cách đơn giản. Sống giản dị, không mưu cầu nhiều. Trước tiên, phải tự mình lập kế sinh nhau, bố mẹ sinh ra ta nhưng không nuôi ta cả đời, còn người khác ai sướng ai khổ thì mặc họ. Trong ý thức của tôi, mọi việc sướng hay khổ trên đời đều chính mình mà ra, hoặc giả nếu có ai đó do ngoại cảnh mà vất vả gian nan thì coi như kém may mắn. Tôi cực khổ từ ngày thơ bé, đứng phận con gái cả trong một gia đình đông con và sinh ra giữa thời cuộc khốn khó. Nhưng tôi thấy người ta sống được thì tôi cũng sống được. Ai chẳng phải vươn lên để sống, ở đời họ sao mình vậy, con người ta khổ cực nhiều chứ sung sướng có bao nhiêu… Người ta chết đi là hết. Tôi nghĩ vậy.

    Nhiều lúc vui bạn bè hoặc buồn buồn, tôi cũng đi xem bói. Đi để giải trí, để giải quyết tâm lý một chút trong lúc buồn, cũng có đôi phần tò mò. Tôi không mấy thiện cảm với các “thầy bói”. Qua vài lần, tôi rút ra rằng các “thầy” có những điểm khá giống nhau: họ ở những nơi hẻo lánh, xa xôi, sống nhếch nhác, lập dị, chẳng giống ai, khi tiếp xúc thì toàn dùng những “ngoại từ”, những lối nói mơ hồ khó hiểu. Tôi đánh giá những người bói toán là tầng lớp thấp của xã hội, họ là những người ít học và không có nghề nghiệp ổn định. Vậy nên tôi không để tâm, hay nói đúng hơn là chưa bao giờ nhìn nhận chuyện tâm linh một cách nghiêm túc.

    Cho đến năm 1998, trước khi bố tôi qua đời vì bệnh ung thư, tôi chưa từng tận mắt thấy ai đó lìa bỏ cõi đời này. Những giây phút cuối cùng đầy đau đớn của bố cứ ám ảnh tôi.

    Trước khi mất, bố gọi chúng tôi lại dặn dò:
    “Nhanh chậm gì bố cũng qua đời, sống đến ngày hôm nay bố mãn nguyện rồi. Nhưng giá được sống thêm vài ba năm nữa để bố lo nốt cho hai em các con thì còn gì bằng. Bố muốn các con yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đời bố sai lầm là sinh ra nhiều chị em các con quá, cho nên cả nhà ta phải khổ. Bây giờ nếu đứa nào đã có hai đứa con thì thôi, còn lại vợ chồng các con chỉ đẻ một đứa con thôi, dồn vào mà chăm sóc nuôi dạy con cái, đừng để chúng khổ nữa. Các con phải nhớ lời bố dặn, nếu cố tình sinh thêm bố sẽ không nhận cháu, các con chăm lo cho mẹ và hai em, cùng nhau nuôi cho chúng nó học hành thành người, bố chỉ mong có thế…”

    Bố ra đi, tôi mới thấm thía về cái chết. Một con người đang sống động như vậy, bỗng dưng nhắm mắt xuoi tay rồi biến mất vào lòng đất, như chưa từng tồn tại. Tôi bắt đầu tự vấn nhiều hơn về cuộc đời này. Liệu có thực sự chết là hết? Trí não tôi bắt đầu hướng tới một cõi tâm linh mờ xa nào đó. Biết đâu bố tôi vẫn còn tồn tại, chỉ là dưới một dạng khác, vô ảnh vô thanh như người ta vẫn nói? Biết đâu ông vẫn dõi theo chúng tôi để xem chúng tôi có đùm bọc nhau như lời căn dặn của ông?

    Không hiểu sao, từ khi bố mất, tôi lại sinh ra chứng hay giật mình. Đang làm việc j đó, tôi bỗng giật thót người, sống lưng lạnh buốt, như thể có gì vừa quét qua mình hay có cặp mắt vô hình nào đó đang trừng trừng nhìn mình. Đôi lúc, tôi thấy rõ mình đang ở một mình mà lại như không một mình, người gai gai ớn lạnh.

    Quãng thời gian sau đó, một đêm vừa chợp mắt mơ màng, tôi thấy một bóng nhờ nhờ chợt ẩn chợt hiện. Tôi choàng tỉnh, mồ hôi vã ra như tắm. Nhìn đứa con thơ ngủ ngon lành bên cạnh, tôi tự mắng mình thần hồn nát thần tính. Có lẽ từ độ bố tôi khuất núi, tôi suy nghĩ quá nhiều về sự sống và cái chết trên cõi đời này, về sự mỏng manh của kiếp nhân sinh. Nhớ đến bố, nước mắt tôi lại tuôn tràn. Những ký ức về tuổi ấu thơ bôn ba tràn về. Rồi mặt mũi cứ tèm lem như vậy, tôi chìm vào cơn mộng mị. Lần thứ hai, bóng người kia lại bồng bềnh trước mặt tôi. Mỗi lúc, hình ảnh một rõ hơn. Dáng đàn ông nhỏ gày. Khuôn mặt khắc khổ. Đôi mắt to đau đáu. Là bố tôi!

    “Bố!” Tôi muốn gọi to mà họng nghẹn lại. Tiéng thở nhè nhẹ của đứa con vẫn vảng vất bên tai khiến tôi không biết mình đang thức hay ngủ nữa.

    Bố đứng buồn bã nhìn tôi hồi lâu như có gì muốn nói, rồi biến mất.

    Cả ngày hôm sau, tôi như người mất hồn, làm viêc gì cũng hỏng. Giấc mơ hôm trước luôn lần quất trong đầu nhưng tôi chẳng dám tâm sự cùng ai, sợ bị chê cười là dở người. Chiều muộn hôm ấy, tôi ngồi dưới hiên trông ra đồi cây âm u. Đột ngột trước mắt tôi, bóng bố xương gày lại chập chờn hiện về. Vẫn đôi mắt to chiếu thẳng vào tôi như muốn nói điều gì. Rõ ràng là tôi đang thức, tôi không ngủ. Tôi nhắm mắt lắc mạnh đầu cho ảo ảnh kia tan đi. Mở mắt ra, bố đứng ngay sát gần trước mặt tôi, rõ mồn một như khi còn sống, như một người bằng xương bằng thịt. Tôi bật ngã ngửa ra hè, đầu cụng rõ mạnh. Tôi ngơ ngẩn gọi:

    - Bố!

    Tiếng tôi lạc đi bên tai tôi, thoảng mơ hồ như lời ai khác.

    Bố vẫn đứng đó, nhìn tôi đau đáu một lúc rồi biến mất…

    Cổ họng đắng ngắt, dạ dày đau quặn, một cơn buồn nôn vô cớ xộc lên. Tôi cứ bò ngửa trên hè như vậy không biết bao lâu, chỉ biết khi đứa con tôi chạy ra gọi thì trời đã sập tối.

    Cõi tâm linh thăm thẳm bắt đầu phủ bóng lên tôi.

    Kể từ hôm ấy, có đôi ba lần nữa, tôi lại thấy bố ngay giữa lúc thức. Khi thì ông đứng đóng sống động như sinh thời, lúc chỉ là bóng dáng chập chờn, duy chỉ có đôi mắt là luôn chất chứa tâm sự khiên tôi không sao yên lòng. Sự việc đã vượt ngoài tầm kiểm soát và khả năng nhận thức của bản thân tôi. Tôi cầm chắc mình bị một chứng tâm thần nào đó. Tôi từng nghe đến bệnh hoang tưởng. Tôi kinh hoàng. Tôi sợ phải vào viện điều trị. Biết đâu bệnh tôi nặng, phải nằm nhà thương điên. Còn các con tôi biết làm thế nào? Bố chúng ở xa, bao năm nay gia đình này một mình tôi chăm lo.

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình