Arnis (còn gọi là Kali, Eskrima, Escrima), là một môn võ thuật mới sử dụng vũ khí của Philippines ( chủ yếu là dao, gậy). Ra đời vào ngày 4/2/2008, tại Tp.Manila, do các võ sư Cristino Vasquez, Leo T. Gaje Jr sáng lập.

Môn võ này cũng đã có mặt tại một số quốc gia Đông Nam Á dưới những tên gọi khác như Krabi Krabong hay Trumbu. Ngoài ra cũng có một số tên gọi thông dụng khác như Kali và Arnis de Mano (áo giáp bọc tay); đôi khi người ta cũng dùng chữ viết tắt FMA (Filipino Martial Arts, võ thuật Philippines). Eskrima và Arnis là tên dùng chủ yếu tại Philippines ngày nay. Tên trong tiếng Việt hiện nay là võ gậy.

Huyền thoại Arnis


Năm 1521, đoàn hải hành vòng quanh thế giới đầu tiên trong lịch sử hàng hải, ghé vào đảo Mac- tan (nay thuộc tỉnh Cebu – Philippines). Đội quân của nhà thám hiểm vĩ đại Ferdinand Magellan đã làm Lapu-Lapu, thủ lĩnh bộ tộc Filipinos nổi giận vì thái độ ngông cuồng của những kẻ đi chinh phục.

Trận đụng độ khiến cánh thủy thủ phải tháo chạy khi thủ lĩnh của họ bị giết. Điều người Tây Ban Nha không thể tin, dù được trang bị súng và kiếm thép nhưng họ lại thảm bại trước bọn người chỉ sử dụng… đôi gậy mây!

Cái chết của Magellan ám ảnh người Tây Ban Nha đến mức, họ loại “Esrima” ra ngoài vòng pháp luật khi đặt sự thống trị tại Philippines. Esrima là cách gọi Arnis (võ gậy Philippines) theo cách người Tây Ban Nha. Phải gần ba thế kỷ sau, năm 1898 khi Mỹ hất chân Tây Ban Nha, môn võ này mới được phục hồi. Tuy vậy mãi đến năm 1945, Arnis mới thực sự hồi sinh.

Lịch sử hình thành và phát triển



Trước đây tùy bộ tộc, võ gậy được gọi bằng nhiều cách khác nhau như Pananandata, Pagkalikali, Kalirongan, Kalirad- man… Quá trình phát triển, Arnis tồn tại hai trường phái cách tân và cổ điển. Nếu nhánh cổ (Solo Baston) dùng một gậy ngắn thì nhánh cách tân (Sinawali) sở trường gậy dài. Ngày nay Arnis phổ biến bằng đôi gậy, một dài (76,2 cm ), một ngắn (27,94 cm).

Trong chiến đấu, Arnis sử dụng gậy dài với tay phải, gậy ngắn bằng tay trái, bao gồm các kỹ thuật cơ bản như Taga (đòn đánh), Sangga (đỡ gạt), Agan (tước vũ khí), Buno (ném, quăng đối thủ). Để phòng thủ, võ gậy có 4 thế đỡ: Sanggang harang, Sanggang taga, Sanggang palipad, đặc biệt Sanggang papaalis vừa đỡ và tước vũ khí. Arnis có 8 thế tấn công như Bartical (đòn đánh thẳng đứng), Buhat araw (đánh từ trên đầu), Aldabis sa itaas (đánh tạt lên), Tabas talahib (đánh tạt ngang hông), Alabis sa ilalim ( đánh từ dưới lên ),Tagang alanganin (đánh từ mọi hướng), Saksak (đâm), Saboy (ném, quật). Nếu Arnis trông có vẻ dữ tợn với những đòn đánh phủ đầu thì các thế khóa, ném, bộ pháp xoay vòng uyển chuyển như Aikido.


Năm 1986, Liên đoàn Arnis Philippines ra đời. Đến tháng 9.1991, Liên đoàn Arnis Quốc tế được thành lập với 80 nước thành viên.

Cũng như Nunchaku (côn nhị khúc), võ gậy nhanh chóng xâm nhập nhà trường, quân đội, ngành cảnh sát, bảo vệ. Với tham vọng quảng bá môn quốc võ, hai lần tổ chức SEA Games 16 và 23, nước chủ nhà Philippines đều đưa Arnis vào chương trình thi đấu. Nếu ở SEA Games 16, VN dự tranh môn Arnis với mục tiêu học hỏi thì đến SEA Games 23, VN đã sánh ngang nước chủ nhà với 3 HCV, 3 HCB. Điều làm cho người Philippines bất ngờ, võ sĩ 3 lần vô địch thế giới của họ trở thành bại tướng dưới tay Nguyễn Quang Tùng, người mới làm quen Arnis có… 6 tháng. Tại Giải vô địch thế giới Arnis 2005, VN lại vượt qua Philippines một cách thần kỳ với thành tích 9 HCV, 2 HCB, VN giành giải nhất toàn đoàn.

Một bộ các vũ khí tập luyện dùng trong một lớp học Eskrima (từ trái sang phải): gậy bọc, gậy bằng song, dao gỗ, và một bộ dao bằng nhôm.

(VT)