Sự nuôi tâm hồn ta cũng y như thế, lo thân là để nuôi tâm, chớ không phải giữ tiếc thân, hay phá hủy thân vô lý, mà gọi là không tâm, hay bỏ tâm thúi mục, tưởng chừng như thân vỏ trái vẫn còn nhỏ non, non nhỏ mãi mãi.

Thật vậy ! Trong đời nào ai có ngờ : sanh tử là cần, khổ vui là trọng, nào ai đã ngó cho cái sống vui hôm nay, ngày mai, và mãi mãi về sau, có được là do nhờ đức tánh, chớ chẳng phải sự việc bên ngoài. Trong đời nào ai dễ chịu được trơ lặng chơn như, như là chết té, mà hiểu được cái quý hay mầu diệu của nó ; nào ai có nhớ ra, là ta đang ở trong lòng võ-trụ, và để tìm cách sống của những bậc, đấng, như võ-trụ tối cao. Nào ai đã không cho cái huyền bí sâu xa là bí, là dốt, mà biếng nhác sưu tầm, đành phải chịu sự mê tín tà giáo của người dẫn đạo, cũng là sự mê tín theo bóng hình vật-chất, sắc thần, cái có bên ngoài, ẩn hiện vô thường, ma biến, quỷ quyệt (ma quỷ), những sắc thân, cái có, vật-chất, bên ngoài là ma quỷ, xảo thuật, giả dối, cõi ma ẩn hiện thay đổi vô chừng, cám dỗ mê hoặc. Khiến nên chúng-sanh muôn loại, phải mê tríu lạc lầm khổ sở đớn đau, đua nhau tìm chết, giết hại thân tâm, liều càn tự vận, bặt lối ngày sau, chết rồi là hết.

Vậy thì : Muốn được tấm chơn sống nên, phải cần trí huệ (tức là giác-ngộ, thì mới có tánh chơn như ) trí huệ do nhờ nhập định, định có bởi nơi giới, giới là Khất sĩ, Khất sĩ là chơn tánh võ-trụ. Cho nên gọi Khất sĩ là họ của Phật Thích Ca, cũng như còn giới là còn Phật Thích Ca, còn đạo Phật, Khất sĩ, giới Khất sĩ là bao gồm dung chứa định huệ chơn như, Phật tánh giác tánh. Thế nên gọi Phật tánh là giới Khất sĩ vậy.

Cả thảy cái chi trog đời, nên hay ích lợi quý báu, cũng đều do nơi giới Khất sĩ Phật tánh cả.

Thế là chúng ta nên nhớ rằng : giác-ngộ là giải thoát, giải thoát là Khất sĩ, Khất sĩ là chơn như, đến chơn như thì không còn nói luận chi nữa.

Vấn : Sao gọi Khất sĩ là Phật tánh ?

Đáp : Một thuở nọ sau khi thành Phật, đi giáo hóa khắp nơi, đức Thích Ca về tới xứ Ca Tỳ La Vệ, Ngài và chư Khất sĩ, ở trong vườn cây, gần chỗ ở của vua cha trước kia là Tịnh Phạn. Sáng bửa sau Ngài ngự đi trì bình khất thực, với chư Sa Môn. Bấy giờ có tin báo cho vua Tịnh Phạn hay. Vua liền đi ra kiếm Phật, cản đầu mà nói rằng ; Ngài chẳng biết tôi là vua sao ? Tôi có đủ sức cúng dường Ngài và chư đại chúng, đến bao lâu cũng được, sao Ngài lại đi xin làm chi cho xấu hỗ, cực nhọc; vả lại dòng họ Thích Ca từ xưa đến nay, thảy đều là vua chúa, nào có ai phải đi xin ăn đâu ? Xin Ngài chớ làm việc ấy.

Đức Thế Tôn trả lời rằng : Dòng họ của bệ hạ là vua chúa, nên sự bảo giữ ấy là rất phải. Còn như tôi, dòng họ tôi là Phật, cả chư Phật mười phương ba đời, thảy đều Khất sĩ cả, tôi có bổn phận phải noi dấu, giữ lại họ hàng Khất sĩ, chủng tộc Sa Mon của tôi, cũng y như bệ hạ vậy.

Thế là sau đó, đức Phật thản nhiên đi khất thực, vua Tịnh Phạn đành gạt nước mắt nhìn trân, không biết làm sao cản được !

Sau đó người ta đến hỏi Phật rằng : Sao lại họ Khất sĩ là họ của chư Phật, xấu xa như thế ?

Đức Phật giải rằng : Với lẽ thật trong võ-trụ, chúng-sanh sanh ra, do nhơn duyên chuyền níu, chẳng đầu duôi, cả thảy đều là bố-thí cho nhau, chan sớt chia xẻ cho nhau, đang xin lẫn nhau, mới có cái sống biết, và sống biết tu học. Vì thế mà ai ai cũng là Khất sĩ cả, kẻ giác-ngộ trí thức mới thấy ra cái chơn-lý ấy; mục-đích của chúng-sanh là xin học. kìa chúng-sanh đang xin với cỏ cây, nước, đất, thú, người, Trời, Phật tất cả, ai cũng xin cả, xin lẫn nhau, hiểu đến lẽ xin học, thì thấy rõ chơn như ngay, vì chúng-sanh xin được học tạm, thì không có cái chi là tham sân si vọng động được cả, không có cái ta cảu ta gì hết, như vậy là sự khổ chết đâu còn có nữa được. Con đường Khất sĩ của chúng-sanh ấy, trong sạch chánh lý lắm, chẳng xấu xa đâu, bởi chúng-sanh vô minh lầm lạc, tưởng phải làm quấy, lấy quấy làm phải, nên hằng ngày lấy cắp ngang giành của nhau, không màng xin hỏi, gây sự bất công đàn áp, tội lỗi chứa chấp riêng mình, càng ngày to lớn quên lãng không hay, nên ngày nay mới khổ chết như cõi đời đây mãi vậy

Cũng vì thế mà chư Phật, tánh của các ngài là Khất sĩ.

Các Ngài nói mình Khất sĩ là : để giữ mãi cái gốc vốn chơn như không tham vọng.

Các Ngài nhớ mình Khất sĩ là : để cho ý muốn tham chẳng còn sanh.

Các Ngài thật hành Khất sĩ là : để cho thấy rõ cái không không của không tham vọng.

Khất sĩ là giải thoát trói buộc phiền não vô mình vọng động để sống bằng chơn như trí huệ, an lạc thong thả, rảnh rang, không còn tạo nghiệp, thì luân hồi sanh tử khổ, mới đặng dứt.

Đức Phật nói xong, người kia được nhận thấy ra khắp thế giới tòan là chư Phật, tất cả chúng-sanh là tối mê. Lầm lạc, nạn khổ và cả thảy chư Phật, đều là Khất sĩ, đúng y như chơn-lý, Khất sĩ sẽ là đạo Phật , là họ Phật, là chơn tánh, Phật tánh, họ gốc con đường của người giác-ngộ, không còn hòai nghi chi nữa, nên rất vui mừng tin chịu, đành lễ Phật, xin xuất gia nhập đạo, theo sát bên chơn Phật, nghe pháp, mà tu đắc thành A LA HÁN. Và cả xứ đó lần lần ai cũng được biết rõ đạo Phật là Khất sĩ chánh chơn cao thượng, là đạo cứu thế độ đời rốt ráo, nên ai ai thấy đều tỏ lòng hoan lạc khác thường, mà thật là sùng bái tôn trọng. Ấy vậy theo như đây, thì Phật tánh có ra, là do sự thật hành. Vậy chúng ta nên phải rán thật hành cho đúng, để làm y Phật, qui y như Phật, chẳng là quý báu hơn hết.

Tổ sư Minh Đăng Quang
(đaophatkhatsi)