Yếu lý quyền pháp là phần lý thuyết của các bộ môn quyền thuật nào cũng cần phải có mà ngày nay về mặt phương pháp luận (Methodology) ta gọi là phần cơ sở lý luận trong các bộ môn khoa học hiện đại. Võ học Trung Hoa luôn có các lý luận đặc trưng và đây là nét độc đáo của các môn võ phương Đông khác phương Tây. Các yếu lý Bát Quái Chưởng là như sau:

1. Thuận hạng đề đỉnh, lưu đồn thâu khang: Đầu cổ phải luôn ngay thẳng không nghiêng ngả, nhíu thắt cơ hậu môn và giấu mông vào, luôn điều khiển hông di chuyển trong khi luyện.
2. Tung kiên trầm trửu, thực phúc thưởng hung: Hai vai phải thả lỏng buông xuống không được để nhô lên, hai cùi chỏ cũng phải hạ thấp xuống che hai bên sườn. Phải thả lỏng cơ bụng và thở bằng bụng (không thở ngực) để cho khí lực trầm xuống cho thế tấn vững vàng.
3. Cổn toàn tranh lý, kỳ chính tương sinh: Khi vận động tay quyền, thủ pháp phải luôn vận động theo đường xoáy trôn ốc để tạo ra lực hút theo hướng trong ngoài liên tục và hỗ tương nhau giữa hai tay.
4. Long hình hầu tướng, khổ tọa ưng phiên: Khi di chuyển quyền thế phải luôn giữ tự nhiên như du long (rồng đi) và tướng hình phải nhanh và linh hoạt như khỉ, lúc đứng thì không thẳng đầu gối và xoay chuyển thân người phải như chim ưng chao liệng nhẹ trên trời.
5. Ninh toàn tẩu chuyển, đăng cước ma kinh: Các khớp xương phải luôn vận động theo hình xoắn vào nhau để tạo lực, khi di chuyển thì phải chân sau đạp nhanh theo chân trước trông như chạy.
6. Khúc khoái thượng nê, túc tâm hàm không: Khi di chuyển hai chân phải luôn ở độ cong thích hợp, không nâng bàn chân cao quá khi bước mà cũng không lê bàn chân trên mặt đất, bàn chân phải hơi cong tạo chỗ lõm giữa bàn chân khi di chuyển, ngón chân luôn bấu xuống mặt đất.
7. Khởi bình lạc khấu, liên hoàn tung hoành: Khi chân ở trên cao thì bàn chân phải để mặt bàn chân nằm ngang bằng phẳng, khi hạ xuống thì bàn chân phải cong lại bấu ngón chân xuống đất.
8. Yêu như trụ lập, thủ dĩ luân hành: Eo lưng là nơi điều khiển tay chân và tạo lực phối hợp.
9. Chỉ phân chưởng ao, bài lặc bình kiên: Năm ngón tay luôn mở ra không bao giờ khép chặt, hai vai và thân hình luôn ngay ngắn khi di chuyển.
10. Trang như sơn nhạc, bộ tự thủy trung: Bộ tấn phải vững vàng nhưng không nặng nề mà cũng không nhẹ nhàng khi di chuyển.
11. Hỏa thượng thủy hạ, thủy trọng hạ khinh: Nội ngoại tương hợp, trên dưới thuận hòa, cương nhu nặng nhẹ tương tế và bổ trợ cho nhau.
12. Ý như phiêu kỳ, hựu tự điểm đăng: Tâm ý là chủ của quyền pháp và thủ túc (chân, tay) được dùng để điều khiển quyền thức.
13. Phúc nải khí căng, khí tự vận hành: Hơi thở hít vào phải căng đầy nhưng sâu, dài, nhẹ nhàng và êm ái.
14. Ý động sinh tuệ, khí hành bách khổng: Dùng tâm ý điều khiển quyền pháp và tạo sự nhanh nhạy cho quyền thức.
15. Triển phóng thu khẩn, động tĩnh viên tranh: Khai - hợp, tán - tụ, ra - vào ... phải liên tục phối hợp.
16. Thần khí ý lực, hợp nhất tập trung: Ý, khí, lực và thần thái phải hợp nhất với thân xác và chân tay tạo độ nhạy cho quyền pháp.
17. Bát chưởng chân lý, cụ tại cử trung: Tất cả những điều trên nếu ai lĩnh hội được thì coi như đã hấp thu được chân lý tinh diệu của Bát Quái Chưởng.

Bát Quái Chưởng của Cung Ngọc Điền truyền cho Lưu Vân Tiêu:


1. Đơn Hoán Chưởng.
2. Song Hoán Chưởng.
3. Triển Thân Chưởng.
4. Phiên Thân Chưởng.
5. Tam Xuyên Chưởng.
6. Bối Thân Chưởng.
7. Song Tràng Chưởng.
8. Dao Thân Chưởng.

Bát Quái Chưởng của Trình Hữu Long truyền cho Tôn Tích Phương:

1. Đơn Hoán Chưởng.
2. Song Hoán Chưởng.
3. Thuận Thức Chưởng.
4. Song Thân Chưởng.
5. Phiên Thân Chưởng.
6. Ma Thân Chưởng.
7. Tam Xuyên Chưởng.
8. Hồi Thân Chưởng.

Bát Quái Chưởng của Trình Đình Hoa truyền cho Tôn Đường:

1. Càn Khôn Quái Sư Hình Chưởng.
2. Khôn Quái Lân Hình Chưởng.
3. Khảm Quái Xà Hình Chưởng.
4. Ly Quái Dao Hình Chưởng.
5. Chấn Quái Long Hình Chưởng.
6. Cấn Quái Hùng Hình Chưởng.
7. Tốn Quái Phụng Hình Chưởng.
8. Đoài Quái Hầu Hình Chưởng.

Các bài bổ trợ bao gồm: Bát Quái Thoái Quyền, Thập Nhị Chuyển Trửu, Hậu Thiên Thập Lục Tứ Thức, Thất Thập Nhị Ám Cước, Thất Thập Nhị Tiệt Thoái, Bát Quái Ngạnh Thủ Quyền, ...

(wikipedia)