Xưa nay đã có rất nhiều sách báo đối chiếu hay so sánh Khoa học và Phật giáo. Người ta so sánh hai môn học rất khác biệt này và thấy chúng có nhiều điểm tương đồng quan trọng, tuy nhiên cũng có những khác biệt rất lớn. Trong bài này, chúng tôi có mục đích muốn tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt đó. Vì đề tài này đã được bàn luận rất nhiều rồi, nên ở đây chúng tôi không đi quá sâu vào chi tiết mà chỉ cố gắng làm rõ những điểm tương đồng và dị biệt đó dưới cái nhìn tổng quan.


A. Những điểm tương đồng giữa Khoa học và Phật giáo

1. Cấu trúc của vật chất và Thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo.



Khoa học ngày nay đã hiểu biết khá nhiều về thế giới vật chất mà đa số tuyệt đối các nhà khoa học cho là khách quan ở ngoài ý thức (quan điểm duy vật). Người ta biết rằng vật chất không phải là một thể đồng nhất, mà nó được cấu trúc từ những phần tử rất nhỏ gọi là nguyên tử. Khoa học thế kỷ 20 còn thâm nhập vào bên trong của nguyên tử để tìm hiểu những hạt cơ bản tạo ra vật chất, vì những hạt này ở mức độ nhỏ hơn, thấp hơn nguyên tử nên người ta gọi chúng là những hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) và thấy rằng trung tâm nguyên tử là một hạt nhân được cấu tạo bằng hai loại hạt : proton và neutron. Bên ngoài hạt nhân có những hạt electron chuyển động rất nhanh chung quanh tạo thành một khối hình cầu mà vỏ là electron và nhân là proton và neutron. Có những nguyên tử đơn giản nhất chỉ có một hạt proton và một hạt neutron, đó là hydrogen, nguyên tố chính tạo thành nước. Nguyên tử Helium thì có hai proton, hai neutron và hai eletron.



Nguyên tử Hydrogen ---------- Nguyên tử Helium


Trong hậu bán thế kỷ 20, người ta còn thâm nhập sâu hơn nữa vào cấu trúc của hạt proton và hạt neutron và thấy rằng chúng được cấu tạo bằng hai loại hạt quark : quark up và quark down






Như vậy chỉ với 3 loại hạt : quark up, quark down và electron, đã tạo ra tuyệt đại đa số vật chất trên quả địa cầu của chúng ta. Các sinh vật cũng hình thành từ những hạt này mà thôi, tiến hóa từ chất vô cơ đến chất hữu cơ, rồi chất sống và cuối cùng là con người vô cùng phức tạp và kỳ diệu.

Thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo cũng mô tả thế giới vật chất và thế giới sinh vật bằng cấu trúc trùng trùng duyên khởi của nhân duyên mà yếu tố căn bản là vô minh và yếu tố cuối cùng trong chuổi 12 nhân duyên là Lão tử (già chết- Xem bài Thập nhị nhân duyên). Khoa học (KH)Phật giáo (PG) giống nhau ở chỗ mô tả thế giới là cấu trúc, cấu trúc chính là bản chất của thế giới, đó là sự tương tác lẫn nhau của đủ loại cấu trúc, khác nhau về hình tướng nhưng đồng nhau về bản chất. Nhưng cấu trúc bằng vật liệu gì thì chúng ta sẽ trở lại ở phần dị biệt.



2. Sự biến đổi, tuổi thọ hữu hạn của vạn hữu và Tính chất vô thường của vạn vật.



KH đã chứng minh là tất cả mọi vật từ một hạt cơ bản hạ nguyên tử cho đến vũ trụ bao la đều có tuổi thọ hữu hạn, mọi sự vật đều luôn luôn biến đổi, luôn luôn chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác, lâu hay mau tùy vật nhưng biến đổi là bản chất của mọi vật. PG cũng nêu tính chất vô thường của vạn vật, mọi vật đều luôn biến đổi qua 4 trạng thái là : thành (hình thành), trụ (tồn tại và lớn lên), hoại (hao mòn và huỷ hoại), và diệt (mất đi) và không gì có thể thoát khỏi qui luật này. Tính chất vô thường hay bản chất sinh diệt là điểm đặc trưng của thế giới chúng ta đang sống.



3. Đa vũ trụ theo KH và Tam thiên đại thiên thế giới theo diễn tả của PG



KH với các phương tiện quan sát và thám hiểm không gian hiện đại, biết rằng vũ trụ rất rộng lớn, bán kính có thể đến 14 tỉ quang niên. Trong vũ trụ có vô số thiên hà, mỗi thiên hà có hàng tỉ mặt trời với hệ hành tinh của nó tương tự như dải ngân hà và thái dương hệ của chúng ta. Những năm gần đây KH cũng khám phá ra nhiều hành tinh hơi giống giống trái đất của chúng ta, tuy nhiên KH chưa tìm thấy tín hiệu của một nền văn minh khác ngoài trái đất. Có rất nhiều tin tức chưa được kiểm chứng về những vật thể bay không xác định (UFO Unidentified Flying Objects) mà người ta ngờ là của những nền văn minh khác ngoài địa cầu. Tuy nhiên chưa có một trường hợp nào được xác định rõ ràng. Kinh điển PG thì đề cập đến Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Chỉ riêng Dục giới thôi đã rộng lớn hơn vũ trụ mà chúng ta quan niệm vì ngoài cõi vật chất, Dục giới còn bao gồm cõi trời Lục Dục thiên mà các giác quan của chúng ta không thể tiếp xúc được. Như vậy Tam giới của PG vô cùng rộng lớn được diễn tả bằng thuật ngữ “Tam thiên Đại thiên thế giới”, tức là 1000 lũy thừa 3 (10003) Đại thiên thế giới, mỗi Đại thiên thế giới có 1000 Trung thiên thế giới, mỗi Trung thiên thế giới có 1000 Tiểu thiên thế giới, mỗi Tiểu thiên thế giới là 1000 thế giới nhỏ, một thế giới nhỏ là tương đương cõi thế gian của chúng ta. Nếu dùng toán học để tính ra số lượng thế giới nhỏ thì như sau : 10003 x 1000 (Đại thiên) x 1000 (Trung thiên) x 1000 (Tiểu thiên) = một tỉ tỉ (1018) thế giới nhỏ (tương tự thế gian). Thật ra đây chỉ là con số tượng trưng có ý nghĩa là rất lớn, đến mức vô lượng vô biên. Như vậy ta thấy PG đã đưa ra quan niệm đa vũ trụ, các vũ trụ chồng chất lên nhau mà phần lớn là vô hình đối với các giác quan của chúng ta, các cõi trời Lục Dục thiên thuộc Dục giới, các cõi trời thuộc Sắc giới, các cõi trời thuộc Vô Sắc giới đều hoàn toàn vô hình đối với chúng ta nên tuyệt đại đa số con người không thể thấy được các cõi giới đó. Không thấy không cảm nhận được, con người bèn cho rằng không có. Cũng giống như chung quanh ta có rất nhiều sóng vô tuyến, sóng điện từ, sóng cực vi mà ta không thể cảm nhận trực tiếp được. Chỉ khi có các thiết bị như radio, tivi, smartphone, hoặc những người có đặc dị công năng, mới thấy có âm thanh, hình ảnh, tín hiệu, thế giới vong linh cõi âm…Đa vũ trụ cũng được các nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay mô tả. Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok (sinh năm 1958 tại Johanesburg South Africa, Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết), hai người nói trong một định đề (postulate) : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘hiện tiền’).

Cái mà chúng ta thấy và cảm nhận được trong “hiện tiền” chỉ là một phần rất nhỏ của đa vũ trụ vô lượng vô biên mà PG từ lâu đã diễn tả trong thuật ngữ “Tam thiên Đại thiên thế giới”