BUÔN THẦN BÁN THÁNH

“Cướp” sẽ thành đặc trưng ở lễ hội?
Đã là văn hóa thì không dung nạp chuyện cướp, thế nhưng hành vi này lại thường xuất hiện trong lễ hội. Linh thiêng như Ấn đền Trần cũng cướp, rồi cướp lộc, cướp hoa, cướp đồ dâng cúng…, mà xem ra ai cướp được cũng tỏ ra hỷ hả, coi như rước phúc lộc về nhà, may mắn cả năm.

Cướp đường, cướp chợ có thể vào tù nhưng cướp ở chùa, ở đền, rồi tới cướp ở lễ hội lại trở thành nét đặc trưng không thể thiếu của một số lễ hội?.


Hình ảnh cướp giò hoa tre ở Hội Gióng

Tại Hội Gióng (đã được thế giới công nhận là văn hóa nhân loại cần bảo tồn) vừa qua, tinh thần cướp hoa tre đã lên tới đỉnh điểm. Thiên hạ xông vào cướp và bị người dân bản địa đánh, thế mà người ta vẫn hăm hở cướp.

Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên vào ban đêm và đề cao tôn chỉ “bán rủi, mua may”, tiền bạc không ý nghĩa gì. Đừng vội tin những điều tưởng chừng là tâm linh nguyện không buôn thần, bán thánh. Ai đó cả tin thì sẽ bị "chém" thê thảm luôn, họ đã "mài dao" cả năm chờ một dịp này.

Du khách hay mua cây ở đây để lấy may và giá cả phải chăng nhưng cây từ đất Mẫu mang về khó mà sống được tại khuôn viên nhà mình, đó là chưa nói đến chuyện khối người mua phải của rởm để một năm hàng giả, hàng nhái, hàng quá đát lên ngôi.

Nói đến của rởm cần nhắc tới Phiếu ghi công đức ở Đền Hùng do Cục Thuế Phú Thọ phát hành. Cái ấn (triện) in trên phiếu đó là chữ Nôm, người ta (tất nhiên là người có chức trách tại Khu di tích đặc biệt này) cho rằng được khắc từ thời Lê Hồng Đức (tức Lê Thánh Tông, bậc minh quan, giỏi văn chương, chữ nghĩa, chủ soái Hội Tao Đàn), 4 chữ trên triện là “Hùng Vương tứ phúc”, dịch là Hùng Vương ban phúc.

Một Tiến sĩ Hán Nôm đã chỉ ra cái triện này viết “sai chính tả” thừa thiếu nét lung tung, đã thế còn dịch liều, thực ra là Tổ vương ban phúc chứ làm gì có Hùng?. Thế có nghĩa là bao nhiêu người được ghi công đức bằng của rởm và ra sức thờ phụng nó?.

Đưa ra mấy sự việc sơ sơ như vậy để các nhà văn hóa xem xét, liệu những việc cỏn con con đã xứng đáng là sự phản văn hóa trong lễ hội hay chưa?.
http://www.phapluatvn.vn/van-hoa/201...e-hoi-2075795/


Những lạm dụng ăn theo lễ hội
Quan họ ngả nón quyên tiền, “lót tay” để được vào cung cấm, rồi buôn bán chộp giật, tranh giành khách, gửi xe quá giá… là những gì chướng tai gai mắt ở các lễ hội đầu năm. Khá chính xác khi người ta dành cho lễ hội các cụm từ: “Buôn thần bán thánh”, “kinh doanh công đức”…

Dù chính quyền địa phương hay cơ quan quản lý văn hóa có đưa ra các quy định chấn chỉnh, “gạn đục khơi trong” thì thực tế, sự lạm dụng văn hóa tín ngưỡng ngày càng phổ biến. Thương mại hóa lễ hội đang làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của lễ hội, giá trị di sản vật thể, phi vật thể có nguy cơ ngày càng mai một.

Kinh doanh lòng “công đức”

Ngày xuân đi du lịch lễ hội, mỗi nơi du khách thu nạp cho mình thêm kiến thức về lịch sử, tâm linh, nguồn cội của tín ngưỡng dân gian… Lẽ ra, ở những nơi ấy, mọi thứ trần tục phải được gạt bỏ chỉ để lại sự thanh thản, nhẹ nhàng, con người hòa vào thiên nhiên và truyền thuyết, lịch sử. Thế nhưng, dù có mang tâm thế ấy đi lễ, người ta vẫn không thể hài lòng trước những “hạt sạn” bày ra trước mắt. Đó là sự lạm dụng lòng thiện tâm của khách du xuân hoặc có thể nói là ý thức kinh doanh lòng công đức của chính Ban tổ chức, Ban quản lý các lễ hội, di tích.

Nhiều năm nay, cứ Tết đến là người dân đổ xô đi đổi tiền lẻ. Tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng không phải để mua rau cho tiện mà tiền để đi chùa, đi đền, đi phủ. Tiền lẻ để “hòm công đức”, để “giọt dầu”, để “đèn nhang nhà đền”, thả xuống giếng ngọc, dúi vào tay Phật, nhét vào bất kể đâu ở chốn linh thiêng.

Nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, Tuyên Quang là nơi nổi tiếng về thờ tự tâm linh với hệ thống đền thờ Mẫu. Hàng năm lễ hội đền Hạ rước Mẫu tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng 2 âm lịch. Thế nhưng, ngay từ tháng Giêng, du khách thập phương, đặc biệt là người Hà Nội đổ về lễ đền đã rất đông. Cùng tuyến du lịch lễ hội ở Tuyên Quang còn có đền Cấm, đền Cảnh Xanh (còn gọi là đền Cây Xanh). Khách du xuân trong sự thành tâm, cung kính. Và ai ai cũng mang theo xấp tiền lẻ đặt lễ.

Đền Cấm tọa lạc trên ngọn núi Cấm ở xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang có địa thế đẹp, linh thiêng. Bước qua những bậc đá lên đền, là khoảng không gian khá rộng với hai bên đặt tượng ngựa, trâu… Khách vừa bước vào sân đền đã nhìn thấy rõ trên lưng trâu, dưới vó ngựa.. đặt chiếc đĩa nhựa đựng tiền lẻ. Trong khi đó, bên trong đền có đầy đủ hòm công đức, nơi ghi phiếu công đức như bất kỳ một di tích nào khác. Cầm xấp tiền lẻ, khách cứ nhìn thấy nơi nào đặt được tiền là để ngay vào đó. Những tờ bạc lẻ dúi ở mọi nơi.

Ở đền Cảnh Xanh, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang có cây xanh trùm rễ xuống cả không gian rộng toàn bộ sân đền. Chỉ riêng dưới đám rễ cây đã có nhiều am thờ nhỏ. Mỗi am thờ đều có đĩa cho khách để tiền “giọt dầu”, mà không chỉ một đĩa. Ngặt nỗi, đĩa nhựa thì cáu cặn, bụi bặm, đặt la liệt. Khách lễ đền còn đặt tiền lẻ lên cả rễ cây xanh, nơi đám rễ buông chùng xuống mặt đất trông như cái võng.


Lễ chồng lễ - lãng phí lớn ở đền Bà Chúa Kho.

Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) còn tới hơn 1 tháng nữa mới đến lễ hội. Nhưng từ bây giờ, dòng người đã đổ về hành lễ rất đông, nhất là vào ngày cuối tuần. Chỉ cần quan sát một chút, người ta sẽ thấy ở đây đặt quá nhiều hòm công đức. Tại đền Hạ, đền Trung, đền Thượng… mỗi nơi đều đặt không dưới 4 hòm công đức. 4 hòm công đức đặt cách nhau chưa đầy vài mét. Mỗi sân đền đều xếp hai bàn có người ghi công đức. Đó là còn chưa kể đến những đĩa đặt “giọt dầu” trên các ban thờ. Mà không chỉ ở đền Hùng, ở rất nhiều di tích, Ban tổ chức lễ hội khác ngày càng xuất hiện nhiều hòm công đức, nhiều hơn nữa là những mâm đồng, đĩa đựng “giọt dầu” để khắp nơi.

Trộm cắp “lòng thành”

Tỉnh Bắc Ninh có hơn 500 lễ hội. Nhắc tới lễ hội ở tỉnh Bắc Ninh, người ta nói ngay đến hát quan họ hội Lim, hay đi lễ Bà Chúa Kho. Thế nên, điểm khảo sát của chúng tôi không thể bỏ qua hai nơi này.

Chúng tôi đến đền Bà Chúa Kho đúng vào ngày rằm tháng Giêng. Người chen người, đồ lễ chen đồ lễ, tro tiền vàng bay tơi tới khắp nơi, khách thập phương vội vã cầu cạnh, xin xỏ… là hình ảnh chủ đạo ở đây. 16h30, trời xầm xập tối, người cúng, người lễ càng trở nên vội vã hơn. Những phụ nữ khấn thuê mồm năm miệng mười, người thuê khấn cũng rì rầm chắp tay lia lịa: “Con có lễ mỏng lòng dày, xin bà cho con tiền xanh tiền đỏ, đi tươi về tốt…”. “Lễ mỏng” ở đây có thể lên tới vài triệu đồng, có cả xôi gà, cành vàng lá bạc. Hàng chục dàn sắt đặt lễ trong đền đều kín. Thậm chí người ta còn tranh nhau chỗ đặt lễ. Rồi đông quá, nhiều người bị mất lễ. Đúng lúc chúng tôi có mặt, một phụ nữ hớt hải chạy ra sân đền tìm người thân thông báo giọng tiếc nuối: “Mất lễ rồi. Mất cả tiền đặt lễ rồi”. Vậy là, ở chốn linh thiêng, đến cái lễ lòng thành cũng bị lấy cắp.

Trước Cung bà Chúa, có cả chục người khấn thuê bám sát cửa. Khách đứng ngoài lễ rồi thả tiền bay vèo vèo vào Cung. Dưới nền đất của Cung, tiền đủ các mệnh giá chất đống. Thế rồi, đột ngột một người cầm chìa khóa mở cửa Cung cho mấy vị khách vào bên trong hành lễ. Chị phụ nữ luôn miệng: “Con để lại toàn bộ lễ”. Họ vừa vào, cửa Cung khép lại. Nhiều người thắc mắc: “Muốn vào trong thì làm thế nào?”, “Phải chuẩn bị lễ trước, đăng ký với Ban Tổ chức. Thế lễ đâu? Lễ phải chuẩn bị trước chứ!” – một người ngồi gần đó trả lời. Hóa ra, dù đông khách đến mấy, khách đăng ký là được vào (ai cũng ngầm hiểu là phải có cái gì đó thì mới được vào trong Cung chứ không chỉ đăng ký theo hình thức đơn thuần).

Hội Lim năm 2013 hứa hẹn một mùa hội văn minh, mang đậm truyền thống. Ngay từ trước Tết âm lịch, các ban ngành của tỉnh Bắc Ninh đã có các quy định nhằm quản lý lễ hội, trong đó có một quy định cụ thể là anh Hai chị Hai quan họ không được ngả nón nhận tiền. Thế nhưng, thực tế thì sao? Chiếc thuyền rồng trôi nhẹ trên hồ đình Lim. Trên bờ, người xem hát đứng quây kín vòng hồ. Thuyền đến sát bờ, một liền chị mặc áo tứ thân đưa cơi trầu têm cánh phượng mời khách. Khách đứng trên bờ đã cầm sẵn tiền nhiều mệnh giá khác nhau, chờ cơi trầu đến nơi là thả tiền vào đó. Khi tiền đã phủ lên khá nhiều miếng trầu, liền chị hạ cơi trầu xuống, cùng liền anh vội vã gom tiền cất xuống bên dưới. Hình ảnh đó khiến người yêu văn hóa quan họ không khỏi thất vọng.

Lý giải hiện tượng trên, ông Nguyễn Đức Trọng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cơ quan chức năng không thể xử lý được bởi họ không ngả nón xin tiền mà chỉ là mời trầu. Lỗi là do người dân tự ý thả tiền xuống đó.

Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể kể hết được những hạt sạn lẫn trong các lễ hội đầu năm. Không chỉ là hình ảnh phản cảm thả tiền cho quan họ, chen lấn cướp ấn, trộm lễ, tiêu cực để được làm lễ… mà còn rất nhiều những điều chướng tai gai mắt khác ở những nơi linh thiêng như: người ăn xin ngồi la liệt (lối lên đền Bà Chúa Kho), trông giữ xe quá giá, treo bán thịt động vật hoang dã (Chùa Hương), bắt chẹt khách mua lễ, mê tín dị đoan…

Trước thực tế trên, người dân có quyền đặt câu hỏi: Vậy thì chính quyền, ngành Văn hóa đã làm gì? Mục đích đặt ra của lễ hội là phát huy giá trị di sản, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Thế nhưng, thực tế số lượng lễ hội đang có quá nhiều, tổ chức lễ hội thì dài ngày, rình rang, tốn kém quá nhiều tiền của, công sức của toàn xã hội