Nhiều đứa trẻ sinh ra đã gắn liền với tên gọi “trẻ mồ côi” nhưng nhờ các ni sư chùa Diệu Pháp yêu thương, bảo bọc, những số phận hẩm hiu ngày nào nay đã vươn lên trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư...

NHỮNG PHẬN ĐỜI KÉM MAY MẮN
Trụ trì chùa Diệu Pháp (tọa lạc ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), sư cô Huệ Đức (64 tuổi) dẫn chúng tôi vào khu nhà mầm sống - nơi những đứa trẻ bị cha mẹ nhẫn tâm vứt bỏ và nhà chùa đã mang về nuôi dưỡng. Chỉ tay về phía những chiếc nôi liền kề, sư Huệ Đức kể lại từng hoàn cảnh của các bé với những hồi ức khó phai nhạt...

Vào một buổi sáng tháng 11-1983, lúc tiếng chuông chùa vừa dứt thì mọi người nghe tiếng chó sủa dữ dội. Sư cô chạy ra thấy một đứa trẻ sơ sinh được gói trong chiếc khăn màu trắng bỏ dưới bụi tre trước cổng chùa. Lúc đó chùa mới thành lập nên cuộc sống rất khó khăn. Các sư dành dụm từng đồng để mua sữa cho em bé. Nghe nhà ai trong vùng sinh con là sư bế đến để xin bú nhờ. Bé gái năm đó là chị Nguyễn Thị Diệu Hiền giờ đã có gia đình và là mẹ của 2 đứa trẻ.


Từ trẻ mồ côi thành cử nhân trường Đại học Y dược
Đến nay chùa đã nhận trên 100 đứa trẻ, trong đó có 67 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Cậu bé Trâu (4 tuổi) tên thật là Hồ Đức Diệu Hoa lúc nào cũng nở nụ cười ngây dại với mọi người. Trong lúc đang quét chùa, các sư nghe tiếng khóc của Trâu trước cổng. Em bị mẹ bỏ sau khi sinh được một tháng. Trong lá thư để lại, mẹ của Trâu cho biết tên là Nguyễn Thị Kh. quê Nghệ An, sinh viên một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng. Sau khi sinh Trâu xong, thi lại và đỗ vào trường ĐH nên không thể vừa đi học vừa nuôi con. Căn bệnh não úng thủy của Trâu là do tình trạng tự phá thai không hợp lý của mẹ gây ra.

Nằm bên cạnh là bé Ngô Đức Diệu Ân (5 tuổi) bị mù và bại não. Bệnh tật của Ân cũng do hậu quả từ việc tự phá thai không thành của người mẹ. Năm 2007, mẹ của Ân xin vào chùa để tá túc khi đang học lớp 10 và mang thai đến tháng thứ 5. Sau khi sinh xong, cô bé bỏ con lại để về quê tiếp tục đi học.

Mỗi đứa trẻ trong chùa đều đặt tên gắn liền với từng hoàn cảnh, bé tên Chó vì được một chú chó ở chùa tha vào. Cô bé Cao Su vì em được nhặt ở vườn cao su. Cách đây 2 tháng, cô gái tên Mai, quê ở Hải Phòng, sinh viên một trường ở TPHCM đã xin vào chùa để sinh con. Khi nghe tin người yêu có thai, bạn trai cô đã chối bỏ và đi lập gia đình. Hôm chúng tôi đến, bé Hồ Đức Diệu Bảo (được 1 tháng 3 ngày tuổi) đang được sư Huệ Đức cho bú sữa rồi ru ngủ. Sinh con được 5 ngày, Mai lên thành phố tiếp tục việc học.

Đến nay, chùa đã nuôi 19 bà mẹ trẻ đến tá túc vượt cạn, hầu hết là học sinh, sinh viên. Điều phũ phàng là sau khi sinh xong, các bà mẹ trẻ đều trốn chạy và cố gắng che lấp lỗi lầm của mình. Các cô chưa một ngày quay lại chùa để thăm núm ruột mình sinh ra. Nhẫn tâm hơn là hình ảnh những đứa trẻ vô tội phải mang di chứng bệnh tật suốt đời do các mối tình chóng vánh gây ra.

CỔNG CHÙA LUÔN RỘNG MỞ
“Hầu hết những bà mẹ vào chùa chờ đến ngày sinh đều cắn rứt lương tâm, tỏ ra hối hận nhưng họ chỉ hối hận là quen nhầm kẻ sở khanh chứ không phải về việc làm dại dột của mình. Trước khi rời khỏi chùa, có cô nói về làm lại từ đầu, có cô thề sẽ trả thù người đã từng đầu ấp tay gối. Mình cố gắng giải thích mà không chịu nghe nên chỉ biết cầu mong bọn trẻ sớm tỉnh ngộ, đừng gây thêm tội lỗi nữa”, sư Huệ Đức trầm ngâm nói.


- Nâng bước vào đời bằng tình thương bao la
- Bé Diệu Bảo mới năm ngày tuổi đã bị mẹ bỏ rơi

Trò chuyện với chúng tôi, đa số những đứa trẻ ở đây đều tỏ ra oán giận cha mẹ nhưng trong sâu thẳm, các em vẫn khát khao một ngày được người thân quay lại nhìn nhận. Em Hồ Đức (16 tuổi, hiện đang học lớp 10) nói trong nước mắt: “Càng hận cha mẹ bao nhiêu thì lại nhớ họ bấy nhiêu. Những đứa trẻ như tụi em cần lắm hơi ấm của cha, tình thương của mẹ. Giờ các sư vừa là cha, là mẹ là thầy của tụi em”. Trong một lần bị các bạn trong lớp chọc “mày là đồ không cha mẹ”, em đã lao vào đánh nhóm bạn. Sau đó, người nhà của các em bị đánh kéo đến chùa Diệu Pháp tìm em “dạy bảo”. Cũng may hôm đó các sư trong chùa khuyên can hết lời nên họ mới chịu ra về.

30 năm dưới sự cưu mang của chùa Diệu Pháp, nhiều đứa trẻ giờ đã thành danh. Anh Nguyễn Đức Duy (SN 1982) đỗ tiến sĩ ngành điện tử, hiện đang công tác ở Nhật Bản; chị Hồ Thị Ngọc Trân (SN 1981) trở thành thạc sĩ của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; anh Trịnh Văn Đại (SN 1983) hiện là giám đốc một công ty ở TX. Đồng Xoài, Bình Phước...

Trong chùa, sư Huệ Đức được gọi là mẹ thì anh Trương Công Toàn (SN 1981) được các em gọi là cha. Cha mất sớm, mẹ không còn khả năng lao động, năm 9 tuổi Toàn được sư Huệ Đức đem về cưu mang. Giờ đây mỗi ngày 4 buổi trên xe buýt, anh đều đặn đưa đón những đứa trẻ ở chùa đi học. Còn đến mùa tuyển sinh hàng năm, những học sinh ở chùa đăng ký thi ở đâu là anh dắt các em đến đó để tìm chỗ trọ. Các bà mẹ trẻ vào chùa chờ tới ngày sinh cũng gọi anh là “chồng”. Trong những ngày sắp chuyển dạ, mỗi khi đau bụng, động thai là các cô gọi “anh Toàn ơi, em sắp sinh rồi...”. “Mỗi lần chở họ đến bệnh viện, bác sĩ, y tá cứ tưởng mình là chồng. Nhiều lúc họ la “tại sao anh để vợ bị viêm nhiễm nặng vậy hả”, mình đành lí nhí giải thích...”, anh Toàn cười nói.

Trước khi rời chùa Diệu Pháp, sư Huệ Đức nắm chặt tay chúng tôi với lời nhắn nhủ: “Các cơ quan báo đài nên tuyên truyền để các cô gái trẻ đừng sống gấp hay yêu vội vàng mà mang khổ vào thân. Còn nếu lỡ có thai thì hãy về đây để chùa cứu lấy mầm sống chứ đừng phá thai, tội lắm”.