+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Thiện Nghiệp giữa đời thường

  1. #1
    DongTam
    Guest

    Thiện Nghiệp giữa đời thường

    Người đàn ông 8 năm tình nguyện dắt trẻ qua đường

    Đang làm bảo vệ với thu nhập ổn định ở một hợp tác xã tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đột nhiên ông Điều nghỉ việc, chuyển sang "nghề vác tù và hàng tổng" là đưa trẻ qua đường để đến trường an toàn.

    Ông Hồ Văn Điều ở xóm 6, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu đã làm một việc mà từ trước đến nay chưa ai nghĩ tới và cũng chưa có ai làm, đó là nhận đưa - đón các em học sinh qua đường quốc lộ 1A đến trường và về nhà.

    Một nhóm học sinh theo hiệu lệnh của ông Điều chuẩn bị qua đường.


    Trường tiểu học Quỳnh Văn B nằm giao cắt với quốc lộ 1A, nơi đây lại là khu chợ buôn bán lộn xộn nên trước kia chuyện các em học sinh mải chơi gặp tai nạn xảy ra như cơm bữa.

    Nhiều người dân cho biết, có thời gian nơi đây trở thành một điểm đen về tai nạn giao thông mà nạn nhân chủ yếu là học sinh. Đề tài nóng tới mức đi đâu người ta cũng bàn tán về những cái chết đau lòng của con em trong xã. Dân cũng từng nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương để tìm cách xóa điểm đen này.

    Rồi một hôm, xuất hiện người đàn ông với dáng vẻ khỏe khoắn, nước da ngăm đen tới đứng bên mép đường quan sát dòng xe cộ qua lại đồng thời hướng dẫn cho các em học sinh đi sang được an toàn. Đó chính là ông Điều. Ông tâm sự muốn làm việc không công này chỉ vì "chứng kiến cảnh tụi nhỏ gặp tại nạn liên tiếp thấy đau lòng quá".


    Ông Điều đang gom các em học sinh để chuẩn bị qua đường
    .

    Vậy là từ năm 2004, ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ học sinh đi học là ông lại đến trước, sau đó gom các em thành từng nhóm để dắt tay qua đường quốc lộ vào trường. Khi trống trường sắp tan học, ông lại xuất hiện với chiếc gậy trên tay và cái còi để thổi, nhìn trước nhìn sau, nếu không có xe cộ chạy qua là ra hiệu và thổi còi cho các em qua đường trở về nhà.

    Một tháng ba mươi ngày hầu như không khi nào ông vắng mặt. Trừ những lúc bận việc hay bị ốm, ông lại nhờ người khác ra làm giúp, những lúc đó các em học sinh luôn miệng hỏi ông Điều đâu rồi.

    Biết chồng mình đang làm cái việc đưa trẻ qua đường, vợ ông phản đối kịch liệt vì ông bỏ nghề bảo vệ là mất đi một khoản lương kha khá, anh em họ hàng cũng khuyên nhủ, bàn đủ mọi cách với ông nhưng ông không đổi ý. Thấy vậy, nhiều người xì xào cho là ông có vấn đề, hoặc "rảnh quá không biết làm gì". Nhưng ông không quan tâm, mà chỉ muốn gắng sức để làm được việc gì đó có ích cho xã hội. Ông cười, đôi mắt sáng ngời niềm vui lẫn tự hào khi kể về công việc này.

    Đưa hết nhóm học sinh này ông lại quay về gom nhóm khác
    .

    Mới đầu, ông Điều dùng một cành cây làm hiệu cho các xe đi qua. Đến năm 2009, ông được chính quyền xã cấp cho quần, áo đồng phục và dùi cui để thuận tiện cho công việc hằng ngày. Không chỉ đưa các em nhỏ qua đường, ông còn giúp cả những cụ già đi lại khó khăn hoặc người tàn tật theo cách tương tự.

    Và cũng từ khi có ông thì không có một vụ tai nạn nào xảy ra nữa. Mọi người bắt đầu nhìn ông với ánh mắt thiện cảm, biết ơn.

    Chị Nguyễn Thị Thanh, bán quán trước cổng trường tiểu học Quỳnh Văn B cho biết: “Giờ cứ hỏi đến ông Điều có lẽ ở đây ai cũng biết, ông ấy hiền lành mà tốt tính lắm, dân chúng tôi rất vui mừng và biết ơn ông, có ông mà con em địa phương đến trường luôn được an toàn. Giờ đây điểm đen về tai nạn ở ngã tư này đã bị xóa bỏ rồi”.

    Ông Lê Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho hay: "Việc ông Hồ Văn Điều tình nguyện dẫn trẻ qua đường đã gắn bó với người dân nơi đây được 8 năm rồi. Lúc đầu ông ấy làm tự nguyện, không có trình báo nên xã cũng không biết. Từ năm 2009, khi được nhiều người dân phản ánh và đề nghị nên xã đã mời ông lên và ký hợp đồng trả cho ông 500 nghìn đồng một tháng để hỗ trợ thêm. Việc làm của ông ấy là tấm gương sáng để mọi người noi theo”.

    Nắng đã lên cao, mồ hôi đã thấm đẫm ướt hết vạt áo, ông đưa vội cánh tay lên gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, vui vẻ bảo: “ Đối với tôi có lẽ việc đang làm bây giờ là niềm vui sướng nhất”.

  2. #2
    DongTam
    Guest

    Người sưởi ấm trái tim trẻ khuyết tật

    Bị tàn dư chiến tranh cướp đi đôi mắt, phải sống trong cảnh mù lòa, Đặng Ngọc Duy (SN 1976 ở phường Phước Hòa, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã nỗ lực vượt bậc vượt qua bóng đêm của số phận. Anh trở thành người thầy giáo khiếm thị đầu tiên ở Tam Kỳ có bằng đại học và là một trong 15 đại biểu của tỉnh Quảng Nam tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.


    VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

    Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Xóm Củi, năm 13 tuổi Ngọc Duy bị kíp nổ cướp đi ánh sáng của đôi mắt và một nửa bàn tay trái. Tưởng chừng như mọi ước mơ của tương lai đều đi vào ngõ cụt. Nhưng với khát khao cái chữ, mái trường, anh thúc giục ba mẹ đưa vào trường khuyết tật ở Đà Nẵng.

    Thời gian này, ngoài việc học Duy bắt đầu trải lòng trong các bài thơ. Một số tác phẩm của Duy được đăng trên Tạp chí Áo Trắng, Tuổi 18, Thiếu niên Tiền Phong... Năm 1995, dành dụm được ít tiền, Duy lặng lẽ đón xe vào Nha Trang sống một thời gian, sau đó đến TPHCM. Hai năm ở đây, Duy đã nếm trải tất cả những nghề dành cho người khiếm thị. Thời gian rỗi, anh đến các trung tâm dành cho người khiếm thị để học hỏi kinh nghiệm, khát khao trở thành thầy giáo.


    Những đứa trẻ trong lớp học đặc biệt...

    Trở về quê, Duy xin vào Trường THCS Nguyễn Huệ và Trường THPT Trần Phú để hoàn thiện bậc trung học và phổ thông. Dù mưa hay nắng, trên chiếc xe đạp cũ kỹ cô em gái học cùng lớp đều đặn chở anh trai đến trường. Miệt mài bên khung chữ nổi và nghe lại lời giảng của thầy cô trong cuốn băng cassette trong nhiều năm, cuối cùng Duy cũng bước vào được giảng đường của Trường Đại học Quảng Nam.

    Năm 2008, Duy cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá của khoa ngữ văn đi xin việc nhưng chẳng có nơi nào nhận. Quyết không bỏ cuộc, Duy vay mượn bạn bè và gom góp số tiền từ việc bán các tập thơ “Sắc màu âm thanh” do anh sáng tác, để tìm chỗ thuê nhà mở lớp học tình thương dành cho người khuyết tật. Đầu năm 2009, được Sở GD-ĐT Quảng Nam và Phòng giáo dục TP. Tam Kỳ thông qua, “cơ sở mái ấm Hướng Dương” (số 79 đường Tiểu La, TP.Tam Kỳ) bắt đầu mở cửa đón nhận trẻ khuyết tật.


    ... và tập thơ cho thầy Duy sự trải nghiệm tâm hồn

    CHỖ DỰA CHO TRẺ KHUYẾT TẬT

    Mái trường của thầy hiệu trưởng Đặng Ngọc Duy nằm ẩn sâu sau sự náo nhiệt của TP.Tam Kỳ. Hiện cơ sở đang nuôi dạy 16 đứa trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khác nhau. Trong đó nhiều em bị khiếm thị, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ... Điển hình là hai em khiếm thị Nguyễn Thị Sinh (11 tuổi), Hồ Thị Bình (10 tuổi là người Ca Dong ở huyện miền núi Bắc Trà My) và Ung Nha Hòa (23 tuổi, người Chăm) chậm phát triển trí tuệ do ảnh hưởng của chất độc màu da cam.

    Ngoài việc dạy, thầy Duy phải đi tìm nhà tài trợ kinh phí khoảng 10 triệu đồng/tháng để trả tiền thuê nhà, tiền lương giáo viên và tiền ăn cho các em. Hôm chúng tôi ghé thăm, thầy Duy đang hướng dẫn các em tập hát. Giọng hát nồng ấm của anh hòa cùng tiếng đàn guitar như sưởi ấm trái tim bất hạnh của lũ trẻ. Chỉ tay về phía lớp học, anh kể lại từng mảnh vỡ của những số phận không may mắn. Em Trần Thị Mỹ Lan (16 tuổi) mồ côi cha mẹ, bị khiếm thị và bại não. Lan với bà nội 85 tuổi sống qua ngày nhờ tấm lòng của những người hảo tâm. Trong một lần đi kiếm nguồn tài trợ, thầy Duy phát hiện và đưa Lan về mái ấm nuôi, dạy. Hiện Lan là “giọng ca vàng” của mái ấm. Cậu bé Huỳnh Thanh Bình (9 tuổi) mắc bệnh tự kỷ, lúc nào cũng cười và nhìn mọi người với ánh mắt ngơ ngác. Cha mẹ Bình bị bệnh nặng, khả năng lao động còn rất kém...

    Giờ đây, những mảnh vỡ cuộc đời đã ghép lại từ tấm lòng người thầy có trái tim nhân hậu. Gần bốn năm qua, thầy đã âm thầm truyền từng cái chữ, câu hát cho các em. Tháng 12-2010, Đặng Ngọc Duy là một trong 15 đại biểu của tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ mời tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

  3. #3
    DongTam
    Guest

    Hai vợ chồng già và hơn 800 ngôi mộ hài nhi

    Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng hàng ngày ông bà vẫn đi xin các thai nhi bị bỏ ở bệnh viện mang về mai táng. Biết được tấm lòng thơm thảo ấy, người dân địa phương đã hiến gần một hecta đất để ông bà thành lập nghĩa địa thai nhi. Sau gần bốn năm làm việc nghĩa, họ đã đưa hơn 800 cháu về đây chôn cất. Và cũng từ đây, nhiều đôi trai gái tưởng chừng đổ vỡ đã tái hợp…

    HƠN 800 NGÔI MỘ VÀ NHỮNG NỖI ĐAU

    Giữa cái nắng chói chang của Tây Nguyên, từ trụ sở UBND xã Đức Minh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông), len lỏi qua nhiều con đường ngoằn nghèo, bụi đất chúng tôi cũng đến được nhà ông bà Hà Văn Bài (SN 1937) và Hoàng Thị Lan (SN 1942). Trước mắt chúng tôi là cả một khu nghĩa trang thai nhi rộng chừng 1 hecta nằm yên ắng trên một ngọn đồi được bao bọc bởi những hàng cây xanh mát. Trên những ngôi mộ ngay ngắn, bé nhỏ đều được cắm một bông hoa xinh xắn. Người đàn ông dáng người nhỏ thó có khuôn mặt hiền hậu dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp bốn chỉ rộng chừng 20m2 vừa mới được xây xong, ngoài chiếc bàn thờ đặt trang nghiêm giữa nhà, nơi đây còn là không gian dành cho việc tẩm liệm thai nhi. Cạnh góc nhà là những chiếc tiểu sành làm bằng kính được ông Bài cắt tỉa, lắp ghép một cách cẩn thận. Ông nói cách đây hơn ba năm, khi nghĩa địa thai nhi chưa hình thành, vợ chồng ông phải mang các cháu về nhà ở dưới thị trấn để tẩm liệm rồi mang ra nghĩa địa người lớn để chôn nhờ. Biết việc làm của ông bà, người dân nơi đây đã hiến hơn 1 hecta đất để làm nơi chôn cất cho các cháu.


    Hàng ngày, bà Lan miệt mài chăm chút từng ngôi mộ

    Bà Hoàng Thị Lan kể lại: Đầu năm 2006, trong một lần đi khám bệnh tại TP. Hồ Chí Minh, bà chứng kiến nhiều học sinh, sinh viên đến bệnh viện xin bỏ thai. Lân la dò hỏi, một số em thú nhận với bà là do trẻ người non dạ, thiếu hiểu biết nên trót dại. Khi đó, trong đầu bà chợt lóe lên việc an táng những thai nhi vô tội. Nghĩ là làm, bà về bàn với gia đình và được chồng con hưởng ứng. Cả 8 người con và hai vợ chồng cùng bắt tay vào làm việc nghĩa. Tiếng lành đồn xa, chẳng bao lâu sau, nhiều giáo dân trong xã biết và đến nay, đã có khoảng 15 người thiện nguyện giúp đỡ công việc cùng chôn cất những hài nhi đặc biệt này. Mỗi thai nhi đưa về đây mang một số phận khác nhau. Có những bào thai đã thành hình nhưng vẫn bị phá bỏ, thậm chí vứt vào thùng rác, bụi cây. “Nhìn những thai nhi này, dù không biết con của ai nhưng tôi vẫn luôn coi chúng như con cháu của mình vậy” - ông Bài bộc bạch.

    Những câu chuyện dài về những thai nhi bất hạnh, bị bỏ rơi là nỗi buồn luôn ám ảnh khôn nguôi canh cánh trong lòng của ông Bài - bà Lan. Ông nhớ lại: Vào một ngày giữa năm 2009 trời mưa tầm tã, ông nhận được một cuộc điện thoại báo có một thai nhi bị vứt vào hố rác tại bệnh viện từ đêm qua. Nghe tin, ông tức tốc đến bệnh viện, bới tìm suốt một buổi trong vũng nước ngập và rác hôi thối nhưng không thấy. Đi về được nửa đường, ông quyết định quay trở lại. Thêm 2 giờ vật lộn với rác và nước, cuối cùng ông cũng tìm được thai nhi đem về an táng.

    Chỉ vào ngôi mộ vừa mới được chôn cất xong, bà Lan bảo: Đây là thai nhi thứ 820 được chôn cất tại đây. Sống hơn nửa thế kỷ, tôi chỉ có một ước nguyện là được dồn hết tâm sức cứu rỗi, sưởi ấm cho những thai nhi bé bỏng cô đơn, bất hạnh này đến cuối đời.


    Ông Bài làm những chiếc tiểu sành để chôn cất thai nhi

    NƠI HÀN GẮN NHỮNG MỐI TÌNH ĐỔ VỠ

    Những ai đã đến nghĩa trang của ông bà khi ra về hẳn đều mang trong mình nhiều cảm xúc. Số phận những đứa trẻ không có cơ hội làm người ấy giờ đây được trái tim nhân hậu của ông bà và nhiều người nhân đức bao bọc, chở che. Và cũng chính giữa nghĩa trang thai nhi này đã hàn gắn lại nhiều tình cảm tưởng chừng đổ vỡ, những đôi bạn trẻ đã về sống với nhau nên chồng nên vợ.
    Ông Bài kể, đầu năm 2010, cứ mỗi khi chiều xuống, lại có một cô gái xuất hiện ở nghĩa trang thai nhi; cùng lúc ấy có một thanh niên cũng thường đến đây. Sau nhiều lần gặp nhau, từ lạnh nhạt họ đã nở những nụ cười đầu tiên và cuối cùng họ cưới nhau. Hỏi ra ông được biết đôi bạn trẻ vốn học cùng trường, cùng lớp và yêu nhau. Xuất phát từ nguyên nhân gia đình, đôi bạn không thể đến được với nhau nên cái thai trong bụng cô gái bị phá bỏ. Biết con mình được chôn nơi đây, họ đã tìm đến ăn năn, sám hối. Tấm lòng của họ cuối cùng cũng được cha mẹ hai bên cảm thông.

    Câu chuyện thứ hai xảy ra vào năm 2008, khi bà Lan đi thăm nuôi người nghèo tại bệnh viện gặp một cô gái đi phá thai. Tình cảnh cô gái thật tội nghiệp: Cô gái mắc bệnh quáng gà, khờ khạo và không có khả năng nuôi con. Bà Lan đã can ngăn, khuyên bảo và đưa cô gái xuống TP. Hồ Chí Minh nuôi đến ngày sinh nở rồi lại đưa cô trở về Đắk Mil. Một ngày, người cha của đứa bé biết tin đã quay lại xin cưới cô gái.

    Bà Lan trăn trở: “Mỗi người có một hoàn cảnh nhưng đau lòng nhất là những người có ăn, có học nhưng vì công việc, lễ giáo gia đình, dù họ không muốn nhưng buộc phải bỏ đi “núm ruột” của mình. Ở đây có tới 820 thai nhi nhưng chỉ có khoảng 20 người đi tìm lại con mình, họ khóc lóc, hối hận vì việc đã làm; còn đa số một đi không trở lại. Tôi hy vọng lớp trẻ hãy sống chín chắn hơn...”.

    Lúc chúng tôi rời nghĩa trang, ở phía xa có một người phụ nữ trẻ tuổi đang ôm một ngôi mộ nhỏ khóc dấm dứt. Bà Lan cho biết, thỉnh thoảng vẫn có những người mẹ đến đây “sám hối” như thế. Không phải ai nạo phá thai cũng là người vô đạo, mà do những hoàn cảnh khác nhau, người ta phải cắn răng làm việc như vậy. Chúng tôi chợt nghĩ, hóa ra khu nghĩa trang của ông bà và những người hảo tâm xây dựng đâu phải chỉ dành cho những hài nhi vô tội không có cơ may được sống, nghĩa trang còn là nơi để người sống sám hối, ăn năn và hành động tích cực hơn.

  4. #4
    Totha_Lien
    Guest

    Re: Thiện Nghiệp giữa đời thường

    Bà lão 74 tuổi dạy chữ cho trẻ bụi đời

    Chứng kiến những đứa trẻ bụi đời, bán vé số ước ao được đi học nhưng không có điều kiện đến trường, bà Lữ Thị Lệ Nương (74 tuổi, ở quận 7, TP HCM) đã đưa các em đến lớp học của mình để dạy chữ.
    http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/...o-tre-bui-doi/

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình