Vì có nhiều người thắc mắc việc Ðạo Phật biến mất trên đất Ấn Ðộ, nơi nó đã ra đời và lớn mạnh đến tuyệt đỉnh. Do đó, chúng tôi xin dịch bài này của tác giả là một người Ấn Ðộ, cũng là một người trưởng thành trong xã hôị Ấn Ðộ Giáo, dưới quan điểm của một học giả hiện đại để cống hiến qúy vị.

Sự biến mất của Ðạo Phật ở Ấn Ðộ, nơi nó đã được sinh ra, trưởng thành và đạt đến những thành tựu cao nhất, là một hiện tượng đáng ngạc nhiên và đau lòng. Thế nào và tại sao Ðạo Phật đã không tồn tại lâu dài trong những người gần gũi nhất với nó là một vấn đề khó hiểu với nhiều ý kiến bất đồng. Quan điểm chung của các nhà học giả Ấn Ðộ là sự xao lãng và sa đọa trong đời sống Ðạo Ðức và Tâm Linh của giới tu sĩ Phật Giáo, Tăng cũng như Ni. Tuy nhiên nhìn dưới ánh sáng lịch sử, việc cho rằng sự xuống dốc về đạo đức của hàng ngũ Tăng Già Phật Giáo dường như là chuyện hoang đường không có những bằng chứng xác đáng. Nói như Swami Vivekananda rằng: Phật Giáo phải chết, một cái chết tự nhiên trên đất Ấn Ðộ vì những đệ tử của Phật đã từ bỏ đấng Thượng Ðế vĩnh hằng ra khỏi đất nước cũng không đúng. Nếu đó là lý do thì tại sao Kỳ Na Giáo đã tồn tại trên đất Ấn khi Mahavira cũng không thừa nhận Thượng Ðế là đấng Tối Cao. Tín đồ Kỳ Na Giáo, cũng giống như Phật Giáo, không thừa nhận thẩm quyền của kinh điển Vệ Ðà. Vì vậy, đó không phải là lý do suy tàn của Phật Giáo trên đất Ấn.

Theo quan điểm của chúng tôi, Phật Giáo đã chết một cái chết không tự nhiên, và những nguyên do đưa đến sự biến mất của nó là những nguyên do bên ngoài hơn là bên trong. Không chỉ thế, một chiến dịch có hệ thống và tính toán đã được tiến hành vì quyền lợi ích kỷ của người Bà La Môn Giáo đã đẩy Phật Giáo ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của nó. Lý do là vì Ðức Phật đã lên án chế độ giai cấp và nhấn mạnh vào sự bình đẳng của mọi người. Trong khi đó tín đồ của Bà La Môn bằng mọi cách bảo vệ hệ thống giai cấp để bám lấy những ưu đãi của họ trong sự phân chia giai cấp đó, nhưng tín đồ Phật Giáo, không giống như tín đồ Kỳ Na Giáo, không chịu thỏa hiệp trên vấn đề nầy. Ðiều nầy đã đưa đến mâu thuẩn. Người Bà La Môn một mặt phát động chiến dịch chống Phật Giáo, ngược đãi tín đồ Phật Giáo, một mặt đem những điểm tốt của Phật Giáo vào hệ thống của họ để thuyết phục quần chúng. Những yếu tố ngoại tại, cộng với một vài sai lầm nội bộ đã nhanh chóng làm Phật Giáo suy tàn tại Ấn Ðộ.

XUNG ÐỘT GIỮA BÀ LA MÔN VÀ PHẬT GIÁO
Trước khi có Phật Giáo, Ấn Ðộ chưa từng biết đến những đạo lý về bình đẳng và tình huynh đệ. Theo Nguyên Nhân Ca(Purusha Suka) của kinh Lê Câu Phệ Ðà(Rig Veda), chủng tộc Bà La Môn sinh ra từ miệng, chủng tộc Sát Ðế Lợi (Kshatriya) sinh ra từ tay, chủng tộc Phệ Xá(Vaishya) sinh ra từ đùi, và chủng tộc Thủ Ðà La(Sudra) sinh ra từ bàn chân của Brahma là Thần Sáng Tạo. Xã hội này đặt nền tảng trên nguồn gốc thần thoại Chaturvarna và được quy định bằng nguyên lý phân biệt giai cấp; giai cấp Bà La Môn được xếp hàng đầu, tiếp đến là giai cấp Sát Ðế Lợi, Phệ Xà, và Thủ Ðà La là thấp nhất. Quy luật về sự phân biệt giai cấp cũng quy định những quyền lợi và ưu thế của họ. Ngay cả những hình phạt về sự phạm tội cũng được đặt trên nền tảng khác biệt giai cấp. Người Bà La Môn sẽ bị hình phạt nhẹ nhất và người thuộc giai cấp Thủ Ðà La sẽ bị hình phạt nặng nhất. Như vậy, toàn bộ cơ cấu xã hội được đặt trên nguyên tắc bất bình đẳng.

Ðức Phật đã làm một cuộc cách mạng chống lại những luật lệ xã hội áp bức đó và lên án hệ thống giai cấp. Ngài không thừa nhận nguồn gốc linh thiêng của giai cấp, và chứng minh sự dối trá của giai cấp Bà La Môn khi tuyên bố rằng họ sinh ra từ miệng của Brahma. Ngài bác bỏ lời tuyên bố của người Bà La Môn, họ cho rằng chỉ có họ mới có thể đạt đến những đức hạnh tâm linh, và khẳng định rằng người trong bất kỳ giai cấp, màu da hay tín ngưỡng nào đều có thể phát triển trong tâm họ những đức hạnh đó. Ngài còn đi xa hơn nữa:

- Hãy làm cho không còn ai, nam hay nữ, bất kỳ thuộc nền tảng kinh tế xã hội nào, bị cản trở trên con đường đạt đến sự toàn thiện. Ðó là quyền của mỗi người, khả năng bên trong của mỗi người, và sự toàn thiện đó có thể đạt đến do sự cố gắng không ngừng của riêng mỗi người, không do sự giúp đỡ của một tha nhân, thần thánh hay siêu nhiên nào.

Ðức Phật còn dạy rằng: Tất cả mọi người đều giống nhau, nếu phân chia họ ra một cách nhân tạo là hành động điên rồ. Trong kinh Vesttha, Ngài nói rằng: Trong đời sống của loài thú có những sự khác biệt dựa trên những đặc tính nền tảng khác nhau. Trong đời sống của các loài cây cỏ cũng vậy. Nhưng không có những sự khác biệt như thế trong sự phân loại loài người thành những ngăn kín, vì nhân loại là một và có cùng những đặc tính như nhau. Vì vậy, Ðức Phật khẳng định một cách dứt khoát: Giá trị là đặt nền tảng trên những hành động, chứ không phải trên sự sinh ra, một sự việc vô tình, không phải là thước đo con người. Ngài cũng bước những bước cụ thể trong việc nhổ tận gốc sự tệ hại của giai cấp. Những bước đó là: Phơi trần huyền thoại về nguồn gốc thượng đẳng do người Bà La Môn tuyên bố về họ; khuyến khích giai cấp thấp bằng cách thọ trai tại nhà họ; và chấp nhận những người thuộc giai cấp thấp xuất gia và được coi ngang hàng với những người khác trong hàng ngũ Tăng Già. Hô hào các Tỳ Kheo quên giòng giống giai cấp của họ, một lần Ðức Phật nói: Này các thầy, giống như những giòng sông, sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarasvati, và sông Mahi khi chúng đều chảy về biển lớn. Cũng như vậy, này các thầy, bốn giai cấp: Bà La Môn, Sát Ðế Lỵ, Phệ Xá, và Thủ Ðà La khi họ đi theo giáo pháp và giới luật của Như Lai, họ từ bỏ những khác biệt của giai cấp và sắp hạng, và trở thành những phần tử của một khối duy nhất và đồng nhau.

Ở Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch, người Bà La Môn giáo tìm sự cứu rổi và giải thoát bằng những tế lễ hy sinh, người theo đạo Kỳ Na và Ajivaka tế lễ bằng sự tự hành hạ thân xác. Ðức Phật trái lại dạy đệ tử của Ngài vượt qua biển khổ luân hồi bằng cách đem sự tốt đẹp cho chúng sanh khác, thay vì làm hại họ hay hại chính bản thân mình. Ngài dạy con đường đi đến Niết Bàn bằng những phương tiện:

1- Tự điều khiển, tự tiết chế, và giảm thiểu những đam mê;

2- Mở lòng thương yêu tất cả mọi loài, người, chim muông, thú vật; và

3- Giúp đỡ người nghèo yếu.

Ngài cũng nhấn mạnh:

a- Cơ hội bình đẳng cho mọi người;

b- Thân thế bình đẳng cho mọi người;

c- Tự do tư tưởng; và

d- Tình huynh đệ toàn khắp.

Khi Ðức Phật giảng Giáo Pháp của Ngài, nó lôi cuốn quần chúng ở khắp mọi giới; giàu và nghèo, cao sang và thánh thiện, thấp thỏi và hạ tiện. Những người thuộc giai cấp Bà La Môn cũng không bị bỏ rơi. Thật vậy, phần lớn các đệ tử thân cận của Ðức Phật là những người thuộc giai cấp Bà La Môn. Ngay cả về sau, một số những ngọn đuốc dẫn đầu trong Ðạo Phật là những vị từ Bà La Môn quay về. Trong những thế kỷ tiếp sau, giáo lý xã hội của Ðức Phật đã tạo một sức đẩy làm xã hội Ấn Ðộ tiến lên, và những giai cấp thấp xác định quyền bình đẳng của họ, vì vậy mà tín đồ Bà La Môn đã quay lại chống đối Phật Giáo.