4. Sự thật thứ tư là sự thật VÔ NGÃ. Đây là sự thật rốt ráo nhất mà người Phật tử cần giác ngộ để chấm dứt hoàn toàn khổ đau. Nếu các lãnh tụ trên thế giới cũng giác ngộ được sự thật này thì có lẻ chiến tranh sẽ không còn tồn tại trên quả đất này. Vì không còn sự xung đột giữa các phe nhóm quốc gia, hay tôn giáo.

Sự thật VÔ NGÃ nói rằng cái gọi là “TA” chỉ là một ảo tưởng (illusion) không thực có. Đây là một sự thật rất khó tin, khó lãnh hội, vì nó trái ngược lại với những hiện tượng “Ngã” mà ai cũng thấy hằng ngày. Sự thật VÔ NGÃ càng khó tin hơn chuyện ngày xưa khi ông Galileo tuyên bố với đức Giáo Hoàng về sự thật “quả đất đi quanh mặt trời” chứ không phải “mặt trời đi quanh quả đất”.

Tuy nhiên, một người trí tuệ có thể giác ngộ sự thật vô ngã qua sự khảo sát chính mình từ ngoài vào trong, bằng tinh thần khách quan của một nhà khoa học. Phương cách khảo sát này đạo Phật gọi là TỨ NIỆM XỨ. Khi thực hành TỨ NIỆM XỨ trước hết ta sẽ khám phá ra rằng “Ta” hoàn toàn được tạo thành bởi những thứ “không ta”. Những thứ “không ta” tạo nên ta và tạo nên sự sống của ta. Ví dụ NƯỚC, ví dụ MẶT TRỜI. Không thực sự có một biên giới giữa “ta” và “không ta”.

Ta thật sự không là chủ nhân của bất cứ thứ gì, ngay cả cái thân xác của mình. Bởi thế dầu ta không muốn bị già thân vẫn cứ già, dầu ta không muốn bị bệnh thân vẫn bệnh, dầu ta không muốn chết, thân vẫn cứ chết. Tất cả những gì gọi là của ta đều là của bên ngoài và luôn luôn biến đổi theo nhân duyên với những thứ bên ngoài khác. Cho nên khi khảo sát cho thật kỷ những gì gọi là của ta thì sẽ giác ngộ ra rằng “Ta không có gì cả”, “Ta không là bất cứ thứ gì cả”. Mà khi ta không là gì cả thì không còn ai chịu sinh, lão, bệnh, khổ.

Trong trí tuệ vô ngã, ta có thể chứng nghiệm “Ta ở ngoài tất cả”. Đó gọi là giải thoát tuyệt đối. Vì ở ngoài tất cả cho nên ta có khả năng thấy được tất cả. Như vậy chính xác thì phải nói rằng “Ta thấy mọi cảm thọ, chứ không phải ta cảm thọ”. Điều đó có nghĩa là “ta thấy sự khổ đau” chứ không phải “ta khổ đau”. Đó là lý do Niết bàn (chấm dứt sự khổ) của đạo Phật có thể hiện diện ngay trong sự Khổ.

Trên quan điểm hòa bình cho thế giới thì một nhà lãnh tụ ít lắm cũng cảm nhận được sự thật VÔ NGÃ qua sự thật: Quả đất chưa hề có lằn ranh ngăn cách giữa các quốc gia. Như vậy thì tại sao loài người lại tự ngăn cách nhau để rồi trở thành ích kỷ và tranh giành, để sinh ra chiến tranh?

Đúng ra, mọi con người đều phải là “công dân chung của cả thế giới” (world citizen). Tất cả quả đất đều phải là quê hương rộng lớn của ta. Nếu ta không phải là kẻ tội phạm, ta phải có quyền đi lại bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu thân yêu này. “Quyền công dân thế giới” phải được công nhận ít lắm là cho các nhà khoa học, các thương gia, các kỷ nghệ gia, các nhà lãnh tụ, không có tinh thần kỳ thị chủng tộc, vì họ đã làm lợi ích cho toàn thể nhân loại.

Nếu lãnh tụ các quốc gia có trí tuệ “Vô Ngã” thì tinh thần ích kỷ quốc gia sẽ giảm bớt, sẽ không lạm dụng sức mạnh của mình để lấn áp các quốc gia khác. Với tinh thần Vô Ngã họ sẽ thương yêu và xây đắp hoà bình, an vui, phồn thịnh, cho các dân tộc láng giềng như cho chính dân tộc của mình. Họ có thể dễ dàng đồng thuận với Liên Hiệp Quốc thành lập một chính phủ chung cho toàn thể nhân loại.

Khi cả thế giới đều đã sống chung trong một đại gia đình để không còn biên giới giữa các quốc gia, thì thế giới sẽ hết cảnh các nước lớn tham lam ăn nuốt các nước nhỏ. Các nước nhỏ do đó cũng sẽ hết sân hận thù hằn các nước lớn. Những phí tổn lớn lao cho chiến tranh, cho quân đội, sẽ đem dùng cho các mục tiêu Hòa bình. Toàn nhân loại sẽ cùng cọng tác Trí tuệ tài lực để chấm dứt sự đói nghèo và bệnh hoạn ở trên quả đất này.

Quả đất do đó sẽ thành chốn “địa đàng” cho tất cả mọi dân tộc. Đó là nguồn hạnh phúc lâu bền mà các vị lãnh đạo có thể tạo dựng cho các con cháu sau này. Đó là một nguồn hạnh phúc lớn lao và có ý nghĩa hơn bất cứ một “đế quốc” nào có thể ban cho. Đó là nguồn hạnh phúc thuần khiết không gây ra đau thương và hận thù với các quốc gia khác.

USA, Ngày Phật đản 2011.
GS001

st