LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỌN CHO MÌNH
MỘT TÔN GIÁO CHÂN CHÍNH?
Hòa thượng K. Sri Dhammananda - Phước Lượng dịch

Đạo Phật là một tôn giáo dạy cho người ta hiểu được, rằng con người không phải vì tôn giáo mà tôn giáo phải là công cụ để phục vụ lợi ích con người (man is not for religion but that religion is for man) để tạo ra tính hữu dụng của nó.

Thời Đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ có một không khí sinh hoạt hào hứng trong lĩnh vực tri thức. Thời ấy, một số những nhà trí thức lỗi lạc bậc nhất mà thế giới đã từng được biết đến, tham gia năng động vào các cuộc tranh luận tôn giáo. Những vấn nạn như: Có tồn tại một Sáng tạo chủ chăng? Có phải không có một Sáng tạo chủ? Có hay không một linh hồn tồn tại? Có phải thế giới không có sự khởi đầu hay có một sự khởi đầu?, là một số chủ đề được tranh luận sôi nổi bởi những bậc tài trí thiện xảo nhất thời bấy giờ. Và dĩ nhiên cũng như ngày nay vậy, mỗi người đều tuyên bố rằng chỉ có họ là có đủ thẩm quyền để trả lời, và bất cứ ai không theo họ thì sẽ bị trừng phạt và có thể bị đọa vào địa ngục! Tất nhiên mọi nỗ lực tìm cầu chân lý như vậy chỉ để tạo thêm sự mê muội mà thôi. (Bấy giờ) có một nhóm những thanh niên trẻ nhiệt tâm kêu gọi người dân làng Ka-la-ma đến tham kiến Đức Phật và trình bày với Ngài về những hoang mang của họ. Họ hỏi Ngài, người ta nên làm gì trước khi chấp nhận hay từ chối một lời dạy.

Lời khuyên của Đức Phật như đã được ghi lại trong bài kinh Ka-la-ma là không nên chấp nhận bất kỳ một điều gì, chỉ vì điều đó được dựa vào truyền thuyết, truyền thống hay được đồn đại. Thường thì người ta phát khởi niềm tin sau khi nghe người khác. Họ chấp nhận một cách thiếu suy nghĩ những gì mà người khác rao giảng về tôn giáo hay những gì được thuật lại trong kinh điển của họ. Hầu hết người ta hiếm khi chịu khó để thẩm xét, tìm hiểu xem liệu những gì được nói đến là chân thật hay hư vọng. Thái độ hời hợt này rất là khó hiểu, đặc biệt trong thời hiện đại này, khi có một nền giáo dục khoa học dạy người ta đừng bao giờ chấp nhận bất kỳ một điều gì mà điều đó không thể được giải thích một cách hợp lý. (Vậy mà) ngày nay vẫn có rất nhiều thanh niên có học thức (cũng) chỉ biết dùng cảm tính hay lòng sùng tín của họ mà không sử dụng ý thức, lý trí.

Trong bài kinh Ka-la-ma, Đức Phật đưa ra lời khuyên hết sức phóng khoáng cho những thanh niên biết thế nào để chấp nhận một tôn giáo bằng thái độ lý trí. Khi những người trẻ này không thể quyết định làm sao để chọn một tôn giáo chân chính, họ liền tìm đến Đức Phật để thỉnh cầu lời khuyên nhủ. Họ thưa với Ngài rằng vì có nhiều nhóm tôn giáo giới thiệu tôn giáo của mình theo nhiều cách khác nhau, nên họ bị hoang mang và không thể hiểu được đâu là sự thật. Những thanh niên này có thể được mô tả theo thuật từ hiện đại như là những nhà tư tưởng phóng khoáng hay những người tìm cầu chân lý. Đó là lý do tại sao họ quyết định thảo luận vấn đề này với Đức Phật. Họ thỉnh cầu Ngài chỉ ra cho họ một số hướng dẫn để giúp họ tìm được một "tôn giáo lý trí" mà qua đó họ có thể tìm thấy được chân lý.

Để đáp lời thỉnh cầu thành khẩn của họ, Đức Phật không tuyên bố, rằng giáo pháp là lời dạy có giá trị duy nhất và bất cứ ai tin vào một điều gì khác sẽ đọa vào địa ngục. Thay vào đó, Ngài đưa ra một số lời khuyên để họ tự suy ngẫm. Đức Phật chưa bao giờ khuyến tấn người ta chấp nhận một tôn giáo chỉ dựa vào đức tin duy nhất, ngược lại Ngài khuyên họ nên thẩm xét và tìm hiểu sự tình mà không nên có tâm thành kiến. Ngài cũng không khuyến khích người ta chỉ dùng cảm tính và lòng sùng kính mộ đạo dựa trên đức tin mù quáng để chấp nhận một tôn giáo. Đó là lý do tại sao tôn giáo được y cứ trên lời dạy của Ngài thường được mô tả là một "tôn giáo lý trí"(rational religion). Nó cũng được biết đến như là một "tôn giáo khai phóng và khoa học" (freedom and reason). Chúng ta không nên chấp nhận bất kỳ điều gì chỉ bằng đức tin và cảm tính để hành trì theo một tôn giáo. Chúng ta không nên chấp nhận một tôn giáo chỉ vì tôn giáo ấy xoa dịu nỗi lo sợ khờ khạo của chúng ta về những gì sẽ xảy đến với chúng ta khi chúng ta chết hoặc bị đe dọa với hỏa ngục nếu chúng ta không chấp nhận lời dạy này hay lời dạy kia. Tôn giáo phải được chấp nhận bằng sự lựa chọn tự do. Mỗi người nên chấp nhận một tôn giáo bằng sự hiểu biết mà không phải vì luật lệ được áp đặt bởi uy lực cai trị của kẻ cầm quyền hay quyền lực siêu nhiên. Cần phải có một niềm tin có lý trí và mang tính cách cá nhân đối với tôn giáo được chấp nhận.

Người ta có thể tạo ra bất kỳ lời tuyên bố huyênh hoang về tôn giáo của họ bằng cách thổi phồng hàng loạt những sự kiện nhằm gây ảnh hưởng đến người khác. Sau đó họ có thể quảng bá chúng như là những bức thông điệp thánh thiện để cổ xúy đức tin và thuyết phục. Nhưng chúng ta cần phải đọc những chủ đề này với đầu óc phân tích bằng cách dùng ý thức khách quan và sức mạnh lý trí. Đó là lý do mà Đức Phật khuyên chúng ta đừng nên vội vàng chấp nhận bất cứ điều gì thuộc về truyền thuyết, truyền thống, hay chỉ là truyền tụng. Con người thực hành một số truyền thống được y cứ vào tín ngưỡng, tập tục hay lối sống cộng đồng nơi họ đang sống. Tuy nhiên, một số truyền thống lại rất quan trọng và có ý nghĩa. Do vậy, Đức Phật không phải hoàn toàn phản đối tất cả mọi truyền thống, mà Ngài khuyên chúng ta nên cẩn thận thẩm xét, liệu một sự thực hành nào đó có ý nghĩa hay không. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng có một số truyền thống trở nên cổ hủ, lỗi thời và vô nghĩa sau một giai đoạn tồn tại. Điều này có thể là vì có rất nhiều những truyền thống được giới thiệu và thực hành bởi con người sơ khai, khả năng hiểu biết về cuộc đời và thiên nhiên của họ vào thời kỳ ấy hết sức giới hạn. Tuy nhiên ngày nay, khi chúng ta dùng học vấn và kiến thức khoa học hiện đại về vũ trụ, chúng ta sẽ hiểu rõ được bản chất tín ngưỡng của họ. Tín ngưỡng mà con người sơ khai thực hành liên quan đến mặt trời, mặt trăng và các vì sao, địa cầu, gió mưa, sấm chớp, động đất được dựa vào các nỗ lực của họ để giải thích những hiện tượng kinh hãi bề ngoài này. Họ tuyên truyền những hình ảnh và sự kiện ấy như là những vị thần hay các hành động của một vị thần với quyền năng siêu nhiên. Bằng kiến thức khoa học hiện đại ngày nay, chúng ta có thể lý giải thích đáng những hiện tượng thiên nhiên kinh hãi ấy. Điều này lý giải tại sao Đức Phật dạy, "Đừng vội chấp nhận những gì chỉ được nghe nói. Đừng nỗ lực chứng minh hành vi phi lý của mình bằng cách nói rằng đây là truyền thống của chúng ta và bắt buộc chúng ta phải chấp nhận nó". Chúng ta không nên tin vào tín lý dị đoan hay giáo điều chỉ vì thế hệ đi trước đã tin. Đây không phải muốn nói rằng chúng ta không biết tôn trọng thế hệ đi trước, nhưng chúng ta cần phải thích ứng với thời đại. Chúng ta nên duy trì những tập tục tín ngưỡng tương hợp với quan điểm và giá trị của thời đại, và nên từ bỏ điều gì thấy không cần thiết hay không còn thích hợp bởi vì thời gian đã thay đổi. Bằng lối tư duy này, chúng ta sẽ có thể sống một cuộc đời tiến bộ và lành mạnh hơn (richer lives).