Lời Thưa Đầu: Đây là bài mà chúng tôi đã đúc kết lại từ sự cảm nhận trong lúc thực hành tĩnh tâm qua những cơn buồn dai dẳng kéo dài nhiều năm của mình. Mặc dù nó được viết ra cách nay khoảng 10 năm (2000), nhưng đến bây giờ chúng tôi thấy vẫn không thể chỉnh sửa được nữa, vì thế chúng tôi đành để nguyên và gởi đến trang nhà daophatngaynay. Mong đây như là một tài liệu để quý vị hành Thiền có thể tham khảo, cũng như bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” trước kia . Nói một cách chính xác hơn, bài nầy chính là sự đúc kết từ câu chuyện “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” lúc trước. Gởi bài nầy, chúng tôi hi vọng nó sẽ giúp ích được phần nào, hoặc đóng góp thêm kinh nghiệm cho những vị hành Thiền trên con đường hành trì của mình. Hi vọng vậy lắm thay! Nguyên Thảo kính cẩn.

(LTG): Viết bài này là một sự mạo muội rất to lớn của tôi, nhưng có lẽ Bạn cũng thông cảm, vì đây chỉ là những ý nghĩ vừa có tính cách phân tích vấn đề, vừa có tính đóng góp về một cách thức, một phương pháp Thiền, hầu giúp cho Bạn kiện toàn được phương thức Thiền của mình để chóng đạt kết quả. Thú thật, tôi chẳng phải là một nhà tu, cũng chẳng là một hành giả về Thiền, mà chỉ là một nông dân tầm thường có nhiều bất hạnh, gặt hái “được” rất nhiều phiền não, tôi đã cố gắng khuất phục hoàn cảnh của mình bằng hình thức tĩnh tâm. Nhưng không ngờ kết quả vượt quá mức tưởng tượng của tôi và sau đó tôi đã hiểu được ít nhiều một số giáo lý của Phật giáo một cách dễ dàng hơn xưa. Tuy vậy, tôi đã từ lâu không dám kể, hoặc nói cho người khác biết, vì những điều ấy rất là trừu tượng khó mà chứng minh. Mãi đến khi Ban Chấp Hành Hội Nông Gia ở Virginia (Nam Úc Đại Lợi) phát hành Bản Tin Nông Gia 1. Nhân đọc bài "Luật Nhân Quả" của một bạn đồng nghiệp, tôi cảm thấy hứng thú và bắt đầu viết ra bài "Thiền Là Gì?" trong Bản Tin Nông Gia 2, mục đích là góp phần vào nội dung của Bản Tin, hai là giúp phần nào cho bạn đồng nghiệp trút bớt sự âu lo, suy nghĩ, nỗi khổ nhọc của nghề, hầu tạo cho cuộc sống được thoải mái hơn. Do đó, nhan nhản trong nội dung của bài đều có nói về nghề nông tôi hy vọng điều ấy không làm cho Bạn cảm thấy khó chịu. Và sau cùng, tôi cũng mong Bạn đọc bài này như một tài liệu tham khảo để rút tỉa những điểm, những điều kinh nghiệm bổ khuyết cho phương thức của chính mình. Đồng thời tôi xin được Bạn góp ý bổ khuyết những sai lầm trong bài mà tôi đã viết ra. Chân thành cảm tạ Bạn rất nhiều...

oOo

I. Thiền Là Gì?

Thiền là gì? Trong một tâm trạng yên lặng, để tâm hồn lắng xuống, bỏ mọi suy nghĩ, ưu tư, phiền não, trong một tư thế yên tỉnh không động đậy, mắt nhắm lại. Đó có phải là Thiền hay không bạn nhỉ? Có thể là như vậy. Điều ấy có ích gì không? Nếu bạn là người làm việc mệt nhọc, với những lúc đầu óc căng thẳng hay những ưu tư to lớn hoặc những biến cố đột ngột làm bạn chao đảo, bạn cứ thử coi! Kết quả sẽ như thế nào? Bạn sẽ có câu trả lời cho chính Bạn.

Riêng tôi ở đây, chỉ lạm bàn cho vui về một đề tài, cũng giống như khi chúng ta cùng ngồi lại uống trà, rượu hay cà phê rồi đấu láo về một mẩu chuyện, một đề tài để góp phần nội dung cho bản tin ngành nghề của chúng ta vậy thôi! Bạn có quyền chỉ trích "nặng nhẹ" hay Bạn cũng có thể gật gù "đọc thấy vui vui". Đàng nào tôi cũng xin cám ơn Bạn trước. (xin lỗi các vị cao niên về từ "Bạn")

Quả thật từ lâu từ ngữ "Thiền" đã thành vấn đề lớn. Đã bao nhiêu quyển sách viết ra, đã bao nhiêu hệ phái, đã bao nhiêu ông thầy thu nhận rất nhiều đệ tử, và đã lôi cuốn biết bao người sống trong thế giới này. Và ngược lại, cũng có bao nhiêu chuyện buồn vui, cười ra nước mắt hay trở thành bi thảm cũng vì Thiền.

Thực ra, Thiền có phải là độc quyền của Phật giáo hay không? Hình như là không phải vậy! Thiền không biết có từ lúc nào, nhưng Phật Thích Ca ngộ được chân lý cũng từ Thiền. Rồi từ đó Ngài mới nói đến giáo lý của Ngài, mới hướng dẫn cho người đi sau. Bạn đừng quên cái ý nhắc nhở của Ngài: Nhìn theo ngón tay Ngài chỉ, Bạn sẽ thấy được mặt Trăng, chứ ngón tay của Ngài không phải là mặt Trăng.

Vấn đề tâm linh quả là sâu thăm thẳm. Sự tìm cầu đến đó thì muôn nẻo (84 vạn pháp môn). Mỗi hệ phái có một cách riêng, và mỗi con người trong cùng hệ phái lại cũng có cách riêng, mặc dù sự sai biệt đó không lớn lắm. Sự tận cùng của sự nhận biết của tâm linh đối với người thường (đối với người thường) là cái chết. Khi bỏ cái xác nầy ra, thì Tâm Linh sẽ hiển lộ. Nhưng, lúc đó người đã chết làm sao nói lại điều nhận thức của họ, và chúng ta làm sao thấy họ để họ diễn tả cho chúng ta biết. Thế là, trong xã hội nẩy sinh ra hệ phái thầy cúng, thầy pháp, bùa phép, cầu hồn vân vân... Có một số người gọi là "chết đi sống lại" họ kể những điều hư hư, thực thực. Bạn có tin không? chắc có lẽ "nửa tin nửa ngờ" vì Bạn chưa hề được thấy!

Vậy thì, Bạn cứ Thiền đi? Nhưng, tôi mách nhỏ cho Bạn biết nhé! Bạn đừng tìm cầu cao xa, Bạn cứ lấy Thiền làm phương tiện giúp Bạn có được những giây phút thoải mái, quên hết mọi thứ, quên hết mệt nhọc, quên hết mọi phiền não, hoặc rắc rối, biến động lớn lao trong cuộc sống. Rồi dần dần sự Thiền của Bạn sẽ được Định, thì lúc đó từ từ qua Thiền Định Bạn có thể có được Trí Huệ. Với Trí Huệ Bạn có thể hiểu được Chân Lý và Bạn sẽ hiểu được tại sao "Pháp vốn là Vô Pháp"

II. Với Thiền, Ta Sẽ Được Những Gì?


Bạn đã có khi nghiên cứu rất nhiều về Thiền, Bạn đọc sách Thiền, Bạn hành Thiền hay đôi vài lần Bạn được nghe nói về Thiền, nhưng Bạn có nghĩ khi ta đến với Thiền, ta được gì? Và khi ta hành Thiền ta sẽ được những gì?

Tôi không nói đến những kết quả quá cao xa của Thiền, tức là đưa đến những tư tưởng siêu hình của Phật giáo (Thích Ca ngồi Thiền dưới gốc Bồ Đề 49 ngày), của Mahomet ("Năm hai mươi lăm tuổi, ông vô núi Hira - gần thành Mecque trầm tư trong một thời gian, như Đức Phật dưới gốc Bồ Đề, và lần lần ánh sáng hiện ra trong óc ông" - Nguyễn Hiến Lê, Gương chiến đấu, trang 134)

Nói chung lại, trong tư thế yên tĩnh, không động đậy, mắt nhắm lại, bên trong thì gác bỏ mọi suy nghĩ, ưu tư phiền não, để tâm hồn lắng xuống... Và trong sự lắng xuống của cuộc sống trần thế ấy, thì cuộc sống của tâm linh lại bắt đầu trổi lên, bạn có thể sẽ thấy, sẽ hiểu những vấn đề liên hệ đến con người (Nhân Sinh Quan) và vũ trụ (Vũ Trụ Quan) tùy theo căn cơ của Bạn.

Đến đây, tôi nghĩ Bạn sẽ không tin điều tôi viết, nhưng tôi sẽ cố gắng chứng minh để Bạn được hiểu rõ hơn.