Ăn khỏe, ăn đủ chất dinh dưỡng, song nhiều người không thể nào tăng cân, trọng lượng cơ thể luôn ở dưới mức chuẩn xét trên tương quan cân nặng - chiều cao. Vì sao? Do khả năng hấp thụ kém, hay còn vì những lý do nào khác nữa?


Mặc dù ăn mỗi bữa 3 bát cơm với đầy đủ thức ăn thuộc các nhóm dinh dưỡng thiết yếu cộng thêm với không biết bao nhiêu là thuốc bổ và thực phẩm chức năng nhưng cân nặng của chị Hoa chưa bao giờ vượt quá ngưỡng 40kg. Cao 1m58, chị Hoa lúc nào cũng ao ước được tăng thêm dăm bảy kg cho đẹp nhưng việc này dường như ngoài tầm tay của chị.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Trung tâm khám và Tư vấn dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, trung tâm của chị thường xuyên tiếp những người như chị Hoa đến khám và nhờ tư vấn. Thắc mắc của họ luôn luôn chỉ có một câu hỏi: Tôi ăn uống như vậy mà thức ăn không vào người thì đi đâu?

Lý do không thể béo

Theo thạc sĩ Hải, khả năng tăng cân phụ thuộc vào hai yếu tố: Khả năng hấp thụ và chuyển hóa. Một người ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng không thể tăng cân thì việc đầu tiên cần phải để ý đến là khả năng hấp thụ thức ăn của người đó có tốt không.

Khả năng hấp thụ thể hiện ở việc tiêu hóa thức ăn. Điều này thường biểu hiện qua tính chất của phân và số lần đi ngoài. Những người hấp thụ kém thường hay bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống, phân lỏng, táo bón, đi nhiều lần trong một ngày.

Nếu vấn đề tiêu hóa thức ăn không có rối loạn thì phải nghĩ tới việc chuyển hóa cơ bản. Những người gầy thường là những người có chuyển hóa cơ bản cao, thể hiện ở chỗ sờ vào da bao giờ cũng thấy nóng hơn những người béo.

Về khoa học, chuyển hóa cơ bản là số năng lượng tiêu hao được dùng cho các hoạt động tối thiểu của cơ thể như tim đập, phổi thở. Chuyển hóa này ở mỗi người không giống nhau: có người cao, có người thấp. trung bình mỗi người cần 1.200 - 1.400 kcal/ngày.

Năng lượng này tiêu tốn vào các hoạt động và một phần dành cho chuyển hóa cơ bản. Những người nào có chuyển hóa cơ bản cao sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, do đó thường sẽ gầy hơn những người có chuyển hóa cơ bản thấp.

Bên cạnh lý do trên, thói quen ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng. Qua khám cho những người ăn nhiều nhưng vẫn gầy, thạc sĩ Hải nhận thấy một số điểm chung ở những người này: đó là ít ăn vặt, ăn ít chất béo và chất ngọt mà đây lại chính là nhóm chất cung cấp nhiều năng lượng.

Ngoài ra những người mắc bệnh nhiễm trùng mãn tính đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan, viêm VA...), đường tiêu hóa (dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng...) hay những người bị rối loạn chuyển hóa nội tiết (basedowns, đái tháo đường type I) cũng là những người có thể trạng gầy, dù có thể ăn khỏe. Nguyên do là khi mắc các bệnh này, chuyển hóa cơ bản thường cao hơn, vì thế, năng lượng tiêu hao sẽ nhiều hơn.

Tăng cân, cách nào?


Theo thạc sĩ Hải, những người gầy muốn cải thiện trọng lượng cơ thể cần phải đi tìm nguồn gốc của việc không thể tăng cân. Nếu lý do nằm ở vấn đề hấp thụ thì có thể điều chỉnh bằng men tiêu hóa.

Ngoài ra, cần phải xem bạn có vấn đề về rối loạn giấc ngủ hay không. Những người ngủ ít, khó ngủ, giấc ngủ không sâu, hay thức giấc thường cũng không thể béo, dù có ăn nhiều cỡ nào. Đơn giản là khi cơ thể ở trong trạng thái ngủ, chuyển hóa cơ bản ở mức thấp nhất.

Nếu nguyên nhân không nằm trong các lý do trên, những người gầy triền miên nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được đo chuyển hóa cơ bản. Nếu bạn là người có chuyển hóa cơ bản cao thì không cách gì có thể cải thiện được trọng lượng cơ thể.

(khoe)