Nhà sư bằng lòng. Võ thuê vài tên vô lại và gái thanh lâu xinh đẹp , trải chiếu làm chuyện dâm dục trứơc mặt nhà sư. Ban đầu nhà sư cười nói như thường, nhưng một hồi lâu bỗng nhắm mắt không nhìn nữa. Xuất kỳ bất ý, Võ rút kiếm chém một nhát, đầu nhà sư liền rơi. Võ nói: -Nhà sư không có thuật gì lạ. Dày công luyện khí khiến cho cơ thể cứng rắn. Tâm định thì khí tụ, tâm động thì khí tán. Lúc ban đầu, tâm nhà sư không động nên nhà sư dám nhìn tự do. Đến khi nhà sư nhắm mắt, thì biết tâm nhà sư đã động. Cho nên chém xuống, không thể kháng cự được”Qua câu chuyện, có thể thấy vai trò quan trọng của việc Tĩnh Tâm trong võ thuật. Người luyện công là một Thiền giả thực sự trong lĩnh vực của mình. Hẳn không phải ngẫu nhiên khi câu chuyện này xuất hiện tại một vùng đất võ, nơi có những môn phái võ đạt tới đỉnh cao trong lịch sử võ thuật Việt Nam, cũng đồng thời là nơi ghi dấu sự dừng chân của những thiền sư có tên tuổi của Thiền học Việt Nam như Thiền sư Nguyên Thiều . Mặt khác, không chỉ trong lĩnh vực khí công, nhiều lĩnh vực khác của võ thuật cũng mang nhiều thiền ý. Võ thuật là một nghệ thuật chiến đấu, song, muốn đạt được đỉnh cao trong nghệ thuật này cũng cần đến sự Đốn Ngộ. Người ta thường nhắc đến câu nói của Thiền sư Hạnh Tư, người đứng đầu tăng chủng, học trò của Lục tổ Huệ Năng , có lần nói: “khi chưa tham Thiền, nhìn núi là núi, nước là nước; lúc tham Thiền nhìn núi không phải là núi, nước không phải là nước; tới khi tham thiền khai ngộ, nhìn núi lại vẫn là núi, nước lại vẫn là nước”. Ai đã từng học võ cũng sẽ chia sẻ với Thiền sư Hạnh Tư các giai đoạn cảm nhận “là, không phải là, lại vẫn là” như câu chuyện trên của nhà Phật mới có thể chứng ngộ được chỗ ảo diệu của võ đạo. Lý Tiểu Long(Bruce Lee), một gương mặt xuất sắc của làng võ thế giới thế kỷ 20, đã từng dựa vào ý trên mà đưa ra triết lý võ thuật của mình, sáng lập Triệt Quyền Đạo (Jet kun do). Ông nói: “khi tôi chưa học võ, thấy quyền chỉ là quyền, thấy cước chỉ là cước; khi tôi đã học võ rồi, thấy quyền không phải là quyền, cước không phải là cước; khi tôi đã nhập vào chốn thâm sâu của võ, thấy quyền chỉ là quyền, thấy cước chỉ là cước” (Theo tạp chí Black Belt). Tại sao như thế? Trước Lý, nền võ thuật truyền thống Trung Hoa đang để lại một di sản nặng nề vô số bài bản và những cuộc cãi vã kỹ thuật nào là chính thống, đâu là nguỵ tạo. Lý theo học môn phái Vịnh Xuân Quyền, một môn phái bắt nguồn từ Ngũ Mai lão ni của Chùa Thiếu Lâm, học Karatedo và nhiều môn võ khác . Là một tài năng võ thuật, Lý tìm cách tổng hợp, dung hòa những kỹ thuật các môn phái khác vào vốn võ của mình và loại bỏ những kỹ thuật rườm rà để đạt hiệu quả. Hành trình tìm kiếm của Lý chỉ thực sự đạt đốn ngộ sau khi Lý tiếp xúc với những tư tưởng Thiền học (Lý theo học chương trình triết học ở Đại học bang Califonia ),và Lý đã dung hoà những tư tưởng đó tạo nên sự cách tân của Triệt quyền đạo: không có bài quyền, không có chiêu thức, chặn đối phương từ gốc để đạt mục đích. Và cao hơn, học võ là để đạt đạo, cái tìm được không chỉ là sự khoẻ mạnh của thể chất mà còn là để có thái độ nhìn thẳng, chấp nhận hiện thực trong một thế giới đầy biến động . Bởi lẽ Võ đạo đi đôi với Tâm đạo. Khi chưa học võ, những con người bình thường thấy thế giới ngoài Tâm, quyền cước chỉ đơn giản là thế giới thực trần trụi của những kỹ thuật chiến đấu theo kiểu nhìn gì thấy nấy. Khi đã có cái Tâm võ, con người vượt khỏi thế giới ngoài tâm, trong tâm trí họ những kỹ thuật chiến đấu đã tan biến, cho nên nhìn quyền không phải là quyền, cước không phải là cước. Nhưng khi đã đốn ngộ được chân lý của võ thuật, cái nhìn không còn phân biệt hai thế giới trong và ngoài tâm, dẹp xả mọi hằn thù, không còn ý định sát đấu, thì quyền chỉ là quyền, cước chỉ là cước. Những triết lý “vô chiêu” thâm sâu này có thể thấy hiện hữu trong rất nhiều tiểu thuyết võ thuật cuả Kim Dung, đem lại cái chất nhân bản trong đao kiếm , tạo chiều sâu tâm hồn cho các nhân vật của ông.

Võ học Việt Nam đang trên đường được bảo tồn và chấn hưng. Nhiều bài bản đang được khôi phục, nhiều tinh hoa được tìm kiếm. Nhưng phải chăng, bên cạnh sự tìm kiếm những phần tinh hoa đó, cũng cần để mắt tìm kiếm cái nguồn gốc triết học sâu xa đã là nền tảng, chỗ dựa cho các phái võ Việt Nam qua các thế kỷ chiến đấu chống ngoại xâm mà tinh thần Thiền học Việt Nam là một trong những cội nguồn căn bản? Và nên chăng, trong các chương trình huấn luyện của các võ đường của nước ta, phần kiến thức về võ học, võ đạo , trong đó có Thiền học ứng dụng trong võ đạo cần được nghiên cứu , truyền dạy để đưa võ sinh đến với con đường võ đạo chân chính?