I.3. LỤC PHỦ

1. Tên gọi:


Phủ ở đây có nghĩa là cái kho chứa đựng tài vật. Lục Phủ nghĩa là 6 cái kho chứa.

2. Vị trí:

Xem hình dưới ta thấy Lục Phủ chỉ 3 cặp xương hai bên mặt, chạy dài từ trán xuống đến mang tai. 3 cặp xương này chia thành 3 bộ phận.

Phần phía trên, từ dưới chân tóc chạy đến đuôi lông mày (phần 1 trên hình) nằm ở phía trên nên có tên gọi là thiên thương thượng phủ.

Phần ở giữa (số 2 trên hình) bao gồm cặp lưỡng quyền đến tai, gọi là Quyền cốt trung phủ.

Phần dưới (phần 3 trên hình) là phần 2 bên mang tai, gọi là tai cốt hạ phủ.

3. Ý nghĩa và phương pháp quan sát:

Vì phủ ở đây có nghĩa là cái kho chứa tài vật nên Lục phủ cho ta biết khái quát về tài vận.

Lục phủ lấy cốt (xương) làm gốc: xương nẫy nở cân đối, đúng cách là tốt, ngược lại nếu xương khuyết hãm, hay lệch là xấu. Tất nhiên, khi quan sát cần xem cả phần thịt bổ trợ nữa. Xương cần có thịt bổ trợ mới đầy đặn, sung mãn.

4. Thời vận
Phần trên (Thiên thương thượng phủ): chỉ thời gian lúc còn niên thiếu, có thể nhờ gia đình mà thụ hưởng. Những người có bộ phận này sung mãn nghĩa là được cha mẹ, gia đình chu cấp dồi dào.

Phần giữa (Quyền cốt trung phủ): Chỉ thời gian trung niên, phần lớn là do mình tạo ra.

Phần dưới (tai cốt hạ phủ): chỉ về tiền tài lúc hậu vận
.3. TỨ ĐẬU VÀ NGŨ QUAN

A. TỨ ĐẬU:

1. Nguồn gốc:


Đậu trong khoa tướng học (ở đây nói về xuất xứ tại Trung Hoa) có nghĩa là cái rãnh, cái mương nước. Cũng giống như Lục Phủ, Tứ đậu được tướng học hoá từ các hiện tượng thiên nhiên.

2. Vị trí:

Tứ đậu bao gồm: Mắt, Mũi, Miệng và Tai.

Mắt có tên là Hoài đậu,

Mũi có tên là Tế đậu,

Miệng có tên là Hà đậu,

và Tai có tên là Giang đậu.

Đây cũng chính là 4 con sông của Trung hoa.

(Bạn đọc không cần nhớ tên các con sông Trung hoa, ở đây chỉ nhắc lại nếu bạn nào đọc sách thì dễ nhận biết mà thôi).

3. Ý nghĩa tổng quan:

Tất nhiên khi xem bốn bộ phận trên như các dòng sông thì phải liên tưởng đến biển, vì sông thì phải đổ ra biển. Và ở đây, bộ óc con người được xem như biển. Bộ óc con người tiếp thu các cảm nhận từ tai mắt mũi miệng.

Cũng giống như ngũ nhạc, lục phủ, khi luận đoán về Tứ đậu, người ta lại hình tượng hoá thiên nhiên vào tính cách con người.

Muốn sông chảy ra biển tốt thì mặt sông phải rộng, sông phải sâu, không bị vật cản,...

Như vậy, mỗi đậu phải có những đặc trưng riêng và phải phối hợp hài hoà. Phần luận về các bộ phận xin được đề cập vào các mục riêng.

Cũng cần phải nói thêm về nhân trung. Khi luận về tứ đậu, phải nên bao gồm cả nhân trung.

B. NGŨ QUAN

1. Vị trí


Ngũ quan gồm 5 bộ phận trên khuôn mặt: Hai lông mày, hai mắt, hai tai, mũi, và miệng.

Hai lông mày gọi là Bảo thọ quan,

Cặp mắt gọi là Giám sát quan,

Hai tai gọi là Thám thính quan,

Mũi gọi là Thẩm biện quan,

Miệng gọi là Xuất nạp quan.

Trong tướng học, ngũ quan rất quan trọng. Các sách viết về tướng pháp đều tập trung rất nhiều vào ngũ quan.

2. Ý nghĩa tổng quan

Trong tướng học, khi bàn về ngũ quan, người ta tóm tắt trong một câu sau: Ngũ quan cần phải Minh lương và Đoan chính. Minh lương nói về phẩm chất còn Đoan chính nói về hình dạng.

Minh lương có nghĩa:

Thanh khiết,
Sáng sủa,
Có thần khí,
Trang nhã,

Còn Đoan chính nghĩa là:

Ngay ngắn,
Rỏ ràng,
Cân xứng và lớn nhỏ tuỳ nghi.