+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Phan Thị Bích Hằng sẽ dừng công việc “ngoại cảm”?

  1. #1
    kimthao77
    Guest

    Question Phan Thị Bích Hằng sẽ dừng công việc “ngoại cảm”?

    Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng mới đây tuyên bố, chị đã quyết định dừng công việc ngoại cảm, không tiếp nhận hồ sơ những cá nhân đề nghị chị tìm giúp phần mộ của người thân.

    Theo Phan Thị Bích Hằng, ý định này chị đã nghĩ đến từ đầu năm 2010 và chị cũng đã công bố trên 1 vài diễn đàn dưới dạng thông tin không chính thức. Tuy nhiên, dừng lại công việc “áp dụng khả năng ngoại cảm” đối với Phan Thị Bích Hằng không đồng nghĩa với “đoạn tuyệt” công việc tìm mộ.

    “Hiện nay, tôi mới giải quyết xong phần tìm mộ của các hồ sơ nhận từ năm 2008. Tôi dừng lại để có thể hoàn thành công việc tìm mộ của hơn 5.000 hồ sơ mà bà con đã tin tưởng gửi gắm. Dừng lại nghĩa là tôi sẽ không nhận thêm hồ sơ do các cá nhân nhờ giúp còn trong đời sống sau này, trên những bước đường tôi qua, nếu có duyên “gặp gỡ”, tôi vẫn sẽ “chỉ đường” để những người bị “mất mộ” người thân biết mà nhận lại”, Bích Hằng chia sẻ.

    Áp lực lớn nhất là dư luận xã hội


    Phan Thị Bích Hằng cho biết, áp lực lớn nhất trong suốt 21 năm là 1 nhà ngoại cảm với chị và với các nhà ngoại cảm có lẽ là cách nhìn nhận của dư luận xã hội.

    “Người ta thường đòi hỏi nhà ngoại cảm phải chính xác tuyệt đối nhưng trên thực tế thì không có gì tuyệt đối cả. Không riêng gì tôi mà rất nhiều các nhà ngoại cảm khác đã bị chỉ trích nếu chẳng may có sai sót. Chính điều đó khiến chúng tôi mất hết nhiệt huyết.

    Có lẽ là do họ chỉ nhìn thấy chúng tôi, gặp chúng tôi những lúc chúng tôi sạch sẽ, ăn mặc đẹp còn những khi chúng tôi khoác ba lô lên đường, lội sông, lội suối, những lúc nguy hiểm như lần tôi tìm thấy ngôi mộ liệt sĩ mà chỉ cách bẫy lợn rừng có 1m, những lần vào rừng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bị ong đốt suýt chết … thì dường như chẳng ai nhớ đến.

    Nhưng chỉ 1 lời nói bâng quơ trong cuộc điện thoại hỏi thăm giữa 2 người bạn với nhau trong vụ xe khách bị lũ cuốn vừa qua cũng bị “nghiêm trọng hóa vấn đề”. Rồi những tin đồn về cầu Bãi Cháy, cầu Thăng Long, cầu Long Biên, tôi không nói, không phát ngôn mà cũng bị đồn thổi ầm ĩ.

    Trong tất cả mọi công việc đều phải có xác suất. Tôi mong rằng độc giả nên mở lòng hơn với các nhà ngoại cảm”, Bích Hằng tâm sự.

    Rất mừng nếu hết “khả năng”


    “Trước đây, thứ 7 nào tôi cũng tiếp dân nhưng bắt đầu từ năm 2010, tôi đã bỏ lệ đấy. Bạn thử nghĩ xem, ngày nào cũng như ngày nào, cứ 5 - 6h sáng, vừa mở mắt đã có người xếp hàng chờ ngoài cửa, chiều 4h30 - 5h về, người cũng lại xếp hàng đầy cửa. Đến 23h30 hết khách là chuyện bình thường.

    Nhiều lần tôi mệt quá đã nói người nhà ra bảo với mọi người rằng Bích Hằng hết khả năng rồi. Hồi năm 1997 khi mang thai đứa con đầu lòng, tôi đã phải viết là Phan Thị Bích Hằng hết khả năng và còn nhắn mọi người sang chỗ anh Liên (Thầy Liên – pv) nếu cần.

    Thực ra hết hay còn khả năng chỉ có mình tôi biết. Tôi rất thấm nhuần điều mà Khổng Tử đã rút ra: Biết bắt đầu công việc là người giỏi, biết làm việc là người tài, biết dừng lại đúng lúc là vĩ nhân.

    Trong lĩnh vực ngoại cảm tôi đã cống hiến hơn 20 năm rồi, chính xác là 21 năm từ khi tôi mới có 18 tuổi, cả 1 quãng đường dài và với một công việc luôn rất căng thẳng, phải hao tâm tổn trí rồi những áp lực... Là người có khả năng đặc biệt nhưng ngoài ra tôi cũng chỉ là 1 phụ nữ hoàn toàn bình thường, có bổn phận làm con, có trách nhiệm làm vợ, làm mẹ.


    Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng

    Tôi đã từng rất thương với “ông xã”, khi ngày này qua tháng khác, tôi thì cứ ba lô lên đường đi tìm mộ liệt sĩ đến nỗi thấy 3 bố con chiều thứ 7 nào cũng đi chơi ở Công viên Thủ Lệ, 1 cô bán nước gần đấy đã hỏi ông xã tôi, anh bị vợ bỏ à?

    Hồi bố chồng tôi bị ốm, phải nằm liệt giường, vì công việc, tôi vẫn phải đi tối ngày, lúc đó chồng tôi đã nói với tôi rằng: “Anh có 2 ước mơ, thứ nhất đó là khi ngủ dậy thì bố đứng lên đi lại được. Và ước mơ thứ hai là bỗng một sáng thức dậy, em nói với anh: anh ơi, hình như em hết khả năng rồi?

    Đấy là ước mơ rất dung dị nhưng tôi nghĩ đã đến lúc phải sống cho giấc mơ đấy, cho bản thân mình và cho những người thân của mình nữa", chị Bích Hằng tâm sự.

    Nói về lý do dẫn đến quyết định “dừng” công việc tìm mộ, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết có 3 lý do khiến chị muốn dừng lại. Thứ nhất, chị muốn dừng lại để có thời gian tập trung vào công việc học hành và hoàn thành đề tài nghiên cứu về tâm linh trong tâm lý kinh doanh. Chị dự định sẽ viết một cuốn sách về những việc đã làm trong hơn 20 năm.

    Thứ hai nữa là do căn bệnh cột sống khiến Bích Hằng không thể suốt ngày ngồi trên ô tô để đi tìm mộ: “Hiện nay, các bác sĩ không cho phép tôi ngồi quá 45 phút và theo bác sĩ ở Viện Dân tộc Quân đội thì khí âm trong tôi quá nhiều, ngồi đâu cũng thấy lạnh mà nguyên nhân theo bác sĩ cho biết là vì tôi tiếp xúc với hài cốt nhiều nên cái hàn xâm nhập vào cơ thể”.

    Và lý do thứ 3 nữa theo Bích Hằng là chị muốn dừng lại để có thời gian gần gũi, chăm sóc cho chồng con nhiều hơn, thực hiện ước mơ dung dị mà chồng chị đã từng “ngỏ”.

    (Theo VTC News)

  2. #2
    happy
    Guest

    Re: Phan Thị Bích Hằng sẽ dừng công việc “ngoại cảm”?

    Những dấu hỏi lớn về "huyền thoại ngoại cảm" Phan Thị Bích Hằng (P1)

    http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/gia...P1/9053933.epi

    Trong giới ngoại cảm, bà Phan Thị Bích Hằng được nhiều người mặc định là thương hiệu uy tín nhất. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến đặt ra nghi ngờ về tính xác thực của những câu chuyện mà nhà ngoại cảm này từng kể để tạo dựng nên "thương hiệu".

    LTS: Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên suốt dải đất hình chữ S vẫn còn hàng chục vạn hài cốt liệt sỹ nằm lại nơi rừng sâu, núi thẳm. Và cũng từng đó thân nhân gia đình liệt sỹ luôn khắc khoải mang theo bên mình nỗi đau không gì bù đắp nổi. Công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ vừa là trách nhiệm, vừa là tâm nguyện của cả một dân tộc để tri ân những người đã vì nước quên thân. Trong suốt quá trình đó, không thể phủ nhận đóng góp của nhiều nhà ngoại cảm.

    Việc tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm (khả năng đặc biệt) là một vấn đề mang tính khoa học và khả năng này có ở rất ít người. Trên hết, kết quả tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm phải dựa trên nhiều chứng cứ khoa học.

    Loạt bài sau đây của báo điện tử Giáo dục Việt Nam không hề mang tính "phủ nhận sạch trơn" những đóng góp của các nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, cái nhìn đa chiều về một sự việc, hiện tượng là điều cần thiết. Những thông tin mà nhóm phóng viên, cộng tác viên báo Giáo dục Việt Nam đã dày công tìm hiểu về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là minh chứng cho điều này.

    Trong giới ngoại cảm, bà Phan Thị Bích Hằng được nhiều người mặc định là một trong rất ít thương hiệu uy tín. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến đặt ra nghi ngờ về tính xác thực của những câu chuyện mà nhà ngoại cảm này từng kể để tạo dựng nên "thương hiệu".

    Bài 1: Tìm di cốt Tướng Phùng Chí Kiên: Đúng tất cả, chỉ sai... ADN

    Nỗi trăn trở thế kỷ trong gia tộc của vị tướng đầu tiên

    Phùng Chí Kiên, tên khai sinh là Nguyễn Vỹ, còn có tên khác là Mạnh Văn Liễu, sinh năm 1901 tại làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thời kỳ 1925-1927, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã cử hội viên về Nghệ Tĩnh hoạt động. Nhiều thanh niên, học sinh được đưa sang Quảng Châu học tập. Tháng 10 năm 1926, Phùng Chí Kiên cùng một số hội viên được giới thiệu sang Quảng Châu, dự lớp huấn luyện đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức rồi vào học trường Quân sự Hoàng Phố. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

    Nhiều tài liệu khẳng định, Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng khóa I (1935). Như vậy, Phùng Chí Kiên được coi như bậc khai quốc công thần và cũng chính Phùng Chí Kiên là người đầu tiên chính thức được phong hàm Tướng bằng Sắc lệnh 89/SL do Hồ Chủ tịch ký ngày 23/9/1947.

    Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Phùng Chí Kiên cùng Hồ Quang về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Ông tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. Ông tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; được cử trực tiếp tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và là Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn.

    Cuối tháng 6 năm 1941, chính quyền thực dân Pháp huy động tới 4.000 quân tổ chức thành ba mũi tấn công mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang mới hình thành. Các cơ sở bí mật của Trung ương Đảng và Cứu quốc quân bị uy hiếp nghiêm trọng. Trong cuộc họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), Ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định cử một tổ bảo vệ và dẫn các cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản qua Tràng Xá về xuôi an toàn.

    Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp. Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn địch, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng. Ngày 19 tháng 8 năm 1941, cánh quân của Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri qua Pò Kép (châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị đối phương phục kích nhưng thoát được.

    Ngày 21 tháng 8 năm 1941, đơn vị lại bị phục kích và bị bao vây tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Lương Văn Tri bị thương rồi hy sinh. Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, ông bị bắt. Ngày 22 tháng 8 năm 1941, địch chặt đầu ông rồi bêu ở đầu cầu Ngân Sơn hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương.

    Cũng kể từ đó, phần hài cốt này đã bị thất lạc. Năm 1990, phần hài cốt không đầu của ông Phùng Chí Kiên được đưa về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

    Trải suốt hàng chục năm, dòng tộc Nguyễn Văn tại xã Diễn Yên không nguôi niềm trăn trở tìm kiếm phần di cốt trên. Ngay từ những năm 70, hàng năm, tranh thủ thời gian nghỉ phép, thân nhân ông Phùng Chí Kiến đã tìm lên Bắc Kạn, la cà khắp các ngõ ngách, hỏi han dân chúng trong địa bàn mà ngày xưa "chú Vỹ" đã chiến đấu và hy sinh, nhưng đều không thu lượm được kết quả gì. Phần hài cốt bị thất lạc của ông Phùng Chí Kiên vẫn chưa có manh mối nào.

    “Điều đó khiến cả dòng họ nhà tôi trăn trở. Mấy chục năm trời, dòng họ này cứ trăn trở khôn nguôi mong ngóng tìm được phần hài cốt bị thất lạc, làm các thủ tục công nhận danh hiệu liệt sỹ, danh phận cho cụ Phùng Chí Kiên. Năm 1994, cụ được tặng Huân chương chiến công hạng 3. Năm 2003, cụ được truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Tuy nhiên, phần hài cốt bị thất lạc thì vẫn bặt mối thông tin”, một người con cháu của cụ Phùng Chí Kiên kể lại với phóng viên.

    Việc tìm thấy di cốt còn thất lạc của ông Phùng Chí Kiên vừa là ước nguyện vừa là nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước, của nhân dân và gia đình người chiến sĩ cách mạng Phùng Chí Kiên.

    Niềm hy vọng về việc tìm được phần hài cốt của liệt sỹ Phùng Chí Kiên tưởng như vơi dần rồi tắt lịm thì gia tộc họ Nguyễn đã may mắn có duyên được bà Phan Thị Bích Hằng đứng ra góp sức tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm vào đầu năm 2008. Việc tìm thấy phần hài cốt bị thất lạc của vị tướng đầu tiên tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian.

    Hỗ trợ tối đa, trùng khớp từng chi tiết, chỉ sai... ADN

    Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đậu, người đang trông coi khu thờ tự của cụ Phùng Chí Kiên tại quê nhà Nghệ An thì ông Phùng Chí Kiên là anh em với ông nội ông. Việc tìm mộ của cụ Phùng Chí Kiên khiến gia đình nhiều lần trăn trở: “Nhưng gia đình không có điều kiện đâu cháu ạ! Phải thông qua những mối liên hệ, sự giúp đỡ của các nhà báo và một số mối quan hệ đặc biệt khác thì gia đình mới có chi phí đi tìm và gặp được Phan Thị Bích Hằng. Việc tìm kiếm ngày bấy giờ có cả sự chỉ đạo, cho ý kiến của Bộ Quốc phòng”.

    Một đoàn tìm kiếm được thành lập vào khoảng tháng 4/2008, bao gồm một số nhà báo, đại diện gia đình, một vị đại tá quân đội. Đoàn tìm kiếm này tất nhiên không thể thiếu Phan Thị Bích Hằng. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Quang, cháu gọi Phùng Chí Kiên là ông thì trước khi đi tìm mộ của cụ Phùng Chí Kiên, đại diện gia đình, đoàn tìm kiếm cùng Phan Thị Bích Hằng đã ra cúng bái vong hồn cụ Phùng Chí Kiên tại nghĩa trang Mai Dịch và vào làm lễ tại chùa Phúc Khánh.

    “Thông qua" bà Phan Thị Bích Hằng, ông nhà mình còn nhắn lại với con cháu: "Khi các con đi đến Ngân Sơn, nhớ đi qua chùa Thành Long để cúng anh em đồng đội ở đó cho ông. Đầu tháng 4/2008, đoàn tìm kiếm chính thức lên Bắc Kạn. Bà Hằng có việc bận nên phải ở lại Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Quang cho biết.

    “Vì ông tôi là một chí sỹ cách mạng lão thành, anh dũng hy sinh nên việc tìm kiếm phần hài cốt bị thất lạc rất được lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn, lãnh đạo huyện Ngân Sơn quan tâm, tạo điều kiện. Họ còn cử người đi theo dẫn đường, giúp đỡ. Dù có sự đóng góp của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, có những thời điểm, việc tìm kiếm gần như lâm vào bế tắc.

    Manh mối về những người có thể biết thông tin về phần hài cốt của ông nhà tôi được các cơ quan, cá nhân tại tỉnh Bắc Kạn hết mực tạo điều kiện, lần tìm ra. Ví dụ như trường hợp của ông thợ cắt tóc, người được cho là đã ăn trộm phần đầu của cụ Phùng Chí Kiên rồi đem chôn cất vì cảm kích trước sự hy sinh anh dũng của cụ cũng được các nhà báo, công an tìm thấy dù đã đổi tên, chuyển nhà đi nơi khác. Mọi động thái, tiến độ tìm kiếm đều được báo cáo lại với Bí thư tỉnh ủy Bắc Kạn hồi bấy giờ.

    Bà Hằng đi cùng đoàn nhưng đến tối 7/5 thì bà Hằng có việc bận phải về gấp. Tuy bà Hằng không đi nhưng mọi chỉ đạo đều do Bích Hằng. Ví như đi giờ nào là do cô ấy quyết định hết. Đoàn tìm kiếm và các ban ngành chỉ việc nghe theo. Đối với tôi, tôi rất tin bà Hằng vì bà ấy nói rất đúng về các chi tiết liên quan tới ông nhà tôi”, ông Quang cho hay.

    Việc khai quật vị trí được cho là có hài cốt của cụ Phùng Chí Kiên được định vào ngày 7/5/2008. Trước khi khai quật, có sự tham gia chứng kiến của đầy đủ ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Kạn. Vị trí khai quật thuộc địa bàn Tiểu khu 1, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn. 1h30 ngày 8/5, việc khai quật chính thức bắt đầu.

    “Phần di cốt bị thất lạc của cụ Phùng Chí Kiên nhanh chóng được tìm thấy nhưng trước đó, khi làm việc với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn, họ đã nói rõ tìm thấy đầu mà không thấy răng thì không phải đầu người. Vì thế, đến 4h sáng, việc tìm kiếm chưa thể kết thúc vì không thấy chiếc răng nào. Đúng lúc đó thì bị mất điện. Gọi điện cho Bích Hằng thì cô ấy bảo là cụ Phùng Chí Kiên bảo để cho mọi người nghỉ. Sáng mai đúng 7h sẽ tìm thấy. Đúng như lời bà Hằng, 7h sáng hôm sau thì tìm thấy mẩu xương được cho là răng của cụ nhà tôi. Việc tìm kiếm kết thúc. Trong quá trình đi tìm thì đường đi như thế nào, bà Hằng miêu tả chính xác luôn. Tất cả các chi tiết, từ đường xá, địa hình và đặc điểm phần hài cốt đựng trong cái gì đều rất chuẩn xác...”, ông Quang nhớ lại.

  3. #3
    happy
    Guest

    Re: Phan Thị Bích Hằng sẽ dừng công việc “ngoại cảm”?



    Sau đó, Biên bản đào bới, khai quật mộ liệt sĩ được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn lập, các cơ quan chức năng và đoàn thể địa phương cùng đại diện gia đình là ông Nguyễn Văn Quang ký vào biên bản. Cùng ngày, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, thay mặt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn, Trung tá Hoàng Bình Tĩnh bàn giao bọc đỏ được niêm phong cho ông Đào Tất Vinh, đại diện Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Cạn Hoàng Thị Tảo, đại diện gia đình và đoàn tìm kiếm.

    Như vậy, 68 năm sau ngày hi sinh, phần hài cốt của cụ Phùng Chí Kiên tưởng như đã được tìm thấy thông qua sự vào cuộc nhiệt tình của đoàn tìm kiếm và sự hỗ trợ của lãnh đạo các ban, ngành tỉnh Bắc Cạn và nhất là sự “chỉ đạo” của Bích Hằng. Phần hài cốt trên đã được đưa đi giám định tại Viện pháp y quân đội. Tuy nhiên, khi mà mọi người đều tin chắc rằng phần hài cốt được tìm thấy chính là di cốt từng thất lạc của cụ Phùng Chí Kiên, thì ngày 16/9/2008, theo công văn số 288 của Viện Pháp y Quân đội trả lời việc giám định đã nêu rõ: “Những mẫu vật mà Viện này nhận được sau khi giám định đã xác định bao gồm: Đất lẫn đá vụn, 13 mảnh sành và 3 mảnh đá nhỏ, 1 răng lợn rừng. Theo kết quả đó, công văn này kết luận: Mẫu vật gửi tại Khoa giải phẫu Bệnh viện 108 không phải là một phần hài cốt của đồng chí Phùng Chí Kiên”.

    Hành trình tìm một phần hài cốt của cụ Phùng Chí Kiên lại rơi vào bế tắc.

    Bài 2: Nghi ngờ về cái chết giả "khai sinh" của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng

    Có một công thức chung đã được mặc định: Những con người có khả năng siêu phàm trong giới ngoại cảm, cô đồng thường phát hiện ra khả năng huyền diệu của mình sau những lần thập tử nhất sinh đầy kỳ bí. Trường hợp bà Phan Thị Bích Hằng cũng không phải là một ngoại lệ.

    Câu chuyện về cái chết hụt kỳ bí mà bà Phan Thị Bích Hằng kể lại (được ghi hình, và không hiểu bằng cách nào đó, bị phát tán tràn lan trên mạng), được coi là bước ngoặt khiến bà, từ một thiếu nữ thôn quê bình thường trở thành một nhà ngoại cảm được nhiều người biết tới. Có thể nói, với nhiều người, chính cái chết hụt đó đã " khai sinh" ra một "huyền thoại" trong giới ngoại cảm. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm về địa phương nơi gia đình bà Hằng từng sinh sống, lại có nhiều câu chuyện khác, rất trái ngược...

    (còn tiếp)

  4. #4
    happy
    Guest

    Re: Phan Thị Bích Hằng sẽ dừng công việc “ngoại cảm”?

    THẾ GIỚI KHÔNG NHƯ MÌNH THẤY - KỲ 1

    http://www.youtube.com/watch?v=b5-xTHlO6c4

    THẾ GIỚI KHÔNG NHƯ MÌNH THẤY - KỲ 2

    http://www.youtube.com/watch?v=_fum9BLbdYs

+ Trả lời Chủ đề

Tag của Chủ đề này

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình